WHĐ (07/11/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 32 Thường niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 519-521: Đức Kitô đã hiến mạng sống vì chúng ta Số 2544-2547: Tâm hồn nghèo khó Số 1434, 1438, 1753, 1969, 2447: Bố thí |
Số 519-521: Đức Kitô đã hiến mạng sống vì chúng ta
Số 519. Mọi sự phong phú của Đức Kitô là dành cho mọi người và là tài sản của mọi người[1]. Đức Kitô không sống cho bản thân Người, nhưng cho chúng ta, từ lúc Người nhập thể “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”[2], cho đến khi Người chịu chết “vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15,3) và sống lại “để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Cả bây giờ nữa, Người vẫn là trạng sư của chúng ta “trước mặt Chúa Cha” (1 Ga 2,1), “vì Người hằng sống để chuyển cầu” cho chúng ta (Dt 7,25). Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24) đến muôn đời.
Số 520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[3]: chính Người là “con người hoàn hảo”[4], Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[5]; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[6]; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[7].
Số 521. Tất cả những gì chính Người đã sống, Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta. “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người”[8]. Chúng ta được kêu gọi nên một với Người; chính Người làm cho chúng ta, với tư cách là những chi thể của Thân Thể Người, được hiệp thông với những gì Người đã sống trong thân thể Người vì chúng ta và nên như mẫu mực cho chúng ta:
Chúng ta phải tiếp nối và hoàn thành nơi bản thân chúng ta các giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Người, và thường xuyên cầu xin… để Người hoàn tất và kiện toàn những điều ấy trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người…. Vì Con Thiên Chúa có ý truyền thông, mở rộng và tiếp tục các mầu nhiệm của Người trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người,… hoặc bằng các ân sủng Người quyết định ban cho chúng ta hoặc bằng những hiệu quả Người muốn thực hiện nơi chúng ta qua các mầu nhiệm ấy. Bằng cách này, Người muốn hoàn tất các mầu nhiệm của Người trong chúng ta[9].
Số 2544-2547: Tâm hồn nghèo khó
Số 2544. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi sự và mọi người, và mời gọi họ từ bỏ “mọi sự họ có”[10] vì Người và vì Tin Mừng[11]. Trước cuộc khổ nạn của Người ít lâu, Người đã cho họ gương bà góa nghèo ở Giêrusalem, bà này, trong cảnh túng cực của mình, đã cho đi tất cả những gì bà có để sống[12]. Lệnh truyền giữ trái tim tự do đối với của cải là bắt buộc để vào được Nước Trời.
Số 2545. Mọi Kitô hữu phải “điều khiển các tình cảm của mình cách đúng đắn, kẻo việc sử dụng của cải trần gian và sự gắn bó với sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, cản trở họ theo đuổi sự trọn hảo của đức mến”[13].
Số 2546. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Các mối phúc cho chúng ta thấy trật tự của hạnh phúc và ân sủng, của vẻ đẹp và sự bình an. Chúa Giêsu tán dương niềm vui của những người nghèo, Nước Trời đã là của họ[14]:
“Tôi thấy Ngôi Lời gọi sự khiêm tốn tự nguyện của tâm hồn là ‘sự nghèo khó trong tinh thần’, và thánh Tông Đồ nêu lên cho chúng ta tấm gương nghèo khó của Thiên Chúa, khi ngài nói: ‘Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em’ (2 Cr 8,9)”[15].
Số 2547. Chúa khóc thương những người giàu có, bởi vì họ đã được an ủi[16] trong của cải dư dật. “Kẻ kiêu căng tìm kiếm và yêu thích các nước trần gian, còn: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”[17]. Việc phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai. Sự tín thác vào Thiên Chúa chuẩn bị cho việc hưởng vinh phúc của những người nghèo[18]. Họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.
Số 1434, 1438, 1753, 1969, 2447: Bố thí
Số 1434. Việc thống hối nội tâm của Kitô hữu có thể được biểu lộ bằng nhiều cách rất khác nhau. Kinh Thánh và các Giáo phụ nhấn mạnh nhất ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí[19] là những cách diễn tả sự hối cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Bên cạnh sự thanh tẩy triệt để bằng bí tích Rửa Tội hoặc bằng việc tử đạo, các ngài còn nói đến những phương thế để đạt được ơn tha thứ tội lỗi, đó là cố gắng giao hoà với anh em, những giọt lệ thống hối, chăm lo cho ơn cứu độ của tha nhân[20], khẩn cầu các thánh và thực hành bác ái, “vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).
