Dẫn nhập
I. Nguồn gốc và lịch sử khái niệm Đạo.
II. Những lối giải thích theo quan điểm văn hóa, triết học và tôn giáo:
A. Giai đoạn Hình nhi hạ.
B. Giai đoạn Hình nhi thượng.
Kết luận
______________________
Dẫn nhập
Khi bàn về triết học, dù Đông hay Tây, bao giờ con người cũng phải suy tư, khao khát tìm kiếm và đụng chạm đến vấn đề chân lý, tức tìm cho ra bản chất và quy luật của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, tức tìm ra một sự thật cuối cùng, căn bản, nền tảng, cội nguồn, bất biến, vĩnh cửu, đơn nhất, phổ quát… Đây là điều mà triết học Tây phương gọi là siêu -hình-học (hữu-thể-học hay thực-tại-luận). Trong sách Đại Học của Nho giáo, Đức Khổng cho rằng tư tưởng lớn của việc học làm người là biết Đạo, ngài nói rằng: “Đạo của cái học lớn (đại học) là: làm sáng đức sáng, đổi mới mọi người, ở yên nơi chỗ toàn thiện… Vật có gốc, ngọn; việc có đuôi, đầu. Biết trước sau, tức gần với Đạo vậy… Biết chu đáo ở tại tìm đến cùng sự vật”.[1] Phải chăng theo Đức Khổng, biết đến cùng sự vật (cách vật) là yếu tố cần thiết để có thể biết Đạo? Vậy đâu là lý do sau cùng của sự vật? Cuối cùng Đạo là gì?
Từ xưa cho đến nay, con người sống giữa thế giới và tương quan với thế giới, vì thế tìm hiểu về thế giới sự vật là một khuynh hướng tự nhiên. Tìm hiểu để biết chân lý nằm trong bản tính tự nhiên của con người. Chắn chắn rằng, sự hiểu biết của con người về thế giới thực tại không chỉ nắm bắt những quy luật và hiện tượng bên ngoài của thế giới vật chất như các khoa học tự nhiên vẫn thường làm, nhưng vấn đề triết học nền tảng khi tiếp cận với thực tại vẫn là hai câu hỏi cố hữu: “Do đâu có sự vật?” và “Cái gì cấu tạo nên sự vật”. Vấn đề tiếp cận thế giới sự vật theo quan điểm triết học chắc chắn phải vượt lên thực tại “hữu hình” và đi sâu vào thực tại “siêu hình”. Đối với triết học Đông phương và riêng Nho giáo cũng vậy, cái biết triết lý không dừng lại ở chỗ biết, nhưng cái biết làm nền tảng căn bản và nó đụng chạm sâu xa đến toàn bộ thái độ sống luân lý của con người.[2] Cái lý cuối cùng của sự hiểu biết về thực tại là Đạo.
Bài viết này gồm hai phần: 1) Nguồn gốc và lược sử khái niệm Đạo; 2) Những lối giải thích khái niệm theo quan điểm văn hóa, triết học và tôn giáo. Cuối cùng, chúng ta sẽ rút ra vài ý nghĩa thiết thực của Đạo, đặc biệt trong việc đối thoại giữa Nho giáo và Kitô giáo.
I. Nguồn gốc và lược sử khái niệm Đạo
A. Nguồn gốc
Đạo gọi theo phiên âm tiếng Việt, nguyên ngữ gốc bắt nguồn từ tiếng Hán. Trải qua thời gian, cả ký tự Hán cổ và Hán hiện đại vẫn giữ nguyên lối viết văn tự là 道 (Dao: phiên âm pinyin). 道 là một ký tự hình thanh gồm hai phần: chữ Xước (辶) có nghĩa là đi và chữ Thủ (首) có nghĩa là đầu. Theo lối giải thích truyền thống, sự kết hợp giữa hai chữ này biểu thị ý nghĩa văn tự của chữ 道 là đầu đi trước hay dẫn đường. Vì thế, ý nghĩa danh từ thông thường được hiểu là con đường, đường đi, đường lối, phương hướng, cách thức hành động. Về hình thức động từ, 道 có nghĩa là nói hay dẫn đường, chỉ dẫn, lãnh đạo.[3]
Ngoài ra có một lối giải thích siêu hình khác theo hình nghĩa chữ: Đạo (道) gồm hai phần: chữ Xước (辶) có nghĩa là đi, tượng trưng cho nguyên lý động, tức là nguyên lý Dương, chữ cũng tượng trưng cho Đất (sự vuông của bàn chân); và chữ Thủ (首) có nghĩa là đầu, bộ phận tương đối bất động của nhân thân, tượng trưng nguyên lý tịnh, tức là nguyên lý Âm, chữ c ũng tượng trưng cho Trời (sự tròn của cái đầu). Như vậy, theo hình nghĩa chữ, Đạo là sự thâu nắm, hòa hợp giữa các cặp mâu thuẫn: Động -Tĩnh, Âm - Dương, Đất - Trời…
Trải qua thời gian, nhiều ngôn ngữ (tiếng Hàn, Nhật Bản, Việt Nam,…) đã vay mượn thuật ngữ gốc Đạo (道):“con đường” để diễn tả ý niệm trong ngôn ngữ của mình. Phiên âm của nó thay đổi qua nhiều niên đại: Dao (1736); Tau (1747), Taou (1831), và Dao (1971). Từ năm 1982, Tổ Chức Tiêu Chuẩn Quốc Tế (ISO: International Organization for Standardization) đã ấn định phiên âm Pinyin: Dao như là âm chuẩn của tiếng Hán và ký hiệu chung cho phiên âm quốc tế.
B. Lược sử khái niệm
Khi nghĩ đến Đạo, người ta thường nghĩ ngay đến Lão giáo hơn là các truyền thống triết học và tôn giáo khác ở Đông phương. Dĩ nhiên, Đạo thường ám chỉ là Đạo của Lão giáo, nhưng hạn từ này cũng được dùng để diễn tả tất cả các truyền thống Đông phương khác. Theo nghĩa rộng, hạn từ này còn được sử dụng để trình bày triết lý của Nho giáo, Phật giáo và nhiều truyền thống văn hóa - tín ngưỡng khác. Trong lịch sử tư tưởng triết học Trung Quốc, từ ý nghĩa văn chương nền tảng là “con đường”, Đạo trở thành một khái niệm chung ám chỉ những lời giảng dạy và cách thức thực hành (sống hay tu tập) hầu như để phân biệt với các truyền thống triết học Tây phương. Đạo của Đức Khổng hay Đạo Nho nhằm ám chỉ đến các lời giảng dạy và cách thức thực hành theo truyền thống của Khổng Tử. Đặc biệt, những yếu tố cốt yếu này được gọi là chân lý. Trong Luận Ngữ, Đức Khổng nói: “Để chí về Đạo” (VII, 6), và “Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng vui” (IV, 8). Đạo đây chính là đường lối, là chân lý.[4]
Khi Đức Khổng sử dụng từ Đạo trong Luận Ngữ, ngài thường ám chỉ một cái nhìn hay quan điểm nào đó về cuộc sống, chính trị hay tư tưởng, hay đặt dưới danh nghĩa Đức và Nhân. Rõ ràng đấy là một đường lối luân lý hay đạo đức theo chủ nghĩa nhân văn, một lối sống hay cách sống cho người quân tử, hiếm khi Đức Khổng nói về thiên đạo, hay con đường của trời theo quan điểm Lão giáo. Điều này đã sớm ảnh hưởng đến Tuân Tử thuộc trường phái Nho giáo, ông cho rằng Đạo nhằm chỉ ám chỉ đến con đường liên quan tới nhân loại, chứ không phải là con đường của trời. Sau này, phải đến Kinh Dịch và sách Trung Dung, và giai đoạn phát triển Tống Nho sau này ta mới thấy hạn từ Đạo được dùng theo nghĩa tuyệt đối, tức Thái Cực, Vô Cực, Hòa Điệu…
Song song với sự hình thành và phát triển của Nho giáo, theo lịch sử triết học Trung Hoa, sau Đức Khổng xuất hiện một nhân vật huyền hoặc và phi lý lịch tạm gọi là Lão Tử. Tương truyền Lão Tử là người viết Đạo Đức Kinh. Nếu Đạo trước đây chỉ được Đức Khổng coi như là con đường, là phương pháp, là lối sống thì với Đạo Đức Kinh, Lão Tử gọi Đạo là Mẹ nhiệm mầu, là Huyền Tẫn, là Cốc Thần, là Hỗn Độn… hoàn toàn vô ngôn, vô thanh, vô danh, vô ý… Chữ Đạo bấy giờ theo Nho giáo không chỉ có nghĩa là đường đi, đỉnh cao là Thái Cực, Vô Cực, Hòa Điệu… mà theo Lão giáo, Đạo là thực tại vĩnh hằng hiện diện trong thiên nhiên sống động chuyển dịch tuần hoàn. Như vậy, cùng một từ ngữ Đạo để diễn tả thực tại luận siêu hình, nhưng cả hai học phái Nho giáo và Lão giáo có những cái nhìn và quan niệm về Đạo theo hai chiều kích khác nhau. Sau này, Phật giáo từ Ấn độ phát triển sang Trung Hoa kết hợp với học thuyết Lão - Trang phát triển thành thành phái Phật giáo Thiền tông. Phật giáo Thiền tông sử dụng từ Đạo ban đầu để diễn tả những lời giảng dạy và cách thức thực hành tu tập của Đức Phật. Về sau, Phật giáo dùng từ Đạo theo nghĩa tuyệt đối để chỉ lúc được giác ngộ, đốn ngộ là lúc được “kiến Đạo”.[5]
Như vậy, ý niệm về Đạo là một cố gắng của các Nho gia, Đạo gia, Thiền gia muốn đi tìm một chân lý độc nhất làm nền tảng siêu hình, cội nguồn căn nguyên cho sự hiện hữu của toàn thể vũ trụ mà họ tạm gọi là Đạo. Nhưng chân lý bao giờ cũng chỉ có một, cho nên mỗi triết thuyết chỉ trình bày phần nào một khía cạnh nào đó của Đạo mà thôi. Chúng ta cần tìm hiểu thấu đáo từng quan điểm của từng triết thuyết thì mới có thể hiểu thấu đáo và tìm ra một chân lý, một Đạo duy nhất của toàn thể vũ trụ.
