SÁU CÁCH KHUYẾN KHÍCH TRẺ LẮNG NGHE TÍCH CỰC

21/02/2024
1848


SÁU CÁCH KHUYẾN KHÍCH TRẺ LẮNG NGHE TÍCH CỰC

Cerith Gardiner

WHĐ (20.02.2024) – Là bậc cha mẹ và người chăm sóc, việc bồi dưỡng kỹ năng lắng nghe tích cực ở trẻ em là điều cần thiết cho sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc, và học tập của trẻ. Lắng nghe tích cực không chỉ giúp trẻ giao tiếp hiệu quả mà còn xây dựng sự đồng cảm và thấu hiểu khi tương tác với người khác.

Điều đáng tiếc là, kỹ năng này không được nhấn mạnh đủ trong nền văn hóa ngày nay, khi mà rất nhiều người vội vàng bày tỏ ý kiến mà không lắng nghe những gì thực sự đang diễn ra.

Dưới đây là 6 cách thế đơn giản và vui tươi nhằm khuyến khích trẻ tập được thói quen lắng nghe và trở thành những người biết lắng nghe tích cực với lòng nhân ái và sự quan tâm.

1. Những buổi kể chuyện

Tổ chức các buổi kể chuyện gia đình trong đó mỗi thành viên thay phiên nhau chia sẻ một câu chuyện. Khuyến khích trẻ chăm chú lắng nghe từng câu chuyện, đặt câu hỏi và sau đó thảo luận về cốt truyện. Hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng người kể chuyện bằng cách dành cho họ sự chú ý hoàn toàn, giống như Chúa Giêsu luôn lắng nghe câu chuyện của những người mà Người gặp.

2. Những buổi đi dạo lắng nghe

Đưa trẻ “đi dạo lắng nghe” ngoài trời, khuyến khích trẻ chú ý đến âm thanh xung quanh. Khi đi dạo trong thiên nhiên, hãy nhắc trẻ xác định những tiếng động khác nhau, chẳng như tiếng chim hót líu lo, tiếng lá xào xạc, tiếng nước róc rách, hoặc tiếng xe chạy xa xa... Khuyến khích trẻ nhắm mắt lại và chỉ tập trung vào việc lắng nghe, thúc đẩy trẻ tập trung sự chú ý đến thế giới xung quanh, giống như Chúa Giêsu đã làm trong những giây phút Người cầu nguyện tĩnh lặng vào ban đêm.

3. Trò chơi tìm kiếm Kinh Thánh

Tạo trò chơi tìm kiếm Kinh Thánh bằng cách viết những câu Kinh Thánh ra giấy và giấu chúng xung quanh nhà hoặc ngoài sân. Sau đó, hãy nói trẻ em đi tìm và đọc to những câu Kinh Thánh mà trẻ tìm thấy. Tiếp đến, trong bầu khí vui tươi, hướng dẫn trẻ suy nghĩ về ý nghĩa của mỗi câu Kinh Thánh và nói ra cảm nghĩ của trẻ về câu Kinh Thánh ấy liên quan đến cuộc sống của các em như thế nào. Thực hiện bước này, chúng ta không chỉ khuyến khích sự lắng nghe tích cực mà còn nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc hơn về lời Chúa nơi trẻ.

4. Tấm gương lắng nghe

Cho trẻ tham gia trò chơi vui nhộn “Tấm gương lắng nghe”, trong đó trẻ lần lượt phản ánh lời nói và cảm xúc của nhau. Một em nói trong khi em kia chăm chú lắng nghe, sau đó các em đổi vai. Khuyến khích trẻ phản ánh không chỉ lời nói mà còn cả những cảm xúc bên trong, nuôi dưỡng sự đồng cảm và thấu hiểu khi trẻ tương tác với người khác, như được minh chứng qua việc Chúa Giêsu lắng nghe với lòng trắc ẩn những người Người mà gặp gỡ trên đường.

5. Cặp đôi cầu nguyện

Chia các em thành từng cặp đôi cầu nguyện và khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và ý hướng với nhau qua cầu nguyện. Dạy trẻ tích cực lắng nghe lời cầu nguyện của người kia, và đáp lại bằng những lời cầu nguyện tự phát theo ý nguyện của mình. Việc thực hành này, ngoài việc củng cố mối tương quan của trẻ với Thiên Chúa còn có tác dụng nuôi dưỡng khả năng lắng nghe chăm chú và hỗ trợ người khác của trẻ. Đây cũng là đặc tính yêu thương và nhân hậu của Chúa Giêsu.

6. Vòng kết nối lắng nghe gia đình

Dành thời gian cho vòng kết nối lắng nghe gia đình thường xuyên, nơi mọi người đều có cơ hội nói và được những người khác lắng nghe một cách tôn trọng mà không bị cắt ngang. Có thể sử dụng một đồ vật để biểu thị đến lượt ai sẽ nói, điều này cũng giúp nuôi dưỡng cảm giác trật tự và tôn trọng trong cuộc trò chuyện.

Khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của mình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tích cực bằng cách duy trì giao tiếp bằng mắt, gật đầu, và đặt những câu hỏi tự phát.

***

Bằng việc tạo ra một không gian an toàn và hỗ trợ để giao tiếp cởi mở, trẻ em học biết lắng nghe một cách chăm chú và đồng cảm ngay từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống thường nhật. Nhờ đó, chúng ta giúp trẻ nhận thức cũng như củng cố mối tương quan của trẻ với nhau, với người khác, và với Thiên Chúa.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (15. 02. 2024)

 

WHĐ (20.02.2024)