TRỤ SỞ THANH HÓA TẠI SÀI GÒN MỪNG ĐẠI LỄ 90 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN
Tạm biệt tháng 4 với sắc trắng tinh khôi của hoa Ban vùng sơn cước, của dáng hình e ấp Loa Kèn góc phố nhỏ Hà Nội. Chào đón tháng 5 giữa độ hạ về là những sắc màu rực rỡ. Tuy Sài Gòn không được hưởng đầy đủ thiên nhiên bốn mùa như các tỉnh phía Bắc, cũng không phải xứ sở muôn hoa như Đà Lạt, Bảo Lộc,… thế mà, giữa lòng Sài Gòn hôm nay cũng có một rừng hoa thiêng liêng khoe hương sắc: hương tri ân, tưởng nhớ! Sắc hiệp nhất, canh tân! và màu dấn thân phục vụ!
Với cộng đoàn xa quê Thanh Hóa, ngày 7 tháng 5 năm 2022 không chỉ đơn thuần là ngày tiến hoa dâng kính Mẹ Maria khi mỗi độ tháng 5 về như thông lệ, mà còn là dịp đoàn chiên phía nam hiệp thông cùng Giáo phận quê nhà sống tâm tình (1) Tạ ơn Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, các Thánh tử đạo. (2) Tri ân các bậc tiền nhân về hành trình 90 năm hồng ân Thành lập Giáo phận. (3) Đồng thời củng cố hiện tại để can đảm dấn bước trên hành trình “hiệp hành” làm chứng cho đức tin, loan báo tin mừng theo châm ngôn giám mục của vị cha chung Giáo phận Giuse Nguyễn Đức Cường “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4).
Ngay từ đầu giờ chiều, dưới cái nắng chói chang đầu mùa của Sài Gòn, Quý Cha, Quý Thầy trong gia đình Trụ sở Thanh hóa, cùng Quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa và các em Sinh Viên đang tất bật chuẩn bị đón Con Cái Thanh Hóa khắp các tỉnh/ thành miền Nam đang nô nức trở về Trụ sở Giáo phận tại Sài Gòn tham dự ngày đại lễ.
Đúng 17h chương trình ngày đại lễ được khai mạc. Sau khi xin ơn Chúa Thánh Thần, Cha Giám đốc chính thức có lời chào mừng Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Quý Ân Nhân và Thân Hữu Thanh Hóa cùng Quý Đồng Hương xa quê, đã quy tụ về Trụ sở Thanh hóa tại Sài Gòn để cùng hiệp thông với Giáo phận quê nhà long trọng mừng kỷ niệm 90 thành lập và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Tiếp đến, trên nền tiếng đàn du dương, giọng đọc truyền cảm của cha Giuse Nguyễn Văn Kế đã dẫn cộng đoàn nhìn lại quá trình hình thành và phát triển Giáo phận, qua đó nhận ra ơn Chúa đã đổ xuống trên quê hương xứ Thanh cách nhiện màu với biết bao biến cố, con người kể từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo trồng đến nay.
Ngược dòng lịch sử của Giáo phận với những dấu son phải kể tới: về với làng Bồng Trung, giáo xứ Kẻ Bền, nơi có cụ Ðỗ Hưng Viễn, được rửa tội tại Macao năm 1573. Về với Lạch Trường, nơi có câu truyện lãng mạng giữa Mai Hoa Công Chúa được rửa tội năm 1590 và giáo sĩ Ordonez de Cevallos. Về với Cửa Bạng, nơi cha Ðắc Lộ đã được Thiên Chúa quan phòng cho bão tố đưa đến vào ngày lễ Thánh Giuse 19.3.1627 để khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Miền Bắc. Về với quê hương của các thánh tử đạo Gioan Ðạt, Giacôbê Ðỗ Mai Năm, Phaolô Nguyễn Ngân, Anê Lê Thị Thành và Phaolô Lê Bảo Tịnh - những chứng nhân đức tin anh dũng và trung kiên. Các Ngài là di sản thiêng liêng của Giáo phận Thanh hóa thân yêu.
Ngày 7-5-1932 Sắc chỉ thành lập Giáo phận Thanh Hóa được ban hành. Theo Sắc chỉ thiết lập, Giáo phận Thanh Hóa gồm 2 tỉnh: Thanh Hóa ở đất Việt và Sầm Nưa ở đất Lào với diện tích khoảng 21.000km2, dân số khoảng 1.500.000 người, trong đó có 44.000 người công giáo bao gồm cả 7.000 người thuộc các dân tộc thiểu số. Lúc ấy nếu không tính 5 xứ thuộc Châu Lào, Giáo phận chỉ có 18 giáo xứ, với 16 Thừa sai, 48 Linh mục Việt Nam, 82 Thầy Kẻ Giảng. Đến nay, Giáo phận có 172 Linh mục triều, 4 Linh mục dòng, 155 Chủng sinh, 357 Nữ tu dòng Mến Thánh Giá và 33 Nữ tu Dòng Thánh Phaolo, và 158.890 giáo dân được chia thành 94 Giáo xứ, 1 giáo họ biệt lập và 4 Giáo điểm truyền giáo.
