MỘT VÀI SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO
NHẬP ĐỀ
Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “ Tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo: không truyền giáo, Giáo hội không còn ý nghĩa, không còn là Giáo hội của Chúa. Do đó, mọi kitô hữu đều có bổn phận phải truyền giáo tùy theo khả năng của mình” ( Lumen Gentium, số 17 ). Thực vậy, Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Chúa Kitô cho mọi người. Đó vừa là vinh dự vừa là bổn phận của Giáo Hội. Trong bối cảnh xã hội đa tôn giáo và đa văn hoá như hiện nay, chúng ta cần trở về với nguồn mạch đức tin tông truyền, với lệnh truyền của Đức Kitô: “ Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” ( Mt 28,20) . Vâng lệnh Đức Kitô, Giáo Hội có sứ mạng truyền bá đức tin và diễn tả khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã đến cứu độ trần gian, giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Như vậy, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ ý định, kế hoạch của Thiên Chúa, qua Đấng trung gian là Đức Giêsu Kitô. Nhờ lời rao giảng của Hội Thánh mà mọi người nhận biết Đức Kitô, trở lại với Ngài, chịu phép rửa, tháp nhập vào Ngài và vào Hội Thánh là thân thể của Ngài. Nhờ hoạt động truyền giáo, Thiên Chúa được tôn vinh, Đức Kitô được nhận biết và loài người được cứu độ. Ý thức điều đó, xin được mạn phép phác hoạ một vài điểm để xây dựng một Giáo xứ truyền giáo.
I. SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO.
Giáo hội tự bản chất là truyền giáo ( Ad gentes, số 2 ). Lệnh truyền của Chúa Phục sinh: “Các con hãy đi khắp thế gian và rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo” ( Mc 16,15 ). Do đó, tất cả Kitô hữu phải làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi. Góp phần cổ động ơn thiên triệu, truyền giáo và tác vụ chức thánh tại cộng đoàn địa phương. Trợ giúp tài chánh cho các giáo điểm và các chủng viện. Động viên toàn thể giáo xứ cầu nguyện và hy sinh, đặc biệt là xin các người bệnh, người nghèo, các cộng đoàn tu sĩ trên địa bàn giáo xứ cầu nguyện và hy sinh cho công cuộc truyền giáo.
1. Chương trình học bổng cho học sinh nghèo: Trước hết là các chương trình học bổng cho học sinh nghèo, tức chương trình trợ cấp mỗi tháng hay mỗi năm một khoản tiền nào đó cho một học sinh, sinh viên nghèo có thêm điều kiện để học hành. Chương trình này rất thiết thực vì chi phí học hành là rất lớn đối với các gia đình nghèo. Khi mình làm được điều này thì mức độ về tri thức trong giáo xứ sẽ được cải thiện và nâng cao. Những người lương dân họ sẽ không chê người Công Giáo là ít học, có trình độ văn hoá thấp. Như vậy, vị thế của người Công Giáo sẽ được nâng cao và có cảm tình đối với những người lương dân.
2. Các mái ấm, nhà mở: Một chương trình khác nữa giúp trẻ em nghèo lại bị khuyết tật (mù, câm, thiểu năng) là các Mái ấm, nhà mở. Các em được đưa vào các cơ sở này chẳng những được nuôi dưỡng tử tế mà còn được học hành đàng hoàng, học chữ và học nghề nữa. Một số các em không có cha có mẹ và một số em mồ côi hay bị cha mẹ bỏ, chẳng biết nương tựa vào ai.
