SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Lc 10, 38-42)
Thoạt tiên nghe Chúa Giêsu trả lời Matta, chúng ta thấy dường như Ngài thiên vị, không quan tâm, chỉ chú trọng đến cô Maria mà thôi: Matta ơi là Matta, con lăng xăng lo lắng quá đấy! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi. Vậy thì giả sử cả hai chị em Matta và Maria đều ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Lời Ngài, thì ai là người phục vụ? Chẳng có ai cả. Thành thử ra, chúng ta phải hiểu ý của Chúa Giêsu muốn nói ở đây là gì?
Thật vậy, trong cuộc sống luôn luôn có sự so sánh và bao giờ cũng có cái nhất, cái nhì… Ở đây cũng vậy, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng: việc lắng nghe Lời Chúa là quan trọng bậc nhất. Việc Matta chuẩn bị phục vụ lương thực phần xác là quan trọng, nhưng vẫn không quan trọng bằng lương thực thần lương là Lời Chúa, bởi vì Chúa đã phán: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em đây là thần trí và là sự sống”.
Thành thử ra, chúng ta cần phải biết dung hòa trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày. Hoạt động và chiêm niệm phải song hành với nhau. Tuy nhiên, tinh thần vẫn quan trọng hơn thể xác, đời sống thiêng liêng vẫn quan trọng hơn đời sống vật chất. Việc lắng nghe Lời Chúa quan trọng hơn việc phục vụ. Nhưng thiếu tinh thần hy sinh phục vụ mà chỉ chú trọng đến chiêm niệm thì cũng là khập khiễng. Một người không thể suốt ngày đọc kinh cầu nguyện, đi lễ mà chẳng làm việc gì. Cho nên cuộc sống hằng ngày của Đan viên Xitô Thánh Mẫu được chia đều ba giai đoạn: 8 giờ cho kinh nguyện phụng sự Chúa, 8 giờ ngủ nghỉ, 8 giờ cho lao động và học tập. Vì thế, phục vụ và lắng nghe Lời Chúa phải dung hòa sao cho phù hợp, nhưng vẫn ưu tiên cho việc lắng nghe Lời Chúa hơn, điều mà Maria đã chọn phần tốt nhất và không thể bị lấy đi.
Thế nhưng nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy con người lại chỉ chú tâm vào công việc. Cả tuần lễ đã không đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, cầu nguyện rồi, còn ngày Chúa nhật, bổn phận của người Kitô phải đến với Chúa có một lần thôi, nhưng biết bao nhiêu người đã bỏ luôn cả lễ Chúa nhật và các lễ trọng buộc trong năm. Tại các quốc gia Châu âu Kitô giáo thời nay là như thế. Người ta không còn biết đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, cầu nguyện. Mọi sự đều dửng dưng. Người ta nói rằng cả đời người chỉ còn có ba ngày đến nhà thờ, đó là: ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, ngày cử hành Bí tích hôn phối và ngày lễ An táng. Sở dĩ như thế là bởi vì con người thời nay quá chạy đua với thời gian sản xuất kinh tế thị trường, tệ nạn tục hoá lại lan tràn khắp nơi, chủ nghĩa tự do cá nhân được đề cao quá đáng, đến nỗi tôi muốn làm gì tôi làm. Mọi trật tự tự nhiên do Chúa an bài sắp đặt đã thay đổi và trở nên mất trật tự. Tại Việt nam chúng ta, nhìn chung lòng đạo còn đang hưng thịnh. Bởi vì dù sao chúng ta cũng ảnh hưởng truyền thống Á đông, cuộc sống coi trọng tình người, tình liên đới. Vì thế, số lượng giáo dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ còn khá đông. Nhưng việc thực hành sống đạo của người giáo dân Việt nam đang còn nhiều hạn chế. Và một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do giáo dân chưa quan tâm đủ đến Lời Chúa, nghĩa là ít đọc Kinh thánh, nhiều người còn chưa biết đến cuốn Kinh thánh, cho nên người ta rất ít đọc Lời Chúa. Hơn nữa, có lắng nghe thì tai nọ nó sang tai kia, hoặc không chăm chỉ suy niệm Lời Chúa và không đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống.
Vì thế, ước gì mỗi người chúng ta luôn luôn quan tâm tới cả hai phương diện phục vụ và lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta không thiên quá về bên nào, cả hai đều phải được dung hòa. Tuy nhiên, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa vẫn là bậc nhất, bởi vì Lời Chúa là lời hằng sống, lời mang lại cho chúng ta sự sống đời. Còn đời sống vật chất rồi cuối cùng cũng sẽ qua đi, chứ không tồn tại. Chỉ có Lời Chúa mới tồn tại đến muôn đời mà thôi. Một lần nữa, chúng ta hãy xác tín vào Lời của Chúa Giêsu: “Lời Thầy nói với anh em đây là thần trí và là sự sống”.
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hoá