Tấn phong Giám mục tiên khởi người Việt Nam (1933) theo tài liệu lưu trữ của Thánh bộ Truyền bá Đức tin

24/09/2023
700


 


TẤN PHONG GIÁM MỤC TIÊN KHỞI NGƯỜI VIỆT NAM (1933)
THEO CÁC TÀI LIỆU LƯU TRỮ CỦA BỘ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN

(Ấn bản được chú thích từ các nguồn chính)

Đức ông Carlo Pioppi
Giáo sư Giáo sử
Pontificia Università della Santa Croce 

L’ordinazione del primo vescovo vietnamita (1933)
 secondo i documenti dell’Archivio di Propaganda Fide.
Edizione commentata delle fonti principali. 

I Quaderni della Brianza, anno 41° numero184, 2018

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Võ Tá Hoàng

1. Chính sách về việc phong chức cho người Châu Á của Đức Piô XI

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, những đầu óc nhạy bén và có tầm nhìn sâu rộng hiểu rằng chủ nghĩa thực dân của Châu Âu giờ đã đến hồi kết thúc, hoặc đang trên đà kết thúc. Trong giai đoạn này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV, một năm sau kết thúc cuộc chiến, đã công bố Tông thư Maximum illud, trong đó ngài đã cố gắng tạo ra một bước ngoặt đối với hoạt động truyền giáo.[1] Trong số những khuyến nghị quan trọng khác của văn kiện giáo hoàng này, có khoản làm việc cách chăm chỉ để sớm đi đến việc tấn phong các giám mục bản xứ thuộc các vùng đất truyền giáo. Khi Đức Giáo hoàng viết bức tông thư này, các giám mục bản xứ theo nghi lễ Latinh ở Châu Phi và Châu Á thực tế vẫn còn rất ít, chỉ có một vài người Philippin. Khác với tình hình của Giáo hội theo nghi lễ Đông Phương, nhưng cũng trong bối cảnh này, cũng nên nhắc lại rằng, việc tấn phong các giám mục người Ấn Độ đầu tiên theo nghi lễ Malabar có từ năm 1896.

Vài năm sau Đức Bênêđictô XV qua đời, người kế nhiệm ngài là Đức Giáo hoàng Piô XI, đã lưu tâm đến số phận của các miền truyền giáo và đã tiếp tục thực hiện chương trình tấn phong giám mục người Á Châu với quyết tâm cao độ. Đầu tiên là một người Ấn Độ theo nghi lễ Latinh năm 1923, và sau đó là lễ tấn phong cho sáu vị giám mục đầu tiên người Trung Quốc năm 1926 và một số quốc gia khác nữa ở Rôma (do chính Đức Giáo hoàng chủ phong).[2] Chẳng hạn vào năm 1927, một người Nhật Bản đầu tiên được tấn phong làm Giám mục.

Một khu vực mà công cuộc truyền giáo đặc biệt phát triển là Đông Dương thuộc Pháp, đặc biệt là lãnh thổ Việt Nam ngày nay.[3] Vì vậy vào đầu những năm 30, các bước chuẩn bị cho vùng này có các giám mục của riêng mình đã được tiến hành: Người Việt Nam đầu tiên là Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng,[4] được bổ nhiệm làm Giám mục phó đại diện tông tòa địa phận Phát Diệm, năm 1933, - Bắc Kỳ - và được Đức Piô XI tấn phong tại Rôma.

2. Địa phận Tông tòa Phát Diệm và khởi động kế hoạch 

Khu vực thuộc Giáo hội này ra đời vào năm 1901,[5] và sau ba mươi năm, đã đạt đến một sự phát triển nhất định. Con số người Công giáo từ 80.000 người năm 1901 tăng lên 132.000 người vào năm 1929; các linh mục bản xứ tăng từ 53 lên 129 vị; các nữ tu địa phương từ 86 lên 173, thầy giảng từ 138 lên 221; chủng sinh từ 211 lên 317; con số duy nhất vẫn ổn định là các thừa sai, từ 30 lên 37 vị.[6] Vào những năm 1920 và sau đó, vai trò của các linh mục Việt Nam được gia tăng. Ví dụ, vào năm 1925 có 3 linh mục bản xứ thi hành chức vụ cha quản hạt, đến năm 1929 con số này lên đến 7 vị. Tương tự như vậy, các linh mục giảng sư người Việt trong Tiểu Chủng viện tăng từ 3 lên đến 7 vị, và một vị khác đã bắt đầu dạy trong Đại Chủng viện.[7] Phúc trình định kỳ 5 năm [relatio quinquennalis], năm 1929 cũng cho thấy khả năng phân tách các vùng lãnh thổ khỏi khu vực tông tòa để tạo nên hai vùng khác nhau.[8]

Tài liệu tiếp theo được tìm thấy trong văn khố của Bộ Truyền bá Đức tin là một ghi chú của Đức cha Alexandre Marcou,[9] Đại diện Tông tòa Phát Diệm, gửi cho Đức Hồng y bộ trưởng Willem Marinus van Rossum.[10] Ghi chú này đề ngày 20.6.1930, được viết tại Rôma, đề xuất một dự kiến tấn phong giám mục người Việt Nam đầu tiên:

Vào năm 1931, Đại diện Tông tòa Phát Diệm đồng lòng với Đức cha de Guébriant để thiết lập một Hạt đại diện mới là Thanh Hóa, tách ra từ Địa phận Phát Diệm, với Đức cha de Cooman[11] làm Đại diện Tông tòa, hiện thời làm Giám mục phó cho Đức cha Marcou.

Khi sự phân chia này kết thúc, và hoàn toàn đáp ứng mọi vấn đề đi kèm theo đó, thì Đại diện Tông tòa Phát Diệm sẽ xin một Giám mục phó với quyền kế vị, được chọn lựa trong số các linh mục bản xứ mà Thánh bộ quy định.

Sau khi Giám mục phó được tấn phong, Đức cha Marcou sẽ giúp ngài am hiểu những công việc của địa phận, và trong thời hạn một hay hai năm tùy theo ý muốn của Thánh bộ, vị Đại diện Tông tòa sẽ từ chức.

Rôma, ngày 20 tháng Sáu năm 1930[12]

Thực ra đây là tài liệu đầu tiên được tìm thấy trong văn khố liên quan đến việc tấn phong một giám mục bản xứ cho vùng Đông Dương thuộc Pháp, được viết ở Rôma, khiến người ta nghĩ rằng nó được soạn theo đề nghị của Vatican. Trên tấm phiếu trong hồ sơ có đoạn chú thích được viết như sau: “expectentur ulteriora” (còn hơn tôi mong đợi).[13] Tháng 3 năm 1931, Đức Hồng y Willem van Rossum và Đức Hồng y Carlo Salotti[14] (thư ký Bộ Truyền bá Đức tin) quay lại chủ đề này trong một bức thư gửi cho Đức cha Alexandre Marcou: “diligenter itidem tuae commendo iuxta normas et consilia epistolae “Maximum illud” novas possibiles divisiones istius magnae missionis modo parare, ut ad eas processu temporis deveniri possit”.[15] (Cũng vậy, tôi đề nghị Đức cha phải tuân theo quy tắc và những chỉ dẫn trong Tông thư “Maximum illud” để chuẩn bị cho sự phân chia mới từ miền truyền giáo rộng lớn có thể diễn ra, để tiến trình có thể thực hiện theo thời gian).

Theo số liệu của báo cáo thường niên gửi cho Bộ Truyền bá Đức tin năm 1931, con số thống kê chính của Địa phận Tông tòa Phát Diệm như sau[16]:

- Linh mục triều: 137 người Việt Nam.

- Thừa sai: 36 người Pháp thuộc hội MEP (ngoài đại diện tông tòa, tổng đại diện de Cooman và phó thừa ủy Constance Poncet).

- Một Đại Chủng viện với 50 chủng sinh (cộng thêm hai người ngoài miền truyền giáo).

- Hai Tiểu Chủng viện, cả thảy 293 chủng sinh.

- Tu sĩ Dòng Cát Minh: 6 người Pháp và 4 người Việt (cộng với 4 tập sinh).

- Nữ tu dòng Đức Bà truyền giáo: 22, gồm 13 người Pháp, 5 người Việt Nam, 2 người Thụy Sĩ, một người Úc, 1 người Tân Tây Lan; ngoài ra còn có 14 tập sinh nữa.

- Nữ tu dòng Mến Thánh Giá: 122 nữ tu và 35 tập sinh, tất cả là người Việt Nam.