3. Các chuyến công tác bác ái, xã hội, từ thiện: không phải Giáo xứ hay tập thể Công giáo nào cũng có khả năng tổ chức được các chương trình hay lớp học hay cơ sở vừa nêu. Có rất nhiều người không có điều kiện để giúp đỡ người nghèo theo các cách ấy thì họ vẫn có thể tham gia một hoạt động khác là các chuyến công tác Bác ái, từ thiện. Ví dụ: nhân dịp Têt Trung Thu hay Tết Nguyên Đán, Mùa chay, Mùa giáng Sinh... một số anh chị em Huynh trưởng, Thiếu Nhi Thánh Thể hay Giới Trẻ hay Hiền Mẫu giáo xứ mời gọi nhau đóng góp và vận động những người chung quanh đóng góp tiền, mì gòi, sữa, đường, quần áo, sách... cho một chuyến viếng thăm một Trại Phong, một trung tâm nuôi dưỡng người già, một Viện Mồ Côi, một trung tâm khuyết tật…
4. Tổ chức các điểm truyền giáo: So với các chương trình hay các hoạt động vừa nêu thì Điểm Truyền Giáo mang tính chất truyền Giáo một cách rõ rệt hơn. Thường thì một Điểm truyền giáo bất đầu bằng sự hình thành một vài điểm cho ít người Công giáo. Sau một thời gian (dài ngắn tùy từng nơi, từng trường hợp) sẽ xuất hiện một ngôi nhà nguyện. Lúc đầu Linh mục chỉ thỉnh thoảng đến dâng lễ, rồi dần dần thánh lễ sẽ được cử hành đều đặn hơn và các lớp giáo lý được tổ chức cho trẻ em. Nhờ thế mà một cộng đoàn Công giáo nhỏ bé được hình thành. Và cứ như thế dần dần các Điểm Truyền Giáo này có thể biến thành một Giáo Họ, thậm chí một Giáo Xứ.
5. Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội: Chúng ta có thể vận dụng những phương tiện này để đăng những bài viết chất lượng về Đạo Công Giáo, những hoạt động hữu ích của Giáo xứ, Giáo họ để gây ấn tượng cho những người lương dân. Tuyệt đối không bao giờ dùng những phương tiện truyền thông để công kích lẫn nhau.
6. Giao lưu, đối thoại với những người lương dân: Tổ chức những buổi đi dọn vệ sinh môi trường chung với nhau, đi nhặt rác thải chung với nhau..vv.. tổ chức giao lưu bóng đá. Thu hút những người lương dân, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhà thờ, nhà xứ và cha xứ… làm sao cố gắng để giữ cho mối quan hệ này được lâu dài. Đặc biệt, cố gắng làm cho môi trường, môi sinh ở Giáo xứ của mình luôn được xanh, sạch và đẹp.
7. Phát triển đời sống nhân bản trong giáo xứ: Chú trọng hơn tới những người nghèo, phục vụ họ để tình người được thắm đượm trong Giáo xứ. Đối thoại với những người không có đạo sống chung quanh mình. Ra khỏi ranh giới của xứ đạo mình để vươn tới những người khác, giúp đỡ họ, không phân biệt đối xử cho dù họ là ai. Chú ý đến môi trường, môi sinh, làm cho Giáo xứ luôn xanh, sạch, đẹp. Biết cộng tác với những người lương dân chung quanh để làm tốt công tác vệ sinh, môi trường. Cố gắng trong việc hội nhập các giá trị văn hoá và đối thoại tôn giáo. Cần tìm hiểu các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo trong môi trường xã hội, cũng như những dấu chỉ thời đại, những biến cố lịch sử cùng những nhu cầu và khát vọng của dân chúng để thích ứng. Chống lại nghèo đói và bất công nhằm mang lại hiệu quả cho hoạt động nhằm thăng tiến công bằng và nhân quyền. Phát triển lối sống đơn giản, thái độ cởi mở chân thực và quảng đại, chia sẻ, ý thức về đời sống cộng đồng và lòng trung tín trong đời sống gia đình. Đề ra những kế hoạch cụ thể và thực tiễn, những phương sách và đường lối hành động thích đáng nhằm phục vụ cho công tác phát triển nhân bản toàn diện trong Giáo Xứ. Lấy mẫu gương Đức Giêsu làm kim chỉ nam cho toàn bộ đời sống của giáo xứ, quan tâm đến những người đau khổ và nghèo nàn, những người bị loại ra bên lề xã hội và bị chà đạp. Loại trừ các tệ nạn xã hội và cố gắng tạo công ăn việc làm cho những người trong Giáo xứ. Cần đề cao vai trò của người phụ nữ. Không loại trừ những tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Phát huy các truyền thống, các nền văn hóa, các giá trị cố hữu của Giáo xứ. Thay đổi lối nhận thức về tôn giáo và những cơ cấu tổ chức tôn giáo. Phát huy vai trò của giáo dân, cách riêng là của nữ giới và của giới trẻ trong các hoạt động của Giáo xứ.
