BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V - THƯỜNG NIÊN NĂM C

05/02/2025
61

 


ƠN GỌI LÀ MỘT HỒNG ÂN CỦA CHÚA VÀ SỰ  ĐÁP TRẢ TỰ DO CỦA CHÚNG TA

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 5 của mùa thường niên năm C. Và nếu cần tìm từ chìa khóa cho phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thì có lẽ từ chìa khóa “ Ơn gọi” là thích hợp hơn cả, vì cả ba bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật này đều nói về ơn gọi. Cụ thể: Bài trích sách tiên tri Isaia được trích trong bài đọc thứ I hôm nay, mô tả cho chúng ta thấy một quang cảnh thật hùng vĩ, trong đó Thiên Chúa đã kêu gọi Isaia ( Is 6,1-2a.3-8 ). Còn trong bài đọc thứ II, Thánh Phaolô cho chúng ta biết về trường hợp ngài được gọi ( 1 Cr 15,1-11 ). Trong bài Tin Mừng, Thánh  Luca thuật lại việc Chúa gọi Phêrô và trao cho ông một sứ mạng ( Lc 5,1-11 ).

Vâng! Khi nói đến Ơn gọi, hầu hết chúng ta chỉ nghĩ đến ơn gọi làm Linh Mục hay tu sĩ mà ít ai nghĩ đến ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi sống trong bậc gia đình. Nhưng nghĩ như thế là lầm, bởi vì Ơn gọi là một từ được dùng để chỉ một cuộc hành trình đi theo tiếng gọi của Chúa. Tiếng gọi đó không phải chỉ là ơn gọi làm Linh Mục, ơn gọi làm tu sĩ, mà còn gọi để làm người Kitô hữu, gọi sống trong bậc gia đình nữa.

Như thế, chúng ta hiểu tất cả mọi người Kitô hữu, dù giàu nghèo hay sang hèn, đều có ơn gọi tùy theo đời sống của mình. Chứ không phải chỉ các cha, các thầy, các Sơ mới là những người có ơn gọi. Tất cả chúng ta đều có ơn gọi. Ơn gọi là ơn Chúa gọi mỗi người : Sống làm người và làm con Chúa. Chúng ta đã biết ơn gọi là ơn Chúa kêu gọi chúng ta và sự đáp trả của chúng ta bằng cả cuộc đời dấn thân theo tiếng gọi đó. Vì thế luôn luôn phải có người gọi và kẻ đáp ứng.

Về phía Chúa, Ơn Gọi là việc Chúa trao phó một trách nhiệm nào đó, cho chúng ta. Còn về phía chúng ta, Ơn Gọi là sự đón nhận và đáp trả sự tín nhiệm của Chúa dành cho chúng ta. Hiểu như thế thì trong Ơn Gọi, Chúa chính là người bước bước đầu tiên đến với ta, hay nói khác đi Ơn gọi không phải là sáng kiến của con người, mà là của Chúa, hay nói rõ ràng hơn, Ơn gọi là một hồng ân của Chúa. Mà đã là một hồng ân, thì  cả Đấng ban hồng ân, cũng như người nhận hồng ân đều phải được hoàn toàn tự do. Và người đã nhận hồng ân, một cách nào đó, cũng phải gặp gỡ Đấng ban hồng ân. Như thế, Ơn gọi đã trở thành một cuộc gặp gỡ hoàn toàn tự do giữa Chúa và chúng ta. Điều này chúng ta thấy rõ trong trường hợp của Isaia, của Phaolô cũng như của Phêrô.

Thực vậy, khi muốn gọi Isaia, Thiên Chúa đã biểu lộ ý muốn của Ngài trong câu nghi vấn, nghĩa là thay vì mời gọi Isaia một cách trực tiếp, rõ ràng chẳng hạn như là “Hãy theo Ta”, thì Thiên Chúa đã hỏi bâng quơ, trong một khung cảnh chỉ có một mình Isaia rằng : “ Ta sẽ sai ai đi đây ?” và “Ai sẽ đi cho chúng ta đây?” ( Is 6,8 ). Trước lời mời gọi được trình bày một cách khéo léo tế nhị như thế, Isaia đã đáp trả : “Dạ, con đây, xin sai con đi” ( Is 6,8 ) .

Rồi đến trường hợp của Phaolô trong bài đọc thứ II. Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện Saolô, người bắt đạo khét tiếng lúc bấy giờ, đã ngã ngựa trên đường Damas ? Đây không phải là cái ngã ngựa thường tình, mà là cái ngã ngựa trong lòng yêu thương của Thiên Chúa. Chúa yêu Saolô, cho dù lúc ấy Saolô đang lùng bắt những người con của Chúa. Chúa muốn gọi Saolô đi theo Ngài, cho dù Saolô đang “ giơ chân đạp mũi nhọn”. Đây quả là một hành động hoàn toàn tự do của Chúa. Trước việc làm đó của Chúa, Saolô cũng hoàn toàn được tự do, đáp trả hay khước từ. Sự kiện ông bị ngã ngựa không hề có mục đích tạo một sức ép nào khiến ông phải nghe theo tiếng gọi của Chúa, mà chỉ là tạo một cơ hội và tỏ lộ cho ông biết, người mà ông đang hăng say đi lùng bắt đó là ai thôi. Cuối cùng, Phaolô đã nhìn nhận: “ Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, Tôi không đáng được gọi là tông đồ vì đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” ( 1Cr 15,9-10 ).

Sau cùng, là ơn gọi của Phêrô trong Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca thuật lại : “Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền ấy là của Ông Si-môn” ( Lc 5,3 ). Phêrô là một người dân chài, đời của ông được gắn liền với con thuyền và biển khơi. Chúa xuống thuyền của ông có nghĩa là Ngài bước vào cuộc đời của ông. Thánh Luca thuật tiếp : “Giảng xong, Người bảo Phêrô : chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” ( Lc 5,4 ). Chèo thuyền, thả lưới bắt cá, đó là những công việc hết sức quen thuộc của người dân chài. Khi Chúa Giê-su nói thế, dù rất mệt nhọc, Phê-rô cũng sẵn lòng thả lưới một lần nữa. Qua công việc quen thuộc đến độ như máy móc, Chúa đã gọi Phêrô đi theo Ngài ( Lc 5,5-11 ).

Người ta thường nghĩ rằng, nếu được Thiên Chúa gọi, hẳn là phải có một dấu hiệu gì lớn lao vĩ đại xảy ra. Nhưng, không,Thiên Chúa thường dùng những việc hết sức bình thường, để bày tỏ ý muốn của Ngài. Lời mời gọi của Chúa  còn được gởi đến những con người tầm thường mà nhiều khi chúng ta không ngờ. Còn ai tầm thường cho bằng Gioan Vianey ?

Thánh Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn: "Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?". Vianney khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?". Thế nhưng con người tầm thường ấy đã được gọi và cũng đáp nhiệt tâm đáp trả,vì thế đã trở thành cột trụ nâng đỡ Giáo Hội Pháp hồi thế kỷ 16, 17 và trở thành bổn mạng của các Cha xứ.

Chúng ta đang nói về ơn gọi của Isaia, của Phaolô và của Phêrô. Còn ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta thì sao ? Ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta cũng là lời mời gọi chúng ta trở nên lời của Chúa, hay nói một cách khác là mời gọi chúng ta trở thành những chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Vì thế sống ơn gọi Kitô hữu có nghĩa là thống nhất lời nói và hành động theo tinh thần của Tin Mừng, để cuộc sống của chúng ta trở thành một lời chứng cho Tin Mừng. Trong năm thánh 2025 này, cùng nhau loan báo Tin Mừng, Chúng ta tự hỏi, kể từ khi Tin Mừng được rao truyền trên quê hương Việt nam chúng ta, mà cho đến nay, con số những người tin theo Chúa vẫn còn quá ít? Không có một câu trả lời nào khác ngoài câu trả lời này là vì thiếu những chứng nhân, nghĩa là thiếu những Kitô hữu biết thống nhất lời nói và hành động của mình theo tinh thần Tin Mừng.

Mỗi người chúng ta đều đã được Chúa gọi qua Bí tích Rửa tội, và mỗi người theo một ơn gọi khác nhau. Trước ơn gọi đó, có lẽ chúng ta đều có tâm trạng như ngôn sứ Isaia ngày xưa, nghĩa là tự thú nhận : “ Khốn thân tôi, tôi chết mất! vì tôi là một người có môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” ( Is,6,5 ). Hay như Phaolô, người đã nhìn nhận : “Tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ nữa, vì đã ngược đãi hội thánh của Thiên Chúa” ( 1 Cr 15,9 ). Hoặc như Phêrô, người đã thưa với Chúa: “ Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” ( Lc 5,8 ).

Nhưng hãy can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa, vì Chúa rất giầu lòng thương xót. Ngài  thanh tẩy chúng ta như đã thanh tẩy cho Isaia, Ngài nâng đỡ chúng ta như đã nâng đỡ Phaolô, và Ngài an ủi chúng ta như đã an ủi Phêrô : “ Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” ( Lc 5,10 ). Chính vì thế, chúng ta mạnh dạn đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, bằng cách mạnh dạn dấn thân vào cuộc sống làm chứng ta cho Chúa trong bậc sống hằng ngày của mình. Được như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên một mẫu gương phản ánh tình thương và hy vọng của Chúa, và đó là một cuộc truyền giáo thật hữu hiệu.

Lm. Giuse Phan Cảnh