- Thầy giảng: 227

- Giảng viên nam: 103

- Giảng viên nữ : 15

- Người công giáo địa phương: 139.545

- Người công giáo ngoại quốc: 100

- Người ngoại giáo: 1.900.000

- Các giáo khu và giáo hạt : 13

- Các giáo xứ và giáo họ: 52

- Địa sở chính (có linh mục thường trú): 19

- Địa sở nhánh (không có linh mục thường trú): 560

- Bệnh viện: 6, tổng số 228 giường

- Nhà thuốc : 5

- Trại mồ côi: 11, tổng số 300 trẻ

- Bệnh viện phong: 1 với 120 bệnh nhân

- Trường cho người câm điếc: 1

- Nhà in: 1

- Trường tiểu học: 78 (3.574 nam, 1.419 nữ) 

- Trường đào tạo thầy giảng: 2 (84 học sinh nam)

- Khóa tĩnh tâm cầu nguyện: 756 khóa (gồm 12.087 nam, 12.583 nữ) 

- Rửa tội người lớn: 875 

- Rửa tội trẻ em: 340

- Rửa tội cho người nguy tử: 5.807

- Các vùng truyền giáo : 15

- Tĩnh tâm dành cho giáo sĩ: 3

- Các hội đoàn: Giáo dục Kitô giáo; Mình Thánh Chúa, Thánh Tâm, Chuỗi Mân côi, Hiệp hội Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria tại thế.

- Các hiệp hội giáo dân: Hội Giáo hoàng truyền giáo.

3. Đức Giám mục Marcou với hoạt động để đạt được mục tiêu

Vị Đại diện Tông tòa Phát Diệm đã viết thư cho Rôma, đề ngày 31.8.1931.[17] Trong thư gửi cho Đức Hồng y Van Rossum, ngài tái xác nhận kế hoạch đã được vạch ra tại Rôma trong ghi chú vào tháng 6 năm 1930. Trong lá thư thứ hai cùng ngày, ngài gửi chương trình để phân chia khu vực truyền giáo của mình.[18] Vào tháng 10, Đức cha Marcou đã gửi cho Bộ Truyền bá Đức tin bảng câu hỏi điều tra đã được điền đầy đủ dành cho việc thiết lập một miền truyền giáo mới trong khu tông tòa của mình.[19]

Đồng thời, theo lời khuyên của vị Khâm sứ Tòa thánh, vào tháng 11, Đức cha đã triệu tập một số các nhà truyền giáo sáng giá thuộc hạt tông tòa để có những gợi ý liên quan đến các ứng viên. Cuộc khảo sát đầu tiên này đã nêu bật uy tín của cha Gioan Baotixita Tòng, ở Sài Gòn:

Về bức thư tôi gởi Đức Khâm sứ Tòa thánh tại Đông Dương đề ngày 18 tháng Mười năm 1931, liên quan đến Giám mục phó tương lai của Phát Diệm, Đức cha Dreyer[20] đã trả lời: ...“Cha có tin rằng các thừa sai sẽ ở lại với cha, ít ra thời gian đầu, khi việc bổ nhiệm (giám mục phó) này được thực hiện, họ không muốn nói gì, những lời chính đáng và có thể rất hữu ích hay không? ...”

Lời khuyên này xem ra đối với tôi rất là khôn ngoan khi mà các thừa sai sẽ ở lại Địa phận Tông tòa Phát Diệm một thời gian sau khi thiết lập Địa phận Tông tòa Thanh Hóa, họ chính là những người biết rõ hàng giáo sĩ bản xứ, vì những vị trí mà họ đã đảm nhiệm hay đang đảm nhiệm, và tất cả họ là những người có khả năng đưa ra những chỉ dẫn hợp lý và quý giá về việc chọn lựa một linh mục Việt Nam để đề cử lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin chức vụ Giám mục phó với quyền kế vị của Địa phận Tông tòa Phát Diệm.

Chính vì thế, ngày 11 tháng Mười Một năm 1931, tôi triệu tập các thừa sai Poncet, Quyền đại diện và Bề trên Đại Chủng viện từ mười lăm năm nay; cha Schlotterbeck, trước đây là Bề trên Tiểu Chủng viện, hiện nay là Linh hướng Đại Chủng viện và Giáo sư Tín lý; cha Reminiac, trước đây là Giám đốc Đại Chủng viện, hiện là Bề trên Tiểu Chủng viện; cha Pellois, người đã trải qua hai mươi năm cuộc đời tại Đại và Tiểu Chủng viện với vai trò linh hướng; cha Lehmann, trước kia là Giáo sư và Linh hướng Tiểu Chủng viện, hiện thời là Giám đốc Đại Chủng viện.

Dù rằng Giám mục phó của tôi là Đức cha de Cooman được chỉ định đến Địa phận mới là Thanh Hóa, tôi cũng mời ngài tham dự cuộc họp này, vì rằng: Là thừa sai, ngài đã trải qua phần lớn đời mình ở Tiểu hay Đại Chủng viện, làm giám mục phó từ 15 năm nay, ngài biết rất rõ các cha trong hàng giáo sĩ bản xứ của Địa phận này.

Sau khi buộc mọi thành viên của cuộc họp bổn phận nghiêm nhặt là phải giữ bí mật về những gì được bàn thảo trong cuộc họp, tôi trình bày điều đã được Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền bá Đức tin quyết định vào tháng Bảy năm 1930, về việc tuyển chọn một linh mục bản xứ làm giám mục phó, với quyền kế vị, của Địa phận Tông tòa Phát Diệm, ngay sau khi thiết lập Địa phận Thanh Hóa, và những thận trọng phải xem xét để tránh mọi can thiệp của chính quyền dân sự trong một công việc tế nhị là tuyển chọn một giám mục người Việt đầu tiên.

Do đó, trước khi soạn ra danh sách các linh mục Việt Nam mà tôi xét thấy trong tâm hồn và lương tâm mình rằng họ xứng đáng nhất với chức giám mục, tôi muốn tham khảo các thành viên của hội đồng này với điều kiện phải giữ kín.

Các thành viên của cuộc họp trao đổi vài suy tư về phẩm chất và khả năng của các linh mục Việt Nam giỏi nhất trong Địa phận này, và những Địa phận khác của Đông Dương.

Kết luận của cuộc trao đổi ý kiến này là mỗi thành viên cuộc họp sẽ tự tìm hiểu cách kín đáo, suy nghĩ chín chắn, và sau khi cầu khẩn ánh sáng Chúa Thánh Thần, trong thời hạn ba hay bốn tuần, sẽ gởi đến cho cha Quyền đại diện Poncet danh sách ba linh mục Việt Nam mà, trước mặt Chúa, mình cho rằng xứng đáng nhất. Cha Poncet khui phiếu và gởi cho tôi kết quả, cẩn thận tránh tiết lộ người được phiếu, nghĩa là người mà mỗi thành viên đã bầu.

Ngày 9 tháng Mười Hai sau đó, cha Poncet gởi cho tôi tất cả các phiếu bầu, với ghi chú như sau: “Có một thành viên báo với con rằng đừng chờ phiếu bầu của ngài, vì ngài sẽ không bầu. Như vậy có năm người bầu và đây là phiếu của họ:

Cha Tòng, Địa phận Sài Gòn, 5 phiếu bầu là người đầu tiên (nghĩa là tất cả các phiếu bầu).

Cha Côn, cha sở Phát Diệm, 4 phiếu là người thứ hai.

Cha Phung, Giám luật Tiểu Chủng viện, 3 phiếu là người thứ ba.

Cha Phuc, cha sở Kẻ Bền (Phát Diệm) 1 phiếu bầu là người thứ ba.

Nota. Một người đã không bầu người thứ hai và người thứ ba, chỉ bầu một người”.

Ký tên Poncet.

Tuy nhiên, một thành viên của cuộc họp, người không bầu, đã báo cho tôi biết rằng trong tất cả các linh mục Việt Nam mà mình biết thì người xứng đáng nhất cho chức giám mục là cha Tòng.

Tôi phải nói thêm rằng, đến cuối năm 1930, và đầu năm 1931, cha Tòng đã giảng hai kỳ tĩnh tâm ở Phát Diệm cho các cha Việt Nam. Tôi đã mời ngài giảng hai lần để tất cả các linh mục trong địa phận này có thể tham dự đợt tĩnh tâm này hay đợt kia.

Về phần mình, Đức cha Gendreau đã mời cha Tòng giảng một kỳ tĩnh tâm cho các linh mục bản xứ của mình vào năm 1930; rồi vào năm 1931, theo yêu cầu của các linh mục Việt Nam không dự được cuộc tĩnh tâm lần thứ nhất, Đức cha đã mời cha Tòng đến giảng lần thứ hai vào năm 1931.

Các chứng từ được Đức cha Gendreau thu thập, và bởi các thành viên của cuộc họp ngày 11 tháng Mười Một, cho thấy cha Tòng được các cha Việt Nam ở Hà Nội và Phát Diệm xem như là nhà giảng thuyết tĩnh tâm xuất sắc.

Vì tất cả những lý do này, và vì thư của các vị Đại diện Tông tòa Sài Gòn và Hà Nội, người ký tên dưới đây khẳng định rằng sự lựa chọn mà Thánh bộ Truyền bá Đức tin có thể làm, đó chính là cha Tòng.

