Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Việt Nam qua sử thi, anh hùng ca

15/06/2017
12123
GS, TSKH Phan Đăng Nhật*

Ấn Độ là một trong những trung tâm văn minh của nhân loại. Văn hóa Ấn Độ có vai trò quan trọng trong văn hóa của một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Nói đến ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với khu vực này chúng ta không thể không nói tới ảnh hưởng của sử thi Ramayana. Sử thi Ramayana đã đi vào đời sống của nhân dân Đông Nam Á nói chung và nhân dân Đại Việt nói riêng.


 

Thuật ngữ: sử thi/anh hùng ca

Những đối tượng mà chúng ta đang bàn đây như Ramayana, Têwa Mưno,… hiện được gọi là sử thi. Lịch trình của thuật ngữ này như sau: trước Cách mạng Tháng Tám, người ta thường dùng anh hùng ca, ví dụ: Anh hùng ca Việt Nam[1]. Sau đó, một số học giả dùng anh hùng ca như Cao Huy Đỉnh trong sách Người anh hùng làng Dóng[2]; Nguyễn Văn Khỏa trong sách Anh hùng ca của Homere[3].

Theo chúng tôi, anh hùng ca là một thuật ngữ hay, vì nó bao hàm cả hai thuộc tính cơ bản của đối tượng, tính anh hùng và tính diễn xướng bằng hát xướng. Tuy nhiên, khi biên soạn sách Lịch sử văn học Việt Nam[4]chúng tôi, chủ yếu là tôi, do ít hiểu biết và mặc cảm tự ti, nên thay Anh hùng ca là Trường ca. Thuật ngữ này bị phê phán khá nhiều, do đó, chúng tôi chuyển sang sử dụng thuật ngữ Sử thi. Sau nhiều năm nghiên cứu sử thi/anh hùng ca, tôi nhận thấy, cần phục hồi anh hùng ca và đã thí nghiệm dùng nó trong sách Khủn chưởng – anh hùng ca Thái. Một lần nữa, xin bày tỏ nguyện vọng phục hồi thuật ngữ anh hùng ca.

I. Khảo sát văn bản

Việt Nam và Ấn Độ là hai nước sớm đã có sự giao lưu về văn hóa, vì vậy, trong kho tàng văn học dân gian nước ta, bên cạnh những câu chuyện bị ảnh hưởng của phương Bắc còn có nhiều câu chuyện có nguồn gốc hoặc ảnh hưởng của phương Nam như Sọ Dừa, Tấm Cám,… Trong Lĩnh Nam chích quái, chúng tôi thấy có những câu liên quan đến Phật giáo, liên quan đến văn hóa Ấn Độ.

Lĩnh Nam chích quái là một tập sách ghi chép những câu chuyện truyền thuyết và cổ tích của nước ta. Tác phẩm này viết bằng chữ Hán, xuất hiện sớm nhất, có lẽ, vào thời nhà Trần. Tác giả của Lĩnh Nam chích quái là Trần Thế Pháp, nhưng hiện nay, chúng ta chưa biết một thông tin nào về ông. Tác phẩm này, về sau, còn được các nhà Nho đời sau bổ sung và hiệu đính lại. Chính Vũ Quỳnh đã viết: “Hồng Đức, mùa xuân, tháng hai, năm Nhâm Tý, kẻ ngu này mới chép được truyện cũ, ôm lấy mà đọc, nghĩ không tránh khỏi chữ nọ xọ chữ kia, cho nên quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính xếp thành hai quyển, đặt tên là “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện”, cất trong nhà để tiện quan lãm. Còn như việc khảo chính nhuận sắc, làm sáng truyện, gọt văn chắp lời rữa ý thì chư vị quân tử hiểu cổ lại không có ai hay sao?[5]. Nếu như Vũ Quỳnh chỉ dám sửa chữa một ít thì Kiều Phú lại sửa chữa nhiều hơn: “…Cho nên kẻ ngu này tham khảo thêm sách khác thêm ý riêng của mình chữa lại cho đúng, biện chính những điều sai lầm của thuở trước, cho khỏi tiếng chê cười của đời sau, lại gọt bớt chỗ rườm rà theo chỗ giản dị để tiện mang cất, coi xem…[6]. Sang đời nhà Mạc, một nhà Nho họ Đoàn lại thêm một quyển thứ ba. Đến thế kỷ XVIII, Vũ Khâm Lâm cũng tham gia vào việc thêm truyện mới cho Lĩnh Nam chích quái. Bởi vậy, trong Lĩnh Nam chích quái chúng ta thấy có nhiều câu chuyện do đời sau thêm vào và hiện nay có nhiều dị bản khác nhau. Nhưng nói đến Lĩnh Nam chích quái là chúng ta lại nhắc đến tên tuổi Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú.

Khi phiên dịch, chú thích và giới thiệu truyện Lĩnh Nam chích quái, giáo sư Đinh Gia Khánh nhận xét về ảnh hưởng của sử thi Ấn Độ đối với Đại Việt: “Lại có truyện như Dạ thoa thì rõ ràng là một truyện Chiêm Thành có nguồn gốc Ấn Độ (thần thoại Ramayana). Trong truyện của Chiêm Thành thì nhân vật Ravana lại có tên là “Mười đầu”, trong truyện Dạ thoa thì Dạ Thoa vương còn gọi là Thập đầu vương; trong truyện của Chiêm Thành thì nhân vật Dacaratha lại có tên là “mười xe”, trong truyện Dạ Thoa thì vua nước Hồ tôn tinh có tên là Thập xa vương”.

Vậy nhận xét của giáo sư Đinh Gia Khánh có đúng không? Con đường ảnh hưởng của Ramayana đối với Đại Việt như thế nào?

II. So sánh truyện Dạ Thoa với Ramayana và Tề wa mưnô

1. Các nhân vật chính

1.1. Các nhân vật chính của Ramayana và Tề wa mưnô

Sử thi Ramayana là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng, niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ. Ramayana nghĩa là cuộc hành trình của chàng Rama hay kỳ tích của chàng Rama, là cuốn sách thần thánh trong đời sống của hàng triệu người Indu.

Nguyên bản Ramayana được tạo nên bởi nhà thông thái Valmiki. Ramayana gồm 24000 câu thơ sanskrít, được chia làm bảy cuốn sách. Nó là hòn đá tảng của đạo đức Indu và lòng trung thành. Sử thi Ramayana kể về cuộc chiến thắng của chàng Rama đối với vua của loài quỷ Ravana. Rama đã phải đối mặt với bao hiểm nguy với tư cách là người đàn ông lý tưởng, hiện thân của vị thần Visnu. Ramayana được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ramayana có một sức sống trường tồn trong lòng nhân dân Ấn Độ.

Còn Tềwa mưnô là niền tự hào của người Chăm. Người Chăm hãnh diện vì nó. Nó được xem như Truyện Kiều của người Chăm. Tềwa mưnô gồm khoảng từ 450 câu đến 480 câu lục bát cổ điển Chăm. Tềwa mưnô không có tác giả và cũng chưa xác định được thời gian ra đời. “Tềwa mưnô được truyền vào Chămpa qua con đường Islam vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII”[7]. Nhà nghiên cứu Gerard Moussay đã chứng minh được rằng, Tềwa mưnô của người Chăm được vay mượn từ Hikayat Deva Mưno của Mã Lai mà Hikayat Deva Mưno chính là một dị bản của Ramayana. Tuy nhiên, khi đi vào đời sống của nhân dân Chăm thì một số tình tiết của cốt truyện cũng như tâm lý nhân vật được thay đổi cho phù hợp. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các nhân vật chính của Ramayana và Tềwa mưnô.

Các nhân vật của Ramayana: Nhà nghiên cứu Đỗ Thu Hà, trong cuốn sách “Về vấn đề bản địa hóa sử thi Ramayana Ấn Độ ở một số nước Đông Nam Á”, sắp xếp các nhân vật trong sử thi Ramayana như sau:

Các vị thần và các nhà thông thái:

- Visnu: Thần bảo vệ

- Siva: Thần hủy diệt

- Brahma: Thần sáng tạo

- Vanmiki: nhà thông thái, nhà thơ và tác giả Ramayana

- Vasaratha: Nhà thông thái vĩ đại nhất của triều đình vua Dasaratha, tu sĩ hoàng gia

- Agastya: Người đứng đầu các nhà thông thái trong khu rừng Dandaka.

Gia đình hoàng gia:

- Dasaratha: Cha của Rama, hoàng đế của Ayodhya

- Janaka: Cha của Sita, vua của Mithila

- Rama: hóa thân thứ bảy của Visnu trong lốt người, người anh hùng của Ramayana.

- Kasaly: Vợ cả của Dasaratha và mẹ của Rama

- Kakeyi: Vợ trẻ nhất của Dasaratha và mẹ của Bharata

- Sumitra: Vợ của Dasaratha và mẹ của hai anh em sinh đôi Laksmana và Satrughna

- Bharata: Em trai của Rama

- Laksmana: Em trai của Rama

- Satrughna: Em trai của Rama

- Sita: Vợ của Rama

- Mandavi, Srutakirti và Urmila: những người vợ của Bharata, Satrughna và Laksmana hai con của Rama và Sita. 

Các vị thần và các vua của loài vật:

- Indra: thần mưa và vua của bầu trời

- Agni: thần lửa

- Vayu: thần gió, cha của Hanuman

- Varuna: chúa tể của ao hồ và sông ngòi

- Surya: thần mặt trời

- Garuda: vua của các loài chim, con đại bàng chở Visnu

- Hanuman: con khỉ nô lệ của Rama và sita

- Jambavan: vua của loài gấu, con trai của Brahma

- Jatayu: người bảo vệ Sita, cháu trai của Garuda

- Vali: em trai của vua khỉ Sugriva

- Sugriva: vua khỉ, anh trai của Vali

- Angada: con trai của Vali

Những con quỷ của Lanka:

- Ravana: vua của loài quỷ

- Dusana: em họ của Ravana

- Khara: em họ của Ravana

- Indrajít: con trai cả của Ravana

- Kumbhakarna: em trai của Ravana

- Mandodari: vợ của Ravana, mẹ của Indrajít

- Maricha: người chú ma thuật của Ravana

- Surpanakha: quỷ cái, em gái của Ravana

- Tataka: quỷ cái ăn thịt người

- Vibhisana: anh của Ravana, người sát cánh chiến đấu cùng Rama

- Suaka: gián điệp của Ravana

Các nhân vật của Tềwa mưnô:’

- Laksamana: nhà chiêm tinh, quan đại thần

- Kurama Raja: cha của Tềwa mưnô, vua của xứ Gan Srik Inra hùng mạnh

- Runna Runga Cahya: vợ của Kurama Raja, mẹ của Tềwa mưnô

- Tềwa mưnô: hoàng tử, hóa thân của Kurama Raja

- Ưngkar Deva: anh em kết nghĩa với Tềwa mưnô, con trai của quan đại thần Binara

- Ratna Cahya Sribiyong: công chúa xứ Bỉung Langdara

- Rija Tềwa Samưlaik: hoàng tử tài ba

- Intan: vua xứ Sumui Didin Didan

- Jiô Ginung: tướng của Rija Tềwa Samưlaik.

1.2. Các nhân vật chính của Dạ Thoa

- Trường Minh vương

- Thái tử Vi Bà

- Bạch Tĩnh chiếu nương

- Thập xa vương

Như vậy, chúng ta có thể thấy giữa truyện Dạ Thoa vương và sử thi Ramayana có nhiều điểm tương đồng về cốt truyện và nhân vật chính cũng như sự kiện lớn:

+ Ravana và Dạ Thoa vương đều là vua quỷ có mười cái đầu mà “cả chư thần lẫn lũ quỷ đều không thể giết chết hắn được”

 + Thái tử Rama và thái tử Vi Bà đều là con vua Dacaratha Thập xa vương (10 xe).

+ Công chúa Sita và Bạch Tĩnh chiếu nương đều là những quốc sắc thiên hương và bị Ravana (hoặc Dạ Thoa vương) cướp đưa ra biển Sri Lanca (hoặc là nước Diệu Nghiêm).

+ Cuộc chiến đấu trên biển của Rama đều được sự giúp đỡ của đoàn quân khỉ của Hanuman (hoặc là Vượn Di hầu).



 2. Cốt truyện

2.1. Ramayana là một câu chuyện kể về cuộc hành trình của chàng hoàng tử Rama. Chúng ta có thể tóm tắt cốt truyện một cách giản lược như sau:

Rama là chàng hoàng tử, tài giỏi của vương quốc Ayodhya, nhưng vì lời gian xảo của Kakeyi mà chàng bị nhà vua đày vào rừng sâu cùng người vợ xinh đẹp là nàng Sita.

Trong rừng, quỷ vương Ravana đã bắt cóc Sita vì sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Ravana tìm mọi cách ép buộc, dụ dỗ Sita làm vợ mình nhưng nàng vẫn thủy chung với Rama.

Vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy, được sự giúp đỡ của Sugriva, Hanuman… Rama đã đến được Sri Lanca để giành lại Sita.

 Trận chiến giữa Rama và Ravana diễn ra vô cùng ác liệt. Những mũi tên dũng mạnh của Rama bắn trúng đầu của Ravana. Đầu hắn rụng từng chiếc một. Nhưng nhờ đặc ân của Brahma mà đầu của Ravana lại mọc ra. Rama sửng sốt trước phép lạ này một lúc. Chàng giương cung bắn đúng vào trái tim của Ravana. Hắn ngã xuống.

Cứu được Sita nhưng Rama lại nghi ngờ lòng chung thủy của Sita. Để chứng minh cho sự trong sạch của mình, Sita đã nhảy vào dàn lửa đang bốc cháy. Ngọn lửa dã chứng minh sự vô tội của Sita.

Thời gian lưu đày 14 năm cũng đã qua, Rama trở về trong sự vui mừng của thần dân.

2.2. Tềwa mưnô của người Chăm là câu chuyện kể về cuộc hành trình tìm cha của Tềwa mưnô.

Tềwa mưnô là hoàng tử, con của vị vua quá cố xứ Gan Srik Inra, kết nghĩa với Ưngkar Đêva, con trai của một viên quan đại thần.

Công chúa Ratna Cahya Sribiyong, xứ Birung Langdara được Rija Tềwa Samưlaik, một hoàng tử tài ba, để ý và xin cưới nàng làm vợ, nhưng công chúa không bằng lòng. Cùng lúc đó, vua Intan đem vàng bạc châu báu đến cưới hỏi. Hai bên ưng thuận. Tềwa Samưlaik tức giận, hóa phép biến nàng công chúa xinh đẹp thành con voi trắng. Nó gầm lên một tiếng rồi bỏ chạy vào rừng sâu. Vua Intan vội vã lên tàu bỏ về nước. Tình cờ, trên đường đi tìm cha, hai anh em Tềwa mưnô gặp con voi trắng. Tềwa mưnô hóa phép biến con voi trắng thành nàng công chúa xinh đẹp hơn xưa. Samưlaik biết tin, sai Jiô Ginung đến đánh Mưnô. Cuộc chiến diễn ra gay go ác liệt, Tềwa mưnô giết được Jiô Ginung rồi đưa công chúa Ratna về quê hương tổ chức đám cưới.

Samưlaik uất ức đi tu luyện bảy năm để trả thù. Anh em Tềwa mưnô bị Samưlaik bắn lén. Mũi tên vàng của Samưlaik đưa hai anh em xuống biển, may nhờ có Jin Sanggi cứu sống. Samưlaik lại đánh thuốc độc, hai anh em Mưnô trúng thuốc chết. Samưlaik sai người băm xác hai anh em Mưnô, nhưng xác vẫn y nguyên. Jin Sanggi biết tin đến cứu sống hai người.

Samưlaik tin chắc Tềwa mưnô đã chết, đến xứ Gan Srik để lấy Ratna. Không ngờ gặp Tềwa mưnô đang ngự trên ngai vàng. Cuộc chiến đấu xảy ra ác liệt. Hai bên chiến đấu trong nhiều ngày đêm, bay lên không trung, trong biển sâu. Cuối cùng Tềwa mưnô giết chết Samưlaik bằng chiếc gươm thần Kuraba.

Thượng đế cho Samưlaik sống lại và cho cưới bóng của Ratna. Anh em Tềwa mưnô toàn thắng, ca khúc khải hoàn. Cuối cùng, Ratna trở về quê hương được thần dân và các nước chư hầu đón tiếp tưng bừng”.

 2.3. Dạ Thoa vương

Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, chúa nước ấy hiệu là Dạ Thoa vương, còn gọi là Trường Minh hay Thập đầu vương (vua mười đầu). Nước này phía bắc giáp Hồ Tôn tinh quốc. Hồ Tôn tinh có vua là Thập xa vương, có thái tử là Vi Bà. Vợ Vi Bà là Bạch tĩnh chiếu nương dung mạo rất đẹp. Dạ Thoa nghe nói rất thích, bèn đánh Hồ Tôn để cướp vợ Vi Bà. Vi Bà tức giận đem loài vượn di hầu phá núi, lấp bể thành đường phẳng để công phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ thoa vương, cướp vợ y mà trở về. (Loài tinh Hồ Tôn tức là tinh di hầu, chính là nước Chiêm thành ngày nay vậy).

III. Kết luận

1. Từ những điều đã phân tích ở trên chúng ta có thể rút ra kết luận sau:

Truyện Dạ Thoa vương là một dị bản của RamayanaRamayana được truyền từ Ấn Độ vào Malayxia. Từ Malayxia, Ramayana vào Chăm trở thành Tềwa mưnô rồi trở thành Dạ Thoa vương ở trong Lĩnh Nam chích quái.

Nếu như trong Ramayana, Rama là hình tượng của một người anh hùng Bàlamôn với tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất thì “ở Việt Nam, do các quan niệm về đức trị nên hai nhà nho tác gia đã lấy Ravana làm nhân vật này và lấy đó làm bài học răn đời”.

2. Sự giao lưu văn hóa Việt - Ấn trên đây là một điểm sáng trong mối quan hệ văn hóa Việt - Ấn. Đây là câu chuyện từ thế kỷ XIII, đời nhà Trần. Ngày nay, nhất là thời hiện tại, mối quan hệ Ấn - Việt đã rất khác xưa. Ấn Độ đang thực hiện chính sách hướng Đông với nhiều hành động hướng Đông.  Quan hệ Ấn - Việt mở rộng toàn diện, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa; về chất lượng: chặt chẽ, sâu sắc, hiệu quả cao. Việc mở Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là một biểu hiện tốt, có ý nghĩa quan trọng, chúng tôi rất vui mừng.

Về mặt văn hóa, xin đề nghị một số việc cụ thể:

- Tăng cường trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh giữa hai nước.

- Mở các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa của hai quốc gia.

- Trao đổi sách vở tài liệu, sách vở, phim ảnh.

- Trao đổi các đoàn biểu diễn.

Trong các việc này đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đứng ra làm đầu mối./.

________________________

* Đại học Sư phạm Hà Nội.

[1] Tạp chí Tri Tân, số 123, 1943, tr.15.

[2] Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969.

[3] Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1798.

[4] Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1980.

[5] Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh - Nguyễn Ngọc San phiên dịch chú thích và giới thiệu, Nhà xuất bản Văn hóa, Viện Văn học, 1960, tr.5.

[6] Sách đã dẫn, trang 6.

[7] Inrasara: Văn học Chăm, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 1994, trang 115.