Tham gia là một ơn gọi?

20/03/2024
1083

 

 
THAM GIA LÀ MỘT ƠN GỌI?
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn là một ơn gọi. Điều này nghe có vẻ lạ tai. Tuy vậy, chúng ta vẫn nói: nghề giáo là một ơn gọi. Làm cha mẹ là một ơn gọi. Trở thành Kitô hữu cũng là một ơn gọi. Như vậy, ngoài ơn gọi dâng hiến hoặc gia đình, chúng ta có thể sử dụng từ này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhất là trên con đường hiệp hành tham gia, nếu ý thức đây là một ơn gọi, có thể giúp chúng ta tham gia tích cực hơn.
1. Ơn gọi theo nghĩa rộng
Theo chiết tự: ơn là việc làm tốt lành; gọi là lên tiếng kêu mời. Như vậy, ơn gọi là việc Thiên Chúa kêu mời con người tin vào Ngài và tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài. Với định nghĩa này, rõ ràng tham gia vào đời sống Giáo Hội, giáo xứ là quyền lợi và bổn phận mang tính thần linh. Chúng ta tham gia vì Thiên Chúa mời gọi chứ không phải cha xứ hoặc ai đó bắt buộc. Hiểu theo nghĩa này, việc tham gia mang chiều kích thiêng liêng và thần học. Lý do?
Trong Kinh thánh, Thiên Chúa gọi chọn ai, bao giờ Ngài cũng trao cho người đó một sứ mạng. Có những ơn gọi đặc biệt: chẳng hạn Chúa gọi Abraham, Môsê hoặc các ngôn sứ, tư tế. Thực tế cũng có những ơn gọi bình dị như Chúa Giêsu mời gọi những kẻ thu thuế, những người tội lỗi ăn năn thống hối. Có biết bao người đã tin vào Lời Chúa để đi theo Chúa Giêsu, trong một cộng đoàn tiên khởi. Nhất là sau biến cố phục sinh, lời gọi này vang đến biết bao trái tim bổn đạo. Rất nhanh chóng Giáo hội sơ khai phát triển về số lượng và chất lượng. Họ quy tụ vì tiếng gọi của Chúa Giêsu. Các Tông đồ hoặc các môn đệ chỉ là những người nhận trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn. Họ cùng nhau làm nên một dân thánh. Như thế, mỗi người đều có mọt ơn gọi phổ quát là trở thành dân Thiên Chúa, dự phần vào đời sống của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.
Vì lý do trên, tài liệu của Giáo hội về hiệp hành ghi rõ:
Toàn thể Dân Chúa qua Bí tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi. Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội thánh. Trong các giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, trẻ già, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Chúa đến để hướng dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta, thổi sinh khí vào Hội thánh và dẫn chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trong thế giới.[1]  
Về chiều kích thiêng liêng, tham gia giúp nuôi dưỡng đời sống đức tin của mỗi người. Không ai là một hòn đảo, và không ai có thể sống một mình. Thực tế nếu không tham gia giáo xứ, chúng ta cũng cần tham gia một nhóm hội nào đó. Tại sao chúng ta lại bỏ quên ơn gọi tham gia của mình? Phải chăng vì lơ là điều này nên đời sống đạo của nhiều người cứ èo uột và khô cằn. Chúa đang nuôi dưỡng cộng đoàn với các bí tích, và cả những cuộc chuyện trò, sinh hoạt trong giáo xứ. Nếu muốn hạnh phúc và triển nở hơn trong đời sống đức tin, chúng ta tiếp tục tham dự vào những chuyện vui buồn của giáo xứ. Đây là nhà, là môi trường sống của chúng ta, và là ơn gọi của từng người.
2. Tinh thần tham gia
Với tâm thế trên, chúng ta tham gia vào giáo xứ không giống với tham gia theo nghĩa người đời. Khi nói chuyện với giáo dân về tham gia, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Năng lấy hình ảnh bữa tiệc để diễn giải về tham gia[2]. Có nhiều người tốt lành đến phụ giúp gia đình trong ngày tiệc tùng này. Họ tham gia vào công việc chung. Tuy nhiên, những người trong nhà không thể nói: mình cũng tham gia vào sự kiện này. Nhưng phải nói: “Tôi có bổn phận, tôi làm cái phần của mình.” Trong gia đình giáo xứ cũng vậy! Cha xứ không tham gia, giáo dân không tham gia như người đứng ngoài. Nhưng mỗi người có bổn phận dự phần vào trách nhiệm vốn có của mình. Đây là ơn gọi của tôi trong giáo xứ này.
“Tín hữu là Giáo hội!”[3] Mà Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô. Hiểu theo liên kết này, chúng ta được mời gọi tham gia vào thân thể mầu nhiệm này. Có hai lối hiểu ở đây. Nếu hiểu giáo xứ, giáo hội là cái gì đó, thì tôi tham gia vào trong nó (participate in something, activity/event). Nhưng hiểu là những con người, Giáo hội là thân thể Chúa Kitô, thì lúc này: tôi tham gia với Thiên Chúa và với anh chị em của mình (participate with someone). Nói đúng hơn, đây là lúc mỗi người ý thức mình đang trong một thân thể. Nếu tôi từ chối tham gia, nghĩa là tôi phủ nhận ơn gọi của mình. Hậu quả là đời sống thiêng liêng của mình cứ lèo tèo, tẻ nhạt và sau cùng là đánh mất chính mình.
Tinh thần tham gia này được đẩy về ơn gọi của Bí tích Rửa tội mang lại, nghĩa là chúng ta được tham gia vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế. Vì điều này mà thánh Phêrô mời gọi: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép : Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường : kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã . Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2, 4-9). Rõ ràng sứ mạng này không của riêng ai, nhưng là của mỗi người!
Ngoài ra, người tín hữu rất nên hãnh diện về ơn gọi tham gia này. Đây là cơ hội và là điều kiện để mỗi thành viên hiệp thông trong Giáo Hội. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan Phaolô II: “Đây là một ân huệ, một đại ân huệ của Chúa Thánh Thần, các tín hữu đươc mời gọi nhận lãnh ơn này với lòng biết ơn và đồng thời sống ơn này bằng tinh thần trách nhiệm. Việc này thực hiện một cách cụ thể khi họ tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, và để phục vụ Giáo Hội các tín hữu giáo dân thi hành các thừa tác vụ, và các đoàn sủng của mình” [4]. Khi ý thức được điều này, ước sao các tín hữu tìm được lối nẻo để dựng xây giáo xứ trong ơn gọi tham gia của mình!
3. Sứ vụ của ơn gọi tham gia
Nếu là ơn gọi tham gia, hẳn là chúng ta không có quyền từ chối. Dĩ nhiên ai cũng có tự do để phủ nhận ơn gọi này, nhưng về lý và tình, chẳng lẽ chúng ta yêu Thiên Chúa mà phủ nhận lời mời gọi của Ngài? Là con cái Chúa, trước giờ chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội tham gia vào đời sống giáo xứ. Trong tiến trình hiệp hành, Giáo hội muốn “xốc” lại tinh thần để tôi và bạn thấy rõ hơn sứ mạng của mình trong gia đình giáo xứ.
Cách đây nhiều năm, Giáo hội như một người Mẹ tâm sự với con cái của mình: “Không được quyền tự cô lập mình với cộng đoàn, nhưng phải luôn sống trong sự chia sẻ với anh em khác trong tình huynh đệ sâu đậm, trong niềm vui vẻ bình đẳng, và hợp tác với nhau để kho tàng gia tài mênh mông đã được nhận lãnh được sinh hoa kết quả. Mỗi người bổ túc cho nhau để tạo lợi ích
Để thực tế hơn, tôi liệt kê dưới đây vài cách mà nhiều giáo dân đang dấn thân trong các giáo xứ. Đừng quên mỗi hoạt động, khi mình ý thức, đều là một sứ mạng Chúa mời gọi. Với tâm thế đó, dù việc lớn hay nhỏ đều có công ích trước Thiên Chúa và người ta:
- Các hoạt động giáo xứ: Tham gia vào các lớp học, nhóm thảo luận, hoạt động xã hội và nghệ thuật của giáo xứ. Điều này có thể gồm tham gia vào các nhóm như thiếu nhi, thanh thiếu niên, ca đoàn, huynh trưởng, hay các hội nhóm trong giáo xứ.
- Dành thời gian để phục vụ: chẳng hạn trong thánh lễ, giúp đỡ trong các sự kiện của giáo xứ, hoặc tham gia vào các dự án từ thiện
cho mọi người dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của các vị chủ chăn” [5]. và công việc xã hội mà giáo xứ tổ chức.
- Học hỏi và phát triển: Hãy tìm cách học hỏi Kinh Thánh và giáo lý thông qua việc tham dự các khóa học, hội thảo và các buổi thảo luận tại giáo xứ.
- Tạo mối quan hệ: Xây dựng mối quan hệ với các linh mục, tu sĩ và các tín hữu khác trong giáo xứ. Họ có thể cung cấp sự hỗ trợ, hướng dẫn và cầu nguyện cho sứ mạng của bạn.
- Các nhóm cầu nguyện: Việc này không chỉ giúp bạn tăng cường niềm tin mà còn giúp bạn tạo ra một cộng đoàn được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa.
- Các chương trình phục vụ xã hội: Những hoạt động như phát thức ăn cho người nghèo, dọn dẹp môi trường, hoặc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Bạn có thể liệt kê thêm ở đây: …
Để kết thúc, chúng ta có quyền mơ về một giáo xứ tham gia. Đây là ơn gọi hấp dẫn mỗi người tín hữu. Càng tham gia, giáo xứ càng hiệp thông. Càng hiệp thông, giáo xứ càng tỏa sáng tình yêu của Thiên Chúa đến nhiều người. Lúc này, sự sống thông hiệp của Giáo Hội trở nên một dấu chỉ cho thế giới và là một hấp lực thu hút mọi người tới niềm tin vào Chúa Kitô: “Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con Ở trong Cha, xin cho họ trở thành một trong chúng ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Giáo hội tin rằng: sự hiệp thông hướng về truyền giáo và chính sự hiệp thông là truyền giáo[6]! Chẳng phải đây là hoa trái của ơn gọi tham gia sao?
 

[1] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, mục: Hiệp hành là gì?https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941
[3] Tông Huấn Christifideles Laici (Sứ Mệnh Người Giáo Dân), https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2001/NguoiTinHuuGiaoDan/00MucLuc.htm
[4] Tông Huấn Christifideles Laici (Sứ Mệnh Người Giáo Dân), số 20https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2001/NguoiTinHuuGiaoDan/00MucLuc.htm
[5] Như trên.
[6] Như trên, số 31.

Nguồn: hdgmvietnam.com