Nếu cần thiết để thêm vào hai danh tính, tôi xin đặt cha Côn, cha sở Phát Diệm, ở hàng thứ hai, và cha Thục (Huế) nhưng ở bên dưới nữa.[21]

Từ tài liệu này lần nữa người ta suy ra rằng khởi xướng chương trình hành động cho việc tấn phong giám mục người Việt Nam đầu tiên được bén rễ tại Rôma: “Tôi đã trình bày những gì Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền bá Đức tin đã quyết định, vào tháng 7 năm 1930, liên quan đến việc lựa chọn một linh mục bản xứ cho chức vụ giám mục phó, với quyền kế vị, của Địa phận Tông tòa Phát Diệm”.

Đồng thời, chính Đức cha Marcou cũng đã xin Đức cha Pierre Gendreau, Đại diện Tông tòa Hà Nội, tìm hiểu thêm các thông tin về cha Gioan Baotixita Tòng, thuộc Sài Gòn, từ bề trên của ngài là Đức cha Isidore Dumortier. Dưới đây là thư trả lời ngày 14.12.1931:

Tôi đã nhận thư của Đức cha hỏi tôi cho ý kiến của mình về cha Tòng trong sứ vụ của tôi.

Cha Gioan Baotixita Tòng thuộc miền Truyền giáo Sài Gòn là một linh mục hoàn hảo. Cha là người được phú bẩm cho óc thông minh, một tâm hồn và sự khéo léo, đồng thời ngài cũng là người đạo đức, nhiệt tình, khiêm tốn, vị tha, khôn ngoan, có lương tâm tinh tế, chăm chỉ: ngài không bao giờ lấy kỳ nghỉ. Là thành viên của Ban Tư vấn giám mục, ngài là vị cố vấn tốt nhất và kín đáo nhất của tôi.

Thụ phong linh mục ngày 19.9.1896, lập tức ngài được bổ nhiệm làm thư ký cho Tòa giám mục Sài Gòn. Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ này với sự hài lòng của tất cả mọi người trong suốt 20 năm và qua đó am hiểu cách điều khiển một miền truyền giáo. Vào đầu năm 1917, cha Tòng rất yếu mệt, theo lời khuyên của bác sĩ, Đức cha Mossard đã rút ngài ra khỏi công việc hao tâm tổn trí của Tòa giám mục, bổ nhiệm ngài làm cha sở Bà Rịa. Cha quản nhiệm Bà Rịa lúc bấy giờ là cha Tholance, anh của Thống sứ Tholance, đã đánh giá cao cha Tòng, ngài đã nói với tôi rằng ngài nể phục cha Tòng vì một bài giảng bằng tiếng Pháp về Thánh nữ Jeanne d’Arc nhân ngày lễ Thánh Jeanne d’Arc.

Địa sở bán chính thức Tân Định, một địa sở đông đúc của người Việt tại Sài Gòn, đã không có cha sở vào năm 1926, tôi bổ nhiệm cha Tòng ở đấy. Ngài nhanh chóng trả hết nợ mà hai vị tiền nhiệm đã để lại khi xây dựng ngôi trường tầng lầu dành cho các nam sinh được giao cho các Sư huynh Dòng các trường Công giáo (Dòng Lasan), ngôi trường rất phát triển dưới sự điều hành của ngài và ngài đã kiếm đủ tiền để nới rộng phần hậu cung nhà thờ cũ Tân Định và xây dựa vào tiền đường một tháp chuông nguy nga cao 50 mét. Cha Tòng vừa hoàn tất các công trình này vào đầu năm nay. Điều đó chứng tỏ rằng, dù đã 63 tuổi, ngài vẫn tràn trề sức lực. Các thừa sai và các linh mục bản xứ của Sài Gòn đã đánh giá cha Tòng rất cao. Ngài là cha giải tội cho các nữ tu Chợ Quán.[22]

Vào cuối tháng, Đức cha Gendreau cũng đã trả lời cho Đức cha Marcou bằng cách đề xuất bộ ba người, trong đó cha Tòng nằm ở vị trí đầu tiên, với những lời sau đây: “Đối với tôi, như tôi đã đánh giá cao, đây là một người hoàn hảo, siêu việt”; ngoài ra, vị giám mục lão thành còn gợi ý tên của cha Phêrô Thục, người Huế và cha Phêrô Đô, người Hà Nội”.[23]

Tháng 12 năm 1931, Đức cha Colomban Dreyer người Alsace thuộc dòng Phanxicô, Khâm sứ Tòa thánh vùng Đông Dương, được Rôma tham vấn về kế hoạch.[24] Vài tuần sau ngài trả lời, xác nhận chương trình. Từ lá thư của ngài ta thấy được chương trình chi tiết về kế hoạch này.

Mục đích chính của việc phân chia này là để phù hợp với ý muốn mạnh mẽ của Đức Thánh Cha trong việc thiết lập một Địa phận bản xứ. Tiến trình thực hiện như sau:

1. Một phần nhỏ của Địa phận hiện tại, cùng với thủ phủ tôn giáo là Phát Diệm, nằm ở Bắc Kỳ, trong khi phần lớn hơn nằm ở Trung Kỳ, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách chia làm hai phần.

Một phần duy nhất thuộc Bắc Kỳ sẽ được giữ lại trong Địa phận cũ và phần còn lại sẽ được lập Địa phận mới thuộc Thanh Hóa.

2. Vị phụ tá hiện tại của Đức cha Marcou là Đức cha Cooman sẽ được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa cho Địa phận mới.

3. Đồng thời, Đức cha Marcou, ở lại cai quản Địa phận Phát Diệm, ngài sẽ xin một vị giám mục phó mới với quyền kế vị trong tương lai, người này là một linh mục bản xứ.

4. Sau khi đã đạt được điều đó, Đức cha Marcou, trong thời gian mà Bộ Truyền bá Đức tin cho là thích hợp, sẽ từ chức và vị Giám mục bản xứ kia, ipso facto, sẽ là giám mục Địa phận Tông tòa Phát Diệm.

Sự kết hợp này theo tôi có vẻ khôn ngoan và thận trọng, vì chúng tôi không biết rõ thái độ của chính phủ Pháp sẽ như thế nào đối với việc lập nên một Địa phận Tông tòa bản xứ. Có nhiều lý do để nghĩ rằng sẽ không có việc chống đối, ít ra là những người Công giáo đã tỏ ra trung thành trong những sự kiện gần đây và rằng họ đáng được phần thưởng.[25] Tuy nhiên cũng có những lý do để nghĩ rằng chính phủ sẽ không có cái nhìn tốt đẹp. Trong mọi trường hợp, việc thiết lập Địa phận Phát Diệm, theo cách mà chúng ta thực hiện, sẽ là điều khiến chính phủ ít lo lắng hơn. Thực tế, tỉnh Ninh Bình có rất ít người Pháp; ngoài các nhân viên lưu trú ra, tất cả đều là người Việt Nam […]

Khi Địa phận Tông tòa [Thanh Hóa] được thiết lập và nhất là sau khi lập nên Địa phận Tông tòa bản xứ Phát Diệm, các thừa sai sẽ rút về Thanh Hóa và sẽ bàn giao lại công việc của họ.

Mặt khác, tất cả các điều kiện cần thiết đều được thẩm tra để phân chia có lợi cho người bản xứ.

a. Diện tích còn lại ở Phát Diệm rất nhỏ: 1.700 km vuông, nhưng hoàn toàn nằm ở Bắc Kỳ và dân số 500.000 người trong đó có 97.000 người Công giáo [Địa phận kia có 38.000 người].

Phát Diệm có nhà thờ lớn được dùng như nhà thờ chính tòa, Đại Chủng viện và Tiểu Chủng viện, toàn bộ đều mới và rộng lớn, trường thầy giảng, nơi ở của các giám mục chính và phó, bệnh viện của địa phận, rất nhiều nhà tập của các nữ tu người Châu Âu thuộc các Dòng Thừa sai và dòng Mến Thánh Giá được cải tổ và thành lập thành dòng tu. Tóm lại, có hầu hết các công trình và các cơ sở của một địa phận được tổ chức cách hoàn hảo.

Có thể nói, đây là nơi đẹp nhất, thuận lợi nhất của Địa phận hiện nay.[26]

Từ lá thư này của Đức cha Dreyer, ta có thể suy ra nhiều thông tin khác nhau: Trước hết, có vẻ đây là sáng kiến của Đức Piô XI, phù hợp với dữ liệu liên quan đến ghi chú đầu tiên về nội dung được tìm thấy trong tài liệu. Tiếp đến là lo ngại về phản ứng có thể xảy ra của chính phủ Pháp, điều này giải thích cho việc lựa chọn lãnh thổ, cũng bởi vì hầu như không có bất kỳ cư dân Châu Âu nào ở đó. Cuối cùng, khu vực đại diện nơi có những điều kiện tuyệt vời về lãnh thổ, cơ cấu, số giáo dân công giáo, nhân sự, sẽ được giao cho hàng giáo sĩ địa phương, tạo thuận lợi cho một thành công vừa phải trong việc vận hành một khu vực mới.

