BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA – LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (01/11)

30/10/2024
120

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11).
 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2023) - Thánh thiện là một hồng ân và là một hành trình

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2022) - Mừng tất cả các thánh

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2021) - Không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2020) - Sống hiền lành và thương xót

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2019) - Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2023) - Thánh thiện là một hồng ân và là một hành trình

Anh chị em thân mến, xin chào và mừng lễ anh chị em!

Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Trọng kính các thánh. Dưới ánh sáng của việc cử hành này, chúng ta dừng lại đôi chút để suy nghĩ về sự thánh thiện, đặc biệt vào hai đặc điểm: thánh thiện là một hồng ân, một món quà không thể muavà đồng thời là một cuộc hành trình.

Trước hết là một hồng ân. Sự thánh thiện là một món quà từ Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận được qua Bí tích Rửa tội: nếu chúng ta để hồng ân này phát triển, nó có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta (xem Tông huấn Gaudete et exsultate, 15). Các vị thánh không phải là những vị anh hùng xa xôi hay bất khả đạt tới, mà là những người như chúng ta, những người bạn của chúng ta, những người có xuất phát điểm là cùng một hồng ân mà chúng ta đã nhận được: Phép rửa. Thật vậy, nếu chúng ta nghĩ về điều đó, chúng ta chắc chắn đã gặp một số vị, một vị thánh hằng ngày: những người công chính, những người sống cuộc sống kitô cách nghiêm túc, với sự đơn sơ… họ là những người mà tôi thích gọi là “những vị thánh ở cửa cạnh bên”, họ sống bình thường giữa chúng ta. Sự thánh thiện là một món quà được ban cho mọi người để có một cuộc sống hạnh phúc. Và suy cho cùng, khi nhận được một món quà, phản ứng đầu tiên của chúng ta là gì? Đó chính là hạnh phúc, bởi vì điều đó có nghĩa là có ai đó yêu thương chúng ta; và món quà của sự thánh thiện làm cho chúng ta hạnh phúc vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Tuy nhiên, mọi món quà được đón nhận đều kèm theo trách nhiệm đáp lại. Nhưng chúng ta nói thế nào về món quà này? Và đó là lời mời gọi dấn thân để không bị phí bỏ. Tất cả những người đã được rửa tội đều nhận được cùng một lời kêu gọi để “gìn giữ và hoàn thiện bằng đời sống thánh thiện mà họ đã nhận được” (Lumen gentium, 40). Và do đó, chúng ta đến điểm thứ hai: sự thánh thiện cũng là một hành trình, một hành trình cùng nhau thực hiện, giúp đỡ lẫn nhau, hiệp nhất với những người bạn đồng hành tuyệt vời là các Thánh.

Họ là những người anh chị em của chúng ta, những người mà chúng ta luôn có thể tin cậy: các thánh nâng đỡ chúng ta và khi chúng ta đi sai đường, với sự hiện diện thầm lặng của họ, họ không ngừng sửa dạy chúng ta; họ là những người bạn chân thành, những người mà chúng ta có thể tin tưởng, bởi vì họ muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Nơi cuộc sống của họ, chúng ta tìm thấy một mẫu gương, trong lời cầu nguyện của họ, chúng ta nhận được sự giúp đỡ và tình bạn, và với họ chúng ta hình thành mối dây tình yêu huynh đệ.

Sự thánh thiện là một hành trình và một món quà. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có nhớ mình đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần, Đấng kêu gọi tôi nên thánh và giúp tôi đạt được điều đó không? Tôi có cảm ơn Chúa Thánh Thần về điều này không, về món quà của sự thánh thiện? Tôi cảm thấy các thánh gần gũi với tôi, tôi có thưa với các ngài, và hướng về các ngài không? Tôi có biết lịch sử của một số trong số họ không? Thật tốt cho chúng ta khi biết về cuộc đời các thánh và để mình được đánh động bởi gương sáng của các vị. Và thật tốt cho chúng ta khi hướng về các ngài trong lời cầu nguyện.

Xin Đức Maria, Nữ Vương các Thánh, làm cho chúng ta cảm nhận được niềm vui của hồng ân đã nhận được và làm trỗi dậy trong chúng ta niềm khao khát về mục tiêu vĩnh cửu.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2022) - Mừng tất cả các thánh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, mừng lễ tất cả Các Thánh, chúng ta có thể có một ý nghĩ sai lầm: chúng ta có thể nghĩ đến việc đang mừng những anh chị em, những người hoàn hảo trong cuộc sống, luôn luôn thẳng lối, chính xác, đúng hơn là “cứng nhắc”. Ngược lại, bài Tin Mừng hôm nay bác bỏ cái nhìn rập khuôn này, “sự thánh thiện như tranh vẽ” này. Trên thực tế, các Mối Phúc của Chúa Giêsu (x. Mt 5,1-12), là căn tính của các thánh, cho thấy điều hoàn toàn ngược lại: chúng nói về một cuộc sống ngược dòng và cách mạng! Các thánh là những người thực sự cách mạng.

