NHÓM NGHIÊN CỨU TRÌNH BÀY CÔNG VIỆC VÀ MỤC TIÊU TẠI THƯỢNG HỘI ĐỒNG

05/10/2024
546

NHÓM NGHIÊN CỨU TRÌNH BÀY CÔNG VIỆC VÀ MỤC TIÊU TẠI THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Salvatore Cernuzio
04/10/2024

WGPSG (04/10/2024) - Trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng vào ngày 2/10, các thành viên của mười nhóm nghiên cứu được Đức Thánh Cha thành lập vào tháng Hai vừa qua để tìm hiểu các khía cạnh thần học và giáo luật liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau, cùng với đại diện của ba Ủy ban khác, đã trình bày công việc đã thực hiện cho đến nay và những định hướng tương lai.
Vai trò của phụ nữ và khả năng có nữ phó tế; nguy cơ biến mất các Giáo hội Đông phương do chiến tranh; cách tiếp cận “mục vụ” cho những người đa thê ở Châu Phi; việc loan báo Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số; mối tương quan giữa các Giám mục, linh mục và Dân Chúa; các tiêu chí chọn lựa ứng viên giám mục; góc nhìn “hiệp hành” về công việc của các Sứ thần Tòa Thánh; và đối thoại đại kết. Tại phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục, diễn ra vào chiều ngày 2/10 với bài phát biểu của Đức Thánh Cha cùng những lời giới thiệu của Đức Hồng y Grech và Tổng Tường trình viên, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, đại diện của từng nhóm nghiên cứu, đã trình bày công việc của họ.
Các đại diện của các nhóm, mỗi nhóm được giới thiệu bằng một đoạn video ngắn và có tối đa ba phút để trình bày, đã phác thảo những công việc đã thực hiện và các kế hoạch tương lai, dự kiến sẽ có một cuộc đối thoại liên tục giữa các thành viên Thượng Hội đồng và các Nhóm Nghiên cứu. Các “phản hồi” do các nhóm này thực hiện sẽ được trình lên Đức Thánh Cha vào năm 2025, một năm sau khi Thượng Hội đồng kết thúc, nhưng sẽ tính đến các đóng góp và kết quả từ Đại Hội đồng chung. Đức Hồng y Hollerich mô tả các nhóm này như là “những người đồng hành trên hành trình” và là “những người đối thoại.”
 
Đa Thê
Như đã đề cập, có mười nhóm nghiên cứu, bên cạnh một số Ủy ban được giao nhiệm vụ phân tích các chủ đề cụ thể. Một trong những nhóm này, giải quyết vấn đề phức tạp về đa thê ở một số quốc gia Châu Phi, đã được Đức Hồng y Fridolin Ambongo của Congo, Tổng Giám mục Kinshasa và Chủ tịch SECAM (Liên Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar) trình bày qua video. Ngài đặt ra câu hỏi về cách Giáo hội có thể đồng hành mục vụ với “những người đã đón nhận đức tin Kitô giáo nhưng đang sống trong tình trạng đa thê” hoặc “những người đã được rửa tội nhưng sau khi trở lại vẫn tiếp tục sống trong tình trạng đa thê.”
Các Giáo hội tại Châu Phi, mà cách đây vài tháng đã bày tỏ sự phản đối trước khả năng chúc lành cho người đồng giới (được đề xuất trong Tuyên ngôn Fiducia supplicans), giờ đây đang phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để đối xử với những người đàn ông có đến mười người vợ, cân nhắc đến những vấn đề như sự hiện diện của con cái, khó khăn kinh tế và các mối dây tình cảm. Đức Hồng y Ambongo cho biết SECAM có ý định phân tích những hình thức khác nhau mà hiện tượng này biểu hiện, cũng như động cơ của những người liên quan và giáo huấn của Giáo hội. Giáo huấn Công giáo khẳng định rằng đa thê “không phải là lý tưởng về hôn nhân theo thánh ý Thiên Chúa.” Tuy nhiên, ngày nay, điều này là chưa đủ: cần có sự “gần gũi,” “lắng nghe chủ động” và “hỗ trợ.” Công việc của nhóm, do một đội ngũ chuyên gia thực hiện, sẽ dẫn đến việc soạn thảo một tài liệu.
 
