Kính thưa cộng đoàn,
Con người cần có tình yêu của người mẹ. Chính tình yêu của người mẹ là nguồn hạnh phúc cho con cái và là bảo đảm cho con cái có thể đi đến cùng đích của đời mình. Trong cuộc sống con người, tình yêu là một cái tốt đẹp cao quí nhất ; biết bao thi sĩ không thể cạn dòng trước vấn đề đó, biết bao nhạc sĩ, ca sĩ đã đem hết tài năng của mình mà ca tụng tình yêu. Thế nhưng trong các tình yêu, thì tình yêu của người mẹ là một tình yêu tốt đẹp hơn, cao quí hơn, quảng đại hơn.
Đặc biệt, đối với người công giáo, lòng yêu mến Đức Mẹ luôn được thể hiện trong các việc đạo đức bình dân như: lần hạt, dâng hoa kính Mẹ…Đặc biệt, cứ mỗi tháng 10 về, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Mẹ Mân Côi để tỏ lòng yêu mến Mẹ và sống lời Mẹ dạy qua Kinh Mân Côi. “ Xin dâng lên Mẹ lời kinh Mân Côi, ngàn lời yêu mến vạn tiếng hoan ca. Tung hô Danh Mẹ, Mẹ Ma-ri-a. Xin dâng lên Mẹ, cành hoa tươi xinh, dịu dàng tiếng hát tòa ngát hương hoa. Xin dâng lên Mẹ, Mẹ hãy thương tình. Đây chuỗi ngọc Mân Côi, nhiệm mầu tỏa sáng say đắm dương gian. Sao vương vấn hương đời, quên lời Mẹ khuyên thống hối? Bên suối nguồn hồng ân nhạc lòng hòa khúc chất ngất thiên nhan. Vui trong ánh huy hoàng nép bên tà áo Mẹ hiền”.
Ngày nay, tình trạng cầu nguyện đang bị khủng hoảng, nhất là những người trẻ tuổi. Họ cảm thấy mất thời giờ, và việc lần chuỗi Mân Côi chỉ dành cho những người lớn tuổi mà thôi. Vì vậy, tháng 10 này là dịp tốt để chúng ta suy nghĩ về giá trị của Kinh Mân Côi trong đời sống đạo của mỗi người.
Kinh Mân Côi ( Kinh Kính Mừng ) là lời Thiên Thần Gabriel chào Đức Mẹ mà Giáo Hội long trọng nhắc lại cho chúng ta. Đó là những hoa hồng thiêng thơm tho tươi thắm, các con cái Mẹ với lòng thành kính, mến yêu dâng lên Mẹ trên trời, như một triều thiên rực rỡ nhất, Mẹ có thể yêu thích và lấy làm vẻ vang hơn hết. Sau kinh Lạy Cha thì không còn kinh nào cao trọng bằng Kinh Kính Mừng.
Một ngày kia đang khi Đức Mẹ cầu nguyện, một Thiên Thần hiện đến thưa cùng Mẹ rằng : Tôi là sứ thần của Thiên Chúa đến nói cùng bà : bà đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Nghe lời ấy, Đức Mẹ rất bối rối và sợ hãi, vì người rất khiêm nhường không hề dám nghĩ đến ơn được làm Mẹ Thiên Chúa. Thiên Thần bảo rằng: “ Maria đừng sợ, bà sẽ thụ thai sinh Con Thiên Chúa”. Đức Mẹ bỡ ngỡ thưa rằng :“Làm sao có thể được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Thiên Thần tỏ cho Đức Mẹ biết : “Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện mầu nhiệm cao cả ấy nơi lòng bà”. Hiểu được thánh ý Chúa, Đức Mẹ liền thưa : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”. Từ đó Đức Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa. Sau đó ít ngày, Đức Mẹ đi thăm người chị họ là bà Êlisabeth, vừa thấy Mẹ tới, Êlisabeth đã kêu lên : “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Khi ấy thánh Gioan Tiền Hô ở trong lòng Mẹ nhảy mừng và đồng thời được khỏi tội tổ truyền. Được ơn soi sáng, Êlisabeth liền thêm vào lời chào của Sứ Thần rằng : “Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Tiếp đến “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”. Đó là nguồn gốc của Kinh Kính Mừng.
Cuối thế kỷ 16, các nước Âu châu bị người theo đạo Hồi xâm chiếm. Đức Giáo Hoàng Piô V báo động thế giới về mối nguy đó. Nhưng chỗ dựa mà Người tin tưởng hơn cả là Mẹ Maria. Người lần hạt mọi ngày, rồi ra hai sắc dụ kêu gọi lần hạt. Lần thứ ba, Người ban nhiều ân xá đi kèm, và thúc giục lần hạt. Ngài bảo phát cho mỗi người lính một chuỗi hạt và bảo xưng tội trước. Ngày 7/10/1571, hai bên giáp chiến, sau một hiệu lệnh, quân công giáo quỳ gối, lớn tiếng kêu cầu Thiên Chúa toàn năng và xin Đức Mẹ phù giúp qua lời Kinh Mân Côi. Kết quả, bên công giáo toàn thắng. Để ghi nhớ chiến thắng của người Công giáo trước quân Thổ Nhĩ Kỳ trên vịnh Lépante nhờ Đức Mẹ Mân Côi năm đó. Đức Giáo Hoàng dạy hằng năm, ngày 7/10, toàn Giáo Hội cử hành lễ Mân Côi trọng thể, và thêm vào kinh cầu Đức Bà, câu : “ Đức Bà phù hộ kẻ có đạo, cầu cho chúng con”. Về sau Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, năng nhắc đến ơn lạ đó, và để kêu gọi mọi con cái lại tin tưởng ở sự cứu giúp của Đức Mẹ Mân Côi, giữa một thời cuộc đáng lo cho Giáo Hội, Người đã lập tháng Mân Côi hằng năm. Đó là nguồn gốc của ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Kinh Kính Mừng chia ra hai phần : phần ngợi khen và phần cầu xin. Kính Mừng Maria : là lời chào mật thiết của đoàn con dâng lên Mẹ mình. Đọc lại lời ấy ta nhắc cho Mẹ những kỷ niệm êm đềm về ngày truyền tin, ngày Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại, ngày Đức Mẹ nhận lãnh chức Mẹ Thiên Chúa, lời ấy cũng làm ta thêm tin tưởng cậy trông. Đầy ơn phúc : từ đầu thai, Đức Mẹ đã tràn đầy ơn phúc, hơn cả các thánh và Thiên Thần hợp lại, để Mẹ xứng đáng với thiên chức Mẹ Thiên Chúa và cũng để Mẹ tuôn tràn xuống cho con cái mẹ. Đức Chúa Trời ở cùng Bà : Chúa ở cùng Mẹ không những bởi ơn thánh sủng, bởi Ngôi Hai sinh xuống lòng người mà vì Thiên Chúa còn yêu Mẹ cách riêng : Ngôi Cha yêu Mẹ như Cha yêu con, Ngôi Hai yêu Mẹ như con thảo hiếu, Ngôi Ba yêu Mẹ như bạn trung thành. Hơn mọi người nữ : Đức Mẹ là người nữ độc nhất được Chúa chọn từ đời đời để cộng tác cứu chuộc nhân loại, không một người nữ nào đã được đặc ân như Mẹ, vì thế Mẹ mới vượt xa trên mọi người nữ. Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ : chỉ Chúa Giêsu là nguồn mạch các ơn và sự xinh đẹp của linh hồn Mẹ, để từ lòng Mẹ tràn xuống cho chúng ta và để lòng chúng ta quy hướng về một Chúa Giêsu. Như vậy, chúng ta hiểu được cứu cánh sau hết của ta cũng như của Mẹ là Chúa Giêsu. Mẹ chỉ là đường đưa đến Chúa Giêsu, ta yêu Mẹ để được kính mến Chúa hơn .
Phần thứ 2 là lời cầu xin cùng Mẹ một cách cậy trông. Thánh Maria : Mẹ là thánh, thánh trên hết các thánh và vượt xa trên mọi thần thánh, vì thế Giáo Hội sùng kính Mẹ một cách biệt kính, không như sùng kính các thánh. Đức Mẹ Chúa Trời : Mẹ Chúa Trời là thiên chức cao trọng đến nỗi dù Thiên Chúa toàn năng cũng không tạo dựng được thiên chức nào cao trọng hơn thiên chức Mẹ Thiên Chúa. Tất cả những đặc ân ban cho Mẹ là vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Cầu cho chúng con khi này và trong giờ lâm tử : xin Mẹ ơn phù giúp cho cuộc sống chúng ta giữa những cơn cám giỗ, những tử thù hồn xác, nhất là trong giờ chết, giờ nguy hiểm nhất của đời người, giờ định đoạt số phận, giờ chiến đấu cam go nhất. Chỉ một lời cầu của Mẹ, linh hồn đủ chiến thắng tất cả để lìa xác bình an êm ái.
Kinh Mân Côi là cách thức cầu nguyện vừa tầm mọi người và luôn luôn thích hợp. Giáo Hội xưa nay kêu gọi chúng ta lần hạt Mân Côi. Chính Đức Mẹ cũng nhiều lần thúc giục chúng ta lần hạt Mân Côi. Vì tràng hạt Mân Côi tóm tắt những mầu nhiệm trọng đại trong đạo chúng ta : việc nhập thể, việc cứu chuộc, sự sống mai sau, tràng hạt nhắc lại những sự việc nổi bật hơn trong cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ, được sắp xếp trong ba chuỗi, năm sự Vui, năm sự Thương và năm sự Mừng, và thêm năm sự Sáng, nối lại với nhau bởi những kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Như thế tràng hạt Mân Côi chứa đựng những đề tài để chúng ta suy ngắm, những gương lành để chúng ta noi theo và là một mục tiêu để chúng ta phấn đấu đạt cho được. Bởi vì thật ra cuộc đời của bất luận người nào cũng bao gồm những vui, buồn, sướng, khổ. Chúng ta lần hạt là nhìn vào những vui, buồn, sướng, khổ của Chúa Giêsu và Đức Mẹ để biết sống cho có ý nghĩa.
Lm. Giuse Phan Cảnh