Chúng ta hãy lấy ví dụ về một mối phúc rất thực tế: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (câu 9), và chúng ta thấy sự bình an của Chúa Giê-su rất khác so với những gì chúng ta tưởng tượng. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, nhưng thường những gì chúng ta muốn là ở trong hòa bình, được yên ổn, không có vấn đề gì ngoài sự tĩnh tại. Trái lại, Chúa Giê-su không nói phúc cho những ai đang ở trong sự bình an, nhưng phúc cho những ai tạo nên hòa bình và đấu tranh để tạo nên hoà bình, những người xây dựng, những người làm nên hòa bình. Thật vậy, hòa bình phải được xây dựng và cũng giống như bất kỳ công trình xây dựng nào, nó đòi hỏi sự dấn thân, cộng tác và kiên nhẫn. Chúng ta muốn hòa bình như mưa rơi xuống từ trên cao, ngược lại Kinh Thánh nói đến “hạt giống hòa bình” (Dcr 8,12), để nó nảy mầm từ đất sự sống, từ hạt giống trong lòng chúng ta; nó phát triển trong im lặng, ngày này qua ngày khác, qua các công việc của công lý và lòng thương xót, như những nhân chứng sáng ngời mà chúng ta ca tụng hôm nay cho chúng ta thấy. Chúng ta được thuyết phục để tin rằng hòa bình đi kèm với sức mạnh và quyền lực: đối với Chúa Giê-su thì ngược lại. Cuộc đời của Người và của các thánh cho chúng ta biết rằng hạt giống hòa bình, để lớn lên và đơm hoa kết trái, trước hết phải chết đi. Hòa bình không đạt được bằng cách chinh phục hoặc đánh bại ai đó, nó không bao giờ là bạo lực, nó không bao giờ được trang bị vũ khí. Tôi đã xem chương trình “Theo Hình ảnh của Người”, có nhiều vị thánh nam nữ đã phải chiến đấu để xây dựng hoà bình, với công việc của họ, cho đi chính cuộc sống của họ.

Làm thế nào để trở nên những người kiếntạo hòa bình? Điều trước hết cần là loại bỏ vũ khí khỏi trái tim. Đúng vậy, bởi vì tất cả chúng ta đều được trang bị với những suy nghĩ gây hấn, chống lại người khác, và với những lời sắc bén, và chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang tự bảo vệ mình bằng những hàng rào thép gai của sự phàn nàn và những bức tường bê tông của sự thờ ơ; với sự phàn nàn và thờ ơ, chúng ta bảo vệ mình nhưng đây không phải là hoà bình, mà là chiến tranh. Hạt giống của hòa bình đòi hỏi việc loại bỏ vũ khí khỏi con tim. Bằng thế nào? Bằng cách mở trái tim cho Chúa Giêsu, Đấng là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14); đứng trước Thập giá của Người, là ngai toà của hòa bình; nhận từ Người, nơi Bí tích Hoà giải, “sự tha thứ và bình an”. Từ đây chúng ta khởi đầu, bởi vì trở thành người xây dựng hòa bình, là thánh, không phải do khả năng của chúng ta, nhưng là món quà của Người, là ân sủng.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào mình và tự hỏi: chúng ta có phải là những người xây dựng hòa bình không? Nơi chúng ta sống, học tập và làm việc, chúng ta có mang đến căng thẳng, lời nói tổn thương, tám chuyện gây độc hại, tranh cãi chia rẽ không? Hay chúng ta mở ra con đường hòa bình: chúng ta có tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, chăm sóc những người bên lề, chúng ta có chữa lành một số bất công bằng cách giúp đỡ những người có ít hơn? Đây được gọi là xây dựng hòa bình.

Tuy nhiên, một câu hỏi cuối cùng có thể nảy sinh, áp dụng cho mọi mối phúc: tôi sống thế này có ổn không? Có mất mát gì không? Chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời: những người xây dựng hòa bình “sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9): ở thế gian, họ có vẻ bị lạc ra bên ngoài, vì họ không chịu khuất phục trