Thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré, Canada của ĐTC. Phanxicô

30/07/2022
786

Hôm Thứ Năm 28 tháng 7, lúc 10g sáng, Đức Thánh Cha đã cử hành một thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré. Đây là một địa điểm hành hương lớn của Canada, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm.

Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2022 của chính quyền 39% người Canada nhận mình là tín hữu Công Giáo, con số này là 44.4% theo niên giám thống kê của Tòa Thánh tính đến ngày 31 tháng 12, 2020. Các giáo phái Tin Lành chiếm 20.3%, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6.1%), tiếp theo là Anh giáo 5%, và Báp-tít, 1.9%, Lutheran 1.5%. Bên cạnh đó, còn có 3.2% dân số theo Hồi Giáo; 1.1% theo Phật Giáo; và 1% theo Do Thái Giáo.

Quan thầy của Giáo Hội Canada là Thánh Giuse, Thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và các thánh tử đạo Canada.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng 12, 2020, Giáo Hội tại Canada có 16,858,000 tín hữu sinh hoạt trong 19 tổng giáo phận, 51 giáo phận, 2 giáo phận Đông phương, một giáo phận quân đội, và một giáo hạt tòng nhân.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Cuộc hành trình của các môn đệ đến Emmaus, ở phần kết của Tin Mừng Luca, là một biểu tượng về cuộc hành trình của chính chúng ta và của Giáo Hội. Trên con đường của cuộc sống và đức tin, khi chúng ta tìm cách đạt được những ước mơ, kế hoạch, hy vọng và kỳ vọng sâu thẳm trong trái tim mình, chúng ta cũng phải chống lại sự mỏng dòn và yếu đuối của chính mình; vì khi chúng ta trải qua những thất bại và thất vọng, quá thường chúng ta có thể bị giam cầm bởi cảm giác tê liệt vì thất bại. Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng chính những lúc đó chúng ta không đơn độc, vì Chúa đến gặp chúng ta và đứng bên cạnh chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta với sự kín đáo của một người bạn đồng hành hiền lành muốn mở rộng tầm mắt chúng ta và khiến trái tim chúng ta một lần nữa bùng cháy trong lònh. Bất cứ khi nào thất bại của chúng ta dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa, sự sống và hy vọng được tái sinh và chúng ta có thể được hòa giải với chính mình, với anh chị em của chúng ta và với Chúa.

Vậy cùng nhau chúng ta dõi theo hành trình của cuộc lữ hành này. Chúng ta có thể gọi đó là hành trình từ thất bại đến hy vọng.

Thứ nhất, có một cảm giác thất bại ám ảnh tâm hồn của hai môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu. Họ đã hăng hái theo đuổi một giấc mơ và đặt tất cả hy vọng và ước muốn của họ vào Chúa Giêsu. Giờ đây, sau cái chết tai tiếng của Ngài trên thập tự giá, họ rời Giêrusalem và quay trở lại cuộc sống cũ. Họ đang trong một chuyến trở về, như một cách có lẽ để bỏ lại phía sau kinh nghiệm đã khiến họ rất mất tinh thần và cả ký ức về Đấng Mêsia bị hành quyết trên thập tự giá, giống như một tội phạm thông thường. Họ thất vọng trên đường về nhà, “trông buồn bã” (Lc 24:17). Những mong đợi ấp ủ của họ đã trở thành hư vô; những hy vọng mà họ đặt niềm tin đã tan thành mây khói, những giấc mơ mà họ mơ ước đã nhường chỗ cho sự thất vọng và buồn bã.

Trải nghiệm đó cũng ghi dấu cuộc đời của chúng ta, và hành trình tâm linh của chúng ta, vào những thời điểm chúng ta buộc phải điều chỉnh lại những kỳ vọng và đương đầu với những thất bại cũng như những mơ hồ và bối rối của cuộc sống. Khi những lý tưởng cao đẹp của chúng ta gặp phải những thất vọng trong cuộc sống và chúng ta từ bỏ mục tiêu của mình do những khuyết điểm và kém cỏi của chúng ta. Khi chúng ta bắt tay vào những dự án vĩ đại, nhưng sau đó nhận thấy rằng chúng ta không thể thực hiện chúng (xem Rm 7:18). Khi, sớm hay muộn, tất cả chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ của mình, trải qua những cản trở, sai lầm, thất bại hoặc gục ngã, và thấy những gì chúng ta đã tin tưởng, hoặc cam kết, trở thành vô ích. Khi chúng ta cảm thấy bị đè bẹp bởi tội lỗi của mình và bởi cảm giác hối hận.