Vào ngày 19 tháng 3 năm 1932, Đức cha Marcou gửi thư cho Đức cha Dreyer với đề xuất về bộ ba người. Trong đó, ngoài việc tóm lược lại kế hoạch và đưa ra những thông tin về các ứng viên, vị giám mục niên trưởng đã yêu cầu rút ngắn thời gian liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục phó người Việt Nam. Thư viết như sau:

Về việc bầu chọn vị giám mục phó này, ngày 31.8.1931, tôi đã viết thư cho Đức Hồng y Tổng trưởng của Bộ Truyền bá Đức tin rằng, khi việc phân chia Phát Diệm đã xong, tôi sẽ yêu cầu một vị giám mục phó với quyền kế vị trong tương lai và việc chọn giám mục phó này sẽ được giữ bí mật bao lâu mà việc thiết lập một địa phận mới chưa được tiến hành.

Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi e rằng, nếu mất thời gian quá lâu giữa việc thiết lập một địa phận mới và việc tấn phong giám mục phó Phát Diệm, thì Địa phận Phát Diệm không phải là không thiệt hại gì, vì những lý do sau.

Đức cha de Cooman đã tỏ ý muốn với tôi là sẽ dẫn theo cha Quyền đại diện, cha Poncet, khi Đức cha đi lãnh nhận Địa phận Thanh Hóa. Ý muốn này quá chính đáng đến nỗi tôi không thể nghĩ một giây phút nào đến việc từ chối điều đó. Nhưng đàng khác, sau khi Đức cha de Cooman ra đi, và trước khi vị giám mục phó mới của tôi đến, thì tôi rất trông cậy vào cha Poncet để điều khiển Địa phận Phát Diệm. Việc ra đi của vị giám mục phó và cha Quyền đại diện hiện thời của tôi, buộc tôi phải trực tiếp lo lắng mọi phần công việc điều hành thiêng liêng và thế trần mà tôi đã giao phó cho họ, điều này sẽ là một gánh rất nặng, xét vì tuổi tác và bệnh tật của tôi.

Vì thế, tôi sẽ rất biết ơn Đức cha, nếu Đức cha có thể xin Thánh bộ bổ nhiệm giám mục phó mới sớm hơn so với dự kiến trước đây, chẳng hạn khoảng một tháng sau khi công bố sắc chỉ thiết lập Địa phận Thanh Hóa.[27]

Đức cha Marcou cũng xin để lại vài thừa sai Pháp ở lại Phát Diệm một thời gian:

Ước muốn khác. Như đã thỏa thuận là sau khi thiết lập Địa phận Thanh Hóa, vài thừa sai Pháp vẫn gắn bó với Địa phận Phát Diệm trong một vài năm, để sắp xếp sự chuyển tiếp, nhất là đối với chính quyền Pháp mà ta cần phải duy trì những quan hệ tốt đẹp để cho công cuộc Phúc âm hóa lương dân được dễ dàng. Ngoài lý do này ra, có vấn đề về Đại Chủng viện, Tiểu Chủng viện, các thầy giúp xứ, rất cần thiết cho hai địa phận, trong vòng nhiều năm nữa, rất cần đến sự hiện diện của vài thừa sai, luôn với mục đích là sắp xếp việc chuyển tiếp.[28]

Nhưng nhất là vị Đại diện Tông tòa Phát Diệm đã biện hộ cho cha Tòng, người rõ ràng xuất hiện như ứng cử viên sáng giá nhất để trở thành giám mục tiên khởi của Việt Nam:

Cha Tòng đã tạo ấn tượng rất tốt đẹp nơi hai hàng giáo sĩ, Pháp và Việt, của địa phận Hà Nội và Phát Diệm, nhân những cuộc tĩnh tâm do cha Tòng giảng thuyết cho các linh mục Việt Nam, những ghi chú của Đức cha Mgr Dumortier, Đại diện Tông tòa Sài Gòn, của Đức cha Gendreau, người đã thấy cha Tòng làm việc gần hai lần, cách khoảng nhau một năm, kiến thức của ngài về ngôn ngữ, phong tục và lối nói thông dụng Pháp ngữ, hiểu biết thần học, tất cả những điều này làm nên một mớ những lý lẽ mà theo thiển ý của tôi, không thể nào chần chừ trong việc chọn lựa.[29]

Tuy nhiên, sau đó, vị khâm sứ Dreyer đã sang Pháp, mà không gửi cho Rôma thông tri của vị Đại diện Tông tòa Phát Diệm.[30]

4. Kế hoạch được nghiên cứu ở Rôma và Đông Dương 

Vào tháng 4 năm 1932, kế hoạch đã được đệ trình với sự chấp thuận của các hồng y thành viên của Bộ Truyền bá Đức tin: Bản tường trình sơ lược (Relazione con Sommario) được đệ trình cho các vị hồng y nói trên bằng những từ sau đây:

Trọng kính quí Đức Hồng y

1. Các vùng truyền giáo Đông Dương, đặc biệt đáng chú ý là tỷ lệ người công giáo rất cao (chiếm 1/8 dân số), và con số 1.199 linh mục bản xứ so với 386 nhà truyền giáo người nước ngoài. Do đó, có vẻ như các chỉ dẫn do Tông thư “Maximum illud” đưa ra đã được thực hiện cách nhanh chóng ở quốc gia đó. Mặt khác, do hoàn cảnh phức tạp cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện việc thiết lập miền truyền giáo ở Đông Dương nhằm giao cho các linh mục bản xứ.

Tuy nhiên, vị Đại diện Tông tòa Phát Diệm vừa gửi đến Thánh bộ này một kế hoạch thiết thực nhằm trao cho vùng Đông Dương một vị Đại diện người bản xứ đầu tiên và đó là vị Giám mục người Việt Nam tiên khởi.

Địa phận Tông tòa Phát Diệm là nơi tiến bộ nhất trong khu vực, và nhiều khả năng sẽ thành công trong việc thiết lập nó theo dự kiến. Sự thành công cũng sẽ khuyến khích các miền truyền giáo khác đi theo con đường tương tự.

2. Do đó, Đức cha Marcou, đồng ý với Khâm sứ Tòa thánh vùng Đông Dương, đã đề xuất kế hoạch sau đây với Thánh bộ: 

Chia Địa phận Tông tòa Phát Diệm hiện nay thành hai; phần thứ nhất thuộc vùng Tông tòa cũ bao gồm tỉnh Ninh Bình và thành phố Phát Diệm với 97.000 người công giáo và 500.000 lương dân; phần còn lại là tỉnh Thanh Hóa và Sầm Nưa (hay Huaphanh-Lào). Trong lãnh thổ núi non rộng lớn ấy có 43.000 người công giáo trên tổng số 1.500.000 dân.

Sau khi Thanh Hóa được tách khỏi giáo miền hiện tại, Đức cha Cooman phụ tá hiện thời của Đức cha Marcou nên được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa tiên khởi.

Ngay sau thiết lập đầu tiên này, Đức cha Marcou sẽ ở lại trong vùng còn lại của Địa phận Phát Diệm, ngài sẽ xin Tòa thánh một giám mục phó với quyền kế vị bằng cách tìm kiếm trong số các linh mục người Việt. Trong năm đó, ngài sẽ từ chức, và vì thế Địa phận Phát Diệm (được thu gọn chỉ tỉnh Ninh Bình) vẫn có thể giao lại cho hàng giáo sĩ bản xứ. Các linh mục của Chủng viện Thừa sai Paris sẽ cống hiến hết mình cho công việc truyền giáo đầy khó nhọc trong việc xây dựng Địa phận Thanh Hóa […]

4. Địa phận Phát Diệm vì vậy chỉ còn lại duy nhất tỉnh Ninh Bình với diện tích 1.700 km vuông. Tuy diện tích không lớn nhưng tổng số dân khoảng 500.000 người và hơn 97.000 người công giáo, tức chiếm 1/5 dân số. Ngoài ra, ở đó người ta thấy có rất nhiều các công trình truyền giáo được tổ chức cách tuyệt vời. Quá đủ khi nói đến nhà thờ chính tòa nguy nga của Phát Diệm, Đại Chủng viện, Tiểu Chủng viện, vừa mới được xây dựng rất lớn, trường thầy giảng, bệnh viện Địa phận, các nhà tập của các nữ tu Châu Âu và người bản xứ… cho nên sẽ rất thích hợp để trở thành nơi làm việc đầu tiên cho các linh mục bản xứ.

6. Đức cha Dreyer, Khâm sứ Tòa thánh vùng Đông Dương được hỏi ý kiến về khả năng của kế hoạch phân chia, và ngài không chỉ tuyên bố tán thành mà còn khuyến nghị thực hiện nhanh chóng, từ đó ngài thấy trước được những thuận lợi to lớn cho sự tiến triển Đạo thánh của chúng ta ở Đông Dương.[31]

Vào ngày 2 tháng 5, Bộ Truyền bá Đức tin đã viết thư cho Đức cha Marcou về việc nhận bộ ba người được đề cử.[32]

Tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian dài. Thật vậy, một bức thư của Đức cha Dreyer được tìm thấy trong tư liệu viết vào tháng 6 năm 1932, trong đó vị khâm sứ trình bày rằng, vì lý do sức khỏe và tuổi tác, Đức cha Marcou muốn có càng sớm càng tốt một vị phụ tá người Việt Nam đầu tiên. Ngoài ra Đức cha Dreyer còn viết: “Giữa hai vị Đại diện Tông tòa Phát Diệm và Thanh Hóa đã hiểu rằng trong một vài năm, sau khi Phát Diệm được trao lại cho hàng giáo sĩ bản địa, một số nhà thừa sai vẫn ở đó, nhiều người ở lại để điều khiển các chủng viện, sẽ là chủng viện chung cho cả hai vùng trong một thời gian dài, cũng như để thực hiện một sự chuyển tiếp đầy vui vẻ trước nhà cầm quyền Pháp”. [33] Đoạn thư này được gạch dưới bằng mực đỏ bởi một độc giả thuộc Bộ Truyền bá Đức tin.