II. Những lối giải thích khái niệm theo quan điểm văn hóa, triết học và tôn giáo
Nho giáo không phải là một thực thể hay một học thuyết đồng nhất. Sự hình thành, tiến triển của nó trải dài trong suốt tiến trình lịch sử các triều đại phong kiến – quân chủ Trung Quốc,[6] chính thức khởi đi từ thời triều đại nhà Chu (1122 – 256 tr. CN) và hoàn chỉnh đạt đến đỉnh cao vào triều đại nhà Tống (960-1280). Ta có thể phân làm hai giai đoạn chính như sau: 1) Giai đoạn Hình nhi hạ; 2) Giai đoạn Hình nhi thượng.
A. Giai đoạn Hình nhi hạ: thời Đức Khổng (551-479 tr. CN)
1. Lược sử
Nho giáo (儒 教) là Đạo thống xa xưa từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế được Đức Khổng thời Xuân Thu (772-479 tr. CN) hệ thống và hoằng dương. Đây là Đạo thống của người Hán tộc, vì các vua Nghiêu, vua Thuấn trong huyền sử đã từng lấy Đức Nhân mà cai trị. Đến thời nhà Chu (1122 – 256 tr. CN), các vị Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công cũng đã hết lòng thể hiện Đạo thống ấy.
Lúc bấy giờ Nho giáo chủ trương hữu vi nhập thế, ưu tư cuộc đời, dấn thân cuộc đời và nhập vào cuộc đời để xây dựng một xã hội có đời sống văn hóa – chính trị theo Đức Nhân, thể hiện ra bằng Lễ cho hợp với Đạo Trời. Để xây dựng xã hội hợp với Đức Nhân, phải có những con người Nho giáo, cụ thể là các nhà nho,[7] nho sĩ, kẻ sĩ, sĩ phu, còn được gọi là bậc quân tử (ngược lại là tiểu nhân). Nếu ngày xưa có các hạng chúc sử cần thiết cho nhà vua và xã hội trong việc quan trọng là tế lễ, cầu đảo, chiêm bốc, ghi chép biến cố, thì nay kẻ sĩ cũng cần thiết cho nhu cầu hướng dẫn văn hóa đạo đức xã hội. Có lẽ vì thế mà gọi đạo nhập thế hữu vi của Đức Khổng là Đạo Nho, gọi các thầy đồ nho là kẻ sĩ hay sĩ phu vì họ dành cả cuộc đời mình trước hết cho việc học, việc trau dồi văn hóa, tức là học trở nên người hơn, yêu thương và trách nhiệm với cuộc đời và xã hội hơn.
Với Đạo Nho, kẻ làm người là kẻ sống có văn hóa, và văn hóa tức là sống cho có phép tắc lễ nghi, phù hợp với Đạo Trời là Đạo Nhân, và phù hợp với các chuẩn mực luân lý đạo đức xã hội nhằm thể hiện đúng vai trò, địa vị của mình trong xã hội gọi là “chính danh định phận”. Dưới thời của Đức Khổng, ngài chỉ muốn đem cái đạo đức làm người là lòng Nhân Nghĩa mà phổ biến trong xã hội nhằm hy vọng rằng có những cá nhân đạo đức thì sẽ có một xã hội đạo đức và thái bình thịnh trị. Như vậy, chủ nghĩa nhân văn của ngài tuy đặt trên vấn đề đạo đức cá nhân, nhưng thực ra lại là một học thuyết chính trị xã hội. Ngài khát khao sao cho mỗi người, nhất là bậc vua chúa thể hiện được Nhân Nghĩa đạo đức để có được một xã hội giàu truyền thống Nhân Nghĩa đạo đức.
Thể hiện chủ nghĩa xã hội đầy tính nhân văn đó, Đức Khổng và toàn thể Nho giáo sau này, đặc biệt là các nho sĩ, họ thiết tha xây dựng chính trị và văn hóa cho xã hội qua hai con đường: làm quan và dạy học. Làm quan, họ tham dự vào việc xây dựng một thể chế chính trị lấy đức Nhân Nghĩa làm chuẩn mực; Dạy học, họ dùng văn hóa giáo dục mà thay đổi và thiện hóa nhân tâm, mong ước mọi người đều có đạo đức, văn hóa, văn chương. Để nuôi dưỡng, phát huy thể chế chính trị và giáo dục ấy, các nhà nho tạo ra một cung cách sống theo lễ tiết, lễ nghi, lễ nhạc, lễ nghĩa, lễ giáo… và như thế, mọi sự đều dần được đi vào khuôn khổ, khuôn phép nề nếp, trật tự và ổn định. Nói chung, Nho giáo thời Đức Khổng tuy chưa có ảnh hưởng nhiều trên xã hội, nhưng ngài đã khai mở cả một Đạo thống Nhân Nghĩa đạo đức. Chính tấm lòng ấy của Đức Khổng sẽ làm rung động và tác động mãi sau này.
2. Giải thích khái niệm
Với ý nghĩa lịch sử như vậy, trong giai đoạn này, Đạo theo quan điểm của Nho giáo, nổi bật trong các sách Đại Học và Luận Ngữ của Đức Khổng, có thể hiểu là những lời giảng dạy chân lý bao gồm những quy tắc, chuẩn mực và cách thức thực hành luân lý của Đức Khổng truyền lại cho hậu thế . Ngài thường nhắc đến “Đạo làm người”. Vậy Đạo này nghĩa là gì? Theo học thuyết Khổng Tử, hễ ai đã làm người thì phải sống sao cho đúng bản tính là người của mình (đặc tính, đặc điểm, bổn phận, nghĩa vụ, phận sự…), và bản tính này hoàn toàn khác biệt và ưu việt hơn so với các sự vật khác (nhân linh ư vạn vật). Ý niệm về Đạo này được Đức Khổng bàn đến trong việc thực thi luân lý đạo đức. Chẳng hạn như: Chính danh, Nhân Nghĩa…
- Chính danh: về xã hội, Khổng Tử nghĩ rằng muốn cho xã hội có trật tự, thì trước hết phải sống chính danh. Hai tiếng này có nghĩa là mọi vật trong thực tại cần phải sống sao cho hợp, cho xứng với danh nghĩa nó mang. Chẳng hạn trong sách Luận Ngữ, ngài nói: “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” (Luận Ngữ XII, 11). Nói cách khác, mỗi cái danh bao hàm một số điều kiện tạo nên bản chất một loại sự vật mà danh liên hệ đến. Vậy trong những tương quan trong xã hội, mỗi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận nào, và những cá nhân mang danh ấy phải có những trách nhiệm và bổn phận phù hợp với danh ấy. Đó chính là thuyết chính danh của Đức Khổng.
- Nhân Nghĩa: về đức tính mỗi cá nhân, Đức Khổng Tử nhấn mạnh đến Nhân Nghĩa, nhất là Nhân. Theo ngài, Nghĩa là phần ta phải làm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong đời sống xã hội, mọi người đều có những việc phải làm, làm nhiệm vụ vì nhiệm vụ, bởi những điều ấy đáng phải làm về phương diện luân lý chứ không phải vì bất cứ mục đích lợi lộc gì khác. Ý niệm Nghĩa có phần thiên về hình thức, nhưng ý niệm Nhân mới mang tính cụ thể. Bản tính hình thức của bổn phận mọi người trong xã hội là cái ta phải làm, ta phải làm hết các bổn phận ấy. Nhưng bản tính thực chất của những bổn phận kia đó l à lòng thương người, tức là Nhân. Đức Khổng nói: “Nhân là thương người” (Luận Ngữ XII, 21). Người nào thật lòng thương người khác thì có thể làm tròn bổn phận của mình trong xã hội. Vì vậy, trong Luận Ngữ ta thấy Đức Khổng thường dùng chữ Nhân không những để chỉ đức riêng mà còn để chỉ chung mọi đức tính, thành thử câu người có Nhân là đồng nghĩa với người có mọi đức tính toàn hảo, Nhân có thể hiểu là toàn đức.
B. Giai đoạn Hình nhi thượng (479 tr. CN – 1280 CN)
1. Lược sử
Trong thực tế, trong giai đoạn Hình nhi hạ, Nho giáo chỉ nhắm đến mục tiêu chính trị và văn hóa giáo dục, dường như nó đã giấu đi và không nhấn mạnh đến một thực tại siêu hình làm đạo lý nền tảng. Cho nên, Nho giáo dần dần bộc lộ một sự thiếu hụt căn bản bên cạnh Lão Giáo và Phật Giáo thâm uyên, đó là sự thiếu hụt tâm linh. Có lẽ vì thế, Nho giáo đến thời Chiến Quốc (479-221 tr. CN), rồi đời Hán (202 tr. CN – 220 CN), đặc biệt thời Tống (960-1280) phải không ngừng du nhập những giá trị văn hóa Bách Việt phương Nam[8] vào trong đáy sâu học thuyết của mình để tạo một Hình nhi thượng (siêu hình học hay đạo lý nền tảng). Phần Hình nhi thượng này có nhiều điểm gần gũi với Lão giáo, nhưng Nho giáo vẫn là Nho giáo ở ý tưởng và mục đích nhập thế, thiết tha xây dựng và biến đổi cuộc đời. Giai đoạn này gồm ba thời kỳ:
a. Thời Chiến Quốc: Thời Chiến quốc còn nhiễu nhương ly loạn về xã hội và chính trị, bại hoại đạo đức hơn cả thời Xuân thu,[9] nhưng về mặt tư tưởng đây lại là giai đoạn bình minh rực rỡ của triết học Trung Quốc, tức Minh triết Á Đông. Người ta gọi đây là thời “Bách gia chu tử”[10] (cả hàng trăm hệ thống triết học với các bậc thầy), như Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia, Âm Dương gia, Danh gia, Nho gia… Những khám phá gần đây cho thấy giai đoạn này, hình như tư tưởng Trung Quốc đã đạt đến cuộc thâu hóa tiếp biến trọn vẹn những chất liệu văn hóa nông nghiệp Bách Việt phương Nam.
