BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Người môn đệ sống và rao truyền sự bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Ở trong bất cứ thời đại nào của cuộc sống, những người con của Chúa bao giờ cũng thường bị thế gian chống đối. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội qua các thời đại, chúng ta có thể nói rằng, không có một giai đoạn nào mà Giáo Hội của Chúa lại không bị cấm cách, bắt bớ hay bị làm khó dễ bởi nhiều hình thức khác nhau. Điều đó đã được Chúa Giêsu cảnh báo: “Vì các con không thuộc về thế gian” ( Ga 15, 18 ). Chính Chúa Giêsu đã lấy bản thân của Ngài để làm chứng cho chúng ta thấy điều đó : “Thế gian đã ghét Thầy và vì thế họ cũng ghét các con” ( Ga 15, 18-19 ).
Bởi đó trước khi sai các Tông Đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu đã cho các ngài thấy, số phận của các ngài là số phận của “những con chiên ở giữa sói rừng” ( Lc 10, 3). Khi Chúa Giêsu nói cho các Tông Đồ biết điều đó, Chúa Giêsu muốn các ông đừng hoảng hốt khi gặp những chống đối, bách hại. Mặc dù có thể đối đầu với những hoàn cảnh như thế, nhưng Chúa vẫn căn dặn các Tông Đồ khi lên đường rằng: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép” ( Lc 10,4 ). Lời căn nhặn này cho thấy Chúa Giêsu đã quan phòng cho các Tông Đồ về cuộc sống của các ngài. Chính vì thế, dù Chúa Giêsu có sai các Tông đồ ra đi như “những con chiên đi vào giữa bầy sói rừng” thì các Tông đồ cũng không cần lo lắng. Chúa chính là nguồn bình an của các Tông đồ. Các ngài đã sống, cảm nghiệm và giờ đây Chúa trao cho các ngài sứ vụ rao truyền niềm vui bình an ấy cho nhận loại.
Bình an không chỉ là không còn kẻ thù và chiến tranh. Bình an bao hàm thái độ cởi mở, tình bằng hữu, lòng khoan dung, thiện chí, lòng mến khách và hoà giải. Bình an đưa chúng ta đến được với mọi người xung quanh. Bình an giúp ta vượt qua các rào cản về sự ngờ vực, sợ hãi, định kiến và cố chấp. Sự bình an nghĩa là chào đón mọi người đến với chúng ta, dẫu cho đó là những kẻ làm chúng ta khó chịu hay bất đồng ý kiến với chúng ta, những người gây cho chúng ta đau khổ. Con đường đến với bình an là chấp nhận mọi người với bản chất thật của họ, với cả sự yếu đuối và giới hạn của họ nữa.
“ Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này” ( Lc 10, 5 ). Chúa Giêsu muốn nói gì với hai chữ “bình an” này ? Ngài không nói rằng: đó chỉ là vắng bóng chiến tranh hay không ồn ào. Đúng hơn, bình an, theo ngôn ngữ Do thái có nghĩa là không lo âu, có sức khỏe tốt, được an toàn và hài lòng với cuộc sống, có nghĩa là được mọi hồng ân vật chất và thiêng liêng Chúa ban. Bình an là sự chữa lành thân xác và tâm hồn. Sự an toàn và an tâm ấy chúng ta thấy Isaia phác họa trong bài đọc thứ nhất: “Người con nhỏ trong lòng người mẹ” (Is 66, 11-13). Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô, mặc dầu trong ngục tù, Ngài cũng chúc cho chúng ta được hưởng sự bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa (Gl 6, 16).
Trong Thánh lễ, chủ tế thường đọc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Món quà quý giá nhất mà Chúa ban cho chúng ta đó là bình an của Đức Kitô, bình an mà thế gian không thể ban tặng. Và sau đó linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Đôi tay chúng ta giang đến với người anh chị em bên cạnh, cũng chính là đôi tay chúng ta lãnh nhận Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể. Hoặc bắt tay, cúi đầu với một lời chúc bình an với người lân cận.
Đến với Thánh lễ, chúng ta lãnh nhận sự bình an từ nơi Chúa. Chúng ta cần sẵn sàng chia sẻ những gì chúng ta đã nhận được. Kết thúc Thánh lễ, chúng ta được sai đi. Đã lãnh nhận bình an của Đức Kitô, giờ đây chúng ta được sai đi như những sứ giả của sự bình an đó đến với mọi người.
Nếu muốn trở thành những sứ giả bình an có hiệu quả, hôm nay, Chúa chỉ cho chúng ta ba điều cần thiết: Trước tiên, sự an bình trong chính nơi tâm hồn của chúng ta. Thứ đến, là ước muốn được chia sẻ bình an đó với mọi người. Cuối cùng, mọi người cũng có ước muốn được đón nhận bình an đó từ chúng ta. Mối nguy hiểm lớn nhất là chúng ta để cho người khác lấy mất đi sự bình an của mình. Điều này xảy ra khi chúng ta trở nên giận dữ, thù địch, thất vọng, căm thù khi người khác không đáp lại cách tử tế với chúng ta.
Trong một thế giới bị tàn phá bởi hận thù, giận dữ và căng thẳng nội tâm, chúng ta bị thách đố sống ơn gọi trở nên dấu chỉ của tình yêu để liên kết mọi người với nhau và chữa lành những vết thương tâm hồn. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên những thợ gặt hội đủ những đòi hỏi của Chúa. Những cố gắng âm thầm để xây dựng bầu khí thuận hòa trong gia đình, nơi khu xóm, những nhẫn nhục để chịu đựng những hiểu lầm, những tha thứ cho những xúc phạm hay những bách hại của người khác, những thiệt thòi mất mát do sự ngay thẳng trong cuộc sống, những lời nói chân thật khiêm tốn trong khi giao tiếp với người khác, những công việc bác ái biểu lộ lòng yêu thương chân thành với những người khác. Tất cả những điều đó sẽ biến chúng ta thành những người thợ gặt của sự bình an sống động, thu hoạch về cho Chúa những tâm hồn lầm lạc, và loan báo cho họ rằng: “ Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần “ (Lc 10, 9).
Linh mục Giuse Phan Cảnh
Đại Chủng Viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa