Triết học Hậu hiện đại và những ảnh hưởng của nó

27/05/2019
6450
Triết học đã bước sang thời kỳ Hậu hiện đại (Postmodernism). Nó xuất hiện như sự phản biện chủ nghĩa Hiện đại (Modernism). Trong hơn ba mươi năm qua, chủ nghĩa hậu Hiện đại đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi và nhiều sắc thái ở Tây u, bắt đầu từ Pháp rồi Đức, Italia, Thụy sỹ, Hà lan, Anh, Mỹ, sau đó lan sang Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã thể hiện như một “hệ chuẩn” tư duy mới và ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là chính trị, văn hóa, luân lý, và ăn sâu vào cảm thức cũng như lối sống của con người. Ở phương Tây, và một số nước phương Đông nó đang như là “mốt sống” và ý thức hệ của xã hội đương đại. 

Tư duy Hậu hiện đại thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Song, nếu có một cái nhìn chung, đơn nhất và phổ quát thì đó là sự phủ nhận quan điểm logos trong triết học Hiện đại, phủ nhận hệ quy chiếu luân lý khách quan, ổn định và những nền tảng siêu hình học đặc thù.

Bản thể luận

Bản thể luận (Ontology) là một thuật ngữ triết học nghiên cứu nguồn gốc, bản chất của vũ trụ phổ quát, cũng như những đặc trưng và quy luật của nó. Bản thể luận, xét như một khoa học, thường đồng nghĩa với Siêu hình học (Metaphysics). Đây là một lãnh vực bị bỏ quên trong một thời gian khá lâu do tính cách đối lập của nó với Siêu hình học truyền thống, nhưng nay đang được quan tâm trở lại. Ngày nay, bản thể luận được trân trọng đến độ khoa học tự nhiên cũng nhìn nhận những kế hoạch bản thể chiều sâu, nhưng kế hoạch dựa vào nền tảng hoàn toàn duy nghiệm vẫn chưa chứng minh được đầy đủ, và thỉnh thoảng vẫn gây ra những rắc rối về lý thuyết, như trong tranh luận cơ học lượng tử trên nguyên tắc nhị nguyên sóng phân tử.

Jacques Derrida (1930-2004), triết gia Pháp, người sáng lập trường phái Giải cấu trúc (Deconstruction) đưa ra quan điểm thực tại mang tính chất Hậu–siêu hình học (Post-metaphysical) và Hậu-nền tảng luận (Post-foundational). Các quan điểm này đã từ chối một cách dễ dàng nền tảng siêu hình và ý thức truyền thống, đồng thời đề cao ngôn ngữ và những “hàm ẩn” trong nó. Theo ông, tư duy hiện đại đã đặt niềm tin một cách ngây thơ trên những giả định siêu hình – cái làm cơ sở của triết học phương Tây. Mặc dù triết gia này không bác bỏ mọi tuyên xưng về niềm tin vào chân lý, nhưng lý thuyết Giải cấu trúc của ông đã bác bỏ truyền thống siêu hình học vốn được xem là nền tảng của tri thức triết học hiện đại. Điều trớ trêu là lý thuyết Giải cấu trúc của Derrida được giới tri thức hưởng ứng trội vượt. Một cuộc nghiên cứu của John Rawlings tại đại học Standford năm 1999 cho biết trong vòng 12 năm từ 1987 đến 1999 có hơn 400 cuốn sách nghiên cứu lý thuyết Giải cấu trúc và được hơn 500 nghiên cứu sinh ở Mỹ và Anh chọn làm đề tài luận án tiến sỹ.

Các triết gia hậu hiện đại không còn tra vấn ý nghĩa và giá trị của bản thể thế giới nữa. Những khám phá về vũ trụ khách quan và nhìn nhận sự hiện hữu của Tạo hoá trong triết học truyền thống nhường chỗ cho bức tranh thế giới được nhào nặn bởi chủ quan tính. Điều đó khởi đi từ ảnh hưởng bởi nhiều biến đổi đáng kể trong hầu khắp lĩnh vực của đời sống xã hội bởi phát minh của những lý thuyết phi cổ điển, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai. Dick Higgins đặt ra nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời: “Bằng cách nào tôi có thể lý giải được thế giới mà trong đó tôi là một bộ phận của nó đây? Thế giới này là thế giới nào? Phải làm gì trong đó? bản ngã nào trong vô số bản ngã của tôi sẽ làm việc đó?