Nho giáo trong giai đoạn này chỉ là một trong hàng trăm hệ tư tưởng thời Chiến quốc. Những niềm mong ước thiết tha với con người và tinh thần nhập thế hữu vi của Đức Khổng được tiếp nối với thầy Mạnh Tử, và cả những người không phải là nho gia chính danh như Mặc Tử, Tuân Tử. Ngoài ra, những gì là nền tảng siêu hình (có thể Đức Khổng chưa đặt ra hoặc không muốn nói đến) của Nho giáo thì lại được hình thành những nét căn bản trong giai đoạn này, để đến thời Hán Nho và nhất là Tống Nho sẽ được khai thác, đào sâu. Đặc biệt, giai đoạn này hình thành và xác định những kinh điển chính thức của Nho giáo. Phần Thập Dực của Kinh Dịch được gán cho Đức Khổng. Những sách Trung Dung, Đại Học, Mạnh Tử được sáng tác. Những kinh và sách này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Lão Trang và Âm Dương gia, tức ảnh hưởng gián tiếp từ nền văn hóa Bách Việt sẽ làm nền cho Hình nhi thượng của Nho giáo và từ đó được phát triển về sau. Tư tưởng về Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành xuất hiện và xâm nhập vào Nho giáo. Chữ mệnh trời xưa được hiểu là ý chí của thượng đế trên ông vua nay có một ý nghĩa siêu hình và nội tại hoàn toàn mới. Hơn nữa, những chữ như: Tính, Đạo, Tâm, Trung, Hòa, Thành xuất hiện và trở thành những vấn đề nền tảng cho sự tu dưỡng của Nho giáo cũng như toàn thể Minh triết Á Đông.
b. Thời Hán Nho: Nho giáo thời này khởi đầu cho giai đoạn thống lĩnh hơn hai ngàn năm của Nho giáo trên vùng đất Á Đông. Nhưng nên nhớ rằng đây là thứ Nho giáo đã được ngấm ngầm điều chỉnh từ thời chiến quốc, không còn đơn giản, nhân hậu, mềm mại, hồn nhiên như xưa. Hán nho là giai đoạn biến thái sâu sắc hơn nữa của Nho giáo so với thời chiến quốc. Về tư tưởng, ở đáy sâu Nho giáo lúc này là Âm Dương gia; về chính trị, Nho giáo đã gần với Pháp gia hơn.
Thời này, thầy Đổng Trọng Thư (179-104 tr. CN), nhà đại nho thời Lưỡng Hán là người có những tư tưởng quyết định trên Hán Nho. Tư tưởng của ông làm nên chính tư tưởng Hán Nho. Ở đấy, lối nhìn “thiên địa vạn vật nhất thể” (đất, trời, vạn vật đều là một) và “thiên nhân tương dữ” (người và trời đều hòa hợp với nhau) chi phối toàn bộ những diễn dịch mới về Nho giáo. Ông đã xác định kinh sách của Nho giáo thành bộ Tứ Thư (Luận Ngữ, Trung Dung, Đại Học, Mạnh Tử) và bộ Ngũ Kinh (kinh Dịch, kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Xuân Thu). Tinh thần chính danh định phận nay được thể chế rất rõ ràng: Tam cương (vua tôi, thầy trò, cha con), mở rộng ra thành Ngũ luân, tức năm cái vòng trong xã hội (vua tôi, thầy trò, cha con, anh em, bạn bè); Ngũ thường, tức năm giá trị vịnh cửu (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín).
c. Thời Tống Nho: Bên cạnh sự phát triển vượt bậc, uyên thâm vừa huyền bí vừa siêu hình của Lão Giáo và Phật Giáo, chẳng những Nho giáo bị thách thức mà ngay cả các nhà nho cũng bị ảnh hưởng, bị lây nhiễm từ giáo lý uyên thâm và sự thực hành đầy sâu nhiệm dù nó đã có thuyết “thiên địa vạn vật nhất thể” và “thiên nhân tương dữ”. Nho giáo lúc bấy giờ cần có một Hình nhi thượng, tức một nền tảng đạo lý, một nền tảng siêu hình học với bản thể luận sâu xa, nghĩa là mọi thực hành luân lý đạo đức của Nho giáo phải dựa trên một đạo lý nền tảng. Vì thế, đến đời Tống, Nho giáo phát triển Hình nhi thượng học đến mức sâu xa thâm viễn. Một cách tổng quát, Hình nhi thượng của Tống Nho chính là sự đào sâu học thuyết “thiên địa vạn vật nhất thể” và “thiên nhân tương dữ” vốn đã có từ thời chiến quốc. Tống Nho sẽ hết sức khám phá xem, cái bản thể của vũ trụ là gì? Thực tại tối hậu của vũ trụ là gì?
2. Giải thích khái niệm
Các vấn đề siêu hình của Nho giáo được trình bày qua hai tác phẩm kinh điển đó là sách Trung Dung và Kinh Dịch biểu thị giai đoạn cuối cùng của sự phát triển siêu hình Nho gia thời Hán và đạt đến đỉnh cao trong các triết thuyết thời Tống. Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu thực tại luận siêu hình của Nho giáo qua ba tư tưởng chính yếu, gồm: 1) Đạo Trung Dung; 2) Đạo Kinh Dịch; 3) ĐẠO nguyên lý vạn vật.
2.1 Đạo Trung Dung
a. Nguồn gốc của Trung Dung:
Thực chất Đạo Trung Dung đã có nguồn gốc từ xa xưa, khi vua Nghiêu lúc nhường ngôi cho vua Thuấn đã nhấn mạnh rằng cai trị xã hội phải “Doãn Chấp Kì Trung” 允 執 其 中. Chu Công cũng đề xướng thực hành “Trung Đức” 中 德và nhấn mạnh rằng khi xử kiện và nhấn mạnh rằng khi xử kiện và dụng hình phải “Trung Chính” 中 正. Quan niệm chuộng “Trung” trong Chu Dịch càng thể hiện rõ. Hào từ của các hào Trung (tức là hào Nhị và hào Ngũ) trong 64 quẻ hầu hết đều tốt lành. Thời Xuân Thu, quan niệm “Trung Hòa” 中 和 được phát triển, như Án Anh nêu ra ngũ vị điều hoà thành mĩ canh (canh ngon), ngũ sắc hiệp hoà thành văn thái (màu sắc đẹp đẽ), ngũ thanh tương hoà thành mĩ nhạc, quân tử nghe thấy “tâm bình đức hoà”. Từ đó, đời này qua đời khác, chủ nghĩa chấp Trung ấy được dùng làm chuẩn mực cho mọi hoạt động.
Đến đời Đức Khổng, ngài mới luận giải cho rõ thêm và nối thêm chữ “Dung” vào thành ra: “Trung Dung”. “Trung Dung” là khái niệm được Đức Khổng nêu ra trước nhất “Trung Dung chi vi đức dã, kì chí hĩ hồ! Dân tiển cửu hĩ” (Trung Dung là cái đức tốt đến cực điểm. Mọi người thiếu cái đức đó đã lâu lắm rồi - Luận ngữ Ung dã). Với Khổng Tử, “Trung Dung” là một phạm trù quan trọng trong tư tưởng triết học và đạo đức của ông, có nghĩa là cái nguyên tắc chung nhất nắm lấy “Trung” như quy luật vận động của sự vật, không thiên lệch.
Sau khi Đức Khổng mất, các môn đệ của ngài tản ra, đem cái Đạo của ngài truyền bá cho đời và mở ra nhiều học phái. Ông Tăng Sâm nối ngài, mở trường dạy học tại nước Lỗ, giữ đúng những điều truyền dạy của Đức Khổng, nên đời sau cho phái Tăng Tử là chính truyền. Chính Tăng Tử và học trò chép ra sách Luận Ngữ và làm ra sách Đại Học. Tăng Tử mất, cái học ấy được truyền cho Khổng Cấp, hiệu là Tử Tư, cháu nội của Đức Khổng. Tử Tư đem cái học tinh vi ấy làm thành sách Trung Dung để truyền lại cho học trò là Mạnh Tử. Thời trước, sách Đại Học và Trung Dung chỉ là hai thiên ghép chung trong sách Lễ Ký. Đến đời nhà Tống, các nho gia mới tách riêng ra, tạo thành hai sách là: Đại Học và Trung Dung, hợp với Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bốn cuốn sách quan trọng, gọi là Tứ Thư. Ông Chu Hy tức là Chu Hối Am (1130-1200) nghiên cứu sách Trung Dung, phân ra làm 33 chương:
Chương đầu (chương 1): Đạo Trung Dung căn bản ở Trời mà vẫn có sẵn trong người, nên dầu khi chỉ một mình mình đối với chính mình cũng cần phải gìn giữ.
Những chương tiếp theo của sách giảng giải thêm ra cho vỡ lẽ, có thể chia làm ba phần như sau:
- Từ chương 2 đến 11: Dẫn lời Đức Khổng Tử nói về Đạo Trung Dung và nói về ba đức lớn: Nhân, Trí, Dũng, phương pháp vào Đạo.
- Từ chương 12 đến 20: Lời của Tử Tư dẫn lời Đức Khổng nói cái dụng rộng rãi và cái thể mầu nhiệm của Đạo.
- Từ chương 21 đến 32: Lời của Tử Tư nói về đức Thành và cái linh diệu của nó.
Chương cuối (chương 33): Kết luận rằng, cái đức của người quân tử chủ ở chính mình trước tiên, nghĩa là phải "thân độc" để luyện cho cái tinh thần được vô thinh vô xú mạnh mẽ như Trời. Đó là cái công hiệu lớn nhất của Đạo Trung Dung.
b. Thực chất của Đạo Trung Dung:
Theo nguyên ngữ:
- Trung 中: ở giữa, ở trong, ngay, không vẹo không lệch, không quá không thiếu.