Đây là trường hợp của Ông Adong và Bà Êvà, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất: tội lỗi của họ khiến họ xa lánh Thiên Chúa, nhưng cũng xa lánh nhau. Bây giờ họ chỉ có thể buộc tội lẫn nhau. Và chúng ta thấy điều đó nơi các môn đệ đến từ Emmaus, những người mà sự lo lắng khi thấy kế hoạch của Chúa Giêsu trở nên vô ích, đã dẫn đến một cuộc trò chuyện chán nản. Chúng ta cũng có thể thấy điều đó trong đời sống của Giáo Hội, là cộng đồng các môn đệ của Chúa, được đại diện bởi hai người từ làng Emmaus. Mặc dù chúng ta là cộng đồng của Chúa Phục Sinh, chúng ta có thể thấy mình bối rối và thất vọng trước tai tiếng của sự dữ và bạo lực dẫn đến đồi Canvê. Vào những lúc đó, chúng ta không thể làm gì nhiều hơn là bám vào cảm giác thất bại và tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao nó lại xảy ra? Làm thế nào nó có thể xảy ra?

Thưa anh chị em, đây là những câu hỏi của riêng chúng ta, và đó là những câu hỏi nhức nhối mà Giáo hội lữ hành ở Canada này đang đặt ra, với nỗi buồn chân thành, trên hành trình hàn gắn và hòa giải đầy khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Khi đối mặt với tai tiếng của sự dữ và nhiệm thể Chúa Kitô bị thương tích bằng xương bằng thịt của các anh chị em bản xứ của chúng ta, chúng ta cũng đã trải qua sự thất vọng sâu sắc; chúng ta cũng cảm thấy gánh nặng của sự thất bại. Vì vậy, hãy cho phép tôi hòa vào tinh thần của nhiều người hành hương ở nơi này lên “cầu thang thánh” nhắc nhớ việc Chúa Giêsu bước lên công đường của Philatô. Cho phép tôi đồng hành với các bạn với tư cách là một Giáo hội trong việc cân nhắc những câu hỏi nảy sinh từ trái tim đầy đau đớn: Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra? Làm thế nào những điều như thế có thể xảy ra trong cộng đồng những người theo Chúa Giêsu?

Tuy nhiên, vào những lúc như vậy, chúng ta phải chú ý đến cám dỗ chạy trốn, mà chúng ta thấy nơi hai môn đệ của Tin Mừng: cám dỗ chạy trốn, quay trở lại, bỏ nơi đã xảy ra tất cả, cố gắng chặn bưng tai bịt mắt và tìm kiếm một "nơi ẩn náu" như Emmaus, nơi chúng ta không phải nghĩ về những điều đó nữa. Khi đối mặt với thất bại trong cuộc sống, không gì có thể tồi tệ hơn là chạy trốn để tránh xa nó. Đó là sự cám dỗ đến từ ma quỷ, từ kẻ đe dọa cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta và của Giáo hội, vì hắn muốn chúng ta nghĩ rằng tất cả những thất bại của chúng ta bây giờ là không thể cứu vãn được. Ma quỷ muốn làm chúng ta tê liệt vì đau buồn và hối hận, muốn thuyết phục chúng ta rằng không thể làm gì khác, rằng cố gắng tìm cách bắt đầu lại là điều vô vọng.

Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng chính trong những tình huống thất vọng và đau buồn như vậy - khi chúng ta kinh hoàng trước bạo lực của sự dữ và xấu hổ vì tội lỗi của mình, khi nguồn nước sống của cuộc đời chúng ta cạn kiệt bởi tội lỗi và thất bại, khi chúng ta bị tước bỏ mọi thứ và dường như không còn gì - Chúa đến gặp chúng ta và đi bên cạnh chúng ta. Trên đường đến Emmaus, Chúa Giêsu nhẹ nhàng đến gần và đồng hành với những bước chân thất thần của những môn đệ buồn bã đó. Và Ngài làm gì? Thưa: Ngài không đưa ra những lời khích lệ chung chung, những lời an ủi đơn giản và phiến diện mà thay vào đó, bằng cách tiết lộ mầu nhiệm về cái chết và sự phục sinh của Ngài đã được báo trước trong Kinh thánh, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ cuộc sống của họ và những sự kiện họ đã trải qua. Bằng cách này, Ngài mở rộng đôi mắt của họ để nhìn mọi thứ một cách mới mẻ. Chúng ta, những người tham dự Bí tích Thánh Thể tại Vương cung thánh đường này cũng có thể có một cái nhìn mới về nhiều sự kiện trong lịch sử của chính chúng ta. Tại chính nơi này, ba nhà thờ trước đó đã đứng vững; luôn có những người không chịu chạy trốn khi đối mặt với khó khăn, họ vẫn tiếp tục ước mơ, bất chấp lỗi của mình và của người khác. Họ không cho phép mình bị choáng ngợp trước trận hỏa hoạn kinh hoàng của một thế kỷ trước, và với lòng dũng cảm và sự sáng tạo, họ đã xây dựng nên ngôi nhà thờ này. Và những ai tham dự Bí tích Thánh Thể của chúng ta trên Đồng bằng Ápraham gần đó cũng có thể nghĩ đến lòng dũng cảm của những người đã từ chối để mình bị bắt làm con tin bởi hận thù, chiến tranh, tàn phá và đau thương, nhưng lại bắt tay vào việc xây dựng lại một thành phố và một đất nước.