Khi tự hỏi: Thế giới này là thế giới nào? Các triết gia thời Hiện đại cùng lúc cảm nhận nhiều thực tại khác nhau vì chịu sự chi phối đồng thời của nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Họ phủ nhận chính mình chỉ có một bản ngã và bản ngã đó là một phần của thế giới. Thế giới và bản ngã hiện ra trong nhãn quan mỗi người như một hiện thực đa tầng, đa phương.

Bản thể luận triết học Hậu hiện đại mở ra khám phá mới về ngôn ngữ, văn hoá, về cảm thức hiện sinh, hệ giá trị nhân văn nơi con người và tinh thần phản kháng quyền lực nơi các trào lưu chính trị, xã hội. Tuy nhiên, nó quá xa rời truyền thống, và như thế thiếu tính vững chắc trong lập luận.

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu liên ngành, không dựa trên một bản thể luận theo cách hiểu của triết học truyền thống, nói khác đi nó thiếu một cơ sở làm nền tảng xuất phát cho mọi lý luận.

Nhận thức luận (gnoseology) hay tri thức luận là một bộ phận của triết học nghiên cứu các quy luật và các khả năng của nhận thức, mối quan hệ của tri thức (cảm giác, tri giác, khái niệm...) với thực tại khách quan, nghiên cứu các mức độ và hình thức của quá trình nhận thức, các điều kiện và tiêu chuẩn đúng đắn của nó. Tri thức luận có đối tượng chung hay chất thể (material object) là tri thức hay lý trí con người. Còn đối tượng đặc thù hay mô thể (formal object) là tri thức được nghiên cứu theo quan điểm triết học. Nếu như bản thể luận trên kia trả lời cho câu hỏi vũ trụ từ đâu mà có? thì tri thức luận trả lời cho câu hỏi thế giới này tồn tại như thế nào?

Tương tự cách lập luận của vấn đề bản thể, nhận thức luận Hậu hiện đại bác bỏ cách hiểu chân lý như sự phản ánh tương đương thực tại, không quy chiếu nào đối với thực tại bên ngoài vượt qua cá nhân, văn hóa, làm nền tảng cho một mệnh đề được gọi là đúng. Richard Rorty (1931-) triết gia Mỹ viết: những ai mong muốn đặt sự liên đới vào tính khách quan … phải thừa nhận chân lý như sự tương đương với thực tại … Trái lại, những ai mong mốn quy giản tính khách quan về sự liên đới … hãy tin vào cái gì tốt đối với chúng ta. Michel Foucault (1926-1984) viết: chân lý là một điều gì đó của thế giới này. Jean-François Lyotard cho rằng thế giới khoa học đang tràn ngập những hình ảnh, viễn tượng, những khái niệm, sự kiện, hoạt động, đó là thế giới của những dòng lưu chuyển thông tin bất tận. Khoa học thông tin đã đạt tới vị trí đầy vinh dự trong bức tranh khoa học cũng như trước đây toán học là “nữ hoàng”. Máy tính trở thành công cụ biểu tượng của khoa học Hậu hiện đại. Thế giới ngày này đang vận hành theo khuynh hướng hỗn độn, bất định, nên tri thức khoa học khó có thể đưa ra một bức tranh thống nhất.

Nhận thức luận Hậu hiện đại nhấn mạnh tính kiến thiết xã hội của chủ thể, chủ trương đa nguyên luận khoa học, mở ra cách tiếp cận mới trong khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.