Lược lại lịch sử để thấy được, qua dòng thời gian, Chúa luôn quan phòng gửi đến cho Giáo phận những vị chủ chăn kiệt xuất. Mỗi vị một năng lực riêng, nhưng tất cả đều thích hợp với nhu cầu thời đại từng giai đoạn (kiến tạo, tái thiết, củng cố và phát triển) của Giáo phận. Từ Đức Cha Louis de Cooman Hành, Đức Cha Phạm Tần, Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, đến Đức Cha đương nhiệm Giuse Nguyễn Đức Cường.
“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn;
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”
Bầu khí ngày đại lễ như lắng đọng lại với ca khúc “Ơn nghĩa sinh thành” được hát lên để mở đầu nghi thức DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ TIỀN NHÂN. Khi cha Phêrô Đỗ Minh Hoàng - Phó Giám đốc Trụ sở bắt đầu xướng những lời văn tế ca ngợi công đức các bậc tiền nhân khiến cộng đoàn xúc động đến vỡ òa, cũng là lúc đại diện mọi thành phần di dân: từ Linh Mục, Tu Sĩ, đến đại diện Giáo Dân 8 giáo hạt (Ba Làng, Chính Tòa, Kẻ Bền, Hữu Lễ, Tam Tổng, Ngọc Đỉnh, Thái Yên, Phong Ý) cùng đại điện Quý Ân Nhân, Quý Thân Hữu và Con Cháu từ từ tiến lên dâng hương tri ân tưởng nhớ các bậc Tiền Nhân. Nghi thức dâng hương diễn ra trong tiếng chiêng – tiếng trống trầm hùng, tôn lên bầu khí linh thiêng, nhưng không kém phần sâu lắng, nói lên tâm tình hiếu thảo và biết ơn của ĐOÀN CON THANH HÓA xa quê đối với các Thánh Tử đạo quê hương Thanh Hóa, cùng các Đấng Bậc Tiền Nhân đã dày công hy sinh, xây dựng Giáo phận Thanh hóa. Tiếng chiêng - tiếng trống cũng như thôi thúc Đoàn Con xa quê quy hướng về nguồn cội, với tinh thần cùng “hiệp hành” xây dựng Giáo phận, Giáo hội trong thời điểm hiện tại và tương lai.Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”
Tiếp sau nghi thức dâng hương là phần TIẾN HOA DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ. Các bạn Sinh Viên cùng với Quý Thầy, Quý Sơ đại diện cho những người con Thanh Hóa xa quê ở phía Nam chân thành tiến dâng những vãn hoa lên Mẹ Maria với tâm tình tạ ơn và lòng yêu mến Mẹ sắt son. Hòa trong lời ca tiếng hát, những cánh hoa xinh tươi rực rỡ sắc màu được dâng tiến, góp về dâng Mẹ là đóa hoa của đức tin kiên vững, của lòng yêu mến thiết tha, của tình bác ái nhiệt thành và của niềm cậy trông bền đỗ. Xin Mẹ thương ban cho “Giáo phận bình an, gia đình hạnh phúc và mọi người vui sống thân tình”. Đoàn con cũng xin Mẹ “cho hàng Giáo sĩ trung thành, Tu sĩ quên mình và Giáo dân nên ánh sáng trần gian”.
Cao điểm là THÁNH LỄ TẠ ƠN do cha Giám đốc Trụ sở Raphael Đỗ Minh Tuấn chủ tế. Cùng đồng tế có cha Phêrô Đỗ Minh Hoàng – phó Giám đốc, Cha Giuse Nguyễn Văn Kế - học viên của Học Viện Công Giáo Việt Nam và Cha Fabianus Hena Seran – Bề trên Dòng Ơn Gọi Thiên Triệu, với sự tham dự của Quý Tu Sĩ, Quý Đồng Hương, Quý Ân Nhân và Quý Thân Hữu Thanh hóa.
Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn: cùng với toàn thể Giáo phận, chúng ta họp nhau nơi đây để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tôn vinh Mẹ Maria và Thánh Giuse, cùng tri ân các bậc Tổ Tiền, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Giáo phận Thanh Hóa thân yêu. Vì biết bao hồng ân Chúa đã thương ban cho Giáo phận. Đồng thời chúng ta cũng xin Chúa tiếp tục quan phòng và tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên toàn thể Giáo phận. Đồng thời, hôm nay cũng là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta cũng hãy xin Chúa cho Hội thánh Việt Nam, cũng như cho Giáo phận có nhiều người dám dấn thân theo Chúa phục vụ Hội Thánh và tha nhân.
