BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN C

18/02/2025
346
 

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN C
HÃY YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ THÌ SẼ ĐƯỢC THIÊN CHÚA THỨ THA

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Giới luật yêu thương kẻ thù là giới luật đặc thù của Kitô giáo, một giới luật khó và phức tạp nhất. Khó vì nó đi ngược lại bản năng tự vệ của một sinh vật, nhất là sinh vật có lý trí như con người. Qủa vậy, Không có giới răn nào gây ra nhiều tranh cãi cho bằng giới răn dạy yêu kẻ thù. Trước khi có thể vâng giữ luật đó theo Lời Chúa dạy, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của nó. Trong ngôn ngữ Hi-lạp có ba từ  để diễn tả tình yêu thương:

·       Eros : ái tình : chỉ tình yêu hướng về xác thịt như nam nữ yêu nhau.

·       Philo : yêu mến : tình yêu giữa người thân thuộc, có tính cách tự nhiên.

·       Agape : bác ái : tình yêu không đến cách tự nhiên, nhưng do cố gắng, được hướng dẫn của ý chí. Một lòng trắc ẩn đối với người khác, dầu người đó có xử tệ, ăn ở xấu thế nào đi nữa, chỉ mong sao cho người ấy được hạnh phúc, được lợi ích, tình nguyện và quyết tâm hi sinh để ăn ở tốt với người ấy.

Yêu thương những người thân của chúng ta thì dễ, nhưng yêu thương và tha thứ cho những người làm nhục chúng ta, làm tổn thương chúng ta thì không hề dễ chút nào. Vậy đâu là bí quyết giúp chúng ta thực hiện được điều này? Lời  Chúa của Chúa nhật VII thường niên hô nay sẽ giúp chúng ta tìm được câu trả lời.

Trong bài đọc I, trích từ sách Samuel quyển thứ nhất đã diễn tả: hoàn cảnh thuận lợi cho Đavít, có thể hiểu như là Chúa đã trao Saul vào tay Đavít, nên Avisai đã nói với Đavít: “ Để cho tôi đâm Saul, chỉ cần một nhát gươm ghim xác hắn xuống đất” ( 1 Sm 26,8 ). Nhưng Đavít ngăn cản: “ Đừng hãm hại Ngài, vì ai nào tra tay trên Đấng Chúa đã xức dầu, mà lại được vô sự!” ( 1Sm 26,9). Hình ảnh đẹp trên đã mô tả cho Lời Chúa dạy hôm nay: “ Đừng lên án và các ngươi sẽ không bị lên án. An hem hãy tha thứ thì sẽ được tha Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói về sự Phục Sinh: sống trong mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta không còn phải là người trần gian, thuộc dòng giống của Adam, như Cain đòi báo thù mà chúng ta thuộc về người của Thiên Chúa ( 1 Cr 15,47 ).

Trong Tin mừng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy diễn tả khuôn mặt của những con cái Chúa là : “Hãy chúc lành, cầu nguyện cho kẻ thù”. (Lc 6, 28).

Một chàng thanh niên ngang ngược đến gặp một nhà hiền triết, để thử xem ông này có sống đúng những gì mà ông đã giảng dậy không.

Vốn bản tính ngang ngược, nên khì vừa gặp nhà hiền triết, thấy vẻ trang nghiêm đạo mạo của ông, chàng thanh niên đã nổi xùng. Anh ta xổ ra một chuỗi những lời thoá mạ nhà hiền triết.

Trong khi chàng thanh niên kia hình như đang say với những lời thoá mạ, thì nhà hiền triết vẫn bình thản lắng nghe. Mãi cho đến khi chàng thanh niên thấm mệt và có lẽ không còn lời nào để thoá mạ nữa, lúc đó nhà hiền triết mới lên tiếng. Ông hỏi chàng thanh niên :

Này anh, tôi xin hỏi anh là, nếu có một người nào đó đem tặng cho anh một món quà mà anh không chịu nhận thì món quà đó sẽ đi về đâu hả anh ?

Với dáng điệu kênh kiệu và xấc xược, chàng thanh niên kia nói :

Sao mà đần độn thế ? Nghe nói ông là thầy thiên hạ cơ mà ? Vậy mà một điều như thế cũng không biết à ? Tất nhiên là món quà kia sẽ trở về với người đã đem trao tặng, chứ  còn đi đâu nữa ?

Nhà hiền triết tiếp lời chàng thanh niên :

Vừa rồi, anh mới tặng biết bao nhiêu lời những lời thoá mạ. Nhưng xin cám ơn anh, tôi xin gởi lại anh những lời đó, chứ không dám nhận đâu.

Trước những lời của nhà hiền triết, chàng thanh niên bực tức lắm, nhưng đành câm miệng.

Nhà hiền triết nói tiếp :

Kẻ nào lăng mạ người khác thì cũng giống như người ngửa mặt lên trời mà khạc nhổ vậy. Bọt đờm mà kẻ ấy khạc nhổ ra không làm ô uế ai cả, mà sẽ rơi xuống, làm ô uế chính khuôn mặt của kẻ ấy .