Vấn đề con người

Chủ nghĩa Hiện đại quan niệm về chủ thể, bản ngã như là một thực thể ổn định duy trì suốt đời, bản ngã này được bảo vệ bởi nhiều tầng lớp “mặt nạ” bắt nguồn từ những mong đợi xã hội và từ quá trình xã hội hoá của mỗi cá nhân. Các tầng lớp “mặt nạ” hỗ trợ cá nhân thích nghi với hoàn cảnh và môi trường. Các xung đột nội tâm cá nhân là biểu hiện của đòi hỏi về bản ngã chân thật. Do đó, tâm lý học là hành trình khám phá nội tâm, vạch ra các tầng lớp bản sắc bên trong cá nhân. Hành trình khám phá bản sắc chân thật và ý nghĩa của nó phản ánh sự tách biệt rạch ròi giữa chủ thể và đối tượng, giữa bản ngã và thế giới. Trái lại, chủ nghĩa Hậu hiện đại lại thừa nhận nhiều bản ngã, do đó có nhiều bản sắc trong sự thể hiện của các bản ngã. Các bản sắc được hình thành từ các diễn ngôn gia đình, giới tính, công việc và tiêu dùng, các diễn ngôn này ảnh hưởng tới chủ thể tính cá nhân.

Những ảnh hưởng

Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của bức tranh triết học Hậu hiện đại trong xã hội và thời đại hôm nay. Nó đang dần dần đi vào lối sống và ý thức hệ của con người. Càng ngày phương Tây và những nước giàu sụ càng xa rời truyền thống và những điểm quy chiếu luân lý ổn định, và do đó, xuất hiện nhiều vấn đề. Con người như đang tồn tại trong một thế giới bất định, chủ thể người và sự phân giải các thực thể tâm lý đang đối mặt với tính phân mảnh ngày càng tăng của thực tại. Chủ thể đang “ngập tràn”, “quá tải” bởi hình ảnh, sự kiện, quan hệ xã hội vốn là kết quả của sự gia tăng, bành trướng công nghệ truyền thông toàn cầu. Khuynh hướng toàn cầu hóa làm cho thế giới, một cách nghịch lý, vừa trở nên mở rộng vừa ngày càng chật hẹp trong cảm thức không gian, thời gian. Trong một thế giới như vậy, thay vì đề cao những điểm quy chiếu luân lý nền tảng và truyền thống siêu hình ổn định, lý trí triết học Hậu hiện đại lại phủ nhận nó. Đức tin Kitô giáo là một sợi chỉ dệt nên u châu địa lục, nhưng người ta đang thống nhất trong việc từ chối hơn là đón nhận nó. Trong đà tục hóa nói chung, con người đang muốn xóa bỏ những biểu hiện và ngay cả những dấu vết Kitô giáo trong sinh hoạt tri thức, văn hóa và xã hội.

Mặt khác, con người quá đề cao lợi nhuận, tiêu dùng, những giá trị thực tại và khuynh hướng tự do cá nhân. Đó là những căn nguyên dẫn đến thái độ dửng dưng hay chống lại các chuẩn mực luân lý, niềm tin và xa rời Thiên Chúa. Chủ nghĩa Hậu hiện đại không hướng con người đến những giá trị siêu việt, thay vào đó lại đặt ra quá nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời rõ ràng, chúng trở nên nghiêm trọng hóa bởi các ràng buộc mơ hồ về xã hội, cá nhân và trí tuệ, dẫn đến sự mơ hồ nơi con người về thái độ sống, lý tưởng và tương quan nhân vị. Văn hoá giờ đây hời hợt và trống rỗng về nhân bản, đạo đức, luân lý, đặc biệt ở các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... làm cho tâm thức con người vừa trở nên vô cảm vừa vô vọng.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học đang đặt ra nhiều thách thức mới về giá trị đạo đức như: dự án xoá bỏ nhân tính trong điều khiển học, dự án bộ gen người, nhân bản vô tính người, thực phẩm biến đổi gen, những giá trị đạo đức liên quan đến y khoa, và đặc biệt là công nghệ vũ khí hủy diệt như là bom nguyên tử... các hệ luỵ đạo đức, nhân đạo sẽ khó lường nếu khoa học cứ tiếp tục những dự án này. Các nhà khoa học chân chính hay Giáo Hội Công Giáo không phủ nhận tính cần thiết của sự tiến bộ khoa học, song nghi ngờ và cảnh báo nguy cơ sử dụng các thành tựu khoa học chống lại loài người. Khoa học có đủ khả năng để làm điều gì đó không có nghĩa là nhất thiết phải làm, sự tiến bộ khoa học cần phải đặt trên lợi ích loài người chứ không phải một số người, trên hệ giá trị nhân bản, nhân văn chứ không phải hệ giá trị thực dụng.