II MỤC VỤ CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐẠO CŨNG NHƯ CHƯA CÓ ĐẠO.
1. Rao truyền Lời Chúa
Giúp cho Lời Chúa được rao truyền cách trọn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ, kể cả những người đã lơ là việc giữa đạo hoặc chưa tuyên xưng đức tin chân thật. Đảm bảo sự thuận lợi cho việc dạy giáo lý, việc giáo dục các niềm tin Công giáo bằng việc huấn luyện giáo lý cho người lớn, các thành viên và trẻ em, kể cả những người không đến nhà thờ. Những công việc và bổn phận trên được thực thi qua các bài giảng trong thánh lễ, các khóa giảng dạy các chân lý đức tin, huấn luyện giáo lý, cổ động tinh thần Phúc Âm và công bằng xã hội, giáo dục trẻ em và giới trẻ, gặp gỡ những người không còn sống đức tin cũng như rao truyền Phúc Âm cho những người chưa tin.
2. Cử hành phụng vụ thánh.
Sau Công đồng Vaticanô II cải cách phụng vụ, người tín hữu không còn là những người “đi xem lễ” nữa, mà là dâng lễ, cử hành thánh lễ, vì thánh lễ không phải là việc làm của riêng Linh mục, nhưng là việc cử hành của cả Giáo hội với Chúa Ki-tô là Đầu. Thánh lễ là nguồn mạch, là đỉnh cao của đời sống Ki-tô hữu và sẽ đem lại cho mọi người ơn cứu độ đích thực. Vì thế, người tín hữu không chỉ dừng lại để chiêm ngắm, để tìm hiểu, để tin nhưng còn phải sống thánh lễ nữa. Mọi người cố gắng sống đạo thật, nếu mỗi gia đình công giáo là một tấm gương sáng phản chiếu Tin Mừng sẽ có sức thu hút và thuyết phục nhiều người về với Chúa. Hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện và khuyến khích cầu nguyện trong các gia đình. Giáo xứ cũng cần nhiệt thành cử hành phụng vụ các giờ kinh. Cộng đoàn giáo xứ tích cực tham gia vào công tác phụng vụ: tham dự, xướng đáp, ca hát, cầu nguyện và hiệp dâng thánh lễ. Giáo dân cùng tham gia sắp đặt chương trình và chuẩn bị phụng vụ, ca hát trong ca đoàn, đón tiếp, dẫn lễ, giúp lễ, đọc sách thánh và xướng hát.
3. Thi hành đức ái mục tử.
Linh mục chánh xứ, phó xứ và những người cộng tác với ngài phải cố gắng hiểu biết các giáo dân và thăm viếng gia đình họ. Động viên và phấn đấu mỗi tuần một gia đình công giáo thăm một gia đình không công giáo, một thành viên đoàn thể thăm một người không công giáo láng giềng, đặc biệt vào những dịp tang chế, cưới hỏi. Niềm nở đón tiếp mọi người, sẵn sàng phục vụ mọi người không trừ một ai. Chăm lo đời sống người nghèo: giáo xứ dành một phần ngân quỹ để phục vụ công tác phát triển: mở phòng phát thuốc, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, giúp vốn không lời cho gia đình nghèo làm ăn, xóa nạn mù chữ…Chia sẻ những bận tâm, lo lắng, đau khổ và cố gắng giúp các gia đình trở nên sức mạnh trong Chúa, giúp đỡ những người nghèo khó, neo đơn, hoạn nạn. Làm thăng tiến phẩm giá thánh thiện và những vai trò của các tín hữu, giúp họ sửa chữa những lầm lỗi. Giúp đỡ những người đau yếu, bệnh tật, những người hấp hối, nâng đỡ họ bằng các bí tích. Nâng đỡ các bậc cha mẹ trong việc dưỡng dục con cái và giúp làm tăng trưởng đời sống Ki-tô giáo trong các gia đình. Đón tiếp những người mới nhập cư, đưa Mình Thánh cho các bệnh nhân tại tư gia và bệnh viện; tư vấn cho cá nhân và gia đình gặp trắc trở, giúp đỡ người nghèo khó và vô gia cư; thăm viếng người sống trong cảnh ly thân, ly dị hoặc góa bụa.
