Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh A: Nếu có yêu

12/05/2023
27250


Hôm nay, Chúa Giêsu lại tiếp tục trải lòng với các môn đệ trước khi Ngài tạm rời xa các ông mà về cùng Chúa Cha (Ga 14,15-21). Ngài đã báo trước cho các ông những điều sắp xảy đến, và dặn dò các ông phải tuân giữ điều Ngài truyền dạy. Những điều đó là gì thì có lẽ các môn đệ là những người trong cuộc biết rõ nhất.

Quả vậy, các ông là những người đi theo sát Chúa ròng rã ba năm trên hành trình thi hành sứ vụ ở trần gian. Cùng ăn , cùng uống, cùng được Thầy giải thích cặn kẻ ý nghĩa các dụ ngôn, được Thầy dạy dỗ bảo ban nhiều điều, chắc hẳn những điều quan trọng luôn được Thầy nhắc đi nhắc lại. Và một trong những điều thường được nhắc đến đó là “ hãy yêu”.

Theo nghiên cứu của giáo sư Tân Ước Clark-Soles, động từ “yêu” (agapao, phileo) được Chúa Giêsu nhắc đến 57 lần trong Tin Mừng Gioan[1]– cũng được xem là Tin Mừng của tình yêu. Ngài không chỉ nhắc nhở, mà còn ra lệnh cho các môn đệ: “hãy yêu thương nhau”. Tuy nhiên, Ngài không chỉ nói suông và dạy người ta phải thi hành, nhưng chính Ngài đã sống và hành động. Ngài đã tỏ cho các môn đệ biết tình yêu Chúa Cha dành cho Ngài và cho nhân loại như thế nào, cũng như tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha và cho tất cả mọi người; từ đó, Ngài mời gọi những ai tin và đi theo Ngài cũng hãy làm như vậy. Nói một cách khác, đi theo Chúa là đáp lại lời mời gọi yêu thương. Mà yêu thương như Chúa nêu gương là cả một quá trình của đón nhận và thực thi ý muốn của người mình yêu. Vậy nên, có hai điều chúng ta học được khi yêu như Chúa:

Thứ nhất, nếu có yêu, hãy đón nhận lời nhau

Như Chúa đã đón nhận lời Cha như thương thực hằng ngày (Ga.4,34). Ngài thực thi Thánh Ý Chúa Cha bằng việc đến trong thế gian này, và sẵn lòng bước vào cuộc Thương Khó – Tử Nạn và Phục Sinh để bày tỏ tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha dành cho nhân loại (Ga.6, 38). Tình yêu của Ngài được cụ thể bằng sự vâng phục cho đến tận cùng, dù có những giây phút xao xuyến trong vườn Cây Dầu, và cám dỗ tránh xa chén đắng, nhưng rồi Ngài chưa một lần làm theo ý riêng mình, nhưng luôn trung tín chu toàn ý Cha cho đến hơi thở cuối cùng.

Vì sao Chúa có thể làm được như vậy? Thưa vì Ngài luôn nhớ lời Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Lời quan trọng nhất vẫn là lời yêu thương. Có yêu thương, con người cũng sẽ làm được những việc phi thường.

Thứ hai, nếu có yêu, hãy giữ lời nhau

Như Chúa Giêsu không chỉ đón nhận lời, hay Thánh Ý Chúa Cha mà thôi, nhưng Ngài còn tuân giữ và thi hành lời đó trong suốt cuộc đời tại thế của mình. Lời đó là lời hứa cứu độ, và Chúa đã giữ lời đó trong sự linh động và sáng kiến của con tim luôn hướng về Cha Chí Thánh. Chúa đã giữ lời Chúa Cha, và làm cho lời ấy được thực hiện bằng cái chết trên thập giá.

Khi Chúa nói với các môn đệ: “nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”, Ngài không phải ra điều kiện khi yêu, nhưng tình yêu chân thật và bền vững vốn dĩ luôn đi kèm một cam kết: đón nhận và giữ lời đã hứa. Vậy Chúa đã truyền ban điều gì cho chúng ta: thưa là hãy yêu thương nhau! Một điều duy nhất trong Tin Mừng Thánh Gioan. Việc còn lại, là chúng ta đã đón nhận và tuân giữ lời đó như thế nào?

Một chút suy tư

Chúa Giêsu đã luôn nhớ và chu toàn Thánh Ý Chúa Cha trong mọi cảnh huống, vì Ngài yêu Chúa Cha, và luôn xác tín mình được Chúa Cha yêu thương. Ngài luôn đặt mình trong tương quan thân tình và kết hợp với Chúa Cha luôn luôn.

Nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta sẽ luôn đón nhận và tuân giữ lời Chúa dạy dù  gặp nhiều thách đố. Vì tình yêu sẽ đem lại sức mạnh, sự kiên nhẫn để chúng ta thi hành ý muốn của Chúa trên cuộc đời mình. Mà ý muốn của Chúa, đó là chúng ta yêu thương anh chị em mình.

Nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta không ngại trở nên giống Chúa qua việc bắt chước cách sống và cách yêu của Ngài. Ngài đã hiến mạng vì bạn hữu. Phần chúng ta, chúng ta có dám từ bỏ cái tôi to bự của mình để đón nhận và yêu thương những khác biệt nơi anh chị em mình không? Cụ thể, tại nơi làm việc, những dịp sinh hoạt trong giáo xứ, hay những cuộc hội thảo trong cộng đoàn tu trì, hoặc tư gia, chúng ta có sẵn sàng để ý riêng sang một bên để đón nhận ý của người khác vì lợi ích chung không?

Và nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta sẽ không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày để gần Chúa hơn, gần anh chị em mình hơn?

Cầu nguyện

Xin Chúa dạy con biết yêu Chúa và yêu thương nhau, vì đó là ước mơ và cũng là lệnh truyền của Chúa.

Xin cho con bước vào tình yêu bằng sự cam kết ở lại và làm triển nở tình yêu Chúa giữa những người chung quanh mình.

Xin Thánh Thần tình yêu Chúa luôn đốt nóng và sưởi ấm trái tim con, để luôn cháy bừng lửa yêu mến và phụng sự Chúa nơi tha nhân. Amen.

Quỳnh Thoại, CĐM
Nguồn: dongten.net

[1] Jaime Clark-Soles, Commentary on John 14:15-21https://www.workingpreacher.org/commentaries/revised-common-lectionary/sixth-sunday-of-easter/commentary-on-john-1415-21-2#:~:text=Jesus%20gives%20one%20commandment%3A%20to,reflect%20upon%20that%2C%20judgment%20happens