Số 1438. Những thời gian và những ngày thống hối trong năm phụng vụ (mùa Chay, mỗi ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa chịu chết), là những thời điểm đặc biệt để thực hành việc thống hối trong Hội Thánh[21]. Những thời gian này đặc biệt thích hợp cho các cuộc linh thao, các buổi cử hành phụng vụ thống hối, các cuộc hành hương thống hối, những việc hãm mình tự nguyện như giữ chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ (các công tác từ thiện và truyền giáo).
Số 1753. Một ý hướng tốt (thí dụ: giúp đỡ người lân cận) không thể làm cho một hành động tự nó là sai trái (như nói dối, nói xấu), trở thành tốt hay đúng. Mục đích không biện minh cho các phương tiện. Như vậy việc kết án người vô tội không thể được biện minh như một phương tiện hợp pháp để cứu dân. Trái lại, một ý hướng xấu được thêm vào (như tìm hư danh) có thể làm cho một hành vi tự nó có thể là tốt (như việc bố thí[22]) trở thành xấu.
Số 1969. Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy”.[23] Lời cầu nguyện của Luật mới là kinh “Lạy Cha”[24].
Số 2474. Hội Thánh hết sức quan tâm thu thập các kỷ niệm về những vị đã làm chứng cho đức tin của mình cho đến cùng. Đó là Hạnh các vị Tử Đạo. Các hạnh này là những văn thư lưu trữ về Chân Lý được viết bằng máu:
“Những lãnh địa trần gian và các vương quốc đời này không ích gì cho tôi. Đối với tôi, thà chết trong Đức Kitô Giêsu, còn hơn được thống trị các lãnh địa của trái đất này. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã sống lại vì chúng ta. Tôi sắp được sinh ra…”[25].
“Con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã xét con xứng đáng với ngày này và giờ này, để con được dự phần vào số các vị tử đạo…. Chúa đã thực hiện lời Chúa hứa, lạy Thiên Chúa, Đấng trung tín và không biết nói dối. Vì hồng ân này và vì tất cả mọi sự, con ngợi khen Chúa, con chúc tụng Chúa, con tôn vinh Chúa nhờ vị Thượng Tế vĩnh hằng trên trời là Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa. Nhờ Người, con tôn vinh Chúa cùng với Người trong Chúa Thánh Thần, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”[26].
Số 2581-2584: Êlia và việc hối cải tâm hồn
Số 2581. Đối với dân Thiên Chúa, Đền thờ là nơi dạy cho họ biết cầu nguyện: các cuộc hành hương, các lễ hội, hy tế, lễ dâng ban chiều, dâng hương, bánh “trưng hiến”, tất cả những dấu chỉ này về sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa Tối Cao nhưng rất gần gũi, đều là những lời mời gọi và là những nẻo đường đưa đến việc cầu nguyện. Nhưng thái độ quá chuộng nghi lễ thường lôi kéo dân đến một cách thờ phượng quá bề ngoài. Việc giáo dục đức tin và hối cải tâm hồn là cần thiết. Đó là sứ vụ của các tiên tri trước và sau thời lưu đày.
Số 2582. Êlia là tổ phụ của các tiên tri, thuộc dòng dõi những kẻ tìm kiếm Ngài, những kẻ tìm kiếm tôn nhan Ngài[27]. Tên của ông, có nghĩa “Chúa là Thiên Chúa của tôi”, tiên báo tiếng hô của dân đáp lại lời cầu nguyện của ông trên núi Carmel[28]. Thánh Giacôbê nhắc đến gương ông Êlia để khích lệ chúng ta cầu nguyện: “Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16)[29].
Số 2583. Sau khi học biết thương xót lúc ẩn mình tại suối Charith, ông Êlia dạy cho bà góa ở Sarepta tin vào lời Thiên Chúa và củng cố đức tin của bà bằng lời cầu nguyện tha thiết của ông: Thiên Chúa đã làm cho con trai bà goá sống lại[30].
Khi ông Êlia dâng hy lễ trên núi Carmel, đó là lúc thử thách quyết liệt đối với đức tin của dân Thiên Chúa, thì lửa của Chúa đã thiêu hủy của lễ toàn thiêu “vào giờ người ta hiến dâng của lễ ban chiều” nhờ lời khẩn cầu của ông Êlia: “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37). Các phụng vụ Đông phương đã dùng lại lời khẩn cầu này của ông Êlia trong kinh Khẩn nguyện xin ban Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong thánh lễ[31].
Sau cùng, trở lại hoang địa, đến nơi Thiên Chúa hằng sống và chân thật đã tỏ mình ra cho dân Ngài, ông Êlia ẩn mình, như ông Môisen, “trong một hang đá” cho tới khi sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa “đi qua”[32]. Nhưng chỉ trên núi Hiển Dung, Đấng mà ông Môisen và ông Êlia đã tìm kiếm tôn nhan, mới được tỏ lộ[33]: các ông nhận ra vinh quang của Thiên Chúa nơi tôn nhan Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh[34].
Số 2584. Trong những lúc “riêng một mình với Thiên Chúa”, các tiên tri múc được ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Việc cầu nguyện của các ông không phải là chạy trốn thế giới bất trung, nhưng là lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa, luôn luôn chuyển cầu cho dân để chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử[35].
Số 1021-1022: Phán xét riêng
Số 1021. Sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô[36]. Tân Ước nói về sự phán xét chủ yếu trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ sau cùng với Đức Kitô khi Người ngự đến lần thứ hai, nhưng cũng nhiều lần khẳng định sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ. Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô[37], và lời Đức Kitô trên thập giá nói với người trộm lành[38], cũng như những bản văn khác trong Tân Ước[39] nói đến số phận cuối cùng của linh hồn[40], một số phận có thể khác nhau giữa người này với người khác.
Số 1022. Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện[41], hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời[42] hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời[43].
“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu”[44].
Bài Ðọc I: 1V 17, 10-16
“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”.
Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”.
Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất’”.
Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!
Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28
“Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.
Trích thư gửi tín hữu Do Thái.
Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 24, 42a và 44
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 38-44
“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài này: Mc 12, 41-44
“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
Ðó là lời Chúa.
_____
[1] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis, 11: AAS 71 (1979) 278.
[2] Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[3] X. Rm 15,5; Pl 2,5.
[4] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966) 1055.
[5] X. Ga 13,15.
[6] X. Lc 11,1.
[7] X. Mt 5,11-12.
[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.
[9] Thánh Gioan Eudes, Le royaume de Jésus, 3,4: Oeuvres complètes, v.1 (Vannes 1905) 310-311.
[10] X. Lc 14,33.
[11] X. Mc 8,35.
[12] X. Lc 21,4.
[13] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (a965) 49.
[14] X. Lc 6,20.
[15] Thánh Grêgôriô Nyssênô, De beatitudinibus, oratio 1: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger, v. 72 (Leiden 1992) 83 (PG 44, 1200).
[16] X. Lc 6,24.
[17] Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 1, 1. 3: CCL 35, 4 (PL 34, 1232).
[18] X. Mt 6,25-34.
[19] X. Tb 12,8; Mt 6,1-18.
[20] X. Gc 5,20.
[21] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 109-110: AAS 56 (1964) 127; Bộ Giáo Luật, các điều 1249-1253; Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 880-883.
[22] X. Mt 6,2-4.
[23] X. Mt 6,1-6.16-18.
[24] X. Mt 6,9-13.
[25] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Romanos, 6, 1: SC 10bis, 114 (Funk 1, 258-260).
[26] Martyrium Polycarpi, 14, 2-3: SC 10bis, 228 (Funk 1, 330-332).
[27] X. Tv 24,6.
[28] X. 1 V 18,39.
[29] X. Gc 5,16-18.
[30] X. 1 V 17,7-24.
[31] X. 1 V 18,20-39.
[32] X. 1 V 19,1-14; Xh 33,19-23.
[33] X. Lc 9,30-35.
[34] X. 2 Cr 4,6.
[35] X. Am 7,2.5; Is 6,5.8.11; Gr 1,6; 15,15-18; 20,7-18.
[36] X. 2 Tm 1,9-10.
[37] X. Lc 16,22.
[38] X. Lc 23,43.
[39] X. 2 Cr 5,8; Pl 1,23; Dt 9,27; 12,23.
[40] X. Mt 16,26.
[41] X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 856; CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1304; CĐ Triđentinô, Sess. 25a, Decretum de purgatorio: DS 1820.
[42] X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 857; ĐGH Gioan XXII, Tông sắc Ne super his: DS 991; ĐGH Bênêđictô XII, Hiến chế Beneditus Deus: DS 1000-1001; CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1305.
[43] X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 858; ĐGH Bênêđictô XII, Hiến chế Benedictus Deus: DS 1002; CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1306.
[44] Thánh Gioan Thánh Giá, Avisos y sentencias, 57: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 13 (Burgos 1931) 238.
Nguồn: hdgmvietnam.com