Sự kiện sập hầm mỏ ở Chilê (15-08-2010) như là một thực tại làm thức tỉnh phương Tây về sức mạnh tâm linh. Giải cấu trúc của Derrida và lý thuyết của triết học Hậu hiện đại dường như vô dụng trong căn hầm mù mịt của 33 thợ mỏ. Nơi đó, cuốn Kinh Thánh và cỗ tràng hạt trở thành giá đỡ căn bản. Con người là một chủ thể, trong đó, có những giai tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng khi khốn cùng con người mới trở nên “người” hơn: con người có lý trí và đức tin.

Thiên tai, lũ lụt, động đất, núi lửa phu trào, các loại dịch bệnh, các thảm hoạ sinh thái trên quy mô toàn cầu, trái đất nóng lên, là những sự kiện thời sự và thường xuyên diễn ra. Bên cạnh đó tính hai mặt của khoa học công nghệ hiện đại đối với xã hội: một đàng, nó đóng góp đáng kể vào sự văn minh hoá cuộc sống con người, đàng khác, nó cũng gợi lại nỗi ám ảnh của thời kỳ man rợ, huỷ diệt (bom hạt nhân, ô nhiễm môi trường). Một số nước đang phát triển về vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình trước sức mạnh của các cường quốc “diamond cuts diamond” (vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn). “Bước ngoặt ngôn ngữ” do chủ nghĩa Hậu hiện đại tạo ra không thể là “bản thể” cũng chẳng phải là cứu cánh của những sự kiện. Nhưng đó là giới hạn của vũ trụ? Sự trừng phạt của Thượng Đế? Hay đó là hậu quả do con người gây ra? 

Không thể giới hạn bức tranh triết học Hậu hiện đại và những tác động của nó vào hơn vài trang viết. Chủ nghĩa Hậu hiện đại đa nguyên về nền tảng và đa phức về đối tượng. Nó một phần phản ánh, một phần ảnh hưởng tới thái độ sống, ý thức hệ của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, “Bước ngoặt ngôn từ” còn đó những giới hạn về bản thể luận, nhận thức luận, tương quan nhân vị cũng như lý giải sự kiện. Để thủ đắc ý nghĩa, người ta cần hành động, giá đỡ tâm linh và chuẩn mực nền tảng. Như ai đó đã nói: một tư tưởng vĩ đại, tự nó, không làm cho một ngọn cỏ bị lay động.

LM. Tạ Văn Tịnh, OP.
​​​​​​
Sách tham khảo
1. Barbara Hanna, Falkovitz Gerl, Verzeihung des Unverzeihlichen? Text&Dialog Dresden, 2016.
2. Sloterdijk Peter, Was geschah im 20 Jahrhundert?, Suhrkamp, Berlin, 2016.
3. Derrida Jacques, Glaube und Wissen, Frankfurt, 2001.
4. Derrida Jacques, Margins of Philosophy, University of Chicago Press, 1981.
5. Foucault Michel, The Discourse on Language, Gallimard Press, Paris, 1971.
6. Lyotard Jean-François, The Postmodern Explaines, Power Publications, Sidney, 1992.
7. Rorty Richard, Objectivity, relativism, and truth: Philosophical Papers, (Vol.1), Cambridge University Press, Cambridge, 1991.
http:/www.crossroad.to/charts/postmodernity-2.htm.
http:/www.crossroad.to/charts/postmodernity-2.htm.