GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM B – LỄ CHÚA KITÔ VUA

21/11/2024
154

WHĐ (21/11/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 34 Thường niên – lễ Chúa Kitô Vua năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 440, 446-451, 668-672, 783, 786, 908, 2105, 2628: Đức Kitô là Chúa và là Vua

Số 678-679, 1001, 1038-1041: Đức Kitô là Thẩm phán

Số 2816-2821: “Nước Cha trị đến”

Bài Ðọc I: Ðn 7, 13-14

Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8

Phúc Âm: Ga 18, 33b-37

 

Số 440, 446-451, 668-672, 783, 786, 908, 2105, 2628: Đức Kitô là Chúa và là Vua

Số 440. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người”[1]. Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền Messia của Người, vừa trong căn tính siêu việt của Con Người, “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,l3)[2], vừa trong sứ vụ cứu chuộc của Người với tư cách là Người Tôi trung đau khổ: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)[3]. Do đó ý nghĩa đích thực của vương quyền Người chỉ được biểu lộ cách tột đỉnh trên Thập Giá.[4] Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

Số 446. Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen[5], được dịch là Kyrios (“Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa[6].

Số 447. Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[7], nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[8]. Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Số 448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[9]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[10]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).

Số 449. Khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu[11] rằng quyền năng, danh dự và vinh quang thuộc về Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu[12], bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), và bởi vì Chúa Cha đã làm tỏ hiện quyền chủ tể này của Chúa Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và tôn dương Người trong vinh quang của Ngài[13].

Số 450. Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử[14] cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô: Hoàng đế Cêsar không phải là “Chúa”[15]. Hội Thánh “tin rằng mình gặp được chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại nơi Chúa và Thầy của mình”[16].

Số 451. Kinh nguyện Kitô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maran atha” (“Chúa đến!”) hoặc “Marana tha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (l Cr l6,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

Số 668. “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Việc Đức Kitô lên trời cho thấy nhân tính của Người cũng được tham dự vào quyền năng và uy quyền của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Chúa: Người nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất. Người “vượt trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được” vì Chúa Cha “đã đặt tất cả dưới chân Người” (Ep 1,20-22). Đức Kitô là Chúa của tất cả vũ trụ[17] và của lịch sử. Nơi Người, lịch sử của con người, kể cả toàn bộ công trình tạo dựng, tìm gặp được “nơi quy tụ” của mình[18], tột đỉnh siêu việt của mình.

Số 669. Là Chúa, Đức Kitô cũng là Đầu Hội Thánh, Thân Thể của Người[19]. Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần[20]. “Nước của Đức Kitô đã hiện diện một cách mầu nhiệm”[21] trong Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế”[22].

Số 670. Khởi từ cuộc Thăng Thiên, kế hoạch của Thiên Chúa bước vào giai đoạn hoàn thành. Chúng ta đang sống trong “giờ cuối cùng” (1 Ga 2,18)[23]. “Quả vậy, những thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta và sự canh tân trần gian đã được thiết lập một cách không thể đảo ngược, và trong thời đại này sự canh tân đó đã được tiền dự một cách hiện thực nào đó: thật vậy, Hội Thánh nơi trần gian được ghi dấu bằng sự thánh thiện thật, tuy còn bất toàn”[24]. Nước Đức Kitô đã biểu lộ sự hiện diện của mình nhờ những dấu chỉ kỳ diệu[25] đi kèm theo việc loan báo Nước đó nhờ Hội Thánh[26].

... cho tới khi mọi sự quy phục Người

Số 671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[27] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[28], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[29], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[30]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[31], để Đức Kitô mau lại đến[32], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[33].

Số 672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[34], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[35], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[36], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[37] và bằng sự thử thách của sự dữ[38], thời gian này không buông tha Hội Thánh[39], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[40]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[41].

Số 783. Chúa Cha đã dùng Thánh Thần xức dầu và thiết đặt Chúa Giêsu Kitô làm “Tư tế, Tiên tri và Vương đế”. Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng này của Đức Kitô và lãnh trách nhiệm về sứ vụ và về sự phục vụ, xuất phát từ ba chức năng đó[42].

