MỘT VÀI SUY TƯ VỀ
VĂN HÓA SỰ SỐNG VÀ VĂN HÓA SỰ CHẾT TRONG BỐI CẢNH CỦA GIA ĐÌNH HIỆN NAY
Joseph Cảnh Phan
Xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển mình cách mạnh mẽ và đang có những thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Nhưng cùng với đó là những mất mát to lớn, trong đó đáng kể nhất là sự khủng hoảng những giá trị cơ bản liên quan đến sự bền vững của hôn nhân gia đình và tình liên đới giữa các thành viên trong bối cảnh của thế giới hôm nay [1].
Trước đây, khi đời sống con người, xã hội trong thời kỳ “Ăn bữa nay, lo bữa mai”, nhu cầu sinh hoạt, giải trí, học tập còn đơn sơ, thì đời sống tâm linh lại được chú trọng ngay nơi mái ấm gia đình và ít nhiều lan ra ngoài xã hội, đạo lý tôn sư trọng đạo được coi trọng, tình cha nghĩa mẹ luôn là trách nhiệm và bổn phận của những người con, huynh đệ tương thân, tình nghĩa vợ chồng, mạng sống và nhân phẩm con người được tôn trọng nâng niu, tương quan giữa con người với nhau đúng là “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Những nét đẹp tình cảm, tinh thần và tâm linh, những giá trị đạo đức và luân lý ấy giờ ngày càng bị mai một. Thay vào đó, khi đời sống con người được nâng cao hơn về kinh tế song song với sự phát triển khoa học hiện đại, những tiện nghi sa hoa, sự hưởng thụ ích kỷ của con người đã ùa đến cùng với mặt trái là cạnh tranh, gian dối, bất nghĩa, vô tâm, vô cảm… Hậu quả là các tệ nạn đã tấn công và tàn phá các mối tương quan trong gia đình, xã hội. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp nhất mà các gia đình đang phải đối diện [2].
Nhìn vào cục diện xã hội thời nay, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thốt lên: “Thời đại của nền văn minh sự chết”. Đúng vậy ! Không chết sao được khi các giá trị công bằng, chân lý, đạo đức nhân bản bị coi thường trước những tham vọng của con người, giá trị của hôn nhân gia đình bị đảo lộn. Có thể liệt kê một chuỗi những vết thương đau xót: Nạn ly hôn ngày càng tăng cao, thêm rất nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi bơ vơ, một số khác rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, dẫn đến nổi loạn hung hăng và bất trị. Nạn yêu cuồng sống vội ngay trong độ tuổi học sinh dẫn đến bạo hành trong học đường, đôi khi gây ra xô xát, án mạng vì tranh giành bạn tình; cũng đẩy tới những trường hợp làm cha, làm mẹ bất đắc dĩ, xói mòn nền tảng hôn nhân gia đình. Nạn nạo phá thai lan tràn khắp nơi vì sai lầm trong yêu đương, vì coi trọng danh dự, tiền bạc, quyền lợi hơn là sự sống con người, chống lại quyền tối thượng của Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và trao ban sự sống của Ngài. Tình trạng tự do sống chung, sống thử trước hôn nhân, nạn bạo hành trong gia đình, ngoại tình…đang làm mai một những giá trị và truyền thống của hôn nhân gia đình.
Đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn trên, người ta đưa ra nhiều lý do như: do ảnh hưởng của văn hóa và lối sống Tây Phương, do phim ảnh, môi trường sống…Thế nhưng vẫn còn đó lý do mà ít người quan tâm đó là giá trị của đời sống hôn nhân gia đình bị băng hoại, cùng với đó là sự thiếu giáo dục luân lý, nhân bản, kỹ năng sống, ngay từ chính trong môi trường gia đình.
KHÁI NIỆM VĂN HÓA SỰ SỐNG – VĂN HÓA SỰ CHẾT
Nếu "văn hóa” là phương cách mà mỗi người và mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có một cuộc sống nhân bản trọn vẹn, thì gia đình chính là chiếc nôi văn hóa của một đời người, vì văn hóa chỉ có thông qua con người và nhờ con người. Chiếc nôi văn hóa gia đình là hình ảnh của lòng mẹ được gọi một cách trang trọng là "tử cung" nơi bào thai được hình thành, là nơi người con được hấp thụ toàn bộ sinh hoạt nhân bản: sinh hoạt trí tuệ và tình cảm, việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, các phong tục tập quán và luân lý của con người. Nói cách khác, mỗi người đón nhận từ gia đình một vòng đời văn hóa: yêu thương, phục vụ…; trong đó, sự sống và tình yêu là hai nét văn hóa cơ bản và cần thiết nhất để con người được hiện hữu và trưởng thành nhân cách.
Ý nghĩa của hạn từ “văn hóa”
Thuật từ văn hoá (culture) dịch từ tiếng Latinh là cultura, bắt nguồn từ chữ cultus mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa gieo trồng ruộng đất (cultus agri) và gieo trồng tinh thần (cultus animi), tức là sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người [3]. UNESCO, trong tuyên bố toàn cầu về tính đa dạng văn hoá đã đưa ra một định nghĩa chung về văn hoá, thuật từ này về căn bản đã được thống nhất.Theo UNESCO định nghĩa: “Văn hoá là tập hợp các đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, ngoài văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin” [4].