Vào tháng 8, Đức cha Marcou đã viết thư trực tiếp cho Đức Hồng y Van Rossum xin nhanh chóng đưa ra quyết định: 

Thưa Đức Hồng y, ngày 6 tháng Sáu năm 1932 con đã nhận được thư ngày 2 tháng Năm năm 1932 (n° 1682) của Đức Hồng y, trong đó Đức Hồng y đòi con phải gởi danh sách ba linh mục Việt Nam để một giám mục đầu tiên người Việt Nam có thể được tấn phong sớm hết sức có thể.

Từ chuyến ad limina của con vào năm 1930, biết được ý định của Đức Hồng y về điểm này, ngay từ tháng Ba năm 1932, con đã gởi cho Đức cha Khâm sứ Tòa thánh khi ngài sắp đi Rôma một bản tường trình với danh tính của ba linh mục Việt Nam ứng viên cho chức giám mục phó, với những thông tin và tham chiếu cần thiết và hữu ích.

Trong thư ngày 19 tháng Ba năm 1932, con nhờ Đức Khâm sứ Tòa thánh xin Thánh bộ rằng giám mục phó của con cần được chọn sớm hết sức có thể, chẳng hạn như một tháng sau khi ban hành sắc chỉ thiết lập địa phận mới Thanh Hóa: Điều này có những lý do nghiêm trọng mà con đã trình bày với Đức Hồng y trong thư ngày 19 tháng Ba, những lý do mà hiện trạng sức khỏe của con càng làm cho nó trở nên khẩn cấp hơn nữa.

Vì thế, qua thư này, con mong Đức Khâm sứ gởi cho Đức Hồng y bức thư con viết ngày 19 tháng Ba năm 1932, với tất cả những tài liệu kèm theo.[34]

Thật thú vị khi chú ý đến cụm từ “connaissant bien, depuis ma visite ad limina de 1930, les intentions de Votre Eminence sur ce point” (từ chuyến ad limina của con vào năm 1930, biết được ý định của Đức Hồng y về điểm này), đây là dấu hiệu cho thấy sáng kiến về hoạt động đã được bén rễ ở Rôma.

Vào cuối tháng 9 năm 1932, sau cái chết của Đức Hồng y Van Rossum, Đức cha Marcou lại viết một lá thư khác gửi cho Bộ Truyền bá Đức tin, cho Đức hồng y Carlo Salotti, cần phải nhanh chóng bổ nhiệm giám mục phó. Dù Đức cha Marcou lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng tiến trình lựa chọn giám mục phó vẫn không sớm diễn ra.[35]

Vào ngày 6 tháng 10, từ Paris, Đức cha Dreyer đã thông báo cho Rôma về ba ưu tiên của Đức cha Marcou: Cha Tòng, cha sở Tân Định, Sài Gòn, được đề xuất như lựa chọn hàng đầu; thứ đến là Cha Côn, cha sở Phát Diệm; và sau cùng là Cha Thục, giáo sư Đại Chủng viện Huế.[36] Tháng sau, chính Đức cha Dreyer đã viết thư gửi sang Rôma với những nhận xét của mình về bộ ba ứng viên, ngài cũng đã đặt cha Tòng vị trí đầu tiên:

Con rất vinh dự được trả lời yêu cầu của Đức hồng y (số 3719) liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục phó người bản xứ của Phát Diệm, bằng cách cung cấp những thông tin của con xung quanh ba ứng viên do Đức cha Marcou đề xuất với lá thư con đề vào ngày 6 tháng 10.

Người đầu tiên là cha Tòng, linh mục thuộc vùng đại diện Sài Gòn, nay ngài đã 63 tuổi. Được thụ phong linh mục vào ngày 19 tháng 9 năm 1896, và ngay sau đó ngài được đề bạt làm thư ký cho giám mục, một vị trí uy tín mà ngài đã giành được nhiều vinh dự. Trong vòng 20 năm, cha Tòng bị ngăn trở vì lý do sức khỏe và từ đó, thật đáng khen, ngài đã thi hành sứ vụ cho các linh hồn. Gần đây và hiện tại ngài đã tỏ ra là một người quản lý tài giỏi kể cả về vật chất, trong giáo xứ lớn của thành phố Sài Gòn.

Cha Tòng nổi tiếng là một nhà thuyết giảng uyên bác và là một linh mục đạo đức, ngay cả ở Địa phận Tông tòa Sài Gòn, Phát Diệm và Hà Nội nơi ngài được mời, không ngại đường sá xa xôi, ngài đến để giảng những bài linh thao cho các linh mục Việt Nam được hai lần.

Là người nói tiếng Pháp cách hoàn hảo.

Chính vì thế ngài thường được coi là xứng đáng để được đề cử làm Giám mục, thậm chí họ coi ngài là người duy nhất được đề xuất trên toàn Đông Dương, nếu muốn có một ứng viên hoàn hảo.

Một lưu ý chẳng mấy tích cực đó là ý kiến của Đức cha Dumortier, cho rằng cha Tòng hoàn toàn không có khả năng vâng phục.

Đối với hai ứng viên còn lại, Đức cha Dreyer cho biết cha Côn không biết tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ cần thiết để giao tiếp với chính quyền thuộc địa. Còn cha Thục, mặc dù là một linh mục có học thức, được học hành và xuất thân từ một gia đình đạo đức, được nhà cầm quyền Pháp ưa thích, nhưng tuổi còn trẻ, với 35 năm cuộc đời, và làm linh mục được 4 hoặc 5 năm. Lá thư của Đức cha Dreyer kết thúc với một chú thích đầy thú vị: “Về việc các ứng viên được giới thiệu từ các Địa phận Tông tòa khác nhau và có thể chọn được một người trong số đó, đối với tôi đây có thể là cơ hội và là tiền lệ hữu ích cho việc bổ nhiệm các Giám mục bản xứ ở Đông Dương trong tương lai”.[37]

Trong khi đó, Bộ Truyền bá Đức tin đã tìm hiểu thông tin về cha Thục ở trường Urbano, nơi ngài theo học, trong vòng mười ngày đã có câu trả lời.[38] Đồng thời, yêu cầu nulla osta (một tuyên bố chính thức không chống lại ai đó) xung quanh các ứng viên gửi cho Văn phòng Tòa thánh đã đến sau đó một tuần.[39]

Bên cạnh vấn đề cần được giải quyết đó là thỏa thuận giữa Địa phận Tông tòa Phát Diệm và Địa phận Tông tòa mới Thanh Hóa trong việc phân chia các chủng sinh: Đức cha Dreyer đã được Bộ Truyền bá Đức tin chỉ định làm trọng tài trong việc này.[40]

5. Hướng tới việc bổ nhiệm

Vào tháng Giêng năm 1933, một lần nữa kế hoạch được đệ trình với sự chú ý của các Hồng y đoàn thuộc Thánh bộ Truyền bá Đức tin. Dưới đây là những điểm nổi bật của báo cáo được trình bày cho các hồng y:

Trọng kính quí Đức Hồng y

1. Trong nhiều năm, Thánh Bộ này mong muốn đạt được việc thiết lập một miền truyền giáo trao phó cách riêng cho các linh mục bản xứ vùng Đông Dương, một vùng đất màu mỡ dành cho Giáo hội trở lại và ơn gọi linh mục. Nhưng cho đến giờ này vẫn chưa thể đạt được thành quả cụ thể nào do nhiều hoàn cảnh trái ngược. Năm ngoái Đức cha Marcou Đại diện Tông tòa Phát Diệm đã gửi một chương trình nhằm trao cho vùng Đông Dương một giám mục bản xứ đầu tiên. Ngài đã đề nghị chia đôi Địa phận của mình, để lại cho những người bản xứ vùng đất với diện tích nhỏ nhưng có nhiều giáo dân Công giáo và nhiều công trình hơn, và trao cho các thừa sai của Chủng viện Paris phần đất khắc nghiệt hơn, việc truyền giáo vẫn còn lạc hậu.

Việc phân chia này đã được các Hồng y chấp nhận, trong toàn thể Thánh bộ vào tháng 4 năm ngoái. Hiện giờ, Đức cha Marcou, vẫn đang là người điều hành phần lãnh thổ dành riêng cho người bản xứ, yêu cầu ngay lập tức tiến hành bổ nhiệm một giám mục phó người bản xứ của mình. Ngài muốn rời bỏ càng sớm càng tốt vai trò cai quản Phát Diệm vì cảm thấy sức khỏe mỗi ngày một yếu dần. Hơn nữa, khi tin chuyển giao Phát Diệm cho hàng giáo sĩ bản xứ được loan đi, thì đó là kỳ vọng rất lớn của phần đông hàng giáo sĩ Đông Dương (1.251 linh mục bản xứ so với 384 linh mục ngoại quốc) vì người đầu tiên trong số những người đồng hương của họ được vinh dự nâng lên chức giám mục.

Do đó, Đức cha Marcou, gửi bộ ba ứng viên theo thông lệ, đã mạnh mẽ khuyến nghị rằng việc bổ nhiệm giám mục nói trên phải được tiến hành với sự quan tâm cao độ. Cả Đức cha de Guébriant, Khâm sứ Tòa thánh vùng Đông Dương cũng nói như thế.

Bộ ba người được Đức cha Marcou gửi đi bao gồm các tên sau: [...]

Đức cha Marcou ngay từ đầu muốn chỉ định một linh mục của Phát Diệm làm phó cho mình, để không cần phải cậy nhờ đến những yếu tố lạ nào khác, nên trong một lần Đức cha mời cha Tòng giảng tĩnh tâm cho hàng giáo sĩ, ngài được chú ý nhờ những đức tính của mình đến nỗi ngài trở thành ứng viên được yêu thích của Đức cha Marcou [...]

Cha Phêrô Thục […] được chấm từ tiếng nói của cộng đồng, không chỉ từ các linh mục mà còn từ các giới chức của chính phủ Pháp, như thể người được tiền định cho chức giám mục. Hiện tại tuổi tác và năm thi hành sứ vụ linh mục của cha Thục còn ít khiến người ta nghi ngờ rằng ngài là người “ít được chuẩn bị” (moins preparé).

Cha Phêrô Đô, thuộc Địa phận Tông tòa Hà Nội. Ngày sinh chính xác của ngài không được rõ, vì sổ sách của miền truyền giáo bị thất lạc trong những năm đàn áp đó. Tuy nhiên, cha Đô khoảng 50 tuổi và được thụ phong linh mục vào năm 1914. Cha được bổ nhiệm làm cha sở Giang Xá, nơi ngài đã tỏ ra rất “nhiệt tình” […]. Tuy nhiên, khuyết điểm mà người ta có thể thấy nơi cha Đô là ngài biết rất ít tiếng Pháp, điều tuyệt đối cần ở vùng Đông Dương […]

2. Đức cha Dreyer, Khâm sứ Tòa thánh, được yêu cầu bình chọn các ứng viên giám mục khi sang Rôma. Ngài biết từng người trong số hai ứng viên đầu tiên, về cơ bản đã xác nhận bộ ba người như đã nói trên.

Đức cha biết rõ những đức tính đặc biệt của cha Thục và có thể bị cám dỗ xếp cha Thục vào vị trí đầu tiên. Tuy nhiên, xét đến việc hàng giáo sĩ và người giáo dân vùng Á Đông vốn coi trọng tuổi tác của các Bề trên tinh thần của họ, và đặc biệt là trong lần bổ nhiệm vị giám mục bản xứ tiên khởi này, việc bổ nhiệm một người cũng cần sự kính trọng bên ngoài, Đức cha kết luận rằng bổ nhiệm cha Tòng là thích hợp. Ngài là người được trang bị những tài năng tuyệt vời, được Đức cha Marcou cũng như hàng linh mục và giáo dân ưu ái.

Đức cha Dreyer còn cho biết thêm: “Khi cần thiết phải tiến hành việc kế vị cha Tòng ắt sẽ có những phần tử khác nhau xứng đáng cho chức giám mục ở Đông Dương” […]

Một số thông tin được thêm vào liên quan đến Địa phận Tông tòa Phát Diệm. Diện tích 1.700 km vuông, với 500.000 dân trong đó có 97.000 người công giáo. Người ta thấy ở đó có tất cả các công trình của một vùng truyền giáo được tổ chức cách tuyệt vời. Quá đủ khi nói đến nhà thờ chính tòa đồ sộ, Đại Chủng viện, Tiểu Chủng viện, trường thầy giảng, bệnh viện của địa phận, các nhà tập của các nữ tu Châu Âu và người bản xứ. Nó thực sự xuất hiện như một vùng đất lý tưởng để thực hiện hoạt động tông đồ của các linh mục bản xứ.[41]

6. Tấn phong

Ngày 10 tháng 1 năm 1933, sắc lệnh bổ nhiệm vị giám mục Việt Nam đầu tiên được công bố: “SS. D. N. Pius D.P. Papa XI in omnibus ratam habuit et probavit, supra laudatum Joannem Baptistam Tong Coadiutorem cum futura successione et charactere episcopali Vicarii Apostolici de Phat Diem nominavit”.[42] (Đức Thánh Cha Piô XI đã phê chuẩn và đã chấp thuận, hết lời khen ngợi bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Tòng làm Giám mục phó với quyền kế vị trong tương lai và làm giám mục Đại diện Tông tòa Phát Diệm); ngài được tấn phong làm giám mục hiệu tòa Sozopoli.[43]

Trong thư cám ơn gửi cho Đức Hồng y Carlo Salotti, được viết vào cuối tháng, cha Tòng cho biết ý định thực hiện sớm chuyến hành hương đến Rôma.[44] Vào tháng Hai, từ Rôma thông tin đến với vị tân Giám mục được chọn rằng chính Đức Piô XI sẽ tấn phong cho ngài tại Vatican:

“Gratissimum mihi est bonum nuncium per praesentes Excellentiae Tuae commu­nicare. Sanctissimus Dominus Noster enim Pius PP. XI statuit Te in Episcopum con­secrare sua propria manu in Basilica Vaticana. Propterea peregrinationem ad limina Apostolorum quam meditabaris, de qua nuper ad Sancram hanc Congregationem scripsisti, tunc laeto animo suscipies. Sacrum hoc dicasterium tibi opportune notum faciet tempus in quo consecratio locum habebit ut possis tempestive iter Romam ver­sus instituere. Interim de hac notitia discretum et prudentem usum facies”.[45]

(Tôi vui mừng khi nhận được tin tốt từ Đức Hồng y hiện thời của cha. Đức Thánh Cha Piô XI đã quyết định tấn phong cha làm giám mục do chính tay ngài tại Vương cung thánh đường Vatican. Vì thế, xin cha cứ vui lòng thực hiện chuyến hành hương đến mộ các Tông đồ mà cha đã nung nấu trong lòng, như cha đã viết thư gửi cho Thánh bộ. Văn phòng Thánh bộ này sẽ cho cha biết thời gian thích hợp sẽ diễn ra lễ tấn phong để cha có thể tổ chức hành trình đến Rôma đúng thời điểm. Trong khi chờ đợi, việc phải làm là sử dụng thông tin này cách kín đáo và cẩn thận).

Đồng thời Đức Hồng y Carlo Salotti thông báo cho Đức cha Dreyer bằng điện tín và thư.[46] Lễ tấn phong sẽ được diễn ra vào ngày 11 tháng 6 năm 1933 tại Rôma. Từ đây cha Tòng sẽ trở về địa phận của mình, trước hết ngài qua Paris, sau đó hành hương đến Thánh địa rồi về Sài Gòn.

Tại Việt Nam sự kiện này được các quan chức triều đình đón tiếp nồng nhiệt. Ông Emile Raynaud, biện lý của phái đoàn ngoại giao Paris, trong lá thư gửi sang Rôma đã cho biết: Đức cha Tòng “cho tôi biết rằng Vua Bảo Đại, Hoàng đế Annam,[47] đã bày tỏ ý định sẽ đón tiếp ngài cách long trọng tại triều đình Huế, vào khoảng giữa tháng 10”,[48] và Đức cha Tòng đã xin Đức Piô XI một bức thư gửi cho hoàng đế và ngài đã gửi cho Đức cha.

Cuộc đón tiếp diễn ra rất phấn khởi, như Đức cha Dreyer kể lại:

Một đoàn cận vệ với các sĩ quan và dàn kèn đem lại vinh dự cho kẻ đến người đi. Được người phụ tá, một sĩ quan của hải quân Pháp tiếp đón, chúng tôi được đưa đến Điện Cần Chánh, nơi Hoàng Đế đang đợi chúng tôi giữa các viên quan trong cung điện. Tôi giới thiệu hai vị giám mục [Tòng và Marcou] bằng những lời khen ngợi dành cho cả hai. Sau đó Đức cha Tòng đọc một bài diễn văn thật hay, cùng đệ trình lên Hoàng Đế một bức thư và huy chương vàng do Đức Thánh Cha ban tặng. Hoàng Đế đáp lại bằng những lời lẽ rất ân cần, ca ngợi sự kiện chọn lựa người Việt Nam đầu tiên cho chức giám mục và dâng lời cám ơn về những điều ấy, trước hết là Đức Thánh Cha vì đã tôn vinh dân tộc Việt Nam […]

Vào buổi tối, nhằm vinh danh vị giám mục, Hoàng Đế chiêu đãi một bữa ăn với 35 khách mời, bao gồm các nhà chức trách của nước bảo hộ và các giám mục nói trên, giám mục của Huế cùng với các nhân sĩ trong thành phố. Không còn nghi giờ gì nữa, sự kiện được tiết lộ này sẽ là một khích lệ to lớn đối với người Công giáo của chúng ta và là một động lực để các lương dân thiện chí tiếp cận với đạo của chúng ta. Thực ra, mọi thứ đã được thỏa thuận với chính phủ bảo hộ, điều đó càng chứng tỏ rằng việc bổ nhiệm các giám mục bản xứ sẽ được cả hai chính quyền hoan nghênh, việc này sẽ được thực hiện bất cứ lúc nào với các điều kiện tương tự như Đức cha Tòng.[49]

Khu vực đầu tiên được giao cho các giáo sĩ địa phương có một kết cấu tốt: Trải dài trên một lãnh thổ với diện tích 1.700 km vuông, có khoảng 500.000 dân. Trong số này có 100.334 là người công giáo Việt Nam và số khác không phải là Kitô hữu; có 3.171 dự tòng; người Công giáo ngoại quốc, lên tới 40 người, tất cả là người Pháp. Tất cả những người này được phục vụ từ 98 linh mục Việt Nam, 6 thừa sai người Pháp, trong 40 giáo xứ, 8 giáo điểm chính, 321 giáo điểm phụ.[50] Vì vậy viễn tượng về một thành quả tốt đẹp đã nằm trong tầm tay.

Ngoài ra, sự kiện này cũng đã khơi dậy sự phấn khởi nhất định ở Việt Nam: “Không chỉ những người Công giáo Việt Nam mới cảm thấy vui sướng vì sự ưu ái đặc biệt của Đức Thánh Cha; những người Việt không Công giáo, đặc biệt là tầng lớp có học, đã nhìn thấy sự quan tâm đầy tinh tế này của Đức Thánh Cha, một bằng chứng công khai về tình cảm và sự quý trọng của ngài đối với toàn thể dân tộc Việt Nam”.[51] Thế nhưng đây chỉ là bước đầu tiên trong chính sách của Bộ Truyền bá Đức tin.

Giờ đây không có gì hơn ngoài việc tiếp tục với sự thận trọng, cùng với nghị lực và nhanh chóng, qua công trình được khởi sự dưới sự che chở đầy may mắn như thế và nhằm tạo cho vùng Đông Dương có một Hàng giáo phẩm địa phương xứng đáng. Bằng cách này Giáo hội vốn đã phát triển sẽ chuyển sang vị thế của giai đoạn trưởng thành mà bây giờ rõ ràng là thuộc về nó. Các nhà thừa sai người Pháp đã nêu một tấm gương cao đẹp về lòng quảng đại qua việc tấn phong Đức cha Tòng. Thiết nghĩ giờ đây không thể chậm trễ để nó được các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha bắt chước. Hơn nữa, tất cả điều này có vẻ hợp lý ngay cả sau những cân nhắc chính trị sơ đẳng.[52]

7. Những nhận xét sau cùng

Chúng ta có thể rút ra một số nhận xét đầy thú vị khi so sánh giữa đường lối hành động áp dụng cho Đông Dương và cho mô hình Trung Quốc, thành công lớn đầu tiên đối với chính sách phong chức cho người Á Châu (đường lối đó ở Ấn Độ, vì nhiều lý do khác nhau, Đức cha Roche hoàn toàn thất bại). 

Trước hết cần phải hết sức thận trọng trong hành động, ở Trung Quốc có 6 giám mục được tấn phong cùng lúc, trong khi ở Đông Dương khởi đầu chỉ có một. Trong thực tế, có sự khác biệt đó là dường như không phải việc tấn phong cho Đức cha Tòng đã gây ra những cuộc phản kháng, nhưng thay vào đó, cần phải bắt kịp cách của người Trung Quốc, cả trong các giới chức thừa sai và từ phía nhà cầm quyền Pháp, từ tài liệu được tìm thấy ở đây, dường như chưa được tham khảo ý kiến, ít là cách chính thức.

Các yếu tố tương đồng là việc Đức Giáo hoàng tấn phong, và mong muốn giao một địa hạt tươi tốt cho trải nghiệm đầu tiên của “chính phủ tự trị” thuộc giáo hội bản xứ. Thực ra, người ta đã nghiên cứu việc phân tách các địa hạt để rồi trao cho vị tân đại diện Tông tòa Châu Á một vùng đất bảo đảm thành công chắc chắn cho sứ vụ của nơi đó.

Sự thận trọng cũng là điều thú vị, vì qua đó cách thức hành động được lựa chọn sao cho không chạm đến tự ái của chính quyền thuộc địa: Chọn một miền đất có rất ít người Pháp. Mục tiêu đã đạt được đó là bổ nhiệm cha Tòng với quyền kế vị cho một vị đại diện người Pháp cao niên; ít lâu sau đó, một số nhà thừa sai người Châu Âu cũng rời khỏi khu vực.

Nhìn chung các hoạt động thành công tốt đẹp. Một thời gian không lâu sau đó hai Địa phận Tông tòa “bản xứ” khác, Bùi Chu năm 1935 và Vĩnh Long năm 1938 được thành lập. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế, tài liệu của Bộ Truyền bá Đức tin cho thấy có những trở ngại lớn cần phải vượt qua, và chúng tôi dự định sẽ trình bày ở một bài viết khác trong tương lai.
 

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Ngả bóng thời gian, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr. 227-258)

[1] Bênêđictô XV, Tông thư “Maximum illud” gửi các Thượng phụ, Bề trên Tổng quyền, Tổng Giám mục, Giám mục, các tín hữu trên toàn thế giới, ngày 30 tháng 11 năm 1919, trong AAS 11 (1919), tr. 440-455 [đoạn này và những đoạn viết tắt khác trích từ IAGT3]. Xem CARLO PIOPPI, “một giai đoạn quan trọng trong việc chuyển đổi sứ mạng truyền giáo sang Giáo hội địa phương miền Viễn Đông. Nhận thức của “Maximum illud” trong các văn bản của Công đồng Trung Quốc đầu tiên năm 1924, trong “AHC” 44 (2012), tr. 291-342.

[2] Xem Id., “Và Đức Thánh cha quyết định rằng chúng ta phải tiến lên không có cách nào khác”. Đức Piô XI và lễ tấn phong các giám mục Trung Quốc đầu tiên, trong FRANCO CAJANI (a cura di), Đức Piô XI và thời đại của ngài. Biên bản hội nghị, ngày 7-9 tháng 2 năm 2014 = “I Quaderni della Brianza” 37 (2014), n° 180, tr. 303-350.

[3] Về bối cảnh chung lịch sử Việt Nam: Giampaolo calchi novati, Lịch sử Việt Nam và khu vực Đông Dương, Marzorati, Milano 1972, tr. 131-145; francesco montessoro, Việt Nam, một thế kỷ lịch sử, franco angeli, Milano 2002, tr. 67-167; jan romein, Thế kỷ của Châu ÁChủ nghĩa đế quốc phương Tây và cuộc cách mạng Châu Á trong thế kỷ XX, Einaudi, Torino 1969 (hoặc: De eeuw van Azië, Brill, Leiden 1956), tr. 282-288. Về bối cảnh Giáo hội: jean verinaud, thế kỷ của Giáo hội ở Đông Dương, trong StCh(T) XXIV, tr. 279-286; joseph metzler, các Thượng Hội Đồng ở Đông Dương 1625-1934, Schöningh, Paderborn 1984, tr. 299-330.

[4] Sinh ngày 7 tháng 8 năm 1868; từ nhiệm năm 1945 và qua đời ngày 11 tháng 7 năm 1949.

[5] Relatio quinquennalis Missionis Phat-Diem (in Tonkino) juxta normam Epistolae S.C. de Prop. Fide anno 1922 exaratae, ngày 31/12/1929, văn khố bộ Truyền bá Đức tin (d’ora in avanti APF), N.S., vol. 997, f. 553r.

[6] Relatio quinquennalis Missionis Phát Diệm (in Tonkino) juxta normam Epistolae S.C. de Prop. Fide anno 1922 exaratae, ngày 31/12/1929, trong APF, N.S., vol. 997, f. 551r. Con số các linh mục bản xứ được gạch dưới bằng bút chì đỏ từ một độc giả của Bộ Truyền bá Đức tin.

[7] Relatio quinquennalis Missionis Phat-Diem (in Tonkino) juxta normam Epistolae S.C. de Prop. Fide anno 1922 exaratae, ngày 31/12/1929, in APF, N.S., vol. 997, f. 559r. Các dữ kiện này cũng được đánh dấu bằng bút chì đỏ.