Số 786. Cuối cùng, dân Thiên Chúa được tham dự vào chức năng vương đế của Đức Kitô. Đức Kitô thực thi quyền vương đế của Người khi Người lôi kéo mọi người đến với mình qua cái Chết và sự Sống lại của Người[43]. Đức Kitô, là Vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở nên tôi tớ mọi người, vì “Người đến không phải để được người ta phục vu, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đối với Kitô hữu, “cai trị là phục vụ” Đức Kitô[44]; Hội Thánh đặc biệt “nhận ra trong những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình”[45]. Dân Thiên Chúa thực hiện “phẩm giá vương đế” của mình khi sống theo ơn gọi phục vụ cùng với Đức Kitô.

“Quả thật, tất cả những người được tái sinh trong Đức Kitô, dau thánh giá làm cho họ trở thành Vua, việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần thánh hiến họ làm tư tế, để, ngoại trừ sự phục vụ đặc biệt của thừa tác vụ của chúng tôi, tất cả các Kitô hữu có tinh thần và có lý trí đều nhận ra mình thuộc dòng dõi vương đế và có chức vụ tư tế. Thật vậy, có gì mang tính vương đế đối với một tâm hồn cho bằng hướng dẫn thân xác mình quy phục Thiên Chúa? Và có gì mang tính tư tế cho bằng dâng lên Chúa một lương tâm trong sạch và dâng những lễ vật tinh tuyền của lòng đạo hạnh trên bàn thờ của trái tim?”[46]

Số 908. Đức Kitô, nhờ việc Người vâng phục cho đến chết[47], đã truyền thông cho các môn đệ của Người hồng ân là sự tự do vương đế để “bằng sự từ bỏ mình và bằng đời sống thánh thiện, họ có thể chiến thắng vương quốc của tội lỗi nơi chính bản thân họ”[48].

“Bất cứ ai chế ngự được thân xác mình và làm chủ bản thân một cách năng động thích hợp, không để linh hồn mình bị khích động bởi các đam mê, thì, vì kiềm chế tốt bản thân bằng một loại quyền năng vương đế, người đó được gọi là vua, người đó biết cai trị bản thân và là thẩm phán của mình, không bị lôi cuốn vào tội lỗi mà thành nô lệ”[49].

Số 2105. Bổn phận phải dành cho Thiên Chúa sự tôn thờ đích thực liên quan đến con người xét theo cá nhân cũng như xã hội. Đây là “đạo lý truyền thống công giáo về bổn phận luân lý của con người và của xã hội đối với tôn giáo thật và Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô”[50]. Khi không ngừng loan báo Tin Mừng cho con người, Hội Thánh cố gắng làm sao để con người “có thể làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhuần vào các tâm trí, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống”[51]. Bổn phận xã hội của các Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi người tình yêu đối với chân lý và điều thiện hảo. Bổn phận này buộc họ phải truyền bá nền phượng tự của tôn giáo duy nhất và chân thật, đang tồn tại trong Hội Thánh công giáo và tông truyền[52]. Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế gian[53]. Nhờ đó, Hội Thánh bày tỏ vương quyền của Đức Kitô trên vạn vật, đặc biệt là trên các xã hội loài người[54].

Số 2628. Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người nhìn nhận mình là thụ tạo trước Đấng Tạo Hoá của mình. Thờ lạy là tán dương sự cao cả của Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta[55] và sự toàn năng của Đấng cứu độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Thờ lạy là phủ phục tinh thần trước “Đức Vua vinh quang”[56], và là lặng thinh kính cẩn trước Thiên Chúa, Đấng “luôn luôn cao cả hơn”[57]. Việc thờ lạy Thiên Chúa muôn trùng chí thánh và đáng mến vô cùng làm cho lòng ta khiêm tốn và đem lại sự bảo đảm cho những lời cầu khẩn của chúng ta.

 

