Giáo hội Công giáo nên có các vị thánh L.G.B.T.

26/09/2022
1655

 

Tôi thích một khung cảnh sinh động về các vị thánh gồm 15, 20, 30 người vây quanh Mẹ Maria hay Chúa Giêsu và hướng mặt về phía trước, trên đầu có những quầng sáng màu vàng như mặt trời. Nó giống như thể được nhìn thấy tất cả các thành viên của loạt phim Justice League hoặc của nhóm X-Men. Điều này giống như trò chơi thử xem bạn có thể nhận ra tất cả các nhân vật này hay không, ghi nhớ đặc điểm nhận diện và siêu năng lực của họ. Nhưng đối với tôi, thật yên lòng khi thấy tất cả các vị thánh đều quây quần bên nhau. Đặc biệt, nếu khung cảnh đó được phong phú hơn chỉ là những người đàn ông độc thân da trắng, thì đó hẳn như được nhìn thoáng qua về vương quốc của Thiên Chúa, một ngôi nhà dành cho hết thảy chúng ta.

Nhưng cách đây vài năm, tôi có dịp đến Nhà thờ Chánh Tòa Nữ Vương các Thiên thần ở Los Angeles, tôi chỉ cho vài người bạn xem những bức tranh thảm về các vị thánh được trang trí tuyệt đẹp trên các bức tường của nhà thờ. Được hoạ sĩ John Nava vẽ nên, các thánh trông thật phi thường, họ gồm những người trẻ, người già, người châu Âu, châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và bản địa, phụ nữ và đàn ông, tất cả đều vây quanh và cùng nhau hướng về Chúa.

Khi tôi ngồi trong nhà thờ với những vị khách của mình, nhìn lên tất cả những hình ảnh đẹp đẽ này; tôi chợt nhận ra rằng không một ai trong số những người này được xác định là đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính hay chuyển giới, mặc dù một vài trong số họ hẳn là như vậy. Trên thực tế, Giáo hội Công giáo vẫn chưa công nhận một vị thánh nào thuộc cộng đồng L.G.B.T.

Bây giờ, tùy thuộc vào cách bạn được giáo dục, thực tế là tôi đang nêu lên một vấn đề có thể gây tai tiếng. Bất kể việc Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cố gắng hoạt động nhiều ra sao, hay như việc nhiều giám mục, giáo sĩ và những người khác đang cố gắng nhìn nhận và bình thường hoá địa vị của những người thuộc cộng đồng L.G.B.T. trong Giáo hội. Thế nhưng trên thực tế, đối với nhiều người Công giáo ở một độ tuổi nhất định, L.G.B.T. vẫn là một điều gì đó sai trái và đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội. Điều này vẫn đúng theo cách mà Giáo hội thường cố gắng nói về cộng đồng L.G.B.T: “Yêu tội nhân, và ghét tội lỗi”. Những người sử dụng cụm từ này cho rằng vấn đề rõ ràng không phải là căn tính của chúng ta, mà là hành vi và mong muốn của chúng ta. Nhưng câu nói đó dường như xác nhận cộng đồng L.G.B.T. như những tội nhân. Dù sao, điều này cũng dạy mọi người biết yêu thương chúng ta. Và khi bạn nghe điều đó với tư cách là một người thuộc L.G.B.T., bạn cũng bắt đầu tin như vậy.

Vì vậy, khi đề xuất rằng có một vấn đề là không có vị thánh nào thuộc cộng đồng L.G.B.T., tôi có cảm giác như đang nói điều gì sai sót. Trên thực tế, là những người Công giáo, chúng ta tin rằng mỗi người chúng ta được sinh ra theo và giống hình ảnh Chúa, cho dù là ai đi nữa, người da trắng hay da màu, nhưng là tất cả mọi người. Sách giáo lý không nói gì thêm về trường hợp ngoại lệ. Đây là lời dạy của Giáo hội, ngay cả khi một số người Công giáo thảo luận hoặc đối xử với chúng ta theo những cách có thể gợi ra quan điểm khác.