[8] Relatio quinquennalis Missionis Phát Diệm (in Tonkino) juxta normam Epistolae S.C. de Prop. Fide anno 1922 exaratae, ngày 31/12/1929, trong, N.S., vol. 997, f. 553r. Dự án phân chia này cũng được đánh dấu bằng bút chì đỏ.

[9] Sinh năm 1857 ở Montpellier, linh mục năm 1879, giám mục năm 1895, đại diện Tông tòa Phát Diệm từ năm 1901: Prospectus status missionis quotannis ad S. C. de Propaganda Fide ab ordinario mittendus, ngày 17/08/1931, trong APF, N.S., vol. 997, f. 613r. Cfr. HcMA VIII, tr. 356.

[10] Dữ liệu trong JOSEPH WEIER, Possum, Wilhelm Marinus van, Kardinal, trong BBKL VIII, coll. 725-726.

[11] Louis de Cooman, sinh năm 1881 tại Gand, linh mục năm 1904, giám mục năm 1918: Prospectus status missionis quotannis ad S. C. de Propaganda Fide ab ordinario mittendus, ngày 17.8.1931, trong APF, N.S., vol. 997, f. 613r. Cfr. HCMA IX, tr. 362.

[12] Note à Son Eminence, le Cardinal Préfet de la Propaganda, được Đức cha Alexandre Marcou viết, ngày 20/06/1930, trong APF, N.S., vol. 997, f. 566ar.

[13] APF, N.S., vol. 997, f. 566r.

[14] Dữ liệu trong Mario de Camillis, Salotti Carlo, trong EC X, coll. 1699-1700.

[15] Bản sao thư của Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum và của Đức Hồng y Carlo Salotti gửi cho Đức cha Alexandre Marcou, ngày 15.4.1931: trong APF, N.S., vol. 997, f. 576.

[16] Prospectus status missionis quotannis ad S. C. de Propaganda Fide ab ordinario mittendus, 17.08.1931, in APF, N.S., vol. 997, f. 613.

[17] Thư Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 31.8.1931: trong APF, N.S., vol. 997, f. 619r.

[18] Thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi cho Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 31.8.1931: trong APF, N.S., vol. 997, f. 621r.

[19] Thư của ĐGM Alexandre Marcou gửi cho Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 30.10.1931, trong APF, N.S., vol. 997, ff. 630-636.

[20] Dữ liệu trong A. Trin, Dreyer (Victor, en religion Colomban), trong DBF XI, coll. 763-764.

[21] Bản sao ghi chú của Đức cha Alexandre Marcou ngày 19.03.1932, đính kèm với thư của chính Đức cha Marcou gửi cho Đức cha Colomban Dreyer, ngày 19.03.1932, đính kèm bức thư của ngài với thư của Đức cha Dreyer gửi cho Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 6.10.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 630rv.

[22] Bảo sao thư của Đức cha Isidore Dumortier gửi Đức cha Alexandre Marcou, ngày 14.12.1931, đính kèm thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 6.10.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 628r.

[23] Bảo sao thư của Đức cha Gendreau gửi Đức cha Alexandre Marcou, ngày 29.12.1931, đính kèm thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 06.10.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 629r.

[24] Thư của Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum gửi Đức cha Colomban Dreyer, ngày 11.12.1931, trong APF, N.S., vol. 997, f. 640.

[25] Ở đây có khả năng đề cập đến giới nông dân và công nhân bị khích động, ở một số khu vực đã biến thành các cuộc nổi dậy thực sự vào năm 1930 và 1931: cfr. MoNTESSORO, Vietnam, tr. 154-160.

[26] Thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 22.01.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 573-574.

[27] Bản sao thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức cha Colomban Dreyer, ngày 19.03.1932, đính kèm thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 6.10.1932, in APF, N.S., vol. 1127, f. 627r.

[28] Bản sao thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức cha Colomban Dreyer, ngày 19.03.1932, đính kèm thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 6.10.1932, in APF, N.S., vol. 1127, f. 627r.

[29] Bản sao thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức cha Colomban Dreyer, ngày 19.03.1932, đính kèm thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 6.10.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 627r.

[30] Đó là điều nói trong thư của Đức cha Colomban Dreyer gởi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 06.10.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 626r.

[31] “Anno 1932. - N. 20. APRILE. Rub. 19/7 Prot. 1016/32 – Thánh bộ Truyền giáo – Đức Hồng y Bonaventura Cerretti đáng kính – Báo cáo tổng quát về việc phân chia Địa phận Tông tòa Phát Diệm và việc thiết lập trong địa hạt của ngài Địa phận Tông tòa mới Thanh Hóa, và khả năng bổ nhiệm Giám mục Tông tòa tiên khởi, tr. 1-4, trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 577-578.

[32] Thư của vị Tổng trưởng được đề cập trong thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi cho Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 28.08.1932, trong ApF, N.S., vol. 1127, f. 618r.

[33] Thư của Đức cha Columban Dreyer gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 07.06.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 612r.

[34] Thư Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức Hồng y Willem Marinus van Rossum, ngày 28.8.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f 618rv.

[35] Thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức Hồng y Carlo Salotti, ngày 26.09.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 644r-645r.

[36] Thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Carlo Salotti, ngày 06.10.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 626r.

[37] Thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Đức Hồng y Carlo Salotti, ngày 10.11.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 648-649.

[38] Bản copy thư của Hồng y Carlo Salotti gửi cho Đức cha Torquato Dini, ngày 15.11.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 650r; thư Đức cha Torquato Dini gửi Đức Hồng y Carlo Salotti, ngày 24.11.1932, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 668r.

[39] Tư liệu trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 647r e 664-665.

[40] Trao đổi giữa Đức Hồng y Salotti và Đức cha Dreyer trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 653-655.

[41] Năm 1933. - Pon. N 4 THÁNG GIÊNG Rub. 19/7. Prot. N. 4504/32 – Thánh bộ “Truyền bá Đức tin ” - Ponente và Đức Hồng y Luigi Sincero rất kính mến – Báo cáo tóm tắt về việc bổ nhiệm một Giám mục Phó bản xứ với quyền kế vị của Địa phận Tông tòa Phát Diệm vùng Đông Dương, trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 671-673.

[42] Biên bản quyết định bổ nhiệm cha J.B Tòng, ngày 10.01.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 675r. Cfr. cũng như trong AAS 25 (1933), pp. 38 e 250.

[43] Thông báo của Thánh Bộ gửi Hồng y Carlo Satolli, 17.01.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 701r. Cfr. cũng như trong AAS 25 (1933), pp. 137 e 250.

[44] Thư của cha J.B Tòng gửi Đức Hồng y Carlo Salotti, 28.01.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 704rv.

[45] Bản sao thư của Đức Hồng y Carlo Salotti gửi cha JB Tòng, 10.01.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 705r.

[46] APF, N.S., vol. 1127, ff. 707-711.

[47] Chính quyền thuộc địa Pháp đã duy trì sự hiện diện của một chế độ quân chủ truyền thống, nhưng tước đi mọi ảnh hưởng quyền lực của nó: cfr. MoNTESSORO, Vietnam, trang. 69. Về Bảo Đại, xem. Enciclopedia Biografica Universale, Viện Bách khoa toàn thư Italia, Rôma 2007, vol. II, trang. 412, s.v.

[48] Thư của cha Emile Raynaud gửi Đức Hồng y Carlo Salotti, 25.08.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 746r.

[49] Thư của Đức cha Colomban Dreyer gửi Hồng y Pietro Fumasoni Biondi, ngày 08.11.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 785rv. Về các quan điểm của Vua Bảo Đại đối với Giáo hội Công giáo vào thời điểm đó, chính Đức cha Tòng cho biết như sau: “Vua Bảo Đại, Hoàng đế đương kim của chúng con, rất tốt đối với chúng con, và hiện tại có tin đồn rằng nhà vua kết hôn với một cô gái Công giáo, người Việt ở Sài Gòn. Con đã tham khảo về vấn đề này năm ngoái khi con còn ở Paris, nơi cô được dạy dỗ và nơi Hoàng đế đã gặp cô. Những sự kiện quan phòng và những trùng hợp đáng mừng này, tương tự như những sự kiện đã xảy ra trong dịp con được vinh thăng lên hàng giám mục và dịp tấn phong của con, sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của Kitô giáo ở Đông Dương. Xin hãy cầu nguyện cho sự cải đạo của nhà Vua”. Thư của Đức cha Tòng gửi Đức Hồng y Pietro Fumasoni Biondi, ngày 01.03.1934, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 803v.

[50] Prospectus status missionis 1933, trong APF, N.S., vol. 1127, ff. 777-778.

[51] Thư của Đức cha Alexandre Marcou gửi Đức Hồng y Petro Fumasoni Biondi ngày 20.09.1933, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 772r: Phần in nghiêng của bản văn được gạch màu đỏ từ độc giả của Bộ Truyền bá Đức tin.

[52] Bản sao thư của Đức Hồng y Pietro Fumasoni Biondi gửi Đức cha Colomban Dreyer ngày 13.01.1934, trong APF, N.S., vol. 1127, f. 786.

 

Nguồn: hdgmvietnam.com