ĐẠO LÀM CON – KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

08/02/2024
1605

ĐẠO LÀM CON – KÍNH NHỚ TỔ TIÊN


Kính thưa cộng đoàn,

Người ta kể rằng: có một lần, người cha già 80 tuổi ngồi trên chiếc ghế sô-pha cùng người con trai trí thức 45 tuổi. Đột nhiên có tiếng một con quạ gõ gõ cái mỏ vào ô của sổ của căn nhà.

Người cha già hỏi con trai: “Cái gì vậy?”. Người con trai trả lời: “Một con quạ”.

Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai: “Cái gì vậy?”. Người con trả lời: “Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ”.

Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già lại hỏi: “Cái gì thế?”. Đến lúc này, có chút bực dọc, khó chịu trong giọng điệu của người con trai khi anh ta trả lời cha: “Đó là một con quạ, một con quạ”.

Một lúc lâu sau, người cha lại hỏi con trai cũng vẫn câu hỏi “cái gì thế?”. Lần này người con trai thực sự tức giận hét vào mặt người cha già mà rằng: “Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế hả? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đó chỉ là một con quạ. Cha không hiểu hả?”.

Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau: “Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên chiếc ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn”…

Trong các tình yêu, có lẽ chỉ có tình cha, tình mẹ là bền bỉ, là kiên vững nhất. Tình cha mẹ dành cho con cái mãi mãi như sông ngòi, biển khơi. Nhưng:

"Biển đông còn lúc đầy vơi,

Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng".

Cha mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời mình, chỉ mong cho con cái thành người. Niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của cha mẹ là nhìn thấy sự thành công của con cái. Cho dù có phải vì con mà vất vả lao đao, cha mẹ vẫn không sờn lòng. Cho dù có vì con mà cha mẹ phải hao gầy, cha mẹ vẫn vui khi nhìn thấy con cái lớn khôn mỗi ngày. Chính nhờ ơn cha nghĩa mẹ cao dày như thế, những người con khi đã lớn khôn, thành tài, cần phải dặn lòng:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn

Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con”.

Người tín hữu Công giáo Việt Nam luôn có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình, đó là một truyền thống cao đẹp mà ta cần phải giữ gìn và phát huy. Ngày xuân, ngày tết lại là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình. Chính vì thế, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày mồng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của các ngài, chúng ta tỏ lòng biết ơn các ngài và chân thành tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của các ngài:

Con ơi giữ lấy lời cha

Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm

Đèn soi trong chốn tối tăm

Ấy  là chính những lời răn lệnh truyền

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên

Khắc ghi công đức một niềm tri ân.

Tết đến, xuân về là dịp để gia đình đoàn tụ, là lúc mọi thành phần trong gia đình tỏ tình liên đới ruột thịt với nhau. Cho nên dù sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu  vào dịp lễ tết, người ta đều náo nức trở về hoặc nếu điều kiện không cho phép, người ta luôn khắc khoải hướng lòng về mái ấm của mình, vì nơi đó những người thân yêu đang mong ngóng nhớ thương họ. Thật bất hạnh cho những ai không còn tổ ấm để mà nhớ nhung và trở về trong những ngày này như các trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ. Mái ấm gia đình thật là thiêng liêng và không thể thiếu đối với mọi người.

Gia đình Kitô giáo là mối hiệp thông giữa nhiều người, là dấu chỉ và là hình ảnh của mối hiệp thông giữa Chúa Cha - Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Gia đình Kitô giáo được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy sinh của Chúa Kitô, việc đọc kinh cầu nguyện hằng ngày và việc đọc lời Chúa sẽ củng cố đức ái trong gia đình, để ông bà cha mẹ biết yêu thương con cháu và để con cháu biết tỏ lòng thảo hiếu và tri ân cha mẹ cùng các bậc tiên tổ.

Hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng lòng về việc kính nhớ tổ tiên và tri ân bậc sinh thành. Để việc kính nhớ này mang trọn vẹn ý nghĩa, thiết tưởng tốt  hơn hết trong lúc này chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ về bổn phận giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người đang còn sống với nhau. Bởi vì nếu chúng ta chu toàn các bổn phận đó một cách trọn vẹn thì các bậc tiên tổ của chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng sung sướng. Đó là cách thế tốt nhất để ta tỏ lòng tôn kính các ngài.

Bổn phận của con cái: tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử con người. Chính tình phụ tử của Thiên Chúa làm cho cha mẹ được trọng kính. Sự tôn kính của con cái còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha mẹ mình, được nuôi dưỡng bởi sự âu yếm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Nhưng sự tôn kính này còn là một điều răn của Chúa.

Sự tôn kính của con cái đối với cha mẹ là tình cảm tri ân đối với các ngài đã có công khó nhọc sinh thành và nuôi dưỡng con cái cho khôn lớn về thể xác, về sự khôn ngoan và về ân sủng. Sách Huấn ca đã dạy: "Ngươi hãy tôn kính cha ngươi và đừng quên những đau khổ của mẹ ngươi. Ngươi hãy nhớ rằng các ngài đã sinh ra ngươi: làm sao ngươi trả lại cho các ngài những gì các ngài đã dành cho ngươi". (Hc 7,27-28)

Điều răn thứ bốn nhắc cho con cái đã trưởng thành những trách nhiệm đối với cha mẹ theo mức độ có thể, con cái phải giúp đỡ cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần. Khi cha mẹ đã đến tuổi già và những khi đau yếu, cô đơn hoặc gặp gian truân. Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta bổn phận đền ơn này. "Hỡi người làm con, hãy tới giúp cha ngươi trong tuổi già của người và đừng làm người buồn rầu trong cuộc sống. Cho dù tâm trí ngài suy yếu,  ngươi hãy tỏ ra khoan dung và đừng khinh dể ngài khi ngươi đang đầy sức mạnh. Kẻ nào đày ải cha mình thì nó là kẻ phạm thánh. Kẻ nào đày ải mẹ mình thì sẽ là kẻ bị Chúa nguyền rủa" (Hc 3,12-13.16) .

Bổn phận của cha mẹ: cha mẹ là người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái mình. Họ sẽ chu toàn trách nhiệm đó bằng cách trước hết hãy tạo dựng một cuộc sống gia đình êm ấm, lấy sự dịu dàng, tha thứ, tôn trọng và tận tâm phục vụ làm luật lệ. Tổ ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các nhân đức, vì đó là việc đòi hỏi con người từ bỏ mình, tập phán đoán lành mạnh, tập làm chủ bản thân: đó là những điều kiện của một sự tự do đích thực, các bậc làm cha mẹ phải dạy cho con em mình biết đặt những chiều kích thể lí và bản năng dưới sự chi phối của các chiều kích nội tâm và tinh thần. Làm gương tốt cho con em là một trách nhiệm nặng nề của bậc cha  mẹ. Thành thật nhận những tật xấu của mình trước mặt con cái, họ càng có khả năng hướng dẫn và sửa lỗi cho chúng.

Ngày nay, trong khi xã hội đang phát triển về mọi mặt thì đời sống gia đình lại càng xuống dốc, nhiều chuẩn mực đã bị đảo ngược. Trong đó, gia đình không còn là tổ ấm yêu thương để mọi thành viên quây quần sum họp nữa mà đã trở thành chốn địa ngục trần gian để người này phải chịu đựng người kia. Cha mẹ phải chịu đựng những thái đội vô lễ và bất kính của con cái và ngược lại con cái phải chịu sự cai trị đọc đoán và cay nghiệt của cha mẹ. Sở dĩ ngày càng có nhiều trẻ em bỏ nhà ra đi, mong muốn gây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những phương trời xa lạ là vì họ không tìm thấy nơi mái ấm gia đình của mình một chút tình thương và sự thông cảm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bậc cha mẹ suốt đời tần tảo nuôi con để khi về già được chúng đáp đền bằng sự vong ân bạc nghĩa, bị đẩy vào cảnh sống cô đơn hắt hủi.

Là người chồng, người cha, hãy ý thức bổn phận người làm chủ gia đình là phải trở thành chỗ dựa, thành lá chắn che chở vợ con, chứ đừng trở nên gánh nặng cho gia đình bởi lối sống cai trị hà khắc, bởi nếp sống buông thả bê tha rượu chè.

Là người vợ, người mẹ, hãy sống yêu thương dịu dàng với chồng con, đừng  sống qúa ích kỷ, lắm lời, làm cho không khí gia đình thêm nặng nề, chồng con phải buồn phiền đau khổ.

Là con cái, thay vì sống yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ, nhiều khi chúng ta lại làm cho cha mẹ phải cực lòng bởi lối sống buông thả chạy theo những lối sống của thời đại, không chịu lắng nghe sự dạy bảo khôn ngoan của cha mẹ.

Trong năm mới này, xin Chúa biến đổi chúng ta thành những con người mới, biết ý thức và chu toàn bổn phận của mình đối với mọi người trong gia đình, để chúng ta cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình theo gương Gia đình Nazareth ngày xưa.


Lm. Joseph Phan Cảnh