- Dung 庸: bình thường, không thay đổi, cần dùng.
Dựa theo nguyên ngữ chúng ta có thể hiểu: Trung là không lệch, Dung là không thay đổi; Trung là đường chính trong thiên hạ, Dung là nhất định trong thiên hạ. Mọi việc ở đời đều có cái mức quân bình thích đáng. Chưa đến cái mức ấy thì việc làm chưa đạt, quá cái mức ấy thì việc cũng không đúng. Mức ấy gọi là Trung.
Theo quan niệm Khổng giáo, Đạo Trời chủ về Âm Dương, nếu Dương thạnh thì nóng, Âm thạnh thì lạnh, Âm Dương không đều hòa thì không thể sinh dưỡng vạn vật. Còn đạo người thì chủ ở Nhân và Nghĩa. Quá Nhân thì yếu, quá Nghĩa thì khắc, không đủ Nhân thì ác, không đủ Nghĩa thì bạc. Như thế là thiên lệch, vì hoặc thái quá, hoặc bất cập, chưa hợp với mức Trung. Dung là bình thường. Ở đời, từ việc nhỏ như ăn uống hằng ngày, việc lớn như cai trị thiên hạ, ở trong đó đều có cái lý bình thường chi phối cả. Lý ấy thiết thực, không quái lạ, mà cũng không thay đổi được.
Vậy Trung Dung có thể hiểu là không thiên lệch về một bên nào, luôn luôn giữ ở mức quân bình, không thái quá mà cũng không bất cập, thích đáng trong tất cả quan hệ đối với người hay xử lý các việc.
Nguyên lý Trung Dung chi phối đời sống cá nhân bằng sự điều hòa các tình cảm, hành vi, chi phối đời sống xã hội bằng sự điều hòa những liên lạc giữa người với người, sao cho giữ được thế quân bình thích đáng cần thiết cho sự sinh tồn và ti ến hóa. Vì sao cần có sự điều hòa ấy?
Vạn vật biến chuyển không ngừng, khi sự biến chuyển đến một giai đoạn nào đó thì những yếu tố có tính cách đối lập mà người ta thường biểu thị bằng hai danh từ: Âm Dương tạo thành sự vật ấy, bày ra một tình trạng tương khắc, tức có sự mâu thuẫn, nên cần phải tiêu trừ ngay để tránh sự lệch lạc, có tác động rối loạn, làm mất thế quân bình, làm tổn hại đến sự sinh tồn của các vật khác. Mâu thuẫn ấy được tiêu trừ là tạo được một thế quân bình mới, thuận tiện cho công cuộc tiến hóa. Để tiêu trừ những mâu thuẫn ấy, học thuyết duy vật chủ trương tranh đấu; học thuyết duy tâm của Đức Khổng chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.
Ở thế quân bình mới tạo này, mọi vật sinh sôi nảy nở điều hòa và tác động của chúng không hại lẫn nhau. Nhưng thế quân bình ấy cũng chỉ là tạm thời, vì vạn vật luôn luôn biến hóa, chẳng bao lâu sau lại tạo ra những mâu thuẫn mới nữa, rồi cần phải điều hòa trở lại để tiến hóa... và cứ tiếp tục xoay chuyển như vậy trên con đường tiến hóa vô tận của vạn vật. Trung Dung là một thái độ không có vị trí nhất định, nó phải thay đổi luôn luôn theo đà tiến hóa của vạn vật. Cho nên, đối với một việc, hôm nay, trong hoàn cảnh này, ta phải đối xử thế này mới đúng, nhưng hôm khác và trong trường hợp khác, cũng việc ấy nhưng cách đối xử phải khác thì mới thích đáng.
Mục đích của sách Trung Dung được diễn tả ở các chương XXI – XXXII là người quân tử đạt đến chí Thành - chí Hòa như trời đất, dường như đó là con đường đạt đến đích của kẻ sống chí Trung, nghĩa là sống cho trúng với quy luật của trời đất (lấy trời đất làm phép tắc), nên một với chiều sâu thăm thẳm của nội tâm (Đức Nhân) và hợp nhất với trời đất vạn vật (Đức Trí).[11] Thực ra nền tảng sâu xa mang tính siêu hình của Đạo Trung Dung tóm kết hầu như ở chương mở đầu của sách Trung Dung:[12]
天 命 之 謂 性 , 率 性 之 謂 道 , 修 道 之 謂 教.
Thiên mệnh chi vị tính; suất tính chi vi đạo, tu đạo chi vị giáo.
Mệnh Trời gọi là “tính”, phát triển thuận theo “tính” gọi là “đạo”, tu dưỡng theo “đạo” gọi là “giáo”.
道 也 者 不 可 須 臾 離 也; 可 離 非 道 也; 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹, 恐 懼 乎 其 所 不 聞, 莫 見 乎 隱, 莫 顯 乎 微, 故 君 子 慎 其 獨 也.
Đạo dã giả bất khả tu du ly dã; khả ly phi đạo dã; thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn, mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi; cố quân tử thận kỳ độc dã.
Đạo là cái không thể xa rời dù chỉ trong chốc lát; nếu có thể xa rời được, thì đã không phải là đạo. Bởi thế quân tử đặc biệt cảnh giác thận trọng ở chỗ người ta không nhìn thấy, lo lắng sợ hãi ở chỗ người ta không nghe thấy. Chẳng có gì rõ hơn vật che giấu, chẳng có gì làm hiển lộ chân tướng hơn những việc nhỏ bé. Cho nên người quân tử đặc biệt thận trọng khi chỉ có một mình mình vậy.
喜, 怒, 哀, 樂 之 未 發, 謂 之 中; 發 而 皆 中 節 謂 之 和. 中 也 者, 天 下 之 大 本 也, 咊 也 者, 天 下 之 逹 道 也. 致 中 和: 天 地 位 焉, 萬 物 育 焉.
Hỷ, nộ, ai, lạc chi vị phát, vị chi trung; phát nhi giai trúng tiết vị chi hoà. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Chí trung hòa: thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.
Mừng, giận, buồn, vui khi chưa biểu hiện ra, gọi là “Trung”, biểu hiện ra mà phù hợp với quy củ mức độ, thì gọi là “Hòa”. Trung là gốc lớn của thiên hạ, hòa là đạo lý thông đạt trong thiên hạ. Gắng sức đạt tới Trung Hòa, thì trời đất có được vị trí thỏa đáng, muôn vật được phát dục sinh trưởng.
Hai chữ “Trung Dung” bao gồm hết cái uyên thâm của triết lý Nho giáo, nói lên được cái đạo lý biến hóa của vũ trụ và nhân sinh quan một cách có hệ thống. Trung Dung là cái Đạo tâm đắc của Đức Khổng, được truyền thụ bằng Tâm, nghĩa là dùng Tâm mà lãnh hội, chứ không phải dùng lời nói mà giảng giải mà có thể hiểu thấu được, vì ý nghĩa siêu việt và nội hàm phong phú.
Đức Khổng quan sát những bí ẩn của trời đất, ngài thấy rõ lẽ vận hành biến hóa tự nhiên của vũ trụ và hiểu được Thiên Đạo, rồi ngài dựa theo chân lý ấy mà phát minh những phép tắc dùng cho con người và cho xã hội. Trong Thiên Đạo, chữ “Trung” là điểm quy chiếu nền tảng, vì sự vận hành của vũ trụ bao giờ cũng chí Thành[13] - chí Hòa[14], nên trời đất mới định vị, vạn vật mới sinh sinh hóa hóa vô cùng (Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hòa là đạo lý thông đạt trong thiên hạ. Gắng sức đạt tới Trung Hòa, thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được phát dục sinh trưởng). Vì thế, Nhân Đạo phải theo cái “Trung” thì hành động mới trúng tiết và hợp lẽ phải. Vậy “Trung Dung” là đạo lý làm người, là chân lý của nhân sinh. Nhưng theo đạo “Trung Dung” rất khó, phải giữ cái Tâm mình cho công chíùnh, cố gắng bỏ hết tư tâm, khắc phục tư dục, phát triển cái thiên lý bản tính của trời phú cho, tìm đạo ở trong Tâm mình mà tự hiểu lấy, rồi tin theo thì tư tưởng và hành vi mới thuần nhiên như thiên lý.
Trong phần Tử Tư dẫn giải những lời của Đức Khổng nói về đạo Trung Dung, ông nói rằng Trung Hòa là cái tính tự nhiên của trời đất, mà Trung Dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không thiên lệch bên nào, Dung là thường, nghĩa là dùng Đạo Trung Dung làm đạo thường. Đạo Trung Dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không mấy người chịu theo, khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vị vậy. Chỉ có thánh nhân mới học được mà thôi, vì theo Đạo ấy cốt phải có ba cái đạt đức là : Trí, Nhân, Dũng. Trí là để biết rõ các sự lý; Nhân là để hiểu điều lành mà làm; Dũng là để có cái chí khí cương kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng. Ba cái đạt đức ấy là ba cái cửa đi vào Đạo. Có ba điều ấy mới sửa được mình, trị được người, và trị được quốc gia thiên hạ. Sách Trung Dung nói cái Đạo của thánh nhân căn bản ở trời, rồi diễn giải ra hết mọi lẽ khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và cả khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự Nhân Nghĩa, để khiến cho thiên hạ được bình trị, và lại tán dương cái công hiệu linh diệu của Đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh vô sắc mới thôi. Thật là một quyển sách triết lý rất cao, tưởng các sách đời cổ truyền lại, chưa có sách nào bàn đến cái lý học siêu việt như thế. Qua sách Trung Dung, người ta thấy rõ nhận thức và quan niệm của Nho giáo về vũ trụ, về sự biến hóa của vạn vật, về lẽ “thiên địa vạn vật nhất thể” (đất trời và vạn vật đều là một) và “thiên nhân tương dữ” (người và trời đều hòa hợp với nhau), tức là đã đem Thiên Đạo vào Nhân Đạo, cũng nói rõ sự tương quan giữa tâm và vật, tức là giữa tinh thần và vật chất, giữa tri và hành.[15] Đó là những vấn đề rất quan trọng của triết học từ ngàn xưa cho đến ngày nay: Trung là chính đạo của thiên hạ; Dung là định luật của thiên hạ.
