SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B

02/07/2024
7207
 


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B

GHEN TỊ LÀM CHO CUỘC SỐNG CHÚNG TA BẤT AN

 Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta, sau một thời gian lên đường loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu trở lại thăm nơi mà Ngài đã sống hầu như suốt đời thơ ấu. Sự tương quan rõ rệt Mác-Cô nêu ở đây. Vì Chúa Giêsu vừa thực hiện một loạt các phép lạ: dẹp yên bão tố, chữa lành người bị quỷ ám, thắng được chứng bệnh, và cứu sống người chết. Những phép lạ này kết quả là do niềm tin vào Chúa Giêsu, dầu niềm tin này không được hoàn hảo nhưng cũng được Chúa ân thưởng chữa lành cho một số đông người; nhưng khi Ngài trở lại Nazarét, thì dầu một niềm tin bất toàn như thế cũng không có được, nên Mác-Cô ghi lại: “Ngài không làm phép lạ nào được”. Kể ra thì cũng chua chát thật, nhất là nơi một người giàu tình cảm đối với quê hương xứ sở như Chúa Giêsu. Lúc mới khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã bị những người đồng hương của Ngài khinh dể. Giờ đây, danh tiếng Ngài đã lẫy lừng khắp nước qua những lời giảng không ngoan và phép lạ diệu kì. Ngài không hề có ý trở về quê quán cách riêng tư cốt chỉ để thăm lại ngôi nhà và những người thân thuộc cũ. Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là Ngài về quê với tư các là một Rabi. Các Rabi vẫn đi đây đi đó trong xứ với nhóm môn đệ nhỏ của họ. Với tư cách giáo sư, Ngài đã trở về cùng với các môn đệ. Ngài vào hội đường và dạy dỗ. Người ta không hào hứng tiếp nhận lời giáo huấn của Ngài, trái lại họ còn tỏ vẻ thù địch. “Họ vấp phạm vì Ngài”. Họ tức giận vì một người xuất thân từ bối cảnh xã hội như Chúa Giêsu lại nói năng và hành động như vậy. Sự quen quá hóa nhàm, bụt nhà không thiêng làm phát sinh thù ghét sai lầm.

Dân chúng ở Nazarét khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một công nhân bình thường. Với chúng ta thì đó là vinh quang của Ngài, vì nó có nghĩa là Thiên Chúa xuống thế gian, Ngài không đòi hỏi sự miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận thấy cuộc đời tầm thường với tất cả những công việc tầm thường của nó. Những may rủi về gia thế, giàu nghèo và đẳng cấp chẳng có gì là quan trọng với nhân cách cả. chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ đánh giá của một người căn cứ vào bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất, chứ không căn cứ vào giá trị nội tại của chính người ấy.

Người ta kể câu chuyện vui như thế này:

Một Cha chánh xứ và 1 anh tài xế taxi cùng chết và lên trời, đứng ngay cổng Thiên Đàng chờ Thánh Phêrô "nhập hộ khẩu".

Thánh Phêrô cầm cuốn sổ ghi công-tội, tới trước anh tài xế và hỏi:

Con làm tài xế ở dưới trần thế phải không?

Dạ thưa phải ạ. Anh tài xế lí nhí trả lời

Con theo ta

Thánh Phêrô dắt anh tài xế vào Thiên Đàng và chỉ 1 cái ghế nạm vàng mời anh ngồi.

Trở ra cổng, Thánh Phêrô tới trước ông Cha chánh xứ và nói ngay:

Con chắc chắn làm Linh Mục rồi chứ gì ?

Vâng, đúng ạ. Con chính là Linh Mục, Cha chánh xứ đấy ạ. vị Linh Mục trả lời khá dõng dạc

Con theo ta ...

Thế rồi Thánh Phêrô dắt vị Cha chánh xứ vào Thiên Đàng, tới trước 1 chiếc ghế ... gỗ, mời Cha ngồi.

Cha chánh xứ lấy làm lạ vô cùng. Mình làm linh mục, suốt đời tận hiến cho Chúa .... thế mà sao lại không bằng chú tài xế kia?! Lạ thật!!!

