Karl Rahner

29/07/2020
2503
 

Cao Viết Tuấn dịch và tổng hợp[1]

WHĐ (29.7.2020) – Có thể nói được rằng, một trong những thần học gia Công giáo của thế kỷ XX có tầm ảnh hưởng lớn nhất và được đọc nhiều nhất là Karl Rahner, mặc dù ngài luôn tự nhận mình chỉ là một nhà thần học “nghiệp dư”. Nhưng sự nghiệp thần học của K. Rahner xem ra chẳng có vẻ gì là nghiệp dư theo nghĩa thông thường. Trong suốt thời gian làm việc, Rahner cho thấy ngài là một học giả hàng đầu, với những mối quan tâm bao quát hầu như toàn bộ các lãnh vực của thần học. Karl Rahner đã “kiếm sống” - có thể nói như vậy - với tư cách là một thần học gia chuyên nghiệp. Ngài là giáo sư thần học cho đến khi về hưu, tức gần trọn cuộc đời hoạt động - ngoại trừ những năm chiến tranh và một thời gian ngài làm cha giáo cho các chủng sinh Dòng Tên - tại các phân khoa thần học của các Đại học Innsbruck, Munich, Munster. Ngoài giảng dạy và viết lách, ngài còn làm công việc biên tập, hướng dẫn tĩnh tâm, và giảng thuyết...

I. CUỘC ĐỜI

Karl Rahner chào đời tại Freiburg im Breisgau, Đức quốc, vào ngày 5 tháng 3 năm 1904. Là con thứ hai trong một gia đình có cha là giáo sư và mẹ là một người nội trợ đảm đang, ngài được lớn lên trong bầu khí đạo đức theo truyền thống Công giáo, điều này góp phần nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng sâu sắc nơi ngài. Theo gót người anh trai là Hugo, Karl Rahner gia nhập Dòng Tên năm 1922, và trải qua thời kỳ tập viện tại Feldkrirch, nước Áo. Công việc chuẩn bị cho sự nghiệp thần học chuyên nghiệp của K. Rahner diễn tiến theo mô thức truyền thống kinh điển của Dòng Tên thời bấy giờ. Ngài theo đuổi chương trình đào tạo triết học và thần học của Dòng cho đến năm 1932, năm ngài được truyền chức linh mục.

Sau đó, Rahner tiếp tục học triết học tại Freiburg từ năm 1934-1936. Theo kế hoạch của bề trên, ngài phải lấy một văn bằng tiến sĩ triết học để giảng dạy tại các trường của dòng. Tuy nhiên, luận án tiến sĩ của K. Rahner - giải thích các phân tích tri thức con người của trường phái thánh Thomas dưới ánh sáng các phương pháp hiện đại hơn theo Kant và Maréchal [2]  - lại không được các giáo sư phê chuẩn, vì nó xa rời học thuyết truyền thống thánh Thomas.

Kết quả là, thay vì bảo vệ luận án tiến sĩ, ngài đến Đại học Innsbruck, nước Áo, năm 1936, để hoàn thành chương trình tiến sĩ thần học trong vòng một năm. Luận án của ngài nghiên cứu “Về các nguồn gốc của Giáo hội từ cạnh sườn Đức Kitô”, bao gồm một tiểu luận về Thánh Tâm Đức Giêsu - một đề tài thường xuất hiện trong các tác phẩm của ngài. Năm 1937, Rahner dạy thần học tại Đại học Innsbruck, nhưng năm sau, phát xít Đức đã giải thể phân khoa thần học. Một vài giáo sư, trong đó có anh trai của ngài là Hugo, đến Thụy Sĩ, còn Rahner vẫn ở lại Áo.

Ngày 15 tháng 8 năm 1939, ngài tuyên những lời khấn cuối cùng trong tư cách một tu sĩ Dòng Tên. Bị Đức quốc xã ra lệnh trục xuất khỏi nơi đang ở, K. Rahner đã được Đức Tổng giám mục Vienna mời về làm việc tại Học viện Mục vụ của giáo phận. Ngài cũng có cơ hội đi giảng dạy ở một số thành phố khác. Mùa hè năm 1944, khi mật vụ của Đức quốc xã kiểm soát gắt gao hơn, ngài phải dời đến vùng Bavaria, và ở lại đó cho đến tháng 8 năm 1945.

Chiến tranh kết thúc, ngài đến làm mục vụ tại Munich. Năm 1948, ngài trở lại Innsbruck để dạy thần học cho đến năm 1964. Các bài giảng của ngài trong thời gian này đã làm ngài trở nên nổi tiếng. Số người kéo đến đây để nghe ngài giảng ngày một thêm đông. Ngài còn tham gia các buổi thảo luận khoa học về các đề tài quan trọng như tôn giáo và khoa học, đồng thời biên soạn các công trình lớn, như bộ bách khoa toàn thư Sacramentum Mundi.

Tuy nhiên, giáo triều Rôma đã tỏ ra nghi ngại về các công trình nghiên cứu của ngài. Một cuốn sách về Đức Maria của ngài đã không được phép xuất bản. Ngài còn bị cấm không được bàn đến việc đồng tế, và vào năm 1962, Rôma bắt ngài phải nộp tất cả những gì ngài đã viết để kiểm duyệt.

Sự nghiệp thần học của Rahner đã rẽ sang một hướng khác khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII quyết định triệu tập Công đồng chung Vatican II và bổ nhiệm Rahner làm cố vấn thần học chính thức (peritus) của Công đồng.

Năm 1964, ngài rời Innsbruck đến Đại học Munich giữ ghế giáo sư triết học và tôn giáo, thay thế Romano Guardini. Tuy nhiên, mọi sự ở đây diễn ra không được thuận lợi, nên vào năm 1967, ngài quyết định chuyển sang Đại học Munster làm giáo sư tín lý cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1971. Trước đó, vào năm 1969, ngài được bổ nhiệm vào Ủy ban Thần học Tòa Thánh.