2.2 Đạo Kinh Dịch
a. Nguồn gốc của Kinh Dịch:
Trong triết học Trung Hoa, Kinh Dịch là một tác phẩm nổi tiếng xa xưa mà không ai không biết tới. Đây là một trong ba bộ kinh kinh điển của Trung hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng nguồn gốc của nó, tức Bát Quái, thì có thể sớm hơn vào cuối đời Ân, 1.200 năm trước Tây Lịch. Theo truyền thuyết thì Kinh Dịch do Phục Hi hay Văn Vương lập ra.
Ngay từ khởi đầu, Kinh Dịch nguyên thủy vốn là sách dùng để bói toán, nhưng về sau, đến thời Bách gia chu tử, tại Trung Hoa có hai luồng tư tưởng đã cố gắng giải thích cấu tạo và nguồn gốc vũ trụ. Một luồng tư tưởng dựa trên những trước tác của Âm dương gia (những nhà thuật số) và và luồng tư tưởng kia dựa trên vài phần trong Dịch truyện (Thập Dực – Mười cánh) do các nhà nho khuyết danh đưa phụ vào bản Kinh Dịch nguyên thủy. Lúc ban đầu, hai tư tưởng này đã phát triển độc lập, không liên quan tới nhau. Trong Kinh Dịch nguyên thủy mà Âm Dương gia áp dụng cho các ngành thuật số, học thuyết Ngũ Hành được đề cập đến mà không thấy nói tới học thuyết Âm Dương, trong Dịch truyện thì trái lại, chỉ thấy nói tới Âm Dương mà không thấy nói tới Ngũ Hành. Nhưng về sau, cả hai luồng tư tưởng này đã hợp làm một tạo nên học thuyết: Âm Dương Bát Quái Ngũ Hành.
Nhiều học giả nghiên cứu cho rằng Kinh Dịch nguyên thủy không do một người viết mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm, từ Văn Vương nhà Chu mãi đến đầu đời Tây Hán. Trải qua thời kỳ phát triển lâu dài, thời nào cũng có người tìm hiểu nó thêm, đem ý riêng của mình và tư tưởng của thời đại chiếu rọi vào nó, khiến cho ý nghĩa và công dụng của nó mỗi ngày một nhiều và một xa nguồn gốc ban đầu. Do đó, không thể gọi nó là tác phẩm của một học phái nào cả, không phải chính thức của Khổng giáo cũng không phải của Lão giáo,[16] và nhiều người gọi nó là tác phẩm chung của một phái, phái Dịch học, mà những người trong phái này gồm nhiều triết gia theo nhiều xu hướng khác nhau. Mới đầu nó chỉ là sách bói, tới cuối đời Chu thành một sách triết lý tổng hợp những tư tưởng về vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân tộc Trung Hoa thời Tiên Tần. Qua đời Hán nó bắt đầu có màu sắc tượng số học, muốn giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục, tới đời Ngũ Đại nó được dùng trong môn lý số và đời Tống nó thành lý học. Ngày nay, có nhiều người cho rằng nguồn gốc của Kinh Dịch phát xuất từ tộc Bách Việt phương Nam, vốn có nền nông nghiệp định cư định canh.
b. Thực chất của Đạo Kinh Dịch[17]:
Nho giáo đã tiếp thu Kinh Dịch và áp dụng nó nhằm giải thích nguồn gốc, cấu tạo và sự biến hóa của vũ trụ. Vì chủ chương đến sự biến hóa, nên Đạo Kinh Dịch của Nho giáo chú ý đến khía cạnh động thể của Đạo, tức khía cạnh dịch lý biến thiên. Dựa theo quan niệm này, Kinh Dịch là nền tảng triết lý nhằm giải thích tất cả những hiện tượng luôn luôn xuất hiện và biến dịch trong thế giới vũ trụ. Chúng ta có thể hiểu rõ bản chất của Đạo Kinh Dịch qua học thuyết như sau:
b.1 Học thuyết Âm Dương Bát Quái Ngũ Hành:
Trời Đất vạn vật nói chung là một đại vũ trụ và con người là một tiểu vũ trụ và cũng hàm chứa Âm Dương và Ngũ Hành. Khởi đầu là Thái Cực, chưa có sự biến hóa. Thái Cực này vận động biến thành hai khí Âm và Dương. Hai khí Âm Dương luôn luôn chuyển hóa làm cho vũ trụ động và vạn vật sinh tồn. Người ta thường nói: Thái Cực thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Chú ý rằng "thị sinh" ở đây không có nghĩa là từ cái "không" mà sinh ra cái "có", mà có nghĩa là đã có sẵn trong đó rồi, và có thể nhận thấy được khi phân hai (sinh) mà hoạt động. Thái (lớn quá, cao xa quá) Cực (là chỗ tận cùng, chỗ chấm dứt, và cũng có nghĩa là rất lắm, quá nhiều, quá lớn) là nguyên lý tạo dựng và chi phối vũ trụ. Lý Thái Cực là lý Nhất Nguyên Lưỡng Cực, có nghĩa là: một nơi (Nhất Nguyên) khi nói chung đến khía cạnh bất động, và có hai phần Âm Dương (Lưỡng Cực) khi nói riêng ra đến khía cạnh hoạt động. Nói ngược lại thì sự hoạt động của Âm Dương là cái lý của Thái Cực. Toàn thể trời đất này (vũ trụ) sinh tồn là do lý Thái Cực, và mọi vật đều do Âm Dương tác tạo, nên phải có một lý Thái Cực. Âm Dương là khí vô hình, có hai phần khác nhau là Dương và Âm để bù đắp cho nhau mà sinh động lực. Hai khí Âm Dương giao tiếp tuần hoàn sinh hóa ra vạn vật theo bốn trạng thái phát triển và suy tận được gọi là Tứ Tượng (Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm). Tứ Tượng lại sinh Bát Quái. Bát Quái là tám tướng chính của Âm Dương, sinh hóa ra năm khí chất chính là Ngũ Hành. Theo Đổng Trọng Thư thì khí của trời đất, hợp thì là một, chia thì là Âm và Dương, tách ra làm bốn mùa, bày xếp thành Ngũ Hành. Âm Dương là một, nhưng Âm Dương thiên biến vạn hóa để sinh Ngũ Hành, và với tính cách tương phản tương thành đã sinh hóa vạn vật, muôn loài, tạo ra một chuỗi nhân quả liên tục không dứt. Vạn vật trong vũ trụ này sở dĩ có được là do sự “Diệu Hợp Nhị Ngưng”, phối hợp với nhau một cách kỳ diệu mà ngưng đóng lại của nhị ngũ (2, 5) tức Âm Dương Ngũ Hành từ Hình nhi thượng (khí năng, khí chất vô hình) qua Hình nhi hạ (thể chất, hữu hình). Khi biến thì hình hóa, ở trời là tượng, ở đất là hình. Âm Dương chuyển hóa, tiêu trưởng, thuận nghịch, đắp đổi cho nhau sinh ra Ngũ Hành, tạo nên vạn vật. Thái Cực động thì sinh Dương, động cực thì tịnh, tịnh thì sinh Âm, tịnh cực thì lại động, một tịnh một động cũng làm căn bản cho nhau, đó là trở về cái gốc (Hổ Vi Kỳ Căn).
b.2 Các qui luật biến động của vạn vật:
Các hiện tượng của vũ trụ chỉ là trạng thái khác nhau trong vòng sinh tử, tử sinh của vật thể biến động. Tư tưởng Đông phương cho rằng vũ trụ có một mãnh lực vô hình chu du khắp không gian và thời gian gọi là Thái Cực, tác động do hai trạng thái động tịnh của chính mình, tức là hai khí Âm Dương, để biến hóa muôn loài, tạo ra một cuộc sống sống động và vĩnh cữu. Đó là lý Nhất Nguyên Lưỡng Cực, tức lý Thái Cực Âm Dương. Khởi thủy, vua Phục Hi đã vạch và xếp Tiên Thiên Bát Quái và 64 trùng quái để biểu tượng cho Âm Dương chuyển hóa, rồi tìm hiểu và sự sinh khắc chế hóa của Ngũ Hành do tác động của Âm Dương sinh ra, biểu hiện nơi các con số trên Hà Đồ.
Đầy cả khoảng trời đất này duy chỉ có một cái lý ấy mà thôi, lý ấy là lý tự nhiên, lý của Thái Cực. Lý ấy nằm trong tượng, nghĩa là trong các Hào Quái đã được dựng nên để biểu tượng cho sự chuyển hóa của Âm Dương. Sự chuyển hóa của Âm Dương là cái lý của Thái Cực. Âm Dương chuyển hóa tạo ra Ngũ Hành, biểu hiện bởi các con số nằm trong Hà Đồ và Lạc Thư. Thái Cực là lý tự nhiên, Hào Quái là tượng của Âm Dương, Hà Đồ và Lạc Thư là số của Ngũ Hành. Có lý thì có tượng, có tượng thì có số. Vũ trụ vạn vật chỉ có một cái lý chung và duy nhất nhưng mang nhiều tượng số, do đó mà mọi vật có từng nhóm số. Mọi vật đều có một Thái Cực, nghĩa là mọi vật, cũng như con người, đều là một tiểu vũ trụ. Vũ trụ có tính chất nào, tính cách nào thì mọi vật cũng có như vậy. Vua Phục Hi và các người đời sau đều đã dùng tượng số ấy mà tìm hiểu vũ trụ trong mọi quan hệ với nhân sinh. Vũ trụ và nhân sinh có mới liên hệ nhất quán, chỉ khác nhau ở chỗ cao thấp, lớn nhỏ mà thôi. Đó là “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”, đó là “Thiên nhân tương dữ”. Lẽ trời sao thì lẽ người vậy, việc trời sao thì việc người vậy.
Vạn vật đều biến động đổi dời tuân theo các quy luật như: luật biến hóa, luật tương sinh tương khắc, luật tương ứng tương cầu, luật tích tiệm, luật phản phục, luật biến dịch…
- Luật biến hóa: nghĩa là biến động mãi mãi, chu du khắp chốn, lên xuống không cùng, luân phiên thay đổi nhau: cứng mềm, nóng lạnh, sinh tử cho nên không thể lấy cái gì làm chủ yếu điển hình được. Chết (tử) chỉ là biến và hóa, chết mà không mất. Biến là do cùng vì “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” nghĩa là có cùng thì mới có biến, có biến mới có thông, có thông mới có lâu bền. Một đóng, một mở gọi là biến. Qua rồi lại, lại rồi qua, và qua lại không cùng gọi là thông.
- Luật tương ứng tương cầu: nghĩa là hai khí Âm Dương có giao cảm với nhau thì vạn vật mọi hóa sinh, vạn vật sinh rồi lại tiếp tục sinh mãi đưa đến cuộc biến đổi trở thành vô tận. Âm Dương có hòa xướng là cái trạng thái quân bình, Âm Dương xung khắc là cái trạng thái bấn loạn. Vạn vật trong vũ trụ bao giờ cũng tìm bạn đồng hành để tương ứng, đồng khí để tương cầu.
- Luật tích tiệm: tích có nghĩa là chất chứa, tích lũy từ lâu dài. Biến và hóa đều có nghĩa là đổi dời, nhưng biến thì đổi từ từ, khó nhận thấy, còn gọi là tiệm biến, hóa xảy ra ngay khi cuộc chuyển biến đã hoàn tất, gọi là đột biến.
- Luật phản phục: trở lại nơi khởi điểm, trở về cái gốc cũ. Sự tiến triển của vạn vật không đi luôn mà sẽ trở lại. Vật cùng tắc phản, nghĩa là khi cùng cực thì trái nghịch trở về cái gốc, cái trước. Nếu không đi thì sẽ không trở lại, đã có đi thì sẽ có lại.
- Luật bất dịch (bất di bất dịch): sự biến hóa ở vạn vật diễn biến trong vòng trật tự, theo một qui luật nhất định, không thay đổi, thường hằng. Tất cả mọi vật đều rất động, nhưng nhờ quy luật này chi phối mà sự động ấy không bị rối loạn, không đổi khác. Tất cả sự vật đều cùng về một nguồn (gọi là Thái Cực), nhưng mọi vật theo con đường riêng của mình, cùng về nhà mà đi khác đường. Luật thường hằng chi phối tất cả mọi cuộc biến hóa trong trời đất, điều hòa mọi trạng thái động tĩnh, không cho sự gì đi đến thái quá hay bất cập, thiếu thì nó bù vào, thừa thì nó bớt đi, đưa đến quân bình.
b.3 Tượng của Âm Dương:
Dịch lý quan niệm Âm Dương là khí và Ngũ Hành là thể chất Âm Dương tượng trưng cho hai khí thiên nhiên trong vũ trụ. Nguyên lý của vũ trụ th ì vô hình, không thể mô tả cụ thể được, mà dù cho có mô tả được đi chăng nữa thì cũng không bao giờ mô tả hết được. Muốn mô tả nguyên lý của vũ trụ, ta phải mượn hữu hình để mô tả cho chân lý vô hình đó, gọi là mượn tượng để mô tả hình khí Dương tượng trưng bỏi nóng, cứng, dài, nhanh, khỏe, nam, ban ngày, trời, số lẻ, phát triển, trẻ, mặt trời, mùa Xuân, Hạ, hướng Đông, hướng Nam, phía trên, phía ngoài, lửa, sáng, năng động, tích cực, cương quyết, hữu hình... Khí Âm tượng trưng bởi lạnh, mềm, ngắn, chậm, yếu, nữ, ban đêm, đất, số chẵn, suy thoái, già, mặt trăng, mùa Thu, Đông, hướng Tây, hướng Bắc, phía dưới, phía trong, nước, tối, thụ động, tiêu cực, nhu nhược, vô hình... Trong con người, Dương là mé ngoài, sau lưng, phần trên, lục phủ, khí... Âm là mé trong, trước ngực và bụng, phần dưới, ngũ tạng, huyết... Âm Dương không phải là thứ vật chất cụ thể nào mà là thuộc tính nằm trong tất cả mọi sự vật. Nó giải thích sự biến hóa và phát triển của sự vật. Người ta dùng Thái Cực Đồ để tượng trưng cho hai khí Âm Dương nằm trong Thái Cực.
Người Trung Quốc khi vẽ hình thì hướng Bắc bên dưới, Nam bên trên, Đông bên phải và Tây bên trái của hình bởi vì Trung Quốc ở Bắc bán cầu nên người ta ngồi ở phía Bắc mà nhìn lên phía Nam, và theo đó mà đặt phương vị. Như vậy trước mặt là phương Nam, tay trái phương Đông, bên phải phương Tây. Trên Thái Cực Đồ thì phần màu trắng là khí Dương nằm ở phương Đông nơi mặt trời mọc, phần màu đen thì là khí Âm nằm ở phương Tây. Trong phần Dương có một chấm đen tượng trưng cho Âm Căn (mầm Âm), trong phần Âm có một chấm trắng tượng trưng cho Dương Căn (mầm Dương). Điều này thể hiện Dương trung hữu Âm căn, Âm trung hữu Dương căn, khi Dương cực thì mầm Âm sẽ sinh ra và khi Âm cực thì mầm Dương sẽ sinh ra (Dương cực thì Âm sinh, Âm cực thì Dương sinh hay nói khác đi cực Dương sinh Âm và cực Âm sinh Dương, vật cực tắc biến) và nhấn mạnh ý nghĩa không bao giờ có trường hợp độc Âm hay độc Dương bởi vì trong Dương có Âm và trong Âm có Dương. Khi Dương nhiều hơn Âm thì gọi là Dương, khi Âm nhiều hơn Dương thì gọi là Âm. Âm Dương vận động chuyển hóa theo qui luật Dương trưởng thì Âm tiêu, Âm trưởng thì Dương tiêu, Dương tiêu thì Âm trưởng, Âm tiêu thì Dương trưởng. Đường đi của Âm và Dương đều theo chiều thuận, từ trái qua phải, từ Đông sang Tây.
Dương sinh ra ở phía Bắc, nóng và nhẹ nên đi lên về phương Đông. Dương lớn lên ở phương Đông, cực thịnh ở phía Nam (hướng Nam, giờ Ngọ thì nóng nhất nên Dương cực. Dương cực thì Âm sinh nên Âm sinh ở Ngọ, phía Nam) và tiêu mất ở phía Tây. Âm sinh ở phương Nam, lạnh và nặng nên đi xuống phương Tây. Âm lớn lên ở phương Tây, cực thịnh ở phương Bắc, giờ Tí thì lạnh nhất nên Âm cực, Âm cực thì Dương sinh nên Dương sinh tại Tí và tiêu mất ở phương Đông. Khi Dương tiêu mất ở phía Tây thì Âm lớn lên, khi Âm tiêu mấ t ở phía Đông thì Dương lớn lên.
Với bản chất như vậy, Âm Dương chuyển hóa theo qui luật Dương thăng Âm giáng và theo qui luật có thứ tự là doanh (tràn đầy), hư (hao hụt), tiêu (mòn dần), trưởng hay tức (nở ra, sinh ra). Khi Dương doanh thì Âm tiêu, Dương trưởng thì Âm hư và ngược lại để đắp đổi cho nhau sinh hóa luân chuyển không ngừng. Dương có tiêu thì nhờ cái mầm Dương ở trong Âm mà lại trưởng, Âm có bị tiêu thì nhờ cái mầm Âm trong Dương mà Âm lại trưởng. Có người còn sử dụng qui luật theo thứ tự là thành (sinh ra), thịnh (cực độ), suy (yếu đi), hủy (mất đi) để diễn tả sự chuyển hóa của Âm Dương. Khi Dương thành thì Âm suy, Dương thịnh thì Âm hủy, Dương suy thì Âm thành, Dương hủy thì Âm thịnh. Tương tự như vậy đối với khí Âm: khi Âm thịnh thì Dương suy, khi Dương thịnh thì Âm hủy.
2.3 ĐẠO nguyên lý vạn vật
Từ thực tại luận về sách Trung Dung và Kinh Dịch, Tống Nho bàn về một ĐẠO (viết hoa) làm nền tảng nguyên lý của vạn vật. ĐẠO chính là nguyên lý động, sinh thành và biến hóa vạn vật. Tống Nho đại thể có ba trường phái bàn về ĐẠO:[18]
a. Tượng số học: của Thiệu Khang Tiết tức Thiệu Ung là cái học về Dịch, về Thuật số. Với Thiệu Khang, tiết, bản thể của vũ trụ là Thái Cực, cũng là Đạo và là Tâm. Tâm con người và tâm vũ trụ là một. Trời đất và vạn vật theo cái lẽ xướng họa, cảm ứng mà sinh sinh hóa hóa. Như vậy, để cảm ứng cùng trời đất, con người cần đi sâu vào lòng mình, cũng là đi sâu vào những biến dịch thuật số Âm Dương. Hiểu được những lý lẽ ấy thì có thể hiểu được trời đất. Bấy giờ, con người cần phải biết độc thân mà tu dưỡng và phục tính để tâm thông.
b. Đạo học (hay Tâm tính học hay Lý học): với Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di, Chu Hi. Trường phái này chia làm bốn phái nhỏ: Liêm phái, Quan phái, Mân phái, Lạc phái. Đạo học không phải là Đạo giáo hay Lão Trang, nhưng cái học về bản thể trời đất là Đạo, là Vô cực mà Thái cực, gốc của vũ trụ vô thanh, vô phương, vô trạng là Vô cực. Vô cực là Thái cực, có động và tĩnh, Âm và Dương… Vô cực mà Thái cực đó chính là cái Lý vô hình tối linh (tạm hiểu như quy luật hay cái thiên ý chi phối vạn vật vạn sự. Cái Lý ấy thể hiện ra cách hữu hình thành cái Khí tràn đầy vũ trụ trời đất. Lý ấy cũng chính là mệnh trời, và là tính bản nhiên của con người, làm thành Tâm, thành Tính.
c. Tâm học: với Lục Cửu Uyên, tức Lục Tượng Sơn, ông không coi cái Lý là Tính, tức là một thực tại khách quan độc lập như Chu Hi, nhưng Lý chính là Tâm của trời đất và con người. Lý của Chu Hi, tạm gọi là đệ nhất chất thể để Khí, Tâm là thực tại mô phỏng theo đó. Còn với Lục Cửu Uyên thì Nhân tâm là cơ sở căn bản nhất của vũ trụ, không có sự tách biệt giữa Lý và Tâm.
