NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU CỦA THỜI ĐẠI HÔM NAY

08/07/2025
113
 

NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU CỦA THỜI ĐẠI HÔM NAY

Có những câu chuyện vượt lên trên ranh giới của không gian và thời gian, bởi vì nó không chỉ phản ánh một biến cố lịch sử, mà còn chất chứa những giá trị sống trường tồn. Dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng Luca (Lc 10, 25-37) chính là một câu chuyện như thế: một câu chuyện mà dù đã được kể lại hàng ngàn lần trong suốt hơn hai ngàn năm qua, nhưng vẫn luôn mới mẻ, và luôn đánh động lương tâm mỗi người chúng ta.

Trong thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần những “người Samari nhân hậu” những con người biết dừng lại, biết cúi xuống và biết hành động bằng cả trái tim yêu thương thực sự.

1. Người Samari là Biểu tượng của lòng thương xót

Câu chuyện bắt đầu bằng một bi kịch: một người bị đánh cướp, bị đánh đập, bị bỏ mặc bên vệ đường. Bi kịch ấy không chỉ là một hình ảnh xảy ra trên một con đường hoang vắng từ Giêrusalem xuống Giêricô, mà là hình ảnh của biết bao phận người bị tổn thương, bị quên lãng và bị loại trừ trong xã hội hôm nay.

Người Samari nhân hậu đã dừng lại. Chính hành động “dừng lại” là khởi đầu của lòng thương xót. Người ấy không quay lưng, không biện minh, không sợ hãi liên lụy hay thiệt hại, mà chạnh lòng thương rồi bước tới. Người ấy không hỏi nạn nhân là ai, đến từ đâu, có xứng đáng hay không, mà chỉ đơn giản thấy một con người đau khổ cần được giúp đỡ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể yêu thương bằng lời nói suông. Yêu thương đòi phải hành động, phải hy sinh, phải sẵn sàng cúi xuống và chạm vào những vết thương của con người.”

Người Samari nhân hậu là hình ảnh của tình yêu vô điều kiện, là hiện thân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

2. Những “Vệ Đường” của thời đại hôm nay

Giữa nhịp sống hối hả và ồn ào của xã hội hôm nay, có những con người âm thầm tồn tại bên lề cuộc đời chúng ta: đó là những người nghèo khổ, bệnh tật, không nơi nương tựa. Họ là hình ảnh sống động của người nằm bên “vệ đường” trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu, là những mảnh đời bị bỏ quên, đôi khi ngay trong chính cộng đoàn của chúng ta.

Có những cụ già đơn côi, sống lặng lẽ trong những căn nhà trống vắng, ngày qua ngày chỉ có tiếng thở dài làm bạn. Có những người bệnh tật không người thăm viếng, không ai bận tâm, không ai cưu mang. Có những gia đình sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn cả cơm ăn áo mặc, con trẻ thất học, không ai đoái hoài. Như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng:“Khi chúng ta làm ngơ trước người nghèo, chúng ta không chỉ quay lưng với anh chị em mình, mà còn quay lưng với chính Chúa Kitô.” Nỗi đau lớn nhất của những con người ấy không phải chỉ là thiếu thốn vật chất, mà là sự cô đơn, sự bị lãng quên, bị xem như không còn giá trị trong xã hội.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn đang nằm đó, trong thân phận những người khốn cùng ấy, chờ đợi nơi mỗi người chúng ta một ánh mắt cảm thông, một bàn tay đưa ra, một con tim chạnh lòng thương. Bởi lẽ, phục vụ người nghèo không phải là việc làm từ thiện nhất thời, mà là bổn phận thánh thiêng của đức tin Kitô giáo, và là con đường dẫn chúng ta đến với chính Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Thật vậy, từng nghĩa cử nhỏ bé của chúng ta sẽ làm nên một thế giới nhân ái hơn, một xã hội mà ở đó, không ai bị coi là vô hình hay không đáng được yêu thương và nâng đỡ.

Tuy nhiên, có biết bao con người kêu khóc trong vô vọng mà không ai dừng lại. Bi kịch lớn nhất của xã hội hôm nay không phải là thiếu thốn vật chất, mà là sự vô cảm, là căn bệnh thờ ơ, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là “căn bệnh của nền văn hóa vứt bỏ” một nền văn hóa mà trong đó, người yếu đuối và dễ tổn thương bị coi là vô giá trị. Ngài nói: “Chúng ta đã trở thành một xã hội dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Chúng ta đã đánh mất khả năng khóc thương.”

3. Làm người Samari hôm nay phải biết dừng lại, chạm vào, và trao ban

Trong hành trình đời người, chúng ta thường bị cuốn vào guồng quay hối hả của công việc, của toan tính, của những ước mơ vật chất chóng qua. Giữa nhịp sống ấy, biết bao lần chúng ta đã vô tình bước qua nỗi đau của người khác mà không dừng lại, không nhìn thấy, không chạm vào. Thế nhưng, một đời sống đức tin đích thực luôn mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại trước nỗi đau của anh chị em mình, bởi vì nơi mỗi khuôn mặt nhọc nhằn, mỗi ánh mắt tuyệt vọng, chính Chúa Kitô đang hiện diện, đang mời gọi chúng ta lên đường để yêu thương.

Biết dừng lại thôi chưa đủ. Người Samari nhân hậu mà Tin Mừng kể lại không chỉ dừng bước, nhưng còn can đảm cúi xuống, chạm vào những vết thương của người anh em bất hạnh, bất chấp những nguy hiểm, bất chấp sự dơ bẩn hay tốn kém. Đó là hình ảnh của lòng thương xót đích thực, lòng thương xót không dừng lại ở cảm xúc, nhưng thúc đẩy hành động. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hôm nay hãy dám chạm vào những vết thương của tha nhân: đó có thể là nỗi cô đơn, sự thất vọng, những tổn thương tinh thần hay những cảnh đời rách nát, mà biết bao người xung quanh ta đang âm thầm mang lấy.

Và hơn thế nữa, đời sống Kitô hữu đòi hỏi chúng ta biết trao ban: trao ban không chỉ là của cải vật chất, mà còn là một ánh mắt cảm thông, một nụ cười nâng đỡ, một lời hỏi thăm chân thành, một bàn tay đưa ra đúng lúc, và nhất là một tấm lòng bao dung, nhân hậu. Những nghĩa cử nhỏ bé ấy, khi được làm với tình yêu chân thành, sẽ trở thành những hạt giống gieo vào lòng người, làm nảy nở niềm hy vọng, làm bừng sáng khuôn mặt của những ai đang tuyệt vọng trong bóng tối của cuộc đời. Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói: “Chúng ta không thể trở nên Kitô hữu mà không cúi xuống trước tha nhân, mà không biết xót thương, mà không biết trao đi một phần cuộc đời mình cho người khác.” Bởi không ai trong chúng ta quá nghèo để không thể chia sẻ điều gì đó. Không ai quá nhỏ bé để không thể trở nên dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa.

4. Xã hội hôm nay rất cần những người Samari

Nếu mỗi người chúng ta biết trở thành một người Samari nhân hậu, dù chỉ trong phạm vi nhỏ bé của gia đình, giáo xứ hay công việc hằng ngày, thì thế giới này chắc chắn sẽ trở nên nhân ái, ấm áp và đáng sống biết bao. Bởi lẽ, lòng thương xót không cần những hành động vĩ đại, mà bắt đầu từ những nghĩa cử âm thầm và khiêm tốn, từ những trái tim biết dừng lại, biết lắng nghe và biết yêu thương.

Đó có thể là một người cha, người mẹ, giữa bao bộn bề của cuộc sống, vẫn biết dừng lại để lắng nghe nỗi đau thầm kín, những lo lắng và khát khao chưa thành lời của con cái, để đồng hành và nâng đỡ các em lớn lên trong sự an toàn và yêu thương.

Đó có thể là một người trẻ, giữa những guồng quay hối hả của học hành, công việc và mạng xã hội, vẫn biết chạm đến nỗi cô đơn của bạn bè, để không ai phải sống trong sự lạc lõng, bị lãng quên hay tuyệt vọng.

Đó cũng là một cộng đoàn Kitô hữu, biết mở lòng đón nhận những người nghèo, những ai bị loại trừ, những người lầm lỡ, để họ không còn cảm thấy mình bị bỏ rơi bên lề xã hội, nhưng được yêu thương, được trân trọng như anh chị em đích thực.

Chính trong những nghĩa cử nhỏ bé ấy, chúng ta đang tiếp nối sứ mạng yêu thương của Đức Kitô - “Đấng Samari” vĩ đại nhất của nhân loại. Người đã không ngại cúi xuống trên những mảnh đời thương tích, để xoa dịu, chữa lành và phục hồi phẩm giá cho con người. Và Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay:” Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37). Lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu không chỉ là phần kết của dụ ngôn Người Samari nhân hậu, mà còn là một kim chỉ nam cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Đó không phải là một lời nhắc nhở chung chung, nhưng là một mệnh lệnh khẩn thiết, thôi thúc từng con tim bước ra khỏi sự thờ ơ, ích kỷ và khép kín để sống trọn vẹn ơn gọi yêu thương và phục vụ.

Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta phải làm những việc vĩ đại hay tạo nên những dấu ấn lẫy lừng. Người chỉ mời gọi chúng ta biết dừng lại, biết chạnh lòng thương, và biết cúi xuống trên những đau khổ, tổn thương của anh chị em mình. Đó có thể là một người thân trong gia đình đang cô đơn, một người hàng xóm đang thất vọng, một người nghèo khó bên vệ đường, một ai đó đang gục ngã vì tuyệt vọng hay lầm lỡ.

Mỗi ánh mắt cảm thông, mỗi lời an ủi chân thành, mỗi bàn tay nâng đỡ kịp thời… dù nhỏ bé đến đâu, đều là những bước chân ta tiến gần hơn tới Chúa. Như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã từng nói: “Không ai quá nghèo đến mức không có gì để trao tặng cho người khác.” Bởi vậy, chúng ta đều có thể cho đi: một nụ cười, một lời cầu nguyện, một cử chỉ yêu thương, và đó chính là con đường để sống lòng thương xót trong đời thường.

Ước gì sứ điệp Lời Chúa trong dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” đánh động và làm bừng cháy trái tim chúng ta, để chúng ta không chỉ nghe và suy nghĩ, nhưng còn đứng dậy, lên đường và hành động, trở thành những người Samari nhân hậu của thời đại hôm nay, để từng bước chân ta đi là từng bước gieo yêu thương, dựng xây hy vọng và làm sáng danh Thiên Chúa.

Lm. Từ Tâm

Ban Truyền Thông Giáo Phận Thanh Hoá