SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 MÙA CHA NĂM B (Ga 2,13-25)
Có người nghe bài Tin mừng này xong thì họ thắc mắc: Tại sao Chúa Giêsu nóng tính quá: Ngài lấy dây làm roi, quất đánh đuổi tất cả các con buôn ra khỏi đền thờ Jerusalem, còn bàn ghế của họ thì Ngài lật đổ nhào lộn tứ tung. Để trả lời cho vấn nạn này, thiết tưởng chúng ta đừng quên rằng, vào thời Chúa Giêsu, mọi người Do thái có truyền thống đi hành hương đền thờ Jerusalem. Khi đi hành hương như vậy thì phải có lễ vật để tiến dâng cho Thiên Chúa, chứ không thể đi tay không như chúng ta. Chúng ta một tuần có một lần đi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, bỏ tý tiền giỏ làm của lễ dâng cho Chúa thôi, mà nhiều người còn quên tới quên lui. Còn thời Chúa Giêsu, ai đi hành hương đền thờ Jerusalem thì đều mang theo lễ vật như: chiên, bò, bồ câu, chim gáy…
Vậy bây giờ đi hành hương từ Nazaret xuống Jerusalem với đoạn đường dài 150km, đi bộ, mang theo chiên hay bò hoặc cặp bồ câu thì có đi được không? Làm sao mà đi nổi với đoạn đường xa như thế. Cho nên người ta chỉ mang theo tiền, để khi đến Jerusalem, người ta mua lễ vật dâng tiến cho Thiên Chúa. Nhưng có một điều là đồng tiền lúc bấy giờ là đồng tiền của đế quốc La mã, không thể mua lễ vật hay dâng cho Chúa được, vì đồng tiền đó là đồng tiền bẩn thỉu của đế quốc.
Vì thế, người ta lại phải đổi sang một loại tiền của đền thờ, để có thể mua được lễ vật dâng tiến cho Thiên Chúa. Thiết nghĩ rằng, thời Đức Mẹ và thánh Giuse mang hài nhi Giêsu lên đền thờ Jerusalem để dâng tiến cho Thiên Chúa, thì hai ông bà cũng phải đổi tiền, để mua một cặp chim gáy hay cặp bồ câu non, do gia đình quá nghèo. Chứ còn nếu các ngài mang theo cặp chim gáy hay cặp bồ câu cùng đi với hài nhi Giêsu, mà đoạn đường dài như thế thì sao mà đi được? Thành thử ra, việc bán chiên, bò, bồ câu, chim gáy và đổi tiền để phục vụ đền thờ là một việc làm tốt lành, đạo đức của dân Chúa.
Hơn nữa, chẳng ai lại mang chiên, bò, chim câu, chim gáy và bàn đổi tiền vào trong đền thờ đâu. Không có chuyện đó đâu. Chúng ta nên biết rằng, cấu trúc của đền thờ Jerusalem gồm có nhiều gian: Gian trong cùng là nơi cực thánh, nơi thánh, bàn thờ dâng lễ vật, sân thầy tư tế, sân đàn ông, sân phụ nữ và sân dân ngoại. Vậy thì tất cả súc vật và bàn đổi tiền được tổ chức ở sân dân ngoại này, chứ không phải là ở trong đền thờ.
Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nổi nóng đánh đuổi tất các con buôn tại sân ngoài của đền thờ? Các nhà chú giải Thánh kinh gọi đây là hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu. Vậy tại sao đền thờ lại phải được thanh tẩy? Câu trả lời ở đây là vì ý nghĩa và mục đích của đền thờ đã bị biến chất. Thật vậy, những ai buôn bán ở đó nếu không phải là các tư tế, gia đình tư tế, con cháu tư tế? Họ độc quyền. Và khi độc quyền rồi thì họ muốn nâng giá lên bao nhiêu thì tùy ý. Hành động đó ngày nay người ta gọi là “chặt chém”. Cho nên đền thờ có mục đích tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa, nhưng bây giờ các tư tế đã biến đền thờ thành phương tiện để phục vụ cho một mục đích khác, đó là lợi nhuận và tiền bạc. Lúc bấy giờ, Thiên Chúa không còn là chủ của đền thờ nữa, mà Thiên Chúa chỉ là tôi tớ phục vụ cho một thần tượng khác, đó là mamon, là đô la.
Cho nên nhìn bên ngoài, người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, nhưng thực chất là Ngài thanh tẩy bên trong, thanh tẩy ý hướng, suy nghĩ của con người. Chúng ta thử tưởng tượng xem đền thờ Jerusalem thời đó sầm uất lắm, mọi sinh hoạt tôn giáo sinh động lắm. Mọi người từ khắp bốn phương chảy hội lên đền thánh. Thế nhưng nhìn bên ngoài thì như vậy, còn bên trong thì lại là sào huyệt của bọn trộm cướp. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Chính vì vậy mà chúng ta mới hiểu được tại sao Hội thánh hôm nay chọn bài đọc 1, trích trong sách Xuất hành, mà chúng ta thường gọi là mười điều răn ĐCT. Bởi vì tội căn bản mà 10 điều răn ĐCT nói tới là tội thờ ngẫu tượng: Các ngươi không được tôn thờ bất cứ thần thánh nào ngoài Ta. Đang khi đó, chúng ta vẫn tôn thờ những thần thánh khác, không phải là minh nhiên, nhưng là mặc nhiên trong suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa của mình ở đời thường. Chúng ta có thể hay rơi vào tình trạng đó.
Và một khi người ta đã thờ ngẫu tượng như vậy rồi, thì thay vì công bằng, người ta sẽ bất công miễn là đạt mục đích; thay vì phục vụ thì người ta sẽ chiếm đoạt càng nhiều càng tốt; thay vì trung thực thì là gian dối miễn là đạt được mục đích. Vì thế, thanh tẩy không phải chỉ là thanh tẩy tội lỗi chung chung, mà là thanh tẩy chính ý hướng chọn lựa căn bản của đời sống bên trong. Và sự thanh tẩy này phải là liên tục, không ngừng, chứ không phải một sớm một chiều. Bởi vì sao? Thưa bởi vì tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này: ngày hôm nay tôi ý thức tội lỗi, tôi xin Chúa tha thứ, nhưng ngày mai tôi lại phạm tội như thường. Và thậm chí vừa xưng thú tội lỗi xong, chưa kịp làm việc đền tội, thì lại đã phạm tội rồi. Chính vì thế, thanh tẩy không chỉ có một lần là xong, mà là thanh tẩy không ngừng, từ ngày này nối tiếp ngày khác. Cho nên đã gọi là hành trình thanh tẩy, thì phải là thanh tẩy suốt đời, thanh tẩy cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay được Chúa thương gọi về với Ngài.
Mùa chay, Hội thánh mời gọi chúng ta và tạo cho chúng ta có cơ hội để sống lời mời gọi thanh tẩy đó một cách cụ thể và sâu sắc hơn trong hành trình thay tẩy. Chúng ta cố gắng sống hành trình đó trong Mùa chay thánh, ngõ hầu thân xác và tâm hồn chúng ta thực sự trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi trên hành trình tiến về Nước Trời.
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hóa