Như vậy, ngang đây ta có thể hiểu đầy đủ vũ trụ quan của Nho giáo: tại điểm khởi đầu của vũ trụ là Thái cực, cái là Lý của trời và đất, từ đó phát sinh Khí, cái là cơ sở vật chất của vạn vật. Khí phát sinh Dương (động), và Âm (tĩnh). Đối với Chu Hi, “trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, Âm tới cực điểm thì sinh Dương, Dương tới cực điểm thì sinh Âm, do vậy thần hóa vô cùng”, và “một chia thành hai, đoạn nào cũng thế, cho đến vô cùng”. Cứ thế, Âm và Dương biểu hiện quá trình biến đổi và quân bình đang diễn ra, rồi tới lượt chúng phát sinh kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; năm hành chất ấy hợp thành mọi sự: Thái cực sinh Âm Dương, Âm Dương sinh Ngũ Hành, Ngũ Hành sinh vạn vật, vạn vật sinh sôi nảy nở không ngừng nghỉ.
Kết luận
Tư tưởng của Nho giáo mở ra cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về tư tưởng Minh triết Á Đông. Rõ ràng Nho giáo không đơn thuần là một đường hướng chính trị xã hội mang tính luân lý đạo đức nhân bản. Sự hình thành và phát triển của tư tưởng Nho giáo cho thấy một lối nhìn về chân lý, từ thực tại hữu hình đến vô hình. Nho giáo đã dùng thuật ngữ “Đạo” với ba ý nghĩa cấp độ:
a. Theo nghĩa đen: Đạo (道) có nghĩa hẹp là con đường, đường đi, và nghĩa rộng là đường lối, cách thức, quy tắc, luật lệ,…
b. Theo nghĩa bóng, trừu tượng, siêu hình: Đạo (道) mang ý nghĩa triết lý nhân sinh quan về một con đường phải theo như: đường hướng, chính sách, bổn phận (đạo ông bà, cha con, đạo vợ chồng, đạo làm con…), lối sống hay lối suy nghĩ và thực hành luân lý (đạo làm người, đạo xử thế…). Nó còn mở rộng ra theo cái nhìn của triết học như những quy luật, đặc tính, đặc điểm, tiêu chuẩn đã ấn định riêng cho từng sự vật, từng con người trong thế giới vũ trụ.
c. Theo nghĩa tuyệt đối siêu việt: từ thế giới hữu hình, tương đối gọi là Hình nhi hạ học, người ta vượt lên Hình nhi thượng học tức về một nguyên lý cao siêu, tối thượng, tuyệt đối vượt lên trên hết muôn vật, muôn loài, trên hết các Đạo tương đối viết thường phải có một ĐẠO tuyệt đối viết hoa làm mẫu mực, tác động và chi phối muôn loài. ĐẠO ấy rất huyền bí, vô hình, vô tượng, là nguyên lý, nguồn gốc của vũ trụ, là cơ cấu, là đường hướng vận chuyển, biến hóa, điều hòa muôn vật muôn loài trong trời đất. Đối với Nho giáo, ĐẠO siêu việt, cao siêu đến nỗi con người không thể xác định bản tính của nó là gì. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là xác định bản tính của ĐẠO cho bằng hiện thể của ĐẠO, tức các quy luật biến hóa của thực tại mà đỉnh điểm là tư tưởng: “thiên địa vạn vật nhất thể” và “thiên nhân tương dữ” nơi Đạo Trung Dung và Đạo Kinh Dịch.
Khi nghiên cứu thế giới vũ trụ, Nho giáo muốn tìm hiểu chân lý thực tại nhằm để rút ra ý nghĩa cho cuộc sống nhân sinh, một mặt không chỉ để biết, nhưng mặt khác điều cần thiết hơn là một thái độ sống. Con người nhận ra rằng trong thế giới tạo thành này luôn luôn có một ĐẠO (hằng hữu, trường cửu, bất di bất dịch) là nguyên lý phát sinh muôn loài, trong đó con người là thành phần và là đỉnh cao của thế giới vũ trụ. Vì thế, sống trong thế giới vũ trụ, con người phải tuân theo các quy luật biến hóa của trời đất để tồn tại và phát triển chính mình. Tư tưởng về thực tại luận của Nho giáo cho chúng ta thấy rằng dù con người khôn ngoan và cao quý đến mức nào, nhưng xét cho cùng vì là thành phần của vũ trụ, nó không thể vươn ra ngoài hoặc dám đi ngược lại với tất cả quy luật Đạo tất yếu của vũ trụ mà trên hết là ĐẠO, nguyên lý phát sinh muôn loài.
Như vậy, tư tưởng Nho giáo cho thấy một lối nhìn Minh triết (tổng thể – tương quan) và không tách biệt giữa ba thành phần Thiên – Địa – Nhân. Trong ba yếu tố này, con người (Nhân) được coi trọng với tư cách là chủ thể của hai mối tương quan: con người với vũ trụ và con người với nhau.
- Con người với vũ trụ: con người là thành phần của thế giới tự nhiên nên con người phải tuân theo các quy luật biến hóa của vũ trụ để hòa đồng, hòa điệu cùng vũ trụ và nên một với thế giới vũ trụ. Đi ngược hay tách biệt khỏi các quy luật biến hóa của thế giới vũ trụ, con người sẽ hủy diệt chính mình.
- Con người với nhau: Nho giáo đã được Đức Khổng đề ra cái bản tính thâm sâu nhất của hữu thể con người là Đức Nhân. Đức Nhân được xem như là tiêu chuẩn nền tảng để sống tương quan với chính mình và người khác. Đức Nhân được xem như là Đạo của trời ở trong con người. Người có Đức Nhân ở trong Tâm rộng lớn bao la như trời đất. Đức Nhân vừa bất di bất dịch (thuộc về bản tính tất yếu của con người), vừa biến dịch vô biên (yêu thương, tha thứ và tôn trọng tất cả mọi hạng người mà không phân biệt đối xử). Đối với Nho giáo, Đức Nhân không do con người tạo ra, nhưng được quy chiếu và đặt nền tảng trên quy luật Trung Hòa của thế giới vũ trụ.
Từ hai mối tương quan trên, Minh triết của Nho giáo cho thấy sự tự do (làm chủ của con người) và sự lệ thuộc của con người với thế giới vũ trụ cần phải là một “sự hòa hợp” giữa bản tính của con người với thế giới vũ trụ, mà theo Đức Khổng đó là Tâm con người, tức Đức Nhân.
Tóm lại, từ tư tưởng về Đạo (道) của Nho giáo, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ này để trình bày Kitô giáo qua việc:
a. Diễn tả những quy tắc luân lý tự nhiên trong vũ trụ vạn vật và trong lương tâm con người, cụ thể là Mười giới răn.
b. Diễn tả một lối sống thực hành nhân đức, đặc biệc nổi bật các nhân đức: Nhân, Trí, Dũng, Trung Dung,…
c. Diễn tả những lời giảng dạy chân lý của Thiên Chúa, của Chúa Kitô mà người Việt thường hay gọi là Đạo Chúa, Đạo Kitô.
Cuối cùng ĐẠO viết hoa chắc chắn không thể đồng hóa với Chúa Kitô nhưng có thể vay mượn ý niệm trên giống như tư tưởng Logos của Hy lạp để diễn tả chân lý là Chúa Kitô hay hay không? Có lẽ đây còn là một tư tưởng còn phải suy nghĩ và khám phá lâu dài trong việc đối thoại giữa tư tưởng Nho giáo và Kitô giáo. Tư tưởng về Đạo (道) của Nho giáo cho chúng ta một lối nhìn chân lý khách quan và toàn diện. Chân lý này chấp nhận một nguyên lý bất biến, siêu việt, vĩnh cữu, là nguồn gốc phát sinh muôn loài. Con người tự nhiên của Nho giáo không thể hiểu thấu bản chất của chân lý, nhưng họ có thể nhìn thấy hiện thể của chân lý khắp nơi trong vũ trụ trời đất, đặc biệt là nơi Tâm của chính mình. Theo tư tưởng Nho giáo, không có gì nằm ngoài nguyên lý đất trời, và chẳng có thứ gì vượt ra khỏi ĐẠO. Do đó, Đạo được tìm thấy trong vạn vật, chứng tỏ trực giác người Trung Quốc và Đông Phương về chân lý thực tại. Đạo ở trong vạn vật, đời sống tâm linh con người không có gì hơn cái nhìn thông thường này. Cuộc sống thường ngày ôm trọn cả cuộc sống tuyệt đối.
Giuse Trần Ngọc Thiện O.P.
(Nguồn: Thời sự Thần học – Số 55, tháng 01/2012, tr. 187-223)
Thư mục tham khảo
- Dương Ngọc Dũng & Lê Anh Minh. Kinh Dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1999.
- Khổng Tử, Đại Học – Trung Dung – Luận Ngữ do Trần Công Tiến dịch và chú thích. California: Văn Gia, 2000.
- Kim Định. Cửa Khổng. Sài Gòn: Ca dao, 1974.
- Ngô Tất Tố. Kinh Dịch. Sài Gòn: Khai Trí, 1991.
- Nguyễn Duy Cần. Nhập môn triết học Đông phương. Đồng Tháp: Tổng hợp, 1995.