Nghỉ hưu nhưng K. Rahner vẫn hoạt động rất tích cực. Ngài đi giảng tại nhiều nơi trên thế giới, cũng như biên soạn nhiều tác phẩm, đống thời ngài cũng nhận được nhiều văn bằng danh dự từ các trường đại học ở Anh và Mỹ. Ngài vẫn luôn tỉnh trí, minh mẫn cho đến khi qua đời tại Innsbruck vào ngày 30 tháng 3 năm 1984.

II. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG

Trong số những ảnh hưởng góp phần định hình phương pháp tiếp cận thần học của Rahner, thì việc đào tạo về mặt tri thức và thiêng liêng mà ngài nhận được trong Dòng Tên chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Đời sống nội tâm của ngài được hình thành theo chương trình Linh Thao của thánh Ignatius Loyola (1495-1556), Đấng Sáng lập Dòng Tên, và tác phẩm Linh Thao chính là nền tảng cho việc huấn luyện đời sống thiêng liêng của các tu sĩ Dòng Tên. Xu hướng thần bí của thần học Rahner có thể phần nào phát xuất từ những gì ngài thâu nhận được qua các bài tập Linh Thao nhấn mạnh tới việc tự xem xét nội tâm trong suy niệm, và gặp gỡ trực tiếp Đức Kitô trong cầu nguyện riêng tư suốt một thời gian dài. Cảm nghiệm của tâm hồn về Thiên Chúa trong cầu nguyện đóng vai trò khuôn mẫu cho việc K. Rahner trình bày toàn bộ mầu nhiệm Kitô giáo trong các công trình thần học của ngài.

Tư cách tu sĩ Dòng Tên đã giúp đem lại cho thần học của ngài chiều kích thiêng liêng và Giáo hội một cách đặc biệt. Mặc dù ngài luôn luôn nghiên cứu thần học trong bối cảnh học thuật, nhưng lại không hề rời xa một cái nhìn về đời sống của Giáo hội, về sự thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, về việc dấn thân trong công việc mục vụ và về đời sống xã hội của Giáo hội.

Rahner được đào tạo trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến, thời kỳ của phương thức thần học Kitô giáo hiện đại, một phương thức tái xác nhận và phục hưng đối diện với những thách thức của thời hiện đại. Trong khoảng thời gian này, nhiều chương trình thần học khác nhau nổi lên để thay thế những chiến lược thỏa hiệp đã thất bại có liên hệ với chủ nghĩa tự do của Tin Lành và chủ nghĩa hiện đại của Công giáo. Những nỗ lực tái xác nhận căn tính Kitô giáo đã thúc đẩy việc phục hồi nghiên cứu các nguồn kinh điển của tư tưởng Kitô giáo trong Công giáo bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX. Sự phục hồi việc nghiên cứu về thánh Thomas Aquinas (1225-1274) và các nhà tư tưởng kinh viện thời Trung cổ là một tiếp nối quan trọng trong cuộc canh tân này. Kết hợp với các tác phẩm cổ võ và phê bình của các triết gia hiện đại, cuộc canh tân này đã khai sinh các phong trào theo trường phái tân Thomas và tân kinh viện trong triết học và thần học Công giáo.

Trong bầu khí này, việc đào tạo triết học và thần học của Rahner nghiêng về sự phát triển mang tính kết hợp một cách rất tài tình trường phái kinh viện với trường phái duy tâm Đức và trường phái hiện sinh, những yếu tố này đã làm nên tính chất đặc trưng của tư tưởng Rahner. Đặt tư tưởng của thánh Augustinô trên nền tảng thánh Thomas, và dựa vào các tác phẩm của thánh Bonaventura (1217-1274), các nghiên cứu của K. Rahner góp phần khẳng định chiều kích thần bí trong tư tưởng của ngài. Tính ưu việt về mặt siêu hình học và tri thức luận, (vượt trên triết lý tự nhiên, luận lý và tâm lý), trong quan niệm thần học của Rahner về triết học thánh Thomas là điển hình cho truyền thống chú giải do học giả vĩ đại của Dòng Tên là Francisco de Suarez (1548- 1617) xây dựng. Việc đặt chủ thuyết Kant trên nền tảng triết học thánh Thomas - để làm thành chủ thuyết Thomas siêu nghiệm (transcendental Thomism), có thể nói như vậy - được khai mào trong các tác phẩm của hai triết gia Dòng Tên là Pierre Rousselot (1878-1915) và Joseph Maréchal (1878-1944), đã có ảnh hưởng quyết định trên tư tưởng của Rahner. Sau này, khi học ở Freiburg, Rahner đã làm quen với nền triết học hiện sinh thông qua các cuộc hội thảo do Martin Heidegger tổ chức. Dưới ảnh hưởng của các yếu nêu trên, quan điểm của Rahner về chủ thuyết Thomas siêu nghiệm dần dần được hình thành.

