BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Ai là anh chị em của tôi ?
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Khi nói đến anh chị em, chúng ta thường hay nghĩ đến những người thân trong gia đình của mình. Nhưng có phải thực sự những người thân trong gia đình của mình mới là anh chị em? Hôm nay, Lời Chúa cho chúng ta một câu trả lời ngang qua dụ ngôn “ Người Samaritano nhân hậu” ( Lc 10, 25-37 ).
Qua dụ ngôn này, thánh Luca muốn diễn tả điều mà Chúa Giêsu muốn nói về lòng yêu người thực sự, hầu trả lời cho câu hỏi của thầy thông luật: “Ai là anh em của tôi ?” ( Lc 10,29 ).
Lòng yêu người thực sự của người Samaritano ở đây đã được thể hiện qua những công việc cụ thể. Dụ ngôn kể cho chúng ta : “Người đó lại gần, băng bó vết thương, xức dầu và rượu, đỡ nạn nhân lên lưng lừa đưa về quán trọ săn sóc” ( Lc 10,34 ). Bằng ấy công việc đã đáng để chúng ta thán phục và tán dương lắm rồi. Thế nhưng, người Samaritanô ở đây còn làm hơn thế nữa. Đây mới chính là điểm cốt yếu mà Chúa Giêsu nhắm tới khi kể dụ ngôn này. Đây cũng chính là tuyệt đỉnh của việc làm biểu lộ lòng thương của người Samariatanô nhân hậu. Dụ ngôn kể tiếp : “Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán và bảo rằng : Ông hãy săn sóc người này, và ngoài ra, còn phí tổn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông” ( Lc 10, 35 ).
Người Samaritanô ở đây không ấn định số chi, ông cũng không đặt một điều kiện nào hay một giới hạn nào cho việc dùng tiền vào việc chăm sóc cho nạn nhân bị cướp đánh mà ông đã đưa về quán trọ. Đây quả là một việc làm phiêu lưu. Chấp nhận một việc làm phiêu lưu có nghĩa là chấp nhận mọi bất trắc do việc phiêu lưu đem lại. Điều bắt trắc đầu tiên, do việc làm phiêu lưu của người Samaritanô ở đây, đó là có thể sẽ bị bọn cướp còn ẩn núp ở đâu đó, xông ra cướp chính ông ta. Khi đó số phận của ông ta sẽ không khác gì số phận của người mà ông đang ra tay giúp đỡ. Người ta thường nói “ đồng tiền liền khúc ruột”. Vậy mà người Samaritanô này đã vượt quá mọi giới hạn của vật chất để thể hiện lòng yêu thương đối với nạn nhân.
Phía bên kia, thầy tư tế và thầy Lêvi là những người lãnh đạo trong tôn giáo, nhưng họ đã không cảm thấy chút xót thương cho người đàn ông bị nạn đó. Tôn giáo mà không có lòng thương xót thì thật là mâu thuẫn. Nếu chúng ta không có lòng thương xót thì chúng ta không thể tự xưng mình là một con người đích thực, chứ đừng nói gì đến là một người có đạo đích thực. Người Samaritanô không quan tâm đến rắc rối có thể xảy đến cho mình, và sẵn sàng để qua một bên vấn đề người đàn ông đó là một người Do Thái. Người Do Thái và người Samari là kẻ thù của nhau thời bấy giờ.
Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người chỉ biết đến bản thân mình. Khi thời điểm quyết định đến, họ đặt lợi ích của chính bản thân mình trước tiên. Người Samari, lại hoàn toàn trái ngược, là người sống vì người khác, ông đã đặt ưu tiên cho người khác. Thầy tư tế và thầy Lêvi đã phạm phải tội thiếu sót. Tội thiếu sót có thể là một tội tồi tệ nhất của chúng ta, nhưng chúng ta thường nghĩ rằng bao lâu chúng ta không làm hại ai, chúng ta ăn ngay ở lành, thì chúng ta vẫn có thể bình an. Nhưng có thể chúng ta đã thấy người nào đó bị nạn, mà ta đã không can thiệp vào ? Có những người không muốn vướng bận vào bất cứ chuyện gì bằng cách tránh xa mọi điều phiền toái.