Cuối cùng, trước sự chứng kiến của các môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu bẻ bánh, mở mắt và một lần nữa mặc khải Ngài là Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã phó mạng sống cho bạn hữu của Ngài. Bằng cách này, Ngài đã giúp họ tiếp tục cuộc hành trình với niềm vui, bắt đầu lại, vượt từ thất bại đến hy vọng. Thưa anh chị em, Chúa cũng muốn làm như vậy với mỗi người chúng ta và với Hội Thánh của Người. Làm sao mắt chúng ta có thể lại mở ra? Làm thế nào để trái tim chúng ta có thể bùng cháy trong chúng ta một lần nữa vì Tin Mừng? Chúng ta phải làm gì, khi chúng ta chịu đựng những thử thách về tinh thần và vật chất, khi chúng ta tìm kiếm con đường dẫn đến một xã hội công bằng và huynh đệ hơn, khi chúng ta cố gắng phục hồi sau những thất vọng và mệt mỏi, khi chúng ta hy vọng được chữa lành vết thương trong quá khứ và được đã hòa giải với Thiên Chúa và với nhau?

Chỉ có một con đường, một con đường duy nhất: đó là con đường của Chúa Giêsu, con đường là Chúa Giêsu (x. Ga 14: 6). Chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu đến gần chúng ta trên hành trình của chúng ta. Hãy để chúng ta ra ngoài để gặp Ngài. Chúng ta hãy để lời của Người giải thích lịch sử mà chúng ta đang tạo ra với tư cách cá nhân và với tư cách là một cộng đồng, và chỉ cho chúng ta con đường để hàn gắn và hòa giải. Trong đức tin, chúng ta hãy cùng nhau bẻ Bánh Thánh Thể, để quanh bàn ăn một lần nữa chúng ta thấy mình là những người con yêu dấu của Chúa Cha, được kêu gọi trở thành anh chị em của tất cả mọi người.

Khi bẻ bánh, Chúa Giêsu xác nhận sứ điệp do các phụ nữ mang đến, một lời chứng mà các môn đệ đã nghe rồi, nhưng không thể tin được: Ngài đã sống lại! Trong Vương cung thánh đường này, nơi chúng ta tưởng nhớ mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, với hầm mộ dành riêng cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, làm sao chúng ta không nghĩ đến vai trò mà Thiên Chúa muốn giao cho phụ nữ trong kế hoạch cứu độ của Người. Thánh Anna, Đức Trinh Nữ Maria, và những người phụ nữ của buổi sáng Phục sinh cho chúng ta thấy một con đường mới để hòa giải. Tình mẫu tử dịu dàng của rất nhiều phụ nữ có thể đồng hành với chúng ta - với tư cách là Giáo hội - hướng tới thời đại mới và kết quả, bỏ lại bao nhiêu cằn cỗi và chết chóc, và đặt Chúa Giêsu bị đóng đinh và phục sinh trở lại trung tâm.

Quả thật, chúng ta không được đặt mình vào trung tâm của các vấn nạn, các cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta hoặc của đời sống mục vụ của Giáo Hội. Thay vào đó, chúng ta phải đặt Ngài, Chúa Giêsu ở trung tâm. Hãy để lời của Ngài trở thành trung tâm trong mọi việc chúng ta làm, vì nó làm sáng tỏ tất cả những gì xảy ra và khôi phục tầm nhìn của chúng ta. Nó cho phép chúng ta thấy sự hiện diện hữu hiệu của tình yêu thương của Thiên Chúa và tiềm năng thiện hảo ngay cả trong những tình huống dường như vô vọng. Chúng ta hãy đặt Bánh Thánh Thể ở trung tâm, mà Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa bẻ ra cho chúng ta, để Người có thể chia sẻ sự sống với chúng ta, đón nhận sự yếu đuối của chúng ta, nâng đỡ những bước đi mệt mỏi của chúng ta và chữa lành tâm hồn chúng ta. Hãy hòa giải với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính chúng ta, cầu cho chúng ta trở thành công cụ hòa giải và hòa bình trong xã hội của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, là đường, là sức mạnh và là niềm an ủi của chúng con, như các môn đệ Emmaus, chúng con nài xin Chúa: “Xin hãy ở lại với chúng con, vì trời đã gần tối” (Lc 24:29). Lạy Chúa Giêsu, hãy ở lại với chúng con khi niềm hy vọng tắt dần và đêm thất vọng buông xuống. Hãy ở lại với chúng ta, vì với Chúa cuộc hành trình của chúng con bắt đầu và từ những thung lũng mù mịt của ngờ vực, sự ngạc nhiên của niềm vui được tái sinh. Lạy Chúa, hãy ở lại với chúng con, vì với Chúa, đêm đau thương biến thành bình minh rạng rỡ của cuộc đời. Chúng ta hãy nói, trong tất cả sự đơn giản: Hãy ở với chúng con, Lạy Chúa! Vì nếu Chúa đi bên cạnh chúng con, thất bại sẽ nhường chỗ cho hy vọng của cuộc sống mới. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana