ĐTC Lêô dâng Thánh Lễ tại Castel Gandolfo: Hãy đi và cũng hãy làm như vậy
Sáng Chúa Nhật ngày 13/07, Đức Thánh Cha Lêô đã dâng Thánh Lễ tại Giáo xứ thánh Tôma ở Castel Gandolfo, nơi ngài đang nghỉ hè trong tháng 7. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện và Đức cha Vincenzo Viva, giám mục của Albano, và một số linh mục của giáo phận.
Vatican News
Trước khi bắt đầu bài giảng, Đức Thánh Cha diễn tả niềm vui cử hành Thánh Lễ với cộng đoàn giáo xứ thánh Tôma và vị đại diện chính quyền và quân đội tại giáo phận Albano.
Bài giảng Thánh Lễ
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, mà chúng ta vừa nghe, là một trong những dụ ngôn đẹp nhất và đầy cảm hứng mà Chúa Giêsu đã kể. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37).
Câu chuyện này tiếp tục chất vấn chúng ta ngay cả hôm nay, thức tỉnh đời sống chúng ta, đánh động lương tâm chúng ta vốn có thể đang mê ngủ hay sao lãng, và thách thức chúng ta trước nguy cơ của một đức tin dễ dãi – chỉ dừng lại ở việc tuân giữ lề luật bề ngoài mà không cảm nhận và hành động với tấm lòng đầy trắc ẩn của Thiên Chúa.
Quả thật, lòng trắc ẩn là trung tâm của dụ ngôn. Nếu lòng trắc ẩn trong trình thuật Tin Mừng được thể hiện qua hành động của người Samari, thì điều đầu tiên bản văn nhấn mạnh chính là “nhìn thấy”. Trước một người bị thương nằm bên vệ đường sau khi bị cướp đánh đập, Kinh Thánh nói về vị tư tế và thầy Lêvi rằng: “thấy người ấy nhưng tránh sang bên kia mà đi” (c.32); còn về người Samari, thì nói: “thấy và chạnh lòng thương” (c.33).
Anh chị em thân mến, chính cái nhìn tạo nên sự khác biệt, vì nó bộc lộ điều chất chứa trong tâm hồn chúng ta: có thể nhìn thấy và rồi bỏ đi, hoặc thấy và chạnh lòng thương. Có một kiểu nhìn bề ngoài, vội vã, thờ ơ, giả vờ không thấy, nghĩa là không để mình bị lay động hay chất vấn bởi tình cảnh của người khác; và cũng có một kiểu nhìn bằng đôi mắt của con tim, một ánh nhìn sâu sắc hơn, với sự cảm thông khiến chúng ta bước vào hoàn cảnh của người khác, tham dự từ nội tâm, bị đánh động, lay chuyển, chất vấn chính cuộc sống và trách nhiệm của chúng ta.
Ánh nhìn đầu tiên mà dụ ngôn muốn nói đến là ánh nhìn mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, để rồi chúng ta cũng học biết nhìn bằng đôi mắt ấy – đôi mắt tràn đầy tình yêu và lòng thương xót, hướng về nhau. Người Samari nhân hậu trước hết chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Người Con hằng hữu mà Chúa Cha đã sai đến trong lịch sử, bởi vì Người đã nhìn nhân loại không phải để “đi qua”, mà bằng ánh mắt, trái tim, và lòng thương xót sâu thẳm. Giống như người bị thương trong Tin Mừng đang đi từ Giêrusalem đến Giêricô, nhân loại cũng đang rơi xuống vực sâu của sự chết và, cho đến ngày nay, vẫn phải đối diện với bóng tối của sự dữ, đau khổ, nghèo đói, và cái chết phi lý; nhưng Thiên Chúa đã nhìn chúng ta với lòng xót thương, Người đã muốn cùng bước đi với chúng ta, và trong Đức Giêsu – người Samari nhân hậu – Người đã đến chữa lành các vết thương của chúng ta, xức dầu tình yêu và lòng thương xót của Người trên chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng xót thương và cảm thông, và Đức Giêsu “chính là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta” (Kinh Truyền Tin, 14/7/2019). Người chính là người Samari nhân hậu đến gặp gỡ chúng ta; thánh Augustinô nói rằng “Chính Chúa Giêsu Kitô muốn được gọi là người thân cận của chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu đã cho thấy rằng chính Người đã cứu giúp kẻ bị nạn nửa sống nửa chết nằm trên đường, bị cướp hành hạ và bỏ mặc” (Giáo lý Kitô giáo, I, 30.33).
Vì thế, chúng ta hiểu tại sao dụ ngôn này lại chất vấn từng người chúng ta: bởi vì Đức Kitô là biểu lộ của một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn. Vì vậy, tin vào Người và bước theo Người như những môn đệ có nghĩa là để mình được biến đổi hầu có thể mang trong lòng những tâm tình như Người: một con tim biết rung động, một ánh mắt không dửng dưng, đôi bàn tay chữa lành và nâng đỡ, đôi vai mạnh mẽ để gánh vác người khốn khó.
Bài đọc thứ nhất hôm nay, qua lời ông Môsê, cho chúng ta biết rằng: vâng phục lệnh truyền của Chúa và hoán cải không phải là gia tăng các hành vi bề ngoài, nhưng là trở về với con tim, nơi Thiên Chúa đã khắc ghi lề luật tình yêu. Nếu trong thẳm sâu đời sống mình, chúng ta nhận ra rằng Đức Kitô – như người Samari nhân hậu – yêu thương và chăm sóc chúng ta, thì chính tình yêu đó thúc đẩy chúng ta yêu thương như Người, để trở nên đầy lòng trắc ẩn như Chúa. Được Đức Kitô chữa lành và yêu thương, chúng ta cũng trở nên dấu chỉ cho tình yêu và lòng thương xót của Người giữa thế gian.
Anh chị em thân mến, hôm nay nhân loại cần một cuộc cách mạng của tình yêu. Con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô – một thành phố nằm dưới mực nước biển – chính là con đường của những người chìm đắm trong sự dữ, khổ đau và nghèo đói; đó là con đường của biết bao người bị đè nặng bởi gian khó, bị thương bởi biến cố cuộc đời; là con đường của những ai “rơi xuống đáy”, mất phương hướng, lạc lối; và là con đường của biết bao dân tộc bị tước đoạt, cướp bóc, nạn nhân của các thể chế chính trị áp bức, của nền kinh tế ép họ sống nghèo khổ, và của chiến tranh cướp đi ước mơ và mạng sống của họ.
Vậy chúng ta thì sao? Chúng ta nhìn thấy và bỏ đi, hay để cho con tim bị thổn thức như người Samari? Đôi khi chúng ta chỉ bằng lòng làm tròn bổn phận, hoặc chỉ coi người thân cận là người trong cùng một nhóm, một quan điểm, một quốc tịch hay một tôn giáo; nhưng Đức Giêsu đảo ngược cách nhìn đó khi đưa ra hình ảnh một người Samari – một người xa lạ, thậm chí bị coi là dị giáo – lại trở nên người thân cận của kẻ bị thương. Và Người mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.
Người Samari – như Đức Bênêđictô XVI viết – “không tự hỏi đâu là giới hạn nghĩa vụ liên đới của mình, cũng không tìm kiếm những công trạng để được sống đời đời. Một điều khác đã xảy ra: con tim ông tan vỡ […]. Nếu câu hỏi được đặt là: ‘Người Samari có phải là người thân cận của tôi không?’, thì trong hoàn cảnh cụ thể ấy, câu trả lời sẽ là ‘không’ một cách khá dứt khoát. Nhưng này đây, Đức Giêsu đảo ngược vấn đề: chính người Samari, người ngoại, đã trở nên người thân cận, và cho tôi thấy rằng từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi phải học cách trở thành người thân cận, và tôi đã mang sẵn câu trả lời ấy nơi tâm hồn. Tôi phải trở thành một con người biết yêu thương, một con người với trái tim rộng mở để bị xao xuyến trước nỗi khốn cùng của tha nhân” (Đức Giêsu thành Nadarét, tr. 234).
Nhìn nhấy nhưng không bỏ qua mà đi, nhưng dừng lại giữa nhịp sống hối hả, để đời sống của người khác – bất kể họ là ai – với những nhu cầu và đau khổ, khiến trái tim tôi vỡ ra. Đó là điều làm cho chúng ta nên thân cận của nhau, xây dựng một tình huynh đệ đích thực, phá đổ các bức tường và hàng rào. Và cuối cùng, tình yêu sẽ có chỗ, trở nên mạnh hơn sự dữ và cái chết.
Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy nhìn lên Đức Kitô – người Samari nhân hậu – và hôm nay một lần nữa lắng nghe lời Người nói với mỗi người chúng ta: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c.37).
Nguồn:vaticannews.va