Ở đầu bài Tin mừng, chúng ta đã nghe luật vàng của Chúa, đó là luật yêu thương. Yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn ,hết trí khôn, yêu không tính toán, yêu vô điều kiện, yêu vô giới hạn. Một tình yêu như thế không cho phép chúng ta trốn tránh sự phiêu lưu bất trắc hay là từ chối mất mát, thua thiệt, bởi vì bản chất của yêu thương là cho đi.
Đức Kitô chính là người Samaritanô tốt lành đối với chúng ta. Ngài đã rời bỏ Giêrusalem thiên quốc để đến băng bó và chữa lành các vết thương mà tội lỗi và sự chết gây ra cho nhân loại. Ngài ra đi, để nhân loại trong quán trọ là Giáo hội của Ngài. Chúng ta được mời gọi hãy tiếp tục nhiệm vụ người Samaritanô nhân hậu, ở bên cạnh tất cả những ai chúng ta gặp, và chân tình giúp đỡ băng bó các vết thương của họ: sự nghèo nàn, chết chóc, đau yếu, cô đơn, bị tổn thương.
Chúa Giêsu không phân biệt bạn hay thù, Ngài phục vụ không phận biệt họ là ai, như người Samaritano phục vụ kẻ bị cướp đánh, không cần biết lý lịch của họ! Chúa Giêsu Chấp nhận sự phiền hà vì phục vụ, nhất là Ngài làm vượt quá lề luật dạy, như người Samaritano nhân hậu đụng đến xác người bị cướp đánh, là bị dơ theo luật và phải kiêng cữ 7 ngày, không được tham dự phục vụ với cộng đoàn. Đó là lý do Thầy Tư tế cũng như Thầy Lêvi phải tránh xa người bị nạn máu me đầy mình! (Ds 19,11-16).
Yêu mến Thiên Chúa trong nhà thờ chưa đủ. Thầy tư tế và Thầy Lêvi trong dụ ngôn rời Giêrusalem, là nơi họ đã chu toàn bổn phận tế tự trong đền thờ, nhưng hình như họ chưa sống đạo, nếu không yêu mến Ngài trên đường đi và trong người anh chị em của mình. Thầy tư tế và Thầy Lêvi có thể là hình ảnh của mỗi chúng ta ngày hôm nay, đã làm ngơ tránh xa những anh chị em hẩm hưu, đau khổ, trong khi người Samaritanô không có đạo dừng lại chăm sóc người khốn khổ. Là người có đạo, tế lễ, mà không yêu tha nhân, đối với Thiên Chúa là một điều ghê tởm đáng ghét.
Mỗi ngày qua đi trong cuộc sống, đã có không biết bao nhiêu khuôn mặt mà chúng ta gán cho những nhãn hiệu để cố tình xa lánh, nhưng chỉ cần một cử chỉ tử tế rất nhỏ thôi, cũng đủ làm cho khuôn mặt ấy trở thành dễ thương. Đó là sức mạnh biến đổi của tình yêu, là cốt lõi của Tin mừng. Trong mỗi người chúng ta đều có khả năng để quan tâm đến người khác. Có những cơ hội nho nhỏ cho chúng ta thực hiện việc đó mỗi ngày. Trong khả năng của mình, chúng ta có thể nói một lời tử tế, bày tỏ sự thông cảm hoặc giúp đỡ những người khốn khổ. Đó là những giọt “dầu và rượu” giúp chúng ta xoa dịu vết thương đau của anh chị em đồng loại. Đó là đáp án cho câu hỏi: “ ai là anh chị em của tôi”, và cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ Hãy đi và cũng hãy làm như vậy” ( Lc 10, 37 ).
Linh mục Giuse Phan Cảnh
ĐCV Thánh Phaolô Lê bảo Tịnh Thanh Hóa