Cùng với người anh của ngài là Hugo Rahner, và nhiều thần học gia khác thời bấy giờ, Rahner bị cuốn hút vào các phong trào phục hồi việc nghiên cứu các nguồn giáo thuyết và thần học Kitô giáo tiền kinh viện. Ngoài việc cung cấp các nguồn mạch cho việc canh tân Kitô giáo, phong trào trở về nguồn đã chuẩn bị các thần học gia tiến bộ của thời kỳ này bước vào cuộc đấu tranh trên một mặt trận khác. Bởi vì, cuộc hồi sinh kinh viện đã tạo ra nhiều công trình triết học và thần học mang tính gần như lặp lại và tự vệ, thường thấy trong các sách giáo khoa hoặc các cẩm nang dành cho chủng sinh, do đó, đóng chặt cửa không cho các triển khai sáng tạo trong tư tưởng Công giáo có cơ hội nảy sinh. Các thần học gia tiến bộ này, bằng việc tái khám phá và trình bày sự đa dạng trong cách diễn tả thần học được tìm thấy trong các nguồn cổ điển, đã tìm cách đặt lại vấn đề về sự thống trị của những hình thức sao chép của chủ thuyết tân kinh viện trong thần học Công giáo. Các thần học gia tiến bộ này cổ vũ cho việc áp dụng các phương pháp phê bình lịch sử trong nghiên cứu Thánh Kinh, các nguồn mạch phụng vụ và các giáo phụ. Bản thân Rahner đã tiếp cận một số lượng lớn các công trình mang tính học thuật theo các chiều hướng này. Kết quả là, thần học của ngài mang ảnh hưởng sâu sắc của các nguồn giáo phụ, đặc biệt là thánh Augustinô và các giáo phụ Hy Lạp.

III. TỔNG QUAN CÁC TÁC PHẨM

Với những yếu tố tác động như thấy trên đây, Rahner đã để lại rất nhiều tác phẩm về nhiều chủ đề thần học khác nhau: thần bí, tín lý, Giáo hội học, kinh viện, hộ giáo, siêu nghiệm, triết học, mục vụ, nhân học... Việc Karl Rahner tự nhận mình là một thần học gia nghiệp dư có lẽ là vì tính chất không có hệ thống rõ rệt này.

Trong các tác phẩm của Rahner, người ta thấy có nhiều khung khái niệm và các mối quan tâm thần học khác nhau hòa quyện với nhau. Về phương pháp, Rahner sử dụng cách khảo sát, hoặc dựa trên kinh nghiệm và những luận chứng, và không theo một kỹ thuật riêng biệt nào. Khi trình bày những điểm trong giáo thuyết Kitô giáo cần phải được bàn luận thêm, ngài thường nhấn mạnh vào những hạn chế nơi các công thức của trường phái tân kinh viện. Tính chất hòa hợp nội tại trong thần học của Rahner không phát xuất từ việc ngài tán thành một khái niệm hay một phương pháp nghiên cứu nào, mà là từ quan niệm về thực tại con người như là một hữu thể hoàn toàn được ân sủng thần thiêng bao bọc và biến đổi.

Ngay từ đầu sự nghiệp thần học của mình, Rahner đã quan tâm đến kinh nghiệm tôn giáo như là nền tảng cho suy tư thần học. Trong các bài viết đầu tiên, ngài đã nghiên cứu các ý nghĩa thiêng liêng theo Origen và Bonaventura để có thể làm rõ hơn các khả năng nội tại của chúng ta trong việc phân định các công việc của Thần Khí. Năm 1937, ngài xuất bản một bộ sưu tập bao gồm các lời nguyện đơn giản nhưng chất chứa nhiều cảm hứng với tựa đề Gặp gỡ với Thinh lặng.

Các khảo luận ngài đã xuất bản trong vòng ba mươi năm (1954-1984) được tập hợp thành một bộ mười sáu cuốn dưới một nhan đề khiêm tốn Schriften zur Theologie (các tác phẩm về thần học). Ngoài ra, còn có các khảo luận khác do Rahner viết hoặc cùng viết với các tác giả khác được chính Rahner biên tập thành cuốn Quaestiones Disputatae (1958).

K. Rahner không dành một công trình riêng lẻ nào để trình bày một cách trọn vẹn và có hệ thống toàn bộ dự án thần học của ngài. Ngay cả ba cuốn sách đồ sộ và quan trọng nhất của ngài - đó là: Geist im Welt (1939), Horer des Wortes, (1941), và Grundkurs des Glaubens (1976) - cũng chỉ bao gồm các yếu tố của dự án này mà thôi.

Bên cạnh những tác phẩm ngắn hơn về nhiều đề tài khác nhau, Rahner còn chịu trách nhiệm biên soạn một phần hoặc toàn bộ các công trình tham khảo lớn như là: Lexikon fur Theologie un Kirche (1955-1967), Handbuch der Pastoraltheologie (1964-1972) và Bách khoa toàn thư thần học Sacramentum Mundi (1967-1969), Kleine Theologische Worterbuch (1976).

K. Rahner, tuy không có một hệ thống chặt chẽ nào, nhưng vẫn có một chương trình thần học mạch lạc trình bày một cái nhìn bao quát về đức tin Kitô giáo. Rahner vẫn không ngừng tìm kiếm những công cụ khái niệm (conceptual tools) tương xứng với công việc mô tả cái nhìn bao quát về đức tin này, đồng thời loại bỏ những khái niệm khiến nó trở nên mơ hồ. Từ mỗi điểm, xuyên qua toàn bộ các đề tài thần học riêng lẻ, Rahner tìm cách gắn kết thành một cái nhìn về hiện sinh con người và Kitô giáo cụ thể trong thế giới được bao bọc bởi Thiên Chúa và Mầu Nhiệm thánh - không phải một sức mạnh vô ngã, mà là sự hiện diện của một ngôi vị. Qua việc thông truyền chính mình, Mầu Nhiệm thánh thiêng hiện diện như một đối tượng phong phú không thể diễn tả đối với nỗ lực suy tư bằng lý trí, tự do và tình yêu của con người. Ân sủng bước vào thực tại con người không phải như một cái gì xa lạ, mà là một điều gì đó được đặt nền tảng trên những gì đã được chuẩn bị trong công trình tạo dựng, trong chính cơ cấu của tinh thần con người trong thế giới. Rahner tìm cách diễn tả quan điểm này phù hợp với thời hiện đại trong khi vẫn trung thành với các công thức truyền thống. Vì tính hiện đại là bối cảnh hiện tại của kinh nghiệm con người trong lịch sử, trong đó việc Thiên Chúa tự thông truyền chính mình mang lấy hình thức cụ thể.

