Tiếp kiến chung 18/09/2024 - ĐTC Phanxicô: Tôi nhìn thấy một Giáo hội sống động tại Á Châu và Châu Đại dương
Trở về sau chuyến tông du thứ 45 tại nước ngoài, viếng thăm 4 nước Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore, tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 18/9/2024, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô về những trải nghiệm tuyệt vời ngài đã có tại các nước này. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến sự sinh động của các Giáo hội ở những nước mà các tín hữu chỉ là một thiểu số, và Giáo hội phát triển bởi sự hấp dẫn chứ không nhờ chiêu dụ tín đồ.
Vatican News
Như thường lệ, sau khi Đức Thánh Cha làm dấu Thánh Giá và chào phụng vụ, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Mátthêu (28,16.18-20):
Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Tình yêu dẫn đến hôn nhân
Trước khi bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã thông báo một tin vui: ngài giới thiệu một đôi vợ chồng sắp kết hôn: Chú rể là người đại diện nhóm nói tiếng Tây Ban Nha chào Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến và cô dâu là người tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha sang tiếng Ba Lan. Đức Thánh Cha chúc mừng họ và nói: “Thật tuyệt vời khi thấy tình yêu dẫn chúng ta tới việc tạo dựng một gia đình mới: đây là lý do tại sao tôi muốn giới thiệu hai người này để tạ ơn Chúa”.
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý:
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Hôm nay tôi sẽ nói về chuyến tông du tôi đã thực hiện ở Châu Á và Châu Đại Dương. Gọi là tông du bởi vì đây không phải là một chuyến du lịch, nhưng là chuyến đi để mang Lời Chúa, để làm cho Chúa được biết đến và cũng để biết tâm hồn của các dân tộc. Đây là một điều thật tuyệt vời.
Thực hiện ước mơ khi còn trẻ
Vào năm 1970, Đức Phaolô VI là Giáo hoàng đầu tiên bay về phía mặt trời mọc, viếng thăm Philippines và Úc trong thời gian dài nhưng cũng dừng chân ở một số nước châu Á và quần đảo Samoa. Đó là một chuyến đi đáng nhớ, đúng không! Bởi vì vị Giáo hoàng đầu tiên ra khỏi Vatican là Đức Gioan XXIII, khi ngài đi xe lửa đến Assisi; và Đức Phaolô VI đã thực hiện chuyến đi đáng nhớ đó! Tôi cũng đã cố gắng noi gương ngài về việc này, nhưng vì lớn tuổi hơn ngài nên tôi chỉ giới hạn chuyến viếng thăm ở bốn quốc gia: Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Tôi tạ ơn Chúa, Đấng đã cho phép tôi một vị Giáo hoàng cao tuổi làm điều mà tôi muốn làm khi còn là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi, bởi vì tôi đã muốn đi truyền giáo ở đó.
Giáo hội không chỉ giới hạn Châu Âu; Giáo hội sống động tại các nước Á Châu và Châu Đại dương
Suy tư đầu tiên xuất hiện một cách tự nhiên sau chuyến đi này là khi nghĩ về Giáo hội, chúng ta vẫn còn quá coi Châu Âu là trung tâm, hay như người ta nói, “Tây phương”. Nhưng trên thực tế, Giáo hội thì lớn hơn nhiều, lớn hơn Roma và Châu Âu nhiều! Và cho phép tôi nói, Giáo hội tại các nước đó sống động hơn nhiều. Tôi đã trải nghiệm điều đó một cách thú vị khi gặp gỡ các cộng đoàn ở đó, khi lắng nghe chứng từ của các linh mục, nữ tu, giáo dân, đặc biệt là các giáo lý viên; các giáo lý viên là những người phát triển việc loan báo Tin Mừng. Những Giáo hội không chiêu dụ tín đồ nhưng phát triển nhờ “sự thu hút”, như Đức Biển Đức XVI đã nhận định một cách khôn ngoan.
Lòng thương xót là con đường mà các Kitô hữu có thể và phải bước đi để làm chứng cho Chúa Kitô
Ở Indonesia, Kitô hữu chiếm khoảng 10% và người Công giáo là 3%, một thiểu số. Nhưng điều tôi nhìn thấy là một Giáo hội sống động, năng động, có khả năng sống và truyền tải Tin Mừng tại đất nước có nền văn hóa rất cao quý, có khuynh hướng hài hòa sự đa dạng, đồng thời có sự hiện diện của người Hồi giáo đông nhất trên thế giới. Trong bối cảnh đó, tôi đã khẳng định lòng thương xót là con đường mà các Kitô hữu có thể và phải bước đi để làm chứng cho Chúa Kitô Cứu Thế, đồng thời gặp gỡ các truyền thống tôn giáo và văn hóa lớn. Nói về lòng trắc ẩn, chúng ta đừng quên ba đặc tính của Chúa: gần gũi, thương xót và trắc ẩn. Thiên Chúa gần gũi, Thiên Chúa thương xót và Thiên Chúa có lòng trắc ẩn. Nếu một Kitô hữu không có lòng trắc ẩn thì không có nghĩa gì. “Đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn” là khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Indonesia: với những lời này, Tin Mừng đi vào đời sống hàng ngày của dân tộc đó một cách cụ thể, chào đón họ và ban cho họ ân sủng của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại. Những lời này giống như một cây cầu, giống như lối đi ngầm nối Nhà thờ Jakarta với đền thờ Hồi giáo lớn nhất châu Á. Ở đó, tôi thấy rằng tình huynh đệ là tương lai, là câu trả lời cho sự phản văn minh, cho những âm mưu hiểm ác của hận thù và chiến tranh, và của cả chủ nghĩa giáo phái.
Chúa Thánh Thần thích làm cho thông điệp Tình yêu vang vọng trong bản giao hưởng của các ngôn ngữ
Tôi tìm thấy vẻ đẹp của một Giáo hội truyền giáo, đi ra, ở Papua New Guinea, một quần đảo trải dài về phía Thái Bình Dương bao la. Ở đó, các nhóm dân tộc khác nhau nói hơn tám trăm ngôn ngữ: một môi trường lý tưởng cho Chúa Thánh Thần, Đấng thích làm cho thông điệp Tình yêu vang vọng trong bản giao hưởng của các ngôn ngữ. Điều Chúa Thánh Thần làm không phải là sự đồng nhất, nhưng là hòa điệu, hòa hợp; ngài là bậc thầy của sự hòa hợp. Ở đó, một cách đặc biệt, những nhân vật chính đã và vẫn là những nhà truyền giáo và giáo lý viên. Lòng tôi thật vui khi được có chút thời gian ở bên các nhà truyền giáo và giáo lý viên ngày nay; và tôi cảm động khi nghe những bài hát và âm nhạc của những người trẻ: nơi họ, tôi nhìn thấy một tương lai mới, không có bạo lực bộ lạc, không có sự phụ thuộc, không có chủ nghĩa thực dân về ý thức hệ hay kinh tế; nhưng là một tương lai của tình huynh đệ và sự quan tâm đến môi trường thiên nhiên tuyệt vời. Papua New Guinea có thể là một “phòng thực nghiệm” của mô hình phát triển toàn diện này, được sinh động bởi “men” Tin Mừng. Bởi vì không có nhân loại mới nếu không có những người nam người nữ mới, và chỉ có Chúa tạo nên họ. Và tôi cũng muốn đề cập đến cuộc viếng thăm của tôi ở Vanimo, nơi mà các nhà truyền giáo ở giữa rừng và trên biển. Họ đi vào rừng sâu để tìm kiếm các bộ lạc sống ở đó. Đó là một kỷ niệm đẹp.
Đức tin trở thành văn hóa và đồng thời soi sáng, thanh lọc và nâng cao văn hóa
Sức mạnh thăng tiến con người và xã hội của sứ điệp Kitô giáo nổi bật đặc biệt trong lịch sử Đông Timor. Ở đó, Giáo hội chia sẻ tiến trình độc lập với dân tộc, luôn hướng nó tới hòa bình và hòa giải. Đây không phải là việc ý thức hệ hóa đức tin, không, đó chính là đức tin trở thành văn hóa và đồng thời soi sáng, thanh lọc và nâng cao nó. Vì lý do này, tôi đã đề cập lại mối quan hệ hiệu quả giữa đức tin và văn hóa, mối quan hệ mà Thánh Gioan Phaolô II đã tập trung vào trong chuyến viếng thăm của ngài. Đức tin được hội nhập văn hóa và văn hóa được Tin Mừng hóa. Nhưng trên hết tôi bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của dân tộc đó: một dân tộc bị thử thách nhưng vui tươi, một dân tộc khôn ngoan trong đau khổ. Một dân tộc không chỉ sinh ra nhiều con cái, có cả một biển trẻ em, rất nhiều, mà còn dạy chúng mỉm cười. Chúng ta đừng bao giờ quên nụ cười của các trẻ em của đất nước đó, của miền đất đó. Các trẻ em ở đó luôn mỉm cười. Dạy các em mỉm cười, dạy đức tin, và đây là sự đảm bảo cho tương lai. Tóm lại, ở Đông Timor, tôi đã nhìn thấy sự trẻ trung của Giáo hội: các gia đình, trẻ em, giới trẻ, nhiều chủng sinh và những người khao khát đời sống thánh hiến. Tôi muốn nói, không phóng đại, rằng tôi đã hít thở “không khí của mùa xuân” ở đó!
Giáo hội là chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao hơn những gì lợi ích kinh tế có thể bảo đảm
Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi này là Singapore. Một quốc gia rất khác biệt so với ba quốc gia còn lại: một thành phố-quốc gia, rất hiện đại, trung tâm kinh tế và tài chính của châu Á và hơn thế nữa. Ở đó, các Kitô hữu là thiểu số, nhưng họ vẫn tạo nên một Giáo hội sống động, dấn thân tạo nên sự hòa hợp và tình huynh đệ giữa các nhóm dân tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Ngay cả ở Singapore giàu có cũng có những “những người bé mọn”, đi theo Tin Mừng và trở thành muối và ánh sáng, những chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao hơn những gì lợi ích kinh tế có thể bảo đảm.
Lời cảm ơn của Đức Thánh Cha
Tôi muốn cảm ơn các dân tộc này đã đón tiếp tôi cách nồng hậu, với lòng quý mến; tôi muốn cám ơn các chính quyền của họ đã giúp đỡ rất nhiều cho chuyến viếng thăm này, để họ diễn ra cách trật tự và không gặp vấn đề gì. Tôi cám ơn tất cả những đã cộng tác vào việc này và tôi tạ ơn Chúa vì ân sủng của chuyến viếng thăm này! Và tôi xin nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với tất cả mọi người. Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho những người tôi đã gặp và hướng dẫn họ trên con đường hòa bình và tình huynh đệ! Tôi chào tất cả mọi người!
Cuối buổi tiếp kiến, các tín hữu cùng Đức Thánh Cha hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latin và sau đó ngài ban phép lành cho mọi người.
Nguồn:vaticannews.va