HÃY ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Thật tình tha thứ cho nhau với tất cả lòng quảng đại trong tươi vui và không giới hạn, bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của báo oán, đập tan xích xiềng của thù hận, phá hủy nhà tù của oán hờn và giận dữ... Đó là lời kêu mời mà Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội nhắn gửi chúng ta qua các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật 24 Thường Niên hôm nay.
Xin được khởi đầu bài chia sẻ hôm nay, khởi đi từ một câu chuyện:
Có hai người bạn đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kìm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời
Anh viết trên cát:
- Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.
Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị chuột rút và suýt chết đuối may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá:
- Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi. Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh tại viết trên đá?
Mỉm cười, anh trả lời:
- Khi một người nào đó làm chúng ta đau, chúng ta hay viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ. . . Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta nên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được.
Ngang qua câu chuyện trên và đọc trang Tin Mừng của thánh Matthêu về dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót được mở ra từ vấn đề thánh Phêrô đặt ra: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không?" ( Mt 18,21). Đức Giêsu đã trả lời bằng câu chuyện người đầy tớ không thể trả nợ được. Dụ ngôn thật rõ ràng: chúng ta mắc nợ Thiên Chúa rất nhiều. Chúng ta nợ Ngài tất cả. Như thế chúng ta phải làm cho những người khác như Cha chúng ta đã làm cho chúng ta. Sự tha thứ không chỉ là điều kiện mà còn là yếu tố chính trong đời sống của những người con cái Chúa. Vì thế Đức Giêsu buộc thánh Phêrô phải tha thứ không ngừng, hoàn toàn trái ngược với hành động của những người chỉ muốn báo thù mà thôi ( St 4,24).
Con người không biết tha thứ cho anh chị em, đối xử với anh chị em tàn tệ là tự chuốc lấy cho mình cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta. Còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn như Ta đã thương ngươi?” ( Mt 18,32-33 ).
Và Chúa kết luận: “Vậy Cha Ta trên trời cũng cư xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” ( Mt 18,35 ). Từ chối tha thứ cho anh chị em là ngăn chặn ơn tha thứ đang dạt dào tuôn chảy vào tâm hồn mình vậy : "Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại, chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết (Rm 14,7-9). Cuộc sống mới trong tình yêu này đòi buộc mỗi Kitô hữu phải biết liên kết với Thiên Chúa và nhất là với anh em mình. Sự hiệp thông do liên kết sẽ là động lực để mỗi Kitô hữu hướng đến anh em mình, quan tâm đến họ, và tất nhiên tha thứ cho họ, vì không thể có hiệp thông khi còn xa cách, tách rẽ và thù hận lẫn nhau.
Trong đời sống thực tế, muốn nhận sự tha thứ thì hãy biết quên đi những lỗi lầm của anh chị em. Đừng nhắc đi nhắc lại, đừng nhớ dai. Chuyện ngày xửa ngày xưa, từ đời tam đại… khi vui thuận vợ thuận chồng thì không nói, khi không bằng lòng nhau thì lôi chuyện cũ ra xào nấu lại làm cho nhau đau khổ. Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì chúng ta cũng biết tha thứ cho nhau, vì “nếu Chúa ghi nhớ tội khiên thì nào ai rỗi được” (Tv 51)
Trong một thế giới mang tính toàn cầu hiện nay, con người không thể sống đơn độc trong những ốc đảo của mình mà phải xây dựng nhiều mối quan hệ với những người khác. Dù là đoàn thể xã hội hay tôn giáo, ý nghĩa cộng đoàn luôn luôn là ý nghĩa chủ đạo cho mọi ràng buộc, mọi xây dựng những giá trị tốt đẹp, mà cả sự sống còn nữa. Muốn xây dựng cộng đoàn người ta phải có chung mục tiêu tốt đẹp. Mục tiêu này đòi hỏi mọi thành viên gắn bó trong tình yêu và không chấp nhận bất cứ một rạn nứt hay sự chia cắt nào. Nếu có những bóng mây mờ của giận hờn, ghen ghét, thù oán xuất hiện, chúng phải bị xua tan đi tức khắc để trả lại ánh sáng của chan hòa yêu thương. Có nhiều phương cách để tái lập mối quan hệ tốt đẹp đó. Một trong những phương cách đó là THA THỨ. Ước gì mỗi người chúng ta khi đón nhận lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa, chúng ta cũng biết thương xót và tha thứ cho anh chị em mình. Điều gì tốt thì khắc trên đá để không phai, còn điều gì xấu thì viết trên cát để gió cuốn đi.
LM. Joseph Phan Cảnh