Trong phần chia sẻ lời Chúa, cha chủ tế đã quảng diễn lời Chúa khởi đi từ hình ảnh vị mục tử, một hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người dân Israel. Ngài nhấn mạnh: hình ảnh người mục tử đi liền với một loạt các động từ chăm sóc, canh giữ và thậm chí dám hi sinh tính mạng để bảo vệ đàn chiên khỏi sói dữ. Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh ấy để áp vào chính mình. Không dừng lại chỉ ở đó, bài Tin Mừng còn cho chúng ta thấy Chúa còn thấu cảm với đoàn chiên được Chúa Cha ủy thác “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Từ “biết” mà Chúa nói ở đây không phải chỉ biết trên bình diện tri thức mà còn là sự thấu cảm từ con tim của người mục tử, đó là lắng nghe, thấu hiểu đến tận cùng và yêu cho đến cùng. Đó cũng là điều Chúa không chỉ mời gọi các mục tử là các Giám mục, Linh mục, mà còn mời gọi tất cả mọi người chúng ta hãy biết lắng nghe, thấu hiểu, bao dung và yêu thương nhau trong mối tương quan hàng ngày vì chính chúng ta trong cách thế nào đó cũng là những mục tử trong gia đình, giáo họ, xứ đạo, cộng đoàn, hay với những anh chị em xung quanh. Ngài nhắn nhủ cộng đoàn cố gắng sống theo tinh thần lời mời gọi của Chúa hãy biết thấu cảm, yêu thương, hi sinh, hiệp nhất và phục vụ như Chúa trong mọi mối tương quan hàng ngày thì Thiên đàng có ngay tại trần thế này.
Kết thúc bài chia sẻ, ngài tóm tắt đôi nét lược sử Giáo phận để nêu bật lên những thách đố, thăng trầm mà Giáo phận và các đấng bậc đã phải đối diện. Nhờ ơn Chúa quan phòng, các bậc tiền nhân qua bao thế hệ đã hy sinh gầy dựng, tái thiết, củng cố và phát triển Giáo phận để chúng ta là con cháu có được di sản đức tin và cơ ngơi đồ sộ như ngày hôm nay. Qua đó ngài mời gọi cộng đoàn hãy noi theo các bậc tiền nhân dấn thân góp phần xây dựng Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Thanh Hóa thân yêu nói riêng, cũng như tại chính mỗi nơi anh chị em đang sinh sống.
Trước khi cộng đoàn tham dự nhận phép lành cuối lễ, cha chủ tế có lời cảm ơn Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý Ân Nhân, Quý Thân Hữu cùng toàn thể Quý Đồng Hương đã góp sức và quy tụ về gia đình Trụ sở Thanh hóa tham dự ngày đại lễ. Ngài dí dỏm “từ năm 1955 đến nay, trong suốt 67 năm hình thành phát triển, Trụ sở Giáo phận tại Sài Gòn chưa khi nào có ngày đại lễ như hôm nay và có lẽ đây là ngày lễ được tổ chức hoành tráng nhất, số người tham dự đông nhất với nội dung kéo dài nhất tới 3 phần, nhưng cộng đoàn tham dự rất nghiêm trang, sốt sắng”.
Sau thánh lễ, Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Quý Ân Nhân và Quý Thân Hữu cùng Quý Đồng Hương đã lưu lại sân Trụ sở chung chia tiệc mừng kỷ niệm “sinh nhật lần thứ 90” của Giáo phận. Các tiết mục văn nghệ mang đậm nét “cây nhà lá vườn” được các nghệ sỹ “Hoa Thanh Quế xa nhà” thể hiện không kém phần sinh động và đặc sắc, tạo ấn tượng với mọi người tham dự.
Bánh xe lịch sử vận động không ngừng. Quá khứ đã qua đi. Tương lai đang chờ đón. Ngày đại lễ tạ ơn hồng ân 90 thành lập Giáo phận và dâng hoa kính Đức Mẹ tại Trụ sở Giáo phận Thanh Hóa – Sài Gòn đã khép lại với lời cầu chúc ra về bình an, và niềm hi vọng rộng mở. Mỗi người con Thanh Hóa dù đang ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng được trao phó sứ mệnh “Tri ân quá khứ - Chấn hưng hiện tại – Hướng tới tương lai” để góp phần xây dựng Giáo phận trong thời điểm hiện tại. Ước gì thao thức của vị cha chung Giáo phận “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4) luôn hiện thực hóa trong đời sống đức tin của đoàn chiên Thanh Hóa dù ở bất cứ nơi nào.
BTT Trụ Sở Thanh Hóa tại Sài gòn