Trên thực tế, dựa trên chính chân lý đức tin của chúng ta, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phát biểu khi được hỏi về các linh mục đồng tính: “Nếu một người đồng tính đang khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai để phán xét họ?” Đó là điều đã cho phép Đức Giáo hoàng ca ngợi công việc của các tổ chức như New Ways Ministry (Những con đường sứ vụ mới) và những người như Jeannine Gramick, S.L., và đồng nghiệp của tôi James Martin, S.J., tất cả đều đã phục vụ cho cộng đồng L.G.B.T. Người Công giáo, trong trường hợp của Sơ Gramick trong hơn 50 năm; hoặc mời một nhóm người chuyển giới đến Vatican để nhận vắc xin Covid dành cho họ; hoặc để phục hồi danh dự cho linh mục James Alison, nhà thần học đồng tính công khai hoạt động  mục vụ sau hai thập kỷ mà ông mô tả như một cơn ác mộng “Kafkaesque”. Trong khi đó ngài không được phép biết những cáo buộc chống lại mình, không thể đại diện hợp pháp cho trường hợp của mình và không được phép có bất kỳ kháng cáo. Nếu chúng ta là con cái của Thiên Chúa như bao người khác, thì chúng ta nên được nhận sự quan tâm và tôn trọng như họ. Đức Hồng y Joseph Tobin và 13 tổng giám mục và giám mục Hoa Kỳ khác đã viết trong một tuyên bố vào tháng 12 năm ngoái, nói chuyện với những thiếu niên L.G.B.T. “Hãy biết rằng Chúa đã tạo ra bạn, Chúa yêu bạn và Chúa đứng về phía bạn.”

Nhưng điều đó còn nhiều điều hơn cả sự tôn trọng và tình yêu. Nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta hoặc chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa là nói rằng chúng ta đưa ra một cái nhìn thoáng qua về Thiên Chúa là ai, rằng mỗi chúng ta là một khí cụ để người khác có thể biết rằng họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, được Ngài thấy và yêu mến. Đó là một tuyên bố đầy kinh ngạc, khi nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể là một món quà như vậy, một cách mà người khác có thể hiểu về Thiên Chúa và bản thân họ nhiều hơn. Và chúng ta tin rằng điều đó đúng với tất cả mọi người.

Có rất nhiều người thuộc cộng đồng L.G.B.T. đã cống hiến cuộc đời mình để trở thành niềm hy vọng và an ủi cho những người khác. Giống như tuyên úy cho sở cứu hỏa thành phố New York và linh mục dòng Phanxicô Mychal Judge, người đã chết vào ngày 11/9 khi đang động viên các nhân viên cứu hộ tại sảnh của Tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. Trong cuộc đời của mình, Cha Judge đã thành lập một trong những hoạt động mục vụ đầu tiên ở Thành phố New York để phục vụ những người nhiễm HIV hoặc AIDS. Cha giúp đỡ những người vô gia cư và phục vụ những người nghiện rượu sau khi họ đã trải qua việc cai nghiện từ tổ chức A.A[1]. Và trong 10 năm cuối đời, ngài làm tuyên úy cho sở cứu hỏa thành phố New York. Cha là người đồng tính, giúp đỡ rất nhiều người, và bây giờ họ nói về những cách ngài truyền cảm hứng cho họ. Và ngày càng có nhiều lời kêu gọi phong thánh cho ngài.

Cha Henri Nouwen, một nhà thần học người Hà Lan. Các tác phẩm tu đức của ngài đã giúp hàng triệu người kết nối với Thiên Chúa. Và sau nhiều thập kỷ giảng dạy tại các trường thần học ở Yale và Harvard, ngài đã dành thời gian cuối đời để sống và làm việc với những người lớn khuyết tật trong cộng đồng L’Arche. Cuộc đời của ngài là nhân chứng sâu sắc về sự phục vụ, sự giản dị và tình bằng hữu. Cha Nouwen không bao giờ công khai xác nhận mình đồng tính; từ các quyển nhật kí của ngài, chúng ta thấy rõ ràng rằng ngài phải đấu tranh liên tục để cân bằng tính dục trong cuộc sống, điều đó là một gánh nặng khó khăn mà ngài chỉ làm được trong những năm cuối đời. Và rõ ràng đó cũng là một phương tiện cho sứ vụ của ngài, điều này cho phép ngài nói chuyện với những người đang gặp khó khăn với sự thấu hiểu và cảm thông.