Như đọc được điều thắc mắc trong lòng Cha chánh xứ, Thánh Phêrô an ủi:

Con ơi, khi còn sống, con làm linh mục, giảng về lời Chúa thì giáo dân ngủ khò khò trong nhà thờ. Còn chú tài xế kia thì khác. Khi chú lái xe thì bà con ai cũng phải kêu vang danh Chúa toáng cả lên: Lạy Chúa tôi!!!"

Mỗi người trong chúng ta được Thiên Chúa dựng nên và trao ban cho chúng ta mỗi người một sứ mạng. Không phải để chúng ta ganh tỵ nhau mà để chúng ta chu toàn sứ mạng trong hồng ân và trách nhiệm tùy theo bậc sống của mỗi người.

Đọc trong Tin Mừng, chúng ta luôn thấy thái độ ghen tỵ của những người luật Sĩ và Biệt Phái. Họ không bằng lòng đối với sự thành công của Chúa Giêsu. Đây là con ông Giuse thợ mộc, nghèo nàn. Tại sao ông ta nói hay như thế. Đối với nhà lãnh đạo tôn giáo thì họ cảm thấy bị đe doạ khi Chúa Giêsu giảng dạy hay. Chúa Giêsu được đưa lên cao, còn họ bị lép vế. Chiến thuật ghen tỵ của họ rất là đơn giản: Tìm cách hạ Chúa Giêsu xuống để họ được đưa lên cao. Thái độ ghen tỵ, hiềm thù của họ đã dẫn đến hành động đả phá. Họ dẫn đưa Người lên triền núi, để xô Người xuống vực thẳm. Thèm khát và ghen tỵ rất gần gũi với nhau. Thèm khát liên hệ tới cái người khác có. Ghen tỵ liên hệ tới chú ý và cảm tình người khác được. Phải chăng chúng ta buồn vì người khác đẹp hơn chúng ta, nổi tiếng hơn chúng ta, giàu có hơn chúng ta, có nhà đủ tiện nghi hơn chúng ta ? Phải chăng chúng ta buồn vì một ai đó được để ý và kính nể ? Chỉ mơ ước có một cái gì đó mà người khác đã có, không phải là thèm khát. Nó chỉ trở thành thèm khát khi thiếu những cái đó làm chúng ta buồn, bất mãn và khốn khổ.

Bài học rút ra từ Lời Chúa hôm nay và nhìn vào cuộc sống của mỗi người chúng ta nói riêng và xã hội nói chung, chúng ta phải chân nhận rằng lòng ghen tỵ của con người len lỏi khắp nơi trong cuộc sống từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

Trong gia đình anh chị em ghen tỵ nhau khi cảm thấy rằng mình không được thương yêu hơn anh chị em khác trong gia đình. Nơi nhà trường học sinh này ghen tỵ học sinh khác trong khía cạnh học hành. Nơi xưởng thợ nhân công này cảm thấy không bằng lòng với nhân công khác trong vấn đề tiền lương.

Quả thật, sống trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta thường dễ đem chính mình so sánh với người khác. Chúng ta so sánh quần áo, xe cộ, nhà cửa, công danh, sự nghiệp. So sánh để rút ra điều hay điều dở làm cho cuộc sống chính mình và người khác khá hơn là rất tốt. Tuy nhiên so sánh để rồi mang đến thái độ ghen tỵ, hiềm thù, đả phá, đè bẹp, gièm pha người khác vì người khác thành công hơn mình là điều không tốt. Con người ghen tỵ sẽ không tìm thấy chính mình và không có hạnh phúc vì họ luôn ao ước và tìm kiếm nơi người khác điều mà không phải là của họ.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy loại bỏ tính ganh tị, so đo và luôn nhìn nhận những lỡ, lầm, lạc, lỗi trong cuộc đời mình. Đồng thời, xin Chúa thứ tha những lỡ, lầm, lạc, lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến anh chị em mình.

 

Lm. Joseph Phan Cảnh