Số 678-679, 1001, 1038-1041: Đức Kitô là Thẩm phán

Số 678. Chúa Giêsu, sau các Tiên tri[58] và ông Gioan Tẩy Giả[59], trong lời rao giảng của mình, đã loan báo cuộc Phán Xét vào ngày tận thế. Lúc đó những cách sống của mỗi người[60] và sự kín nhiệm trong các tâm hồn[61] được đưa ra ánh sáng. Lúc đó tội cứng lòng tin, tức là tội coi thường ân sủng do Thiên Chúa ban, sẽ bị kết án[62]. Cách đối xử với đồng loại sẽ biểu lộ là người ta đã đón nhận hay đã từ chối ân sủng và tình yêu Thiên Chúa[63]. Chúa Giêsu sẽ phán trong ngày tận thế: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Số 679. Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu. Thẩm quyền đầy đủ để xét xử một cách vĩnh viễn về các công việc và các tâm hồn của mọi người là thuộc về Người, với tư cách là Đấng Cứu Chuộc trần gian. Người “đã đạt được” quyền này nhờ thập giá của Người. Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5,22)[64]. Nhưng Chúa Con không đến để xét xử, mà để cứu độ[65], và để ban sự sống Người có nơi chính mình[66]. Qua việc từ chối ân sủng khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình[67], lãnh nhận tuỳ theo các công việc của mình[68], và cũng có thể tự kết án mình muôn đời khi từ chối Thần Khí tình yêu[69].

Số 1001. Khi nào phục sinh? Một cách vĩnh viễn, “trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40.44.54; 11,24); “ngày tận thế”[70]. Quả vậy, sự phục sinh của những người chết được gắn liền với cuộc Quang lâm của Đức Kitô:

“Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên” (l Tx 4,16).

Số 1038. Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng … Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).

Số 1039. Đối diện với Đức Kitô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn[71]. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:

“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)…. Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt ho làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta”[72].

Số 1040. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết[73].

Số 1041. Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).

 

Số 2816-2821: “Nước Cha trị đến”

Số 2816. Trong Tân Ước, cùng một từ Basileia có thể dịch là “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “nước” (danh từ cụ thể) hay “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người:

“Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta. Đàng khác, cũng như Người là sự phục sinh bởi vì chúng ta được sống lại trong Người, thì cũng vậy, Người có thể được hiểu là Nước Thiên Chúa bởi vì chúng ta sẽ được hiển trị trong Người”[74].

Số 2817. Lời cầu xin này là lời “Marana tha”, là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”:

“Giả như lời cầu xin này không đòi buộc phải van xin Nước Chúa mau đến đi nữa, thì chúng ta cũng bị thúc giục kêu gào điều đó vì muốn ôm lấy niềm hy vọng của chúng ta. Linh hồn các vị tử đạo nằm dưới bàn thờ lớn tiếng kêu lên Chúa: ‘Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?’ (Kh 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Chúa, nguyện Nước Chúa mau đến”[75].

Số 2818. Trong Kinh Lạy Cha, vấn đề chủ yếu là việc Nước Thiên Chúa đến cách chung cuộc lúc Đức Kitô trở lại[76]. Nhưng ước muốn này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng của mình ở trần gian, trái lại càng thúc giục Hội Thánh dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày lễ Ngũ Tuần, cuộc Ngự đến của Nước Thiên Chúa là công trình của Thần Khí Chúa, Đấng kiện toàn công trình của Đức Kitô nơi trần gian và hoàn tất công việc thánh hóa[77].

Số 2819. “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Thời cuối cùng, mà chúng ta đang sống, là thời kỳ tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Kể từ đó, cuộc chiến đấu quyết định giữa “xác thịt” và Thần Khí đã khởi đầu[78]:

“Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phaolô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6,12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’”[79].

Số 2820. Trong sự phân định theo Thần Khí, các Kitô hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa với sự tiến bộ của văn hóa và xã hội họ đang sống. Sự phân biệt này không phải là tách biệt. Ơn gọi của con người vào sự sống muôn đời không bãi bỏ nhưng củng cố nhiệm vụ của họ là phải sử dụng các năng lực và phương tiện do Đấng Tạo Hóa ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian[80].

Số 2821. Lời cầu xin này được nâng đỡ và đoái nhận trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu[81], vốn hiện diện và hữu hiệu trong bí tích Thánh Thể; lời cầu nguyện này mang lại hoa trái trong đời sống mới theo các mối phúc[82].

 

Bài Ðọc I: Ðn 7, 13-14

“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai.

Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa.

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở.

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai.

 

Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8

“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.

Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 11,10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến! - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 18, 33b-37

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”

Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do Thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.

Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”

Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.

Ðó là lời Chúa.

_______

[1] X. Mt 16,16-23.

[2] X. Ga 6,62; Đn 7,13.

[3] X. Is 53,10-12.

[4] X. Ga 19,19-22; Lc 23,39-43.

[5] X. Xh 3,14.

[6] X. 1 Cr 2,8.

[7] X. Mt 22,41-46; Cv 2,34-36; Dt 1,13.

[8] X. Ga 13,13.

[9] X. Mt 8,2; 14,30; 15,22.

[10] X. Lc 1,43; 2,11.

[11] X. Cv 2,34-36.

[12] X. Rm 9,5; Tt 2,13; Kh 5,13.

[13] X. Rm 10,9; 1 Cr 12,3; Pl 2,9-11.

[14] X. Kh 11,15.

[15] X. Mc 12,17; Cv 5,29.

[16] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 10: AAS 58 (1966) 1033; x. Ibid., 45: AAS 58 (1966) 1066.

[17] X. Ep 4,10; 1 Cr 15,24.27-28.

[18] X. Ep 1,10.

[19] X. Ep 1,22.

[20] X. Ep 4,11-13.

[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[22] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[23] X. 1 Pr 4,7.

[24] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[25] X. Mc 16,17-18.

[26] X. Mc 16,20.

[27] X. Mt 25,31.

[28] X. 2 Tx 2,7.

[29] X. 1 Cr 15,28.

[30] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[31] X. 1 Cr 11,26.

[32] X. 2 Pr 3,11-12.

[33] X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.

[34] X. Cv 1,6-7.

[35] X. Is 11,1-9.

[36] X. Cv 1,8.

[37] X. 1 Cr 7,26.

[38] X. Ep 5,16.

[39] X. 1 Pr 4,17.

[40] X. 1 Ga 2,18; 4,3; 1 Tm 4,1.

[41] X. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37.

[42] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Hominis 18-21: AAS 71 (1979) 301-320.

[43] X. Ga 12,32.

[44] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.

[45] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[46] Thánh Lêô Cả, Sermo 4, 1: CCL 138, 16-17 (PL 54, 149).

[47] X. Pl 2,8-9.

[48] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.

[49] Thánh Ambrôsiô, Expositio psalmi CXVIII, 14, 30: CSEL 62, 318 (PL 15, 1476).

[50] CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930.

[51] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13: AAS 58 (1966) 849.

[52] X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930.

[53] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13: AAS 58 (1966) 850.

[54] X. ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Immortale Dei : Leonis XIII Acta, 5, 118-150; ĐGH Piô XI, Thông điệp Quas primas: AAS 17 (1925) 593-610.

[55] X. Tv 95,1-6.

[56] X. Tv 24,9-10.

[57] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 62, 16: CCL 39, 804 (PL 36, 758).

[58] X. Đn 7,10; Ge 3,4; Ml 3,19.

[59] X. Mt 3,7-12.

[60] X. Mc 12,38-40.

[61] X. Lc 12,1-3; Ga 3,20-21; Rm 2,16; 1 Cr 4,5.

[62] X. Mt 11,20-24; 12,41-42.

[63] X. Mt 5,22; 7,1-5.

[64] X. Ga 5,27; Mt 25,31; Cv 10,42; 17,31; 2 Tm 4,1.

[65] X. Ga 3,17.

[66] X. Ga 5,26.

[67] X. Ga 3,18;12,48.

[68] X. 1 Cr 3,12-15.

[69] X. Mt 12,32; Dt 6,4-6; 10,26-31.

[70] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 54.

[71] X. Ga 12,48.

[72] Thánh Augustinô, Sermo 18, 4, 4: CCL 41, 247-249 (PL 38, 130-131).

[73] X. Dc 8,6.

[74] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 13: CCL 3A, 97 (PL 4, 545).

[75] Tertullianô, De oratione, 5, 2-4: CCL 1, 260 (PL 1, 1261-1262).

[76] X. Tt 2,13.

[77] X. Kinh Nguyện Thánh Thể IV, 118: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 468.

[78] X. Ga 5,16-25.

[79] Thánh Cyrillô Giêrusalem, Catecheses mystagogicae, 5, 13: SC 126, 162 (PG 33, 1120).

[80] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22: AAS 58 (1966) 1042-1044; Ibid., 32: AAS 58 (1966) 1051; Ibid., 39: AAS 58 (1966) 1057; Ibid., 45: AAS 58 (1966) 1065-1066; ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 31: AAS 68 (1976) 26-27.

[81] X. Ga 17,17-20.

[82] X. Mt 5,13-16; 6,24; 7,12-13.

Nguồn: hdgmvietnam.com