
CHÍNH LÚC CHẾT ĐI LÀ KHI VUI SỐNG MUÔN ĐỜI
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Mỗi người trong chúng ta đã từng hát hoặc từng được nghe bài hát “ Hạt giống tình yêu” của tác giả Lm. Phương Anh: “ Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, không chết đi, không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi. Và nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, mà chết đi và thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt. Nếu mạng sống nào nơi dương thế không chết đi, không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi. Và nếu mạng sống nào nơi dương thế mà chết đi vì hiến dâng thì nó phát sinh ra nhiều bông hạt. Nếu quả tim nào nơi dương thế không biết yêu, không biết thương thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi. Và nếu quả tim nào nơi dương thế mà chết đi vì hiến dâng thì nó phát sinh ra nhiều hoa quả: Vạn lạy Chúa, con biết thế, và con muốn con chết đi như hạt lúa mì. Tình thập giá, ngày xưa ấy của Thầy chí thánh, xin thắp lên trong con tim con. Nay con bước vào dương thế để làm theo ý, Cha đã trao khi dựng vũ hoàn. Là con đến để dâng hiến, trọn thân xác để chết đi cho anh em con”. Lời của bài hát này được gợi hứng từ Tin Mừng của Chúa nhật V mùa chay hôm nay ( Ga 12,20-33 ).
Khi Chúa Giêsu nói: " Đã đến giờ Con người được tôn vinh. Thật, nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình..” ( Ga 12,24 ) thì tất cả những người nghe Chúa Giêsu đều hiểu. Nhưng chữ "được tôn vinh" Chúa Giêsu nói ở đây, không có ý nghĩa như họ hiểu là các vương quốc trên trái đất này sẽ bị chà đạp. Khi nói "được tôn vinh" Chúa Giêsu ngụ ý rằng Ngài sẽ bị đóng đinh. Khi nói đến Con người, dân Do thái nghĩ ngay đến các đạo quân chiến thắng của Thiên Chúa, còn Chúa Giêsu nghĩ đến quyền năng chinh phục của Thập giá.
Vì thế những lời đầu tiên Chúa Giêsu làm nức lòng người nghe, nhưng tiếp theo là những lời khiến họ ngỡ ngàng, choáng váng, kinh ngạc, khó tin nổi, vì không phải những câu đề cập đến chiến thắng, mà chỉ nói về hy sinh và sự chết. Ngài đã lật ngược giấc mơ chiến thắng của họ thành mạc khải về thập giá. Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy họ đã không hiểu nổi Ngài. Thảm kịch ở đây là họ từ chối không chịu tìm hiểu Chúa. Vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì qua lời phát biểu của Ngài?
Ngài dạy chúng ta chỉ khi chết đi thì mới có sự sống. Bao lâu lúa tồn trữ an toàn thì nó không thể kết quả được. Chỉ khi nào nó được gieo xuống đất lạnh, bị chôn vùi như nằm trong mồ mả, nó mới có thể sinh trái kết hạt. Chính nhờ sự chết của các thánh tử đạo mà Giáo hội tăng trưởng, “ máu các tử đạo là hạt giống nảy sinh tín hữu”(Tertulianô). Khi một người chịu chôn vùi những mục đích, những tham vọng cá nhân, thì người ấy bắt đầu hữu dụng cho Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhìn vào cuộc đời của thánh Phanxico Xavier. Xuất thân từ một gia đình quí tộc, Phanxicô có nhiều tham vọng, được phú bẩm trí thông minh hơn người, Phanxicô lại chăm chỉ học hành và trở thành vị giáo sư xuất sắc của đại học Balê, đại học danh tiếng nhất thế giới thời ấy. Nhưng chàng thanh niên đầy tham vọng này có được một người bạn học lớn tuổi hơn cứ nhắc vào tai: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?" Cuối cùng. Phanxicô tỉnh ngộ. Ignatio còn nói thêm: "Một tâm hồn cao cả như anh, không thể chỉ trói buộc với cái vinh dự thế trần được. Vinh quang trên trời mới đúng là cao vọng của anh. Thật vô lý khi ưa chuộng một thứ mây khói chóng tàn hơn là những của cải tồn tại đời đời". Chính lúc ngài bằng lòng chôn vùi các tham vọng cá nhân mà ngài trở thành có ich cho Chúa và các linh hồn.
Tiếp đến, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta rằng, chỉ khi biết cho đi, chúng ta mới giữ được sự sống. Người tham sống sẽ bị hai chủ đích điều động: Một là tính vị kỷ, hai là ước muốn yên thân. Không chỉ một hai lần mà nhiều lần Chúa Giêsu nhấn mạnh: Kẻ nào giữ mạng sống thì cuối cùng sẽ mất nó, còn ai chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại. Người ta kể về một nhà truyền giáo nổi tiếng luôn luôn xông xáo rao giảng về Chúa Giêsu. Bạn bè khuyên ông nên sống thư thả, ông luôn trả lời: "Thà làm việc kiệt sức hơn là để rỉ sét ăn mòn". Đó cũng là thái độ của Cha Chevrier khi nói về linh mục là “con người bị ăn”. Ngài nói : “Thà rằng sống ít đi mười năm mà làm việc cho Chúa và các linh hồn còn hơn là sống thêm mười năm mà không làm gì cả”. Lúc Jeanne d’arc cảm thấy kẻ thù quá mạnh, thì giờ còn lại quá ngằn ngủi, thánh nữ đã cầu nguyện với Chúa: “Con chỉ còn sống được một năm nữa thôi, vậy Chúa có thể dùng con bao nhiêu, xin cứ dùng”. Thế giới này sẽ thiệt thòi biết bao, nếu không có những người đã quên đi sự an toàn cá nhân, yên vui để hy sinh cho người khác. Thế giới này đang mắc nợ, chịu ơn những người đã tận lực làm việc, quên mình, hiến thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Dĩ nhiên chúng ta có thể kéo dài đời mình lâu hơn nếu tìm lối sống thoải mái dễ dàng, trốn tránh mọi căng thẳng, nếu chúng ta cứ ngồi bên bếp lửa gia đình, vui với người thân, nếu chúng ta chỉ lo chăm sóc sức khỏe của mình, có lẽ chúng ta sẽ tồn tại lâu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ chúng ta thật sự sống cả.
Cuối cùng, Chúa Giêsu dạy chúng ta, chỉ có con đường phục vụ chúng ta mới trở thành vĩ đại. Quả vậy, những nhân vật mà loài người yêu mến là những người đã phục vụ người khác. Sự thật đáng buồn là trong thế giới ngày nay, ý niệm phục vụ đang gặp nguy cơ bị tiêu diệt. Ngày nay có quá nhiều người chỉ lăn vào đời sống, vào việc làm ăn với mục đích duy nhất là khai thác, rút tỉa lợi lộc, kiếm thật nhiều tiền. Rất có thể họ sẽ trở nên giầu có, nhưng khó được ai yêu thương bởi sự ích kỷ của họ. Khi ai đó được yêu thương trìu mến mới là sự giầu có thực ở đời.
Kính thưa cộng đoàn,
Chúa Giêsu đã đến với dân Do thái bằng một quan điểm mới mẻ về đời sống. Họ cho rằng được danh lợi, quyền lực là vẻ vang, vinh hiển, nhưng Chúa Giêsu xem Thập giá mới là vinh quang. Ngài dạy họ, chỉ từ sự chết mới có sự sống, chỉ nhờ phục vụ người ta mới trở thành vĩ đại. Hạt giống của sự hy sinh đem lại kết quả quí giá. Cùng với Chúa Giêsu trong hy sinh của Người, Chúng sẽ ở cùng với Người khi Người đem lại niềm vui và chiến thắng trong sự Phục sinh. Vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.
Lm. Joseph Phan Cảnh