Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Đại hội truyền giáo châu Mỹ lần thứ 6
Trong sứ điệp gửi đến Đại hội Truyền giáo châu Mỹ lần thứ 6, diễn ra từ ngày 19 đến 24/11/2024, ở thành phố Ponce của Puerto Rico, Đức Thánh Cha mời gọi các nhà truyền giáo nói với mọi người bằng ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ mà toàn thể nhân loại có thể hiểu được.
Vatican News
Hướng đến Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha mời gọi khoảng 1.300 tham dự viên của Đại hội, hiệp nhất với ngài trong lời cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi. Ngài viết: “Lời cầu nguyện hướng đến Ba Ngôi Cực Thánh, trước hết nhìn nhận Chúa Cha là Thiên Chúa thương xót, Đấng trong Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, mặc khải cho chúng ta Tin Mừng, để nhờ Thánh Thần khẩn xin Người tuôn đổ Tình yêu Chúa và canh tân mặt đất”.
Theo Đức Thánh Cha, nền tảng của sứ vụ là nhìn nhận chúng ta là những người con, được lòng thương xót Chúa đoái nhìn. Chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có, không thể diễn tả những gì chúng ta chưa từng trải nghiệm, mắt chưa thấy hoặc đôi tay chưa chạm vào. Nền tảng của sứ vụ là trải nghiệm về Chúa, cuộc gặp gỡ tình yêu với Chúa Giêsu, Đấng mặc khải cho chúng ta Tin Mừng, cho chúng ta thấy Chúa Cha. Rất nhiều nhà truyền giáo bằng cầu nguyện và hành động đã công bố điều này.
Đức Thánh Cha nhắc lại chính Chúa Giêsu là một nhà truyền giáo, làm chứng về tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa cho dân Người. Đây là sứ điệp mà các nhà truyền giáo tiếp tục diễn đạt trong mọi thời đại, mọi nơi, bằng mọi ngôn ngữ.
Đức Thánh Cha mời gọi tất cả những ai đã được rửa tội siêng năng cầu nguyện, vì cầu nguyện giúp chúng ta nhìn thấy Chúa, thấy Người nơi thế giới và tha nhân. Chúng ta cần có một cái nhìn truyền tải niềm vui tràn ngập tâm hồn. Niềm vui của các môn đệ sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh, thúc đẩy khởi sự một hành trình. Chính Thánh Thần làm điều kỳ diệu này trong chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện.
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Nhờ quyền năng ban sự sống của Thánh Thần, chúng ta có thể truyền tải thông điệp bằng mọi ngôn ngữ, không chỉ vì Giáo hội nói tất cả các ngôn ngữ, nhưng trên hết, Giáo hội luôn nói cùng một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ tình yêu, dễ hiểu đối với toàn thể nhân loại”.
Và ngài khuyên không được bỏ cầu nguyện, phải cầu xin Chúa Cha không ngừng tuôn đổ Tình Yêu Người, Thần Khí ban sự sống của Người, để Thánh Thần đổi mới bộ mặt trái đất bị tổn thương bởi những bất công và những đau khổ do con người gây ra.
Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội châu Mỹ noi gương Đức Mẹ có tâm tình cầu nguyện “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51), và luôn là môn đệ truyền giáo của Mẹ cho đến tận cùng trái đất.
Nguồn:vaticannews.va