IV. NỘI DUNG: PHƯƠNG PHÁP SIÊU NGHIỆM, THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

Việc tự nhận mình là một nhà thần học nghiệp dư đã cho phép Rahner trình bày các tư tưởng của ngài một cách thân thiện, không nặng tính phê bình như một số các thần học gia đương thời thường làm. Ngài tìm các phương pháp và khái niệm trong thần học để làm nổi bật cái nhìn của ngài về thực tại Kitô giáo. Tuy nhiên, nhiều đề xuất thần học quan trọng của ngài về giáo lý Kitô giáo trở nên dễ hiểu hơn khi được đặt vào trong bối cảnh truyền thống của chúng là tân kinh viện. Sự tiếp nối giữa các đề xuất này và các công thức tân kinh viện được ngài cố gắng điều chỉnh lại là điều cốt yếu để tìm hiểu và đánh giá chương trình thần học của ngài. Nỗ lực của Rahner trong việc tìm lại sức sống và sự xác đáng của đức tin Kitô giáo đã thúc đẩy ngài khảo sát gần như tất cả các yếu tố trong niềm tin và thực hành Kitô giáo. Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu một số điểm cụ thể của chương trình thần học của ngài: bản chất và phương pháp thần học, giáo lý về Thiên Chúa, nhân học thần học (theologial anthropology).

1. Phương pháp siêu nghiệm

Phương thức tiếp cận các vấn đề liên quan đến phương pháp luận của Rahner mang các đặc điểm chung của thần học Công giáo truyền thống, nghĩa là có những khẳng định căn bản giống nhau về bản chất và phương pháp của thần học. Phân tích và cấu trúc triết học đóng vai trò quan trọng trong chương trình thần học của ngài. Công việc nghiên cứu của ngài luôn ở trong truyền thống thần học Công giáo, dù theo tân kinh viện hay một trường phái nào khác. Tận dụng các khái niệm hiện đại trong khi trình bày niềm tin Kitô giáo, nhưng ngài không chịu tác động của chủ trương duy thực trong khẳng định thần học dưới áp lực của các phê bình triết lý hiện đại về tôn giáo.

Những khẳng định mang tính phương pháp luận của Rahner mang đặc tính Công giáo kinh điển, công trình của ngài, trước hết, phù hợp với tiêu chuẩn Kitô giáo trong thực hành thần học. Trong khi nhiều tiểu luận của Rahner tìm cách phác họa một lộ trình chính xác từ kerygma đến thần học, công việc thực tế của ngài lại phản ánh một lòng trung thành tuyệt đối với lời loan báo Tin Mừng.[3] Đối với Rahner, kerygma - được xây dựng bởi Thánh Kinh, truyền thống, phụng vụ, giáo lý, và huấn quyền Hội Thánh - cung cấp nền tảng đầu tiên cho việc nghiên cứu và xây dựng thần học.[4]

Một điểm nổi bật đáng chú ý trong quan niệm và thực hành của Rahner về thần học là nỗ lực diễn tả tính duy nhất (unity) và có thể hiểu được (intelligibility) ở chính nội tại của lời rao giảng Kitô giáo trong sự giản dị và phong phú của nó. Nỗ lực theo đuổi mục tiêu này dẫn đến việc bỏ qua những trình tự làm thần học của tân kinh viện. Dĩ nhiên, quan niệm về sự đơn nhất và tính chất bao hàm tất cả của niềm tin Kitô giáo đã được trình bày trong Summa theologiae của thánh Thomas Aquinas. Nhưng các thần học gia đã vin vào tác giả của nó một cách sáo mòn, thay vì trình bày tác phẩm một cách sinh động trong các công trình của họ. Đồng thời, việc chối bỏ tính hiện đại đã đóng khung và cô lập đức tin Kitô giáo. Rahner nhận ra những thiếu sót này nơi các sách giáo khoa thần học và tìm cách bù đắp sự thiếu hệ thống, nhằm giải cứu giáo lý Kitô giáo.

Một khía cạnh nổi bật nơi phương pháp luận của Rahner trong việc triển khai chương trình thần học của ngài đó là việc ngài sử dụng “phương pháp siêu nghiệm” (transcendental method). Điều này xác định rõ ít nhất hai ý nghĩa nơi phương pháp luận của Rahner. Thứ nhất là việc sử dụng các lập luận siêu nghiệm mà Rahner yêu thích đã giúp ngài có thể vượt qua một vài nhược điểm của trường phái tân kinh viện, và dẫn đến những đề xuất thần học của riêng ngài. Ý nghĩa thứ hai, quan trọng hơn, đó là nó đã khởi xướng danh xưng cho một trường phái ‘các thần học gia siêu nghiệm'.

Trước hết, phương pháp siêu nghiệm định rõ một hệ thống lập luận nhằm bênh vực tính thực tại của những thực trạng cụ thể bằng cách chỉ ra rằng những điều kiện để trở thành hiện thực, trong thực tế, là có thể đạt được.[5] Lúc đầu, những lập luận kiểu này gây ra một số khó khăn nào đó, bởi vì hệ quả của nó làm đảo lộn những gì chúng ta thường mong đợi từ những lập luận này: trong thực tế, những lập luận này bắt đầu - hơn là kết thúc - với kết luận đã được đưa ra trước.