Thông thường, chúng ta hiểu tha thứ là bỏ qua, là quên đi những lỗi lầm của người khác. Nhưng thực ra, tha thứ không phải chỉ đơn thuần có thế, bởi vì quên hay nhớ, đó là những tác động thuộc sinh hoạt về mặt tâm lý của con người, mà tha thứ không nằm trong lãnh vực này.

Tha thứ cũng không phải là dung tha, không thèm chấp những lỗi lầm của người khác. Tha thứ như thế là vô tình chúng ta đã đặt người được thứ tha vào một nấc thang ở dưới nấc thang của chúng ta.

Thực ra tha thứ nằm trong phần sinh hoạt thuộc ý chí của con người. Người tha thứ  quyết định một sự thay đổi, thay đổi ý tưởng, thay đổi cách xử  sự, thay đổi tình cảm, đối với người được tha thứ. Như vậy chỉ khi nào chúng ta xóa bỏ được những ý tưởng xấu; khi mà chúng ta loại bỏ được những thái độ lạnh nhạt, dửng dưng; khi mà chúng ta diệt trừ được những tâm tình thù hận ghen ghét, đối với người đã lỗi phạm đến chúng ta; khi đó chúng ta mới thực sự tha thứ.

Phần chúng ta, chúng ta cần làm gì với người hiện đang không có cảm tình? Tự bản tính con người không ai ghét điều tốt, một khi đã ghét là phải do cái gì, hoặc khách quan, hoặc chủ quan là xấu. Có thể cái đó đi ngược lại với quyền lợi của mình. Nên nhớ, người cao thượng thì làm gì cũng cao thượng, dầu cho ghét người khác, thì cũng ghét cách cao thượng! Khi ta ghét ai, thì ghét cái bậy của họ, chứ không ghét con người của họ, vì con người của họ cũng là một nhân vị như mình, mình phải biết tôn trọng. Có nhiều người khi ghét người khác, gọi người ta bằng thằng, bằng con! bất chấp người ta là người có địa vị trong xã hội, và có khi họ đáng cha đáng chú mình. Là con cái Chúa, ta không bao giờ học cái thói đời đó. Nếu không ưa ai, và muốn họ nhận ra cái sai cái trái của họ, thì hãy cầu nguyện cho họ trước, và từ từ nhã nhặn vạch cho họ biết điều không thích hợp, chứ đừng ào ào, như vậy người ta mới nể mình. Nhất là kẻ ta cho là đối phương của ta, có chức vị gì đó trong giới của họ, ta phải dùng cách xưng hô cho đúng, đừng gọi họ bằng từ cho thỏa lòng căm tức của mình, có ý lăng mạ người ta, thì rõ ràng mình còn sống trong môi trường hoang dã giữa một thế giới văn minh. Mình không ưa người ta, nhưng làm cho họ nể mình, cái đó mới là văn minh, là cao thượng.

 Chúng ta cần làm gì để tránh ghen ghét một ai đó ? ghen ghét chính là do sợ mà ra, vì khi ghét ai, là sợ người đó, hoặc sợ người đó đoạt của cải của mình, hoặc sợ người đó đoạt danh vọng, đoạt tình yêu mình, hoặc sợ người đó chỉ cái sai trái của mình. Ví dụ: Các bà đánh ghen, các bà ghen đối thủ, đánh đối thủ, vì sợ người ta giật chồng mình! Vậy muốn tránh ghét người khác, thì đừng sợ ai cả, mà muốn không sợ ai, thì cứ đường hoàng công chính sống giữa thanh thiên bạch nhật, biết trên có ai, dưới có ai, bốn phương tám hướng có ai? Và cố gắng thực hiện trong đời sống của mình câu: “ Thiên địa nhân hòa”, tức là sống hợp với ý trời, hợp với lòng người, hay nói như Phaolô: “Hãy sống yêu, mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp” (Rm 8,28).

 Cuối cùng, chúng ta hãy tha thứ, vì đó là điều kện để chúng ta được thứ tha. Trong kinh Lạy Cha, kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy, chúng ta đã chẳng thấy điều đó là gì ? Ngài dạy : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Và để có thể tha thứ, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên Thập Giá. Nhìn lên Thập Giá để thấy được án phạt nặng nề của tội lỗi. Thế nhưng Chúa cũng vẫn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, do đó chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình. Nhìn lên Thập Giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Bởi vì bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa còn muốn cho chúng ta thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa, một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư thưởng , mọi phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta. Nhưng nhất là nhìn lên Thập Giá để cảm thông, để tha thứ nhiều hơn cho những anh chị em  của chúng ta. Bới vì càng nhận ra được tình yêu tha thứ  mà Chúa dành cho ta, chúng ta lại càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Và càng tha thứ nhiều, chúng ta lại càng cảm nghiệm được ơn tha thứ Chúa dành cho mình.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta nghe được tiếng mời gọi thầm kín, tiếng gọi không ngừng thôi thúc chúng ta hãy tha thứ, hãy làm hòa với anh chị em đang có điều bất bình với ta. Được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa dành cho từng người và sống đúng tinh thần mà Năm thánh mời gọi.

Linh mục. Giuse Phan Cảnh