4. Sứ vụ làm chứng cho Tin mừng.
Giáo dân chứng tỏ đức tin và xác tín qua các công việc từ thiện, giáo dục, hòa bình và công lý. Khuyến khích và cổ động những hoạt động làm chứng tá Ki-tô giáo, nhất là qua các tổ chức, các hội đoàn được thành lập vì các mục đích ấy. Giáo xứ liên đới và tạo ảnh hưởng cho các cộng đoàn chung quanh bằng những nỗ lực phối hợp, và khi làm như thế, họ thực thi việc chứng tá sáng ngời và mạnh mẽ đối với niềm tin và giá trị mà họ nắm giữa. Các cộng đoàn địa phương cũng làm chứng tá cho Chúa Ki-tô qua việc quan tâm và phục vụ những người sống gần gũi họ.
KẾT LUẬN
Để xây dựng Giáo hội địa phương cấp giáo xứ và để công cuộc truyền giáo đạt được kết quả, người giáo dân phải đoàn kết một lòng, không phá vỡ sự hiệp nhất của giáo xứ; phải có tinh thần đức tin, không làm việc tùy hứng; phải có tinh thần khó nghèo, làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn; phải có đời sống kết hợp với Chúa qua Lời Chúa và Thánh Lễ. Ở mọi cấp độ của tổ chức, sự hợp tác trong Giáo xứ là rất cần thiết mà cũng rất tế nhị, cần sự tỉnh táo và đặt mình đúng chỗ, không tự tôn cũng như tự ti nhưng tự trọng, “khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu”, là khuôn vàng thước ngọc cho công cuộc truyền giáo.
Người kitô hữu truyền giáo bằng cách sống chứng tá giữa đời, trong môi trường mình đang sống, âm thầm, khiêm tốn âm thầm như hạt giống chôn vùi trong lòng đất, phải mục nát, thối đi để sinh hoa kết trái tốt cho đời. Sống chứng tá loan báo Tin Mừng là làm chứng bằng chính đời sống, hành vi, cung cách ứng xử và thái độ bao dung của mình, làm sao cho điều mình sống phù hợp với điều mình tin. Chỉ cần một lời nói yêu thương, một sự tha thứ trọn vẹn, một sự giúp đỡ chân thành cho tha nhân, cũng đủ nói lên chất Tin Mừng nơi người kitô hữu, chứng nhân của Đức Kitô giữa dòng đời ngược xuôi này. Và như thế, người Kitô hữu đang gieo hạt giống Tin Mừng, để rồi đâm chồi nảy lộc, sinh hoa kết trái đức tin. Những chứng tá xem ra rất bình dị nhỏ bé lại trở nên sống động và vĩ đại như mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ luôn quan tâm, chăm sóc những người đau khổ, những người bị bỏ rơi, những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Cách thức truyền giáo bằng chính đời sống, bằng việc làm tốt lành của mình là chứng từ cần thiết cho con người thời nay. Con người thời nay thích những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Nếu người kitô hữu tin nhận Thiên Chúa mà sống ngược với Tin Mừng, thì ai sẽ còn tin vào chúng ta nữa!.
Mặt khác, tấm gương rất tích cực của Giáo Hội Hàn Quốc cần được chúng ta học hỏi và áp dụng. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn phải có một người bạn hoặc thân hữu là những người chưa biết Chúa, để giao lưu và giới thiệu Đức Kitô như một thao thức cháy bỏng. Nhưng chúng ta không thể đi một mình, làm một mình, vì như Đức Giêsu đã nói: “ Không có Thầy, các con sẽ chẳng làm được gì” ( Ga 15,5 ). Những lời ấy phải là những tâm niệm và xác tín cần được khắc sâu trong đáy lòng mỗi người.
Cuối cùng, xin được mượn những lời đầy tính thách đố của Mahatma Gandhi như một lời kết, để chúng ta suy nghĩ và hành động: “ Chỉ cần sống như Ngài Giêsu, thì không cần rao giảng, mọi người sẽ theo đạo”.
Lm. Giuse Phan Cảnh