Rahner sử dụng những lập luận này để giải thích đức tin Kitô giáo. Bởi vì những điều quan trọng trong đức tin Kitô giáo được biết đến nhờ mạc khải của Thiên Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới có được một hiểu biết nội tại về những chân lý ấy. Nhưng các thần học gia và tín hữu bình thường vẫn có thể tìm hiểu lý do tại sao việc nắm bắt các chân lý mạc khải hay việc cố gắng cho thấy những chân lý này gắn với nhau trong một tổng thể là điều hợp lý. Tương tự như vậy, Thánh Thomas cũng cho thấy là, mặc dù thần học có thể tìm ra tính chất có thể hiểu được trong nội tại của chân lý mạc khải, nhưng không bao giờ có thể trình bày một cách hoàn toàn đầy đủ chân lý ấy.[6] Tính chất có thể hiểu được nơi chân lý mạc khải mà Rahner trình bày có nghĩa là chân lý Kitô giáo phù hợp với kinh nghiệm của con người bình thường. Bằng cách liên kết với các chân lý Kitô giáo cụ thể riêng biệt, ví dụ như về nơi thanh luyện hay các bí tích, với một cái nhìn thống nhất về sự hiện diện cá vị của Thiên Chúa với nhân loại trong ân sủng, những lý chứng như vậy giúp hoàn thành một trong các mục tiêu chính của chương trình thần học của Karl Rahner.[7]

2. Giáo lý về Thiên Chúa

Giống như quan niệm của ngài về bản chất và phương pháp của thần học, rất nhiều tiểu luận của Rahner trình bày giáo lý về Thiên Chúa (doctrine of God) cũng minh họa cho mối liên hệ với những khởi điểm của ngài từ thần học tân kinh viện mẫu mực. Nhìn chung, chương trình thần học của Rahner mang tính chất tiêu biểu cho thần học tín lý Công giáo trong việc kiên quyết đặt Thiên Chúa làm trung tâm công trình nghiên cứu của ngài.[8] Mối bận tâm nền tảng đối với ngài là thần học phải đối xử công bằng với quan điểm duy thực nơi lời tuyên xưng của Kitô giáo về sự hiện diện cá vị phổ quát của Thiên Chúa và đòi hỏi tuyệt đối của Ngài đối với lòng trí con người. Rahner không hài lòng với các trình bày thần học tân kinh viện về Thiên Chúa, theo ngài, kinh nghiệm về Thiên Chúa phát xuất từ chính trọng tâm hiện sinh của con người. Trong khi ngài không bác bỏ bất cứ thần học cổ điển nào về Thiên Chúa (kể cả thần học thánh Thomas), ngài cũng không có khuynh hướng đi vào những cuộc thảo luận chi tiết. Nét đặc trưng trong thần học về Thiên Chúa của Rahner chủ yếu là mang tính thần bí, triển khai một luận chứng siêu nghiệm được mở rộng để trình bày những nền tảng cho một niềm xác tín vào Thiên Chúa, dựa trên kinh nghiệm của con người về Thiên Chúa, và đó cũng là những nền tảng cho các lý chứng kinh điển về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Luận chứng siêu nghiệm này được trình bày một cách tỉ mỉ trong Geist im Welt và Horer des Wortes. Thật vậy, luận chứng này vượt ra khỏi thần học triết lý để đi vào lãnh vực của thần học căn bản, trong đó, thần học khảo sát không chỉ những điều kiện khả dĩ của tri thức nhân loại về sự hiện diện

của Thiên Chúa, mà cả các điều kiện để con người có thể tiếp nhận mạc khải của Thiên Chúa, dự phóng này khởi đi từ hai công trình vừa kể trên cùng với tác phẩm Grundkurs des Glaubens.

Những luận chứng cổ điển về sự hiện hữu của Thiên Chúa khởi đi từ những thuộc tính của trật tự tự nhiên, như là chuyển động, bất tất, cứu cánh tính, vv… Những luận chứng này thường được trình bày trong lược đồ siêu hình, để chứng minh rằng: toàn bộ trật tự tự nhiên cho thấy những thuộc tính ấy được Thiên Chúa dựng nên và quan phòng chăm sóc.[9] Thần học triết lý của Rahner không tranh luận về giá trị của các luận chứng cổ điển, nhưng đúng hơn, đưa ra một luận chứng siêu nghiệm về tính khả dĩ của những luận chứng ấy. Khởi điểm của nó không phải là một thuộc tính quan sát được hay khái quát được của trật tự tự nhiên, nhưng là cấu trúc của chính tri thức con người.

Trong thần học triết lý của Rahner, nhận thức tiên thiên (cognitional a priori) theo quan niệm của trường phái Kant được biến đổi thành một siêu hình tiên thiên (metaphysical a priori). Cùng với việc tham khảo các luận chứng siêu nghiệm, ở đây, điểm quy chiếu của Rahner dựa trên một trình bày siêu nghiệm về siêu hình học của tri thức con người đã giải thích tại sao chương trình thần học của ngài thường được mô tả như là một thần học siêu nghiệm điển hình.

Dựa trên triết học Kant, hữu thể xuất hiện trên bức phông của sự hiện hữu. Bức phông hiện hữu này là vô tận, không giới hạn, đó chính là Hữu Thể Tuyệt Đối. Như vậy, kinh nghiệm cung cấp điểm khởi đầu cho luận chứng này là một kinh nghiệm siêu nghiệm: không quan sát hay khái quát hóa từ nhận thức của giác quan, nhưng là một phân tích phản tỉnh (reflexive analysis) của chính cấu trúc tri thức. Và luận chứng được trình bày trên nền tảng của kinh nghiệm này là một luận chứng siêu nghiệm - một luận chứng cho thấy kinh nghiệm tiên thiên về Thiên Chúa của tri thức là điều kiện khả dĩ cho những luận chứng cổ điển về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Mặc dù khó khăn của luận chứng này về mặt kỹ thuật, nhưng không khó để thấy những gì Rahner suy nghĩ. Việc đi từ Hữu Thể Tuyệt Đối sang Thiên Chúa như là Mầu Nhiệm Tuyệt Đối dường như cho thấy một điều gì đó tương tự một bước nhảy, được khai mở bởi quan niệm của Hegel về Hữu Thể Tuyệt Đối như là vô tận. Bởi vì trong khái niệm này, sự phụ thuộc nhân quả của các hữu thể dựa trên Hữu Thể Tuyệt Đối được diễn tả trong những hạn từ của sự phân biệt hơn là sáng tạo, sự biến chuyển từ các hữu thể sang Hữu Thể Tuyệt Đối là một quá trình tương đối suôn sẻ. Thánh Thomas Aquinas cho rằng việc sử dụng khái niệm “hữu thể” trong việc mô tả nhiều loại thực tại khác nhau mà chúng ta gặp thấy qua kinh nghiệm không cùng mang một ý nghĩa như nhau, nhưng có sự khác biệt không thể rút gọn được. Do đó, ngài đã đề xuất lý thuyết loại suy để trình bày tính hợp pháp của việc sử dụng hạn từ “hữu thể” cho các thực tại khác nhau.[10] Theo quan điểm của thánh Thomas, những luận chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa mang tính chất suy luận hơn là cấu trúc siêu nghiệm. Trong khi đó, siêu hình học của Rahner đề xuất rằng khái niệm hữu thể trong những cách sử dụng khác nhau cùng mang một ý nghĩa gần như là đơn nghĩa hơn, điều này được thể hiện rõ trong thần học triết lý của ngài khi trình bày luận chứng siêu nghiệm như được phác họa ở trên.

Như vậy, luận chứng siêu nghiệm bảo đảm các nền tảng cho việc khẳng định rằng: mạc khải đã thực sự diễn ra. Mầu Nhiệm Tuyệt Đối đối với mọi tri thức được định hướng và vẫn giữ thinh lặng giờ đây đã lên tiếng thực sự. Luận chứng của Rahner ở đây không mang tính suy diễn nhưng là siêu nghiệm. Nó cho thấy rằng chân lý mạc khải tương hợp với cấu trúc tri thức con người, nên con người phải đón nhận. Mạc khải không xâm chiếm thực tại con người như là một cái gì đó xa lạ hoàn toàn, nhưng là một cái gì đó hòa hợp với con người.

Dựa trên những hạn từ của triết học Đức hiện đại, Rahner trình bày về Thiên Chúa như là Chủ Thể (Subject) Tuyệt Đối (xin lưu ý, không phải là “bản thể” [substance]), “cái Tôi không thể nắm bắt” hoàn toàn siêu việt này thúc đẩy tinh thần con người đáp trả. Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu được theo nghĩa là không thể hiểu hoàn toàn, là nguồn hiểu biết vô tận, hấp dẫn vô tận, luôn luôn không thể nắm bắt bởi vì hoàn toàn siêu vượt khả năng tinh thần của con người, đặc biệt theo nghĩa của thánh Augustinô, nhưng có thể làm thỏa mãn khao khát của tâm hồn con người. Theo quan điểm của Rahner, luận chứng siêu nghiệm mở rộng như trình bày ở trên - cũng như mọi luận chứng hay trình bày về Thiên Chúa - chỉ có thể bắt đầu gợi lên Mầu Nhiệm bao la rộng lớn bao bọc xung quanh chúng ta.[11]

3. Nhân học thần học

Nói chung, đề xuất của Rahner trong nhân học thần học được giải thích tốt nhất dưới ánh sáng của tính chất thần bí và với mối liên hệ đến chương trình thần học của ngài, được trình bày rất rõ ràng trong các tác phẩm của ngài liên quan đến tính chất không thể hiểu thấu và thần bí của Thiên Chúa. Nói cách khác, những trình bày về nhân học của ngài có liên hệ đến mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng, hay giữa các trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên. Một lần nữa, những cuộc thảo luận trong thần học tân kinh viện cung cấp bối cảnh cho quan điểm của Rahner về những vấn đề này. Có thể nói được rằng, Rahner cố gắng phá vỡ thế bế tắc của các thần học gia tân kinh viện và các thần học gia cấp tiến vào giữa thế kỷ hai mươi, bằng cách phục hồi và sử dụng quan niệm căn bản của thánh Thomas về tính chất thực sự của siêu nhiên.

Các quan niệm của thánh Augustinô về mối tương quan giữa các trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên định hình nên các quan điểm thần học về đề tài này.[12] Theo quan niệm của thánh Augustinô, hai yếu tố xác định tính chất đặc biệt của siêu nhiên, đó là, trước hết, những gì là siêu nhiên, có thể nói, trổi vượt trên khả năng bẩm sinh cũng như những khả năng thủ đắc được của mọi thực tại trong điều kiện tự nhiên của nó. Trật tự siêu nhiên thì siêu việt. Thêm vào đó, những gì là siêu nhiên bước vào trật tự tự nhiên như là một hồng ân không cân xứng. Con người có cùng đích là chính Thiên Chúa, nên bắt đầu vui hưởng ở hiện tại những đặc ân của cùng đích tương lai, đó là những hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa ban cho con người. Thánh Thomas đã triển khai điều này dựa trên những quan niệm kinh điển của thánh Augustinô, bằng cách hạ thấp những ý nghĩa này của siêu nhiên - siêu vượt và nhưng không. Từ đó, ngài trình bày tính chất đúng đắn hơn và phù hợp của siêu nhiên: nó bao gồm một sự thông dự vào chính đời sống thần linh.[13] Nói đúng ra, trật tự siêu nhiên bao gồm đời sống vĩnh cửu ở một mức độ mới, một đời sống được sống trong lòng nhân hậu của Thiên Chúa và người khác trong Ngài. Nói cách khác, siêu vượt và nhưng không là nhiệm vụ của thần hóa (divinization).

Vì những lý do khác nhau, nền thần học đầy tranh cãi thời Cải Cách và hậu Cải Cách đều có khuynh hướng trở về với các khái niệm của thánh Augustinô để giải quyết những vấn đề giáo lý còn gây tranh cãi. Trong lúc nền thần học đầy tranh cãi này đa số theo các công thức tân kinh viện, nên ý nghĩa của sự tiến bộ mà thần học thánh Thomas trình bày thường bị lãng quên hoặc trở nên lu mờ, ngay cả trong các công trình triển khai thần học thánh Thomas. Trong bầu khí của những cuộc bút chiến hậu Cải Cách, sự trở về với định nghĩa của siêu nhiên chủ yếu trong các hạn từ của siêu nghiệm và nhưng không có khuynh hướng nhấn mạnh sự gián đoạn giữa tự nhiên và ân sủng. “Tự nhiên” được xem như là một cái gì đó de facto hiện diện hầu như theo đúng quy luật của nó. Cái nhìn của thánh Thomas về trật tự cụ thể của sự vật như là một trật tự của ân sủng và ơn cứu độ bị che khuất trong nhiều thần học tân kinh viện. Các trật tự tự nhiên và siêu nhiên được xem như đồng hiện hữu, là những trật tự song song và có liên hệ với nhau. Phản ứng với chủ nghĩa nhị nguyên về những khái niệm này trong một số thần học cấp tiến của thế kỷ hai mươi (ví dụ như thần học mới [nouvelle theologie]) có nguy cơ sáp nhập tự nhiên và ân sủng.

Trong hoàn cảnh này, Rahner mong muốn khám phá quan niệm ban đầu của thánh Thomas về những vấn đề này, bằng cách nhấn mạnh đến tính chất thông dự và tương quan của trật tự siêu nhiên, và do đó tiếp nối giữa bản chất con người như là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và con người được biến đổi nhờ ân sủng. Rahner đưa ra nhiều phạm trù gây tranh cãi của sự hiện hữu siêu nhiên như là một liều thuốc giải độc cho cả chủ nghĩa ngoại lai (extrinsicism) và những hình thức đương đại của nó. Nhờ ân sủng, sự hiện diện siêu nhiên khẳng định chiều hướng trật tự tự nhiên con người để hướng về trật tự siêu nhiên mà ý định của Thiên Chúa Đấng ban ân sủng bao hàm.[14]

Rahner và thánh Thomas giống nhau ở đây trong việc mong muốn đối xử công bằng với trật tự cụ thể của ơn cứu độ. “Tự nhiên” hay trật tự tự nhiên của con người được hiểu cách đúng đắn khi được xem như là khoảnh khắc nội tại trong trật tự của ân sủng. Thánh Thomas cũng như Rahner đều không xem “tự nhiên” như là một trật tự độc lập có thể hiện hữu ngoài hay vượt trên trật tự ân sủng.

Những đề xuất của Rahner về tự nhiên và ân sủng giúp người đọc nhận thấy sự mạch lạc nơi chương trình thần học của ngài. Ở điểm này, ngài rất quan tâm trình bày những tiếp nối giữa trật tự con người và những mục đích cũng như hoạt động của Thiên Chúa, mà không phủ nhận sự nhưng không và siêu việt như là ân sủng thuần túy. Các mục đích và hành động của Thiên Chúa không xa lạ với con người, mặc dù hoàn toàn trổi vượt khỏi khả năng và sự tương xứng của con người.

V. NHỮNG THÀNH TỰU

Một trong những thành tựu đầu tiên của Rahner là đã thành công trong việc loại bỏ sự bá chủ của trường phái tân kinh viện hạn hẹp và tự vệ trong nền thần học Công giáo Rôma đầu thế kỷ XX. Với những sáng kiến mới mẻ, ngài mở rộng nghiên cứu về các học thuyết, khám phá những chiều sâu mới về tính có thể hiểu được trong đức tin Kitô giáo, và giải phóng sức mạnh của nó để định hình và biến đổi đời sống và xã hội con người. Cho dù thần học của Rahner thiếu tính hệ thống, nhưng sự phong phú và tính gợi hứng (suggestiveness) sẽ vượt qua các thử thách của thời gian và bảo đảm cho ngài có một chỗ đứng lâu dài trong tư cách một vị thầy có thẩm quyền trong truyền thống Công giáo.

Ở một góc nhìn rộng hơn, chương trình thần học của Rahner mang tính chất hộ giáo mạnh mẽ và hiệu quả. Những trình bày của ngài về đức tin Kitô giáo có sức lôi cuối mãnh liệt đối với những ai còn cảm thấy phân vân trước những chỉ trích tôn giáo của thuyết hiện đại. Khi đối diện với thách thức này, các tác phẩm của Rahner đưa ra những khẳng định mạnh mẽ về các yếu tố trọng tâm của truyền thống Kitô giáo. Những nhu cầu của một Giáo hội mang tầm cỡ thế giới xuất hiện trong việc đối thoại với các tôn giáo lớn, cũng như với các phong trào phi tôn giáo, ngày càng thu hút sự chú ý của ngài trong các tác phẩm sau này. Nhưng ngài tái khẳng định tầm quan trọng của việc dấn thân có tổ chức trong khi thực hành đức tin Kitô giáo. Mặc dù có có tác giả phê bình, nhưng thần học của ngài vẫn luôn trung thành với các truyền thống và thẩm quyền của Giáo hội. Trong nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng, Rahner nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đời sống nội tâm đối với con người thời hiện đại, và qua đó, phác họa các cách thức thực hành cầu nguyện và suy niệm.

Rahner cũng rất hăng say đưa những quan niệm hiện đại vào trong thần học của ngài. Rahner còn lập luận để cho thấy rằng thần học Công giáo phải có được tính chất siêu nghiệm, nhân học, và khách quan vốn là những đặc trưng của tư tưởng hiện đại. Tuy nhiên, trong bầu khí tri thức hiện nay, các triết gia và thần học gia hậu hiện đại ngày càng chỉ trích các yếu tố này của tư tưởng hiện đại, do đó, chương trình thần học của Rahner có vẻ như đang bị coi là đã lỗi thời. Thực ra, những nhận định này về thần học của Rahner là do các học trò và những người phổ biến thần học của Rahner chỉ thấy những mảng riêng biệt của nó - đặc biệt là đề cao các phương thức hiện đại mà giờ đây không còn được sử dụng nữa. Một câu hỏi quan trọng là việc đọc các tác phẩm của ngài một cách tương đối không có hệ thống liệu có thể đảm bảo được sự hấp dẫn và khả năng phát triển của chương trình thần học của ngài trong một môi trường trí thức đang cảnh giác về những yếu kém của triết học hiện đại sau Descartes.[15]

Rahner bắt đầu được giới thiệu trong thế giới nói tiếng Anh vào năm 1961 với việc dịch và xuất bản bộ sách của ngài sang tiếng Anh với tựa đề Theological Investigations. Kể từ đó và đặc biệt sau Công đồng Vatican II, Rahner đã có được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới thần học gia nói tiếng Anh. Thần học của ngài đã phát triển trong khoảng trống do sự sụp đổ của trường phái tân kinh viện trong thần học Hoa Kỳ sau Công Đồng.[16] Nói cách khác, trường phái Rahner đã thay thế trường phái tân kinh viện. Tương tự như vậy, hình thức này nơi thần học Rahner cũng chứng tỏ được sự chiết trung (ecletic) dưới áp lực của sự phát triển hậu hiện đại trong nền triết học và thần học Anh - Mỹ. Tính chất truyền thống và học thuật sâu sắc nơi tư tưởng Rahner, và việc nhìn nhận rằng không thể đánh giá ngài một cách đứng đắn nếu tách ngài ra khỏi những thành tựu của thần học cổ điển, có lẽ sẽ giúp người ta tiếp nhận nền thần học của ngài một cách quân bình hơn.

Nói chung, các tác phẩm của Rahner cung cấp một mẫu thức cho việc tái khám phá truyền thống trong những bối cảnh mới. Tuy cách thức này không phải là dễ dàng, nhưng nó sẽ cho phép sử dụng những “kỹ thuật” đa dạng và phong phú. Mặc dù điều đó có thể khiến cho việc trình bày trở nên rối rắm, nhưng người ta vẫn có thể hiểu được các tác phẩm của Rahner, bởi vì các tác phẩm của ngài tiếp cận các chủ đề thần học kinh điển một cách thẳng thắn và đầy sáng tạo. Có lẽ thành tựu to lớn nhất trong chương trình thần học của thần học gia “nghiệp dư” này là đã minh chứng một cách chắc chắn về mầu nhiệm Kitô giáo. Sự thiếu hệ thống trong thần học Rahner có thể tìm được lời giải thích trong bản chất của mầu nhiệm này. “Hệ thống thực sự của tư tưởng là tri thức mà nhân loại cuối cùng được hướng tới, hoàn toàn không phải hướng tới những gì có thể điều khiển được trong tri thức, nhưng là hướng tới Mầu Nhiệm Tuyệt Đối; Mầu Nhiệm đó là cùng đích hạnh phúc của tri thức, Mầu Nhiệm đó tỏ lộ ra như là một điều không thể hiểu thấu. Nói cách khác, mầu nhiệm là mầu nhiệm về những gì không thể hệ thống hóa”.[17]

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 81 (tháng 3 & 4 năm 2014)

__________

1. Bài này được dịch và tổng hợp từ: Karl Rahner của J.A. DiNoia O.P. được đăng trong The Modern Theologians (Vol. I) do David F. Ford biên tập, Blackwell xuất bản năm 1989, trang 183-203; và Karl Rahner, Finding God in Daily Life của James J. Bacik, được đăng trong Contemporary Theologians, The Mercier xuất bản năm 1989, trang 11-22.
2. Rất may là sau đó, vào năm 1939, luận án này đã được xuất bản với tựa đề Geist im Welt (Tinh thần trong Thế giới), và nó được nhiều học giả nhìn nhận như là một đóng góp to lớn cho nền triết học về tri thức con người.
3. Karl Rahner, ‘Reflections on Methodology in Theology', Theo- logical Investigations, 11, trang 68-114.
4. James Buckley, ‘Karl Rahner as a Dogmatic Theologian', The
Thomist, 47, trang 364-394.
5. Stephan Korner, Fundamental Questions of Philosophy, (London, 1969), trang 213-219.
6. Thomas Aquinas, Summa theologiae, 1a, 1, 8.
7. Karl Rahner, ‘Theology and Anthropology', Theological Investigations, 9, trang 28-45.
8. Karl Rahner, ‘Observations on the Doctrine of God in Catholic Dogmatics', Theological Investigations, 9, trang 127-144.
9. Thomas Aquinas, Summa theologiae, 1a, 2.
10. Ibid., 1a, 13.
11. Karl Rahner, ‘Concept of Mystery”, Theological Investigations, 4, trang 36-73.
12. Henri Rodet, The Grace of Christ (New York, 1996), trang 275- 348.
13. Karl Rahner, “Concerning the Relationship Between Nature and Grace”, Theological Investigations, 1, trang 287-317 ; “Some Implications of the Scholastic Concept of Uncreated Grace”, ibid., trang 319-346.
14. Thomas Aquinas, Summa theologiae, 1a, 27-34.
15. Fergus Kerr, Theology After Wittgenstein (Oxford, 1986).
16. Philip Gleason, Keeping the Faith (Notre Dame, 1987), trang 136- 177.
17. Paul Imhof và Hubert Biallowons (biên tập), Karl Rahner in Dialogue: Conversations and Interviews 1965-1982 (New York, 1986), trang 196-197.