Vai trò của phụ nữ và nữ phó tế
Đức Hồng y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã đại diện cho Nhóm nghiên cứu về “các hình thức thừa tác vụ.” Ngài dự báo một “sự hồi sinh của một số suy tư của Đức Thánh Cha” – trong các tài liệu như Evangelii gaudiumQuerida Amazonia và Antiquum Ministerium – vốn “chưa được đón nhận đúng mức,” và nhấn mạnh đến “vấn đề cấp bách về sự tham gia của phụ nữ trong đời sống và lãnh đạo của Giáo hội.”
Điều này bao gồm khả năng phụ nữ có thể được thừa nhận vào chức phó tế, vốn là chủ đề của hai Ủy ban được Đức Thánh Cha thành lập. “Chúng ta ý thức về lập trường công khai của Đức Thánh Cha, Ngài cho rằng vấn đề này chưa chín muồi,” Đức Hồng y Fernández làm rõ. “Trong suy tư của Đức Thánh Cha, vẫn còn nhiều vấn đề khác cần phải được khám phá và giải quyết trước khi vội vàng bàn đến việc có khả năng phong chức phó tế cho một số phụ nữ.”
Theo vị Bộ trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, rủi ro là chức phó tế có thể trở thành “một hình thức an ủi cho một số phụ nữ,” trong khi “vấn đề quan trọng hơn về sự tham gia vào đời sống Giáo hội lại bị bỏ quên.” Dù sao đi nữa, Ngài cho biết, Bộ Giáo lý Đức tin vẫn tiếp tục “nghiên cứu nhiều hơn,” kết hợp phân tích về phụ nữ trong lịch sử Giáo hội “những người thực sự đã nắm giữ quyền hành” (như Matilda thành Canossa, Hildegard thành Bingen, Jeanne d’Arc, Teresa Avila, Mama Antula, Dorothy Day) với việc lắng nghe những phụ nữ ngày nay đang đảm nhận các vai trò quan trọng trong các Giáo hội tại những vùng đất xa xôi như Indonesia và Châu Phi. Như vậy, Đức Hồng y Fernández cho biết, vấn đề nữ phó tế “được thu gọn lại” và “chúng ta đang nỗ lực mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ.”
 
Tiếng kêu than của người nghèo
Vai trò của phụ nữ cũng là trọng tâm trong các nghiên cứu của Nhóm chuyên về “lắng nghe” tiếng kêu của trái đất và của người nghèo. Làm thế nào để củng cố mối liên hệ giữa cộng đoàn Kitô giáo và những ai làm việc hàng ngày trong lĩnh vực bác ái, công lý và phát triển là điểm chính của những suy tư được điều phối viên Sandie Cornish, một người Úc, trình bày. Bà nhấn mạnh rằng “phụ nữ, ở mọi nơi trên thế giới, thuộc về những người nghèo nhất trong số những người nghèo.”
Công việc của Nhóm “sẽ được xây dựng dựa trên tiếng nói của họ,” cũng như tiếng nói của các tình nguyện viên và các chuyên gia đang “đồng hành” với những người đang chịu cảnh nghèo khó và bị gạt ra bên lề. Sự chú ý cũng sẽ được dành cho “các nhóm đã bị loại trừ trong nhiều năm, chẳng hạn như các nạn nhân của sự phân biệt giai cấp.” Bà Cornish cho biết các Giám mục và những người lãnh đạo giáo phận, mà các trở ngại đã được thảo luận trước đó, cũng sẽ được mời tham gia, đồng thời lưu ý rằng các trở ngại này có thể kích thích sự sáng tạo và các phản hồi cụ thể.
 
Các Giáo hội Công giáo Đông phương bị tàn phá bởi chiến tranh
Đề cập đến các sự kiện thời sự, Đức Hồng y Claudio Gugerotti, Bộ trưởng Bộ Các Giáo hội Đông phương, đã nêu bật “tình hình bi thảm trong những ngày gần đây: bom đạn, xe tăng tàn phá không chỉ con người mà còn cả niềm hy vọng,” nhắm vào một “thành phần nhỏ và dễ tổn thương”—các Giáo hội Công giáo Đông phương trong các vùng chiến sự. Ngài cảnh báo: “Các Giáo hội này đang đối diện nguy cơ biến mất,” và sự mất mát này “sẽ là một tổn thất không thể bù đắp đối với Giáo hội.” Nhóm làm việc đã nhận nhiệm vụ “kêu gọi các Giáo hội Latinh, vốn mạnh mẽ và tổ chức tốt hơn, giúp đỡ các anh chị em chúng ta sống tốt hơn sau khi phải di tản ra khỏi quê hương của họ.” Đối với một số Giáo hội, “phần lớn các tín hữu đang sống ở nơi hải ngoại, chứ không phải trên chính quê hương bị chiến tranh tàn phá của họ.” Đức Hồng y giải thích rằng chương trình của nhóm sẽ bao gồm một bản câu hỏi và việc khởi động một hành trình, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ Thượng Hội đồng, mà còn tiến xa hơn, dưới sự chăm sóc của Bộ Các Giáo hội Đông phương.
 
Thời đại kỹ thuật số và việc loan báo Tin Mừng
Từ thế giới thực đến thế giới kỹ thuật số: Kim Daniel, chuyên gia người Mỹ, đã trình bày công việc của Nhóm về việc loan báo Tin Mừng trong môi trường kỹ thuật số.
Bà nói: “Một trang truyền giáo mới trong đời sống của Giáo hội” đã mở ra, “cho phép chúng ta vươn đến các vùng ngoại vi” và trở thành “lời rao giảng đầu tiên về Chúa trong một thế giới chưa biết đến Ngài.”
Tất nhiên, cần phải phân định những cơ hội và thách đố của “không gian linh hoạt” này, với động lực “hội nhập văn hóa” cho Giáo hội. Nhóm làm việc bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực trong Giáo hội và học thuật; công việc của nhóm được đánh dấu bằng việc lắng nghe sâu rộng, đặc biệt là những người trẻ tham gia vào các mạng lưới văn hóa kỹ thuật số; trong dự án “Giáo hội lắng nghe bạn”; và trong bài suy tư mục vụ của Bộ Truyền thông về mạng xã hội, Hướng tới một sự hiện diện tròn đầy.
 
Quyền Tối thượng Phêrô trong bối cảnh đại kết
Mối quan hệ giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng Phêrô, lòng hiếu khách Thánh Thể, và mối liên hệ với các phong trào canh tân Kitô giáo là những điểm sẽ được nhóm nghiên cứu, đại diện bởi Đức Cha Paul Rouhana, Giám mục Phụ tá của Giáo phận Joubbé, Sarba và Jounieh của Giáo hội Maronite, phân tích.
Chương trình làm việc, theo ngài, sẽ bao gồm việc phân tích “những hoa trái từ việc tiếp nhận hành trình đại kết trong thực hành giáo hội” và một số “đề xuất cụ thể cho việc thực thi quyền tối thượng Phêrô trong một khung cảnh đại kết mới.”
Văn kiện Giám mục Rôma sẽ là nền tảng cho các buổi gặp gỡ và suy tư, trong khi những kinh nghiệm từ các cuộc hôn nhân liên hệ phái, các gia đình và phong trào đại kết sẽ giúp mở rộng suy tư về lòng hiếu khách Thánh Thể.
Đồng thời, nhóm sẽ có một cái nhìn “tích cực” đối với các phong trào phi giáo phái để hiểu được “chúng ta có thể học được gì từ họ trong tinh thần trao đổi các hồng ân.”
 
Mối tương quan giữa Dân Chúa và các mục tử
Công việc của Nhóm về vai trò phục vụ của các giám mục, linh mục, và phó tế và mối quan hệ của họ với Dân Chúa mang tính chất thuần túy giáo hội.
Đức Cha Felix Genn của Giáo phận Münster nhấn mạnh sự cần thiết phải “đào sâu mối tương quan giữa giám mục và Giáo hội địa phương,” đặc biệt là theo ánh sáng của “những kỳ vọng Dân Chúa” về sự “minh bạch hơn”; sự tôn trọng lớn hơn đối với các bối cảnh địa phương; sự “tham gia tích cực hơn của Giáo hội địa phương trong việc lựa chọn các ứng viên để tránh những nghi ngờ về sự sắp đặt”; và nhu cầu khôi phục hình ảnh của “một Giáo hội thực sự hiệp hành.”
 
Đời sống thánh hiến
“Hiệp thông,” “hàng giáo phẩm,” “tính hiệp hành”; nhưng cũng là “tin tưởng,” “tình huynh đệ,” và “tình chị em” là những từ khóa hướng dẫn Nhóm Nghiên cứu về mối quan hệ giữa các giám mục và đời sống thánh hiến; và sự cộng tác giữa các Hội đồng Giám mục, các bề trên thượng cấp, các phong trào giáo dân, và các Giáo hội địa phương.
Nữ tu Simona Brambilla, Thư ký Bộ về các Tu hội Đời sống Thánh hiến và Các Tu đoàn Tông đồ, giải thích rằng nhóm sẽ đặc biệt xem xét “những khác biệt và sắc thái trong các phương thức sống mối tương quan giữa các giám mục và đời sống thánh hiến.” Ở một số khu vực trên thế giới, “mối quan hệ này hiệu quả và sinh hoa trái, trong khi ở những nơi khác lại mang nhiều thách đố và đời sống thánh hiến bị nhìn nhận một cách thuần túy chức năng.”
 
Đánh giá lại văn kiện ‘Ratio’ về linh mục trong viễn cảnh hiệp hành
Đức Hồng y José Cobo Cano đã trình bày, qua video, về công việc của Nhóm phụ trách việc đánh giá lại Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, văn kiện năm 1985 về đời sống, việc đào tạo và thừa tác vụ của các linh mục, trong “viễn cảnh thừa sai hiệp hành.”
Đức Tổng Giám mục Madrid cho biết Ratio “vẫn đang được đón nhận và cần những hướng dẫn rõ ràng”; thông qua nhiều “mảnh ghép” của các đề xuất và sự hiểu biết, một “bức tranh khảm” định hướng lớn sẽ được chuẩn bị, bao gồm các vấn đề như đào tạo chủng viện, sứ vụ linh mục, mục vụ ơn gọi, mối tương quan với các giám mục, và giáo dục về tính hiệp hành.
 
Phương thức hoạt động mới cho các Sứ thần Tòa Thánh
Nhóm Nghiên cứu cuối cùng, theo Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher của Sydney, được giao nhiệm vụ “tái định hình vai trò hiện tại của các Sứ thần Tòa Thánh,” không chỉ liên quan đến các chức năng ngoại giao cổ điển mà còn trong trách nhiệm thúc đẩy “sự hiệp nhất, tình huynh đệ, và tính hiệp hành giữa các giám mục.”
Tâm Bùi (TGPSG)
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: tgpsaigon.net