- ______. Tinh hoa đạo học Đông phương. Tp. HCM: Tp. HCM. 1993.
- ______. Đại cương Triết học Trung Quốc – Chu Dịch huyền giải. Tp. HCM: Tp. HCM, 1992.
- ______. Dịch học tinh hoa. Sài Gòn: Tủ sách Thu Giang, 1973.
- Nguyễn Hiến Lê. Đại cương triết học Trung Quốc. 2 tập. Tp. HCM: Tp. HCM, 1992.
- ______. Khổng Tử. Tp. HCM: Văn hóa, 1995.
- ______. Kinh Dịch – Đạo của người quân tử. Hà Nội: Văn Học, 1994.
- Nguyễn Hữu Lương. Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông phương. Tp. HCM: Tp. HCM, 1972.
- Nguyễn Văn Thọ, Khổng học tinh hoa. Sài Gòn: Khai Trí, 1970.
- Phan Bội Châu. Chu Dịch. 2 tập. Sài Gòn: Khai Trí, 1969.
- ______. Khổng Ngọc Đăng. Huế: Thuận Hóa, 1998.
- Phùng Hữu Lan, Đại cương triết học sử Trung Quốc do Nguyễn Văn Dương dịch. Sài Gòn: Ban tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1967.
- Quảng Đức. Dịch lý và phương pháp luận. Sài Gòn: knxb, 1980.
- Rainey, Lee Dian. Confucius and Confucianism: The Essentials. Oxford: Blackwell, 2010.
- Taylor, Rodney L. Religions of the World: Confucianism. New York: Chelsea House, 2004.
- ______. The Illustrated Encyclopedia of Confucianism. New York: The Rosen Publishing Group, 2005.
- Trần Trọng Kim. Nho giáo. 2 quyển. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Bộ Giáo Dục, 1971.
- ______. Đại cương triết học Trung Quốc – Nho giáo. Tp. HCM: Tp. HCM, 1992.
- Trương Kỷ. Thiên Chúa giáo và Tam giáo. Knxb: Đường Thi, 2000.
[1] Xc. Khổng Tử, Bản Việt ngữ Đại Học – Trung Dung – Luận Ngữ do Trần Công Tiến dịch và chú thích (California: Văn Gia, 2000), tr. 3-7.
[2] Nhiều học giả không thích gọi tư tưởng Đông phương là “triết học Đông phương” mà gọi là “Đạo học Đông phương” vì nó liên quan đến toàn bộ thái độ sống của con người, điều quan trọng hơn hết là: “Thực tại có ý nghĩa gì đối với tôi?” Xc. Nguyễn Duy Cần, Nhập môn triết học Đông phương (Đồng Tháp: Tổng hợp, 1995), tr. 24-27.
[3] Chẳng hạn trong Đạo Đức Kinh, Đạo mang ý nghĩa hình thức động từ là “nói” (道 可 道 非 常 道: Đạo khả đạo phi thường đạo - Đạo Đức Kinh I,1). Trong Luận Ngữ, thuật ngữ Đạo đầu tiên mang ý nghĩa hình thức động từ là dùng lời để dẫn đường, chỉ dẫn, lãnh đạo (xc. Luận Ngữ I, 5; II, 8), còn theo lối hiểu và chuyển dịch thông thường, Đạo mang hình thức danh từ chủ yếu có nghĩa là “con đường”.
[4] Xc. Mục từ “Tao” của Rodney L. Taylor, The Illustrated Encyclopedia of Confucianism (New York: The Rosen Publishing Group, 2005), tr. 589.
[5] Kiến Đạo có nghĩa là đạt Đạo qua con đường: “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức thấu hiểu được chân lý.
[6] Xc. Phùng Hữu Lan, Bản Việt ngữ Đại cương triết học sử Trung Quốc do Nguyễn Văn Dương dịch (Sài Gòn: Ban tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1967), tr. 10-14.
[7] Nho (儒): do chữ Nhân và chữ Nhu ghép lại. Nhân là người, Nhu là cần dùng. Nho là hạng người luôn luôn được cần dùng đến để giúp ích cho mọi người trong xã hội biết cách ăn ở sao cho hợp với lòng người và lẽ Trời. Chữ Nhu còn có nghĩa là chờ đợi, tức là người trí thức chờ đợi người ta cần dùng gọi đến thì đem tài sức ra giúp đời. Như vậy, Nho là những hạng người tinh thông đạo lý của thánh hiền, biết được lẽ “Trời Đất” và “Người”, để hướng dẫn người ta phải ăn ở và cư xử thế nào cho hợp với Đạo Trời, hợp với lòng người.
[8] Phương Nam, là vùng đất Hoa Nam từ sông Dương Tử (Trường Giang) đổ xuống vùng đất phù sa sông Hồng, sông Mã. Đó là vùng đất phương Nam xa xưa của giống dân Đông Nam Á Cổ. Trong đại chủng Đông Nam Á đó, các tộc Bách Việt sống định cư thành làng, định canh với nghề trồng lúa nước.
[9] Thời Xuân thu (772-479 tr. CN) là giai đoạn nhiễu nhương. Dân tình xao xác đói khổ. Thiên tử nhà Chu không còn uy quyền trên các chư hầu nữa. Hàng trăm nước chư hầu luôn tranh giành nhau. Đức Khổng, người nước Lỗ, cả một đời nuôi mộng ra làm quan để chỉnh trị xã hội, đưa xã hội trở về giai đoạn thái bình kiểu Nghiêu Thuấn, Văn Võ, Chu Công. Ngài bôn ba các nước Lỗ, Tống, Tề, Vệ, Lương, Trần… nhưng chỉ làm quan nhiếp chính (thủ tướng) tại Lỗ được vài tháng, rồi khéo léo từ chức. Thất bại trên đường tham chính, ngài đi vào con đường giáo dục và rất thành công trong nghề dạy học.
[10] Xc. Phùng Hữu Lan, sđd., tr. 46-53.
[11] Vạn vật trong vũ trụ đều hoạt động theo bản tính riêng của nó, tuy nhiên sự khác biệt của bản tính không làm cho vạn vật xung khắc và hủy diệt lẫn nhau, nhưng chúng cùng hòa điệu (Trung Hòa) và tạo nên một tổng thể duy nhất trong tiến trình phát triển. Con người theo quan niệm của Đức Khổng cũng vậy, sống chí Trung có nghĩa là phát triển tâm tính của mình đến mức tuyệt đối là Đức Nhân. Nhờ có Đức Nhân, con người có thể biết mình, biết người, chí tri, cách vật (Đức Trí) mà hiểu thấu vạn vật và nên một với vạn vật.
[12] Xc. Khổng Tử, sđd., tr. 31-37.
[13] Thành (誠): thành thực, chân thực. Sách Trung Dung viết: 誠 者,天 之 道 也. 誠 之 者,人 之 道 也. 誠 者,不 勉 而 中 不 思 而 得: 從 容 中 道,聖 人 也. 誠 之 者, 擇 善 而 固 執 之 者 也. - Thành giả, thiên chi Đạo dã. Thành chi giả, nhân chi Đạo dã. Thành giả, bất miễn nhi trúng; bất tư nhi đắc; thung đung Trung đạo; Thánh nhân dã. – Thành là đạo của trời, trở nên thành là đạo của người. Thành [của trời], thì chẳng cố gắng mà vẫn trúng, chẳng suy nghĩ mà vẫn đạt, thung dung theo con đường hoàn thiện, đúng là bậc thánh vậy. (Trung Dung, chương XX).
[14] Ở đây, ta thấy sự khác biệt giữa “Đồng” và “Hòa”. Đồng nghĩa là đồng nhất, đối lập với dị biệt. Hòa (和) nghĩa là điều hòa bao hàm dị, hợp mọi cái dị để thành hòa. Tuy nhiên, để thành hòa, thì mọi cái dị đều phải có phân lượng nhất định, ấy là “Trung”. Vậy công dụng của “Trung” là để thành “Hòa”. Sách Trung Dung nói: 萬 物 並 育 而 不 相 害. 道 並 行 而 不 相 悖. 小 德 川 流;大 德 敦 化. 此 天 地 之 所 以 為 大 也. - Vạn vật tịnh đục nhi bất tương hại. Đạo tịnh hành nhi bất tương bội. Tiểu đức xuyên lưu; đại đức đơn hóa. Thử Thiên Địa chi sở vi đại dã. - Muôn vật cũng nhau sinh trưởng mà không làm hại lẫn nhau. Các quy luật, cùng nhau vận hành mà không hề trái ngược. Đức nhỏ thì như sông suối chảy tuôn; đức lớn thì đôn hậu hóa dục muôn vật. Đó chính là duyên cớ khiến trời đất là lớn vậy. (Trung Dung, chương XXX).
[15] Sách Trung Dung viết: 唯 天 下 至 誠 為 能 盡 其 性. 能 盡 其 性,則 能 盡 人 之 性. 能 盡 人 之 性,則 能 盡 物 之 性. 能 盡 物 之 性,則 可 以 贊 天 地 之 化 育. 可 以 贊 天 地. - Duy thiên hạ chí Thành vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính, tắc năng tận nhân chi tính. Năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính, tắ c khả dĩ tán Thiên Địa chi hoá dục. Khả dĩ tán Thiên Địa. – Duy kẻ chí thành trong thiên hạ có thể làm trọn tính mình. Làm trọn được tính mình thì có thể làm trọn được tính người. Làm trọn được tính người thì có thể làm trọn được tính vật. Làm trọn được tính vật thì có thể giúp vào việc hóa dục của trời đất. Có thể giúp vào việc hóa dục trời đất thì có thể tham thiên địa. (Trung Dung, chương XXII).
[16] Tuy vậy, thời chiến quốc (Tk 5 tr. CN – 221 CN), Kinh Dịch được các nho gia đời Hán tiếp thu và phát triển ảnh hưởng cách sâu rộng.
[17] Xc. Quảng Đức, Dịch lý và phương pháp luận (Sài Gòn: knxb, 1980), tr. 8-24.
[18] Xc. Phùng Hữu Lan, sđd., tr. 265-303.