Hạn từ này được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày rõ nét trong bài diễn văn lịch sử đọc tại trụ sở UNESCO: “Văn hoá là một cách thế riêng biệt để hiện hữu và để làm người. Con người luôn sống trong một nền văn hoá. Đây là nền văn hoá riêng biệt của mỗi người, nhưng đồng thời nó lại tạo nên một mối dây liên hệ đặc biệt giữa người với nhau, xác định tính chất liên nhân vị và xã hội của cuộc sống nhân loại” [5].
Ở mức độ cao hơn, văn hóa là những sinh hoạt của con người trong lãnh vực tinh thần. Đó là những công trình giáo hoá của con người, những tri thức, học thuyết, giáo lý đưa dẫn suy tư của con người lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất hằng ngày, những tìm tòi và tin tưởng có tính cách tâm linh, là những niềm tin tôn giáo, những tin tưởng về những gì xảy ra trong cõi vô hình, có khả năng chi phối ngay trong và sau cuộc đời hiện tại.
“ Văn hóa sự sống”
"Văn hoá sự sống" (Culture of Life). Cụm từ này dùng diễn tả một chân lý thần học, đó là sự sống của con người trong mọi giai đoạn từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên là thánh thiêng. Mặc dù theo thời gian đã có nhiều tác giả sử dụng, nhưng chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã sử dụng cụm từ này lần đầu trong Đại Hội Giới Trẻ tại Denver (Hoa Kỳ, 1993) mà ngày nay nó đã trở nên một hạn từ phổ biến. Phát biểu với các nhà báo tại sân bay quốc tế Stapleton gần Denver, Colorado, Đức Giáo Hoàng đã lên án việc phá thai và trợ tử, ngài nói: “Văn hoá sự sống là tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đặc biệt, nó có nghĩa là tôn trọng sự sống con người từ giây phút đầu tiên của việc thụ thai cho đến khi kết thúc bằng cái chết tự nhiên của nó" [6]. Cụm từ "văn hoá sự sống" theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bao gồm: Việc chống lại các hoạt động phá hoại sự sống con người: Việc phá thai, ngừa thai, triệt sản, sát nhân, tự tử, trợ tử, án tử hình, nghiên cứu tế bào gốc hoặc phôi thai người, nhân bản vô tính, chiến tranh phi nghĩa, bạo hành, tự đại và ích kỷ; đồng thời ngài khuyến khích tình yêu khiết tịnh, trung tín và đức hạnh, đời sống hôn nhân gia đình và bổn phận làm cha, làm mẹ.
“ Văn hóa sự chết”
"Văn hoá sự chết" (Culture of Death) phải được hiểu là những trào lưu tiêu cực, là nền văn hoá bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tục hoá, duy hưởng thụ và duy khoái lạc khiến người ta ủng hộ những cách ăn ở nghịch lại sự sống và phẩm giá con người như cho phép "sống chung, sống thử", đồng tính, ly dị, phá thai,... không màng đến các giá trị đạo đức nữa.
Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Văn hoá sự chết" là nền văn hoá vắng bóng ý thức về Thiên Chúa, Đấng ban sự sống và cứu độ, và vắng bóng ý thức về con người, phẩm giá và sự sống của con người, "đi tới chỗ phát minh và củng cố nhiều 'cơ chế tội lỗi' thực sự chống lại sự sống" [7].
"Văn hoá sự chết" bị thao túng bởi não trạng duy vật, thực dụng và vị lợi khiến người ta đánh mất tình liên đới, theo đó, dựa trên những tiêu chuẩn của hiệu năng sản xuất, những người già, bệnh tật và những ai bị tàn phế không thể phục hồi là những gánh nặng cho xã hội, sẽ bị tước quyền sống và được "chết êm dịu" [8].
Trước thực trạng của xã hội đang ngày một làm suy thoái những giá trị luân lý của hôn nhân gia đình, ước mong sao một vài suy tư này như là một đóng góp nho nhỏ để khôi phục và thăng tiến những giá trị của hôn nhân gia đình.
[1] HĐGMVN,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008, số 9.
[2] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 1981.
[3] Một nhóm giáo sư, Từ Điển La- Việt- Pháp, Ra khơi, Sài Gòn, 1960.
[4] http://www.unesco.org/education/imld_2002/unversal_decla.shtml.
[5] Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc tại Unesco, 02/06/1980, trong ECCLESIA, 17.
[6] Phát biểu của Đức Gioan Phaolô II, ngày 16/08/1993.
[7] Đức Thánh Cha Gioan Phalô II, Evangelium Vitae,1995, 24.
[8] Lm.Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R, An tử & trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, n.d. Nguyễn Đình Diễn,nxb tôn giáo Hà Nội, 2004.