Những người thuộc cộng đồng L.G.B.T. và Công giáo biết quá rõ sự khó khăn đi kèm với việc chấp nhận bản thân và lòng trắc ẩn. Có ai tốt hơn để trở thành một vị thánh cho bằng một người đã đi vào con đường đó?

Tôi hi vọng rất rõ ràng là tôi không nghĩ việc đặt tên cho các vị thánh chỉ là để tôn vinh một cộng đồng, một vị thánh “của riêng chúng ta”. Cha Nouwen và Cha Judge đã cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ nhiều người, và họ đã được mọi người công nhận là những vị thánh. Sự thánh thiện của họ không phải liên quan đến tính dục mà là món quà mà họ dành cho toàn thể Giáo Hội.

Đồng thời, điều đáng nói là thật khó để là một người Công giáo thuộc giới tính thứ ba. Tôi chắc chắn rằng một số người Công giáo cảm thấy mệt mỏi với việc chúng tôi đưa ra câu “Tôi là ai để phán xét tha nhân?” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, tuyên bố của Đức Phanxicô là lần đầu tiên xảy ra trong đời làm cho chúng ta được phép tồn tại như chính chúng ta trong Giáo hội.

Khi nhìn vào lịch sử Giáo hội, chúng ta có thể xem xét lại những câu chuyện về Thánh Brigid và Sơ Darlughdach, những người sống cùng nhau, cùng làm việc và ngủ chung giường; của Thánh John Henry Newman và Cha Ambrose St. John, người đã sống cùng nhau 32 năm và có chung một ngôi mộ, hay của Đấng đáng kính Juana Inés de la Cruz, tin rằng Chúa đã thay đổi giới tính của cô khi còn trong bụng mẹ và tưởng tượng Chúa Giêsu có thể là mẹ hoặc cha, vợ hoặc chồng, tùy theo nhu cầu của những người tìm kiếm. Nhưng sự tồn tại thực sự của chúng ta trong lịch sử của Giáo hội chưa bao giờ được thừa nhận, cũng như không có bất kỳ phúc lành nào mà chúng ta có thể đã mang lại. Không nơi nào chúng ta tìm thấy những bức tượng của những người như chúng ta. Chúng ta không có trong  tranh ảnh Công giáo. Cùng lắm, chúng ta chỉ là vị khách trong câu chuyện cứu độ. Mặc dù cách mà họ có thể mô tả về bản thân ở những thời đại trước đó sẽ khác, nhưng cộng đồng L.G.B.T. đã là một phần của Hội thánh ngay từ những ngày đầu thành lập. Một số đã đóng góp vào sứ mệnh theo những cách đầy cảm hứng và thánh thiện. Và trong nhiều trường hợp, giống như Cha Nouwen, họ đã làm như vậy trong  âm thầm kèm theo trên mình một gánh nặng khủng khiếp. Đã đến lúc họ được phép có vị trí trong câu chuyện của Giáo hội. Thông thường, chúng ta giống như người vợ thứ hai của Áp-ra-ham, Hagar, bị lưu đày đến một vùng đất khác.

Khi những người của cộng đồng L.G.B.T. nhìn vào sự hiệp thông của các thánh, chúng ta có thể nên nhìn thấy một người giống như chúng ta. Và không phải vì chúng ta là ai, mà vì những người đó là ai và họ đã làm gì.

Tác giả: Jim McDermott, S.J.
(theo dongten.net)
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2022/06/02/lgbt-saints-catholic-243073

[1] Alcoholics Anonymous (AA) là một tổ chức quốc tế hỗ trợ lẫn nhau được Bill Wilson và Tiến sĩ Bob Smith thành lập năm 1935 ở Akron, Ohio. AA nói “mục đích chính” của tổ chức là để giúp đỡ người nghiện rượu “luôn tỉnh táo, và giúp đỡ những người nghiện rượu đạt được sự tỉnh táo”