SUY NIỆM CHÚA NHẬT 33 TN: KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

15/11/2024
67


SUY NIỆM CHÚA NHẬT 33 TN: KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tin Mừng đã được rao giảng trên quê hương đất nước Việt Nam vào thế kỷ 16. Từ đó cho đến thế kỷ 19, từ đời hậu Lê cho tới thời Chúa Nguyễn, trải dài hơn 300 năm, cũng đã gặp phải biết bao nhiêu cấm cách, nhất là dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức… Biết bao nhiêu người đã phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn và sản nghiệp trốn vào những nơi rừng sâu nước độc, để bảo vệ đức tin của mình. Người ta ước tính có khoảng trên 100.000 người đã hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin, trong số đó có 117 vị đã được Hội thánh tôn phong lên bậc hiển thánh và 1 chân phước Anre Phú Yên.

Thật vậy, trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam, một trong những thử thách mà các kitô hữu bị bắt bớ phải trải qua là quá khóa, nghĩa là bước qua thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây Thánh giá dưới đất, rồi bắt các Kitô hữu bước qua. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình. Còn ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bổng lộc, được sống đời tự do và được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, phần lớn các Kitô hữu đã từ chối và cương quyết giữ vững niềm tin của mình vào Chúa Kitô.

Trường hợp tiểu biểu đầu tiên chúng ta phải nói đến, đó là linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857). Quan thượng Hưng đã khuyên ngài rằng: “Nếu cụ khóa quá, tôi sẽ tha cụ về an cư lập nghiệp”. Nhưng linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh nhìn quan với đôi mắt trong sáng long lanh trên nét mặt gân guốc trả lời: “Thưa quan, tôi là đạo trưởng mà khóa quá thì còn gì danh nghĩa đạo trưởng, xin cứ chuyển luật nước làm án cho tôi, tôi thà chết chẳng thà khóa quá.” Quá khóa có nghĩa là bước qua thánh giá, một hình thức công khai chối bỏ đức tin.

Bà thánh Ane Lê thị Thành (1781-1841) hay còn gọi là bà thánh Đê, một vị thánh nữ duy nhất trong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Sau khi quan Trịnh quang Khanh ra lệnh cho quân lính thả rắn độc vào ống tay áo và ống quần, nhưng rắn không hề cắn bà. Thấy vậy các quan lại càng bực tức cho tiếp tục đánh đòn và ép bà bước lên Thánh giá. Bà không chịu quá khóa. Bấy giờ, quan lại ra lệnh đánh thêm 40 roi nữa, rồi bắt lính kéo lê bà qua Thánh giá, nhưng bà ngồi xuống đất. Lính kéo chân bà, rồi lấy Thánh giá rẽ vào chân bà. Bà nằm bò ra không chịu và lớn tiếng thanh minh: “Tôi không bước lên Thánh giá Chúa. Lạy Chúa xin giúp sức cho con. Con không bao giờ chối bỏ Chúa. Nhưng vì đàn bà yếu sức, bọn lính lôi con qua như thế, con không thể chối bỏ Chúa được”. Quả thật là một người phụ nữ chân yếu tay mềm, liễu yếu đào tơ, nhưng lại thật kiên cường bất khuất vì Chúa Kitô. Thánh nữ đã coi cái chết nhẹ như lông hồng, để đánh đổi lấy sự sống đời đời.

Ngày hôm nay, không ai còn dùng bạo lực, dùng những cực hình man rợ bắt chúng ta chối bỏ đức tin hay chối bỏ Chúa như các thánh tử đạo ngày xưa. Vì thế, chúng ta không cần nói không trước những hăm doạ, đòn vọt hay án chết như các ngài. Nhưng chúng ta lại phải đương đầu với những thách thức mới, những kiểu tử đạo mới. Đó là những cám dỗ, những lôi cuốn của tội lỗi làm chúng ta đi trệch con đường thập giá của Chúa Giêsu, đi lạc ra khỏi đạo lý của Người.

Vì thế, noi gương các anh hùng tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy can đảm nói không với các tệ nạn xã hội như: ly dị, dâm ô, rượu chè say xỉn, cờ bạc, đề đóm, xì kè ma túy. Chúng ta hãy can đảm nói không với các thói hư tật xấu như: kiêu căng, nóng nảy, giận hờn, chua ngoa, gắng gỏng, thóa mạ, nói xấu... Chúng ta hãy can đảm nói không với những lời quyến rũ của bạn bè xấu, phim ảnh xấu, … Đó chính là cách thức tử đạo vì lòng mến yêu Thiên Chúa. Thật vậy, vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta sẵn sàng từ bỏ tất cả, để đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá mà ngài đã đi qua. Mỗi người chúng ta hãy làm chứng cho Chúa bằng đời sống phục vụ và yêu thương của chúng ta đối với anh chị em đồng loại.

Nguyện xin các thánh anh hùng tử đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để chúng ta luôn biết noi gương các ngài, anh dũng, can trường nói không với tội lỗi, nói không với các cơn cám dỗ, cho dù phải chịu mất mát thua thiệt trong cuộc sống đời nầy, để mai sau xứng đáng được lãnh vòng hoa chiến thắng và chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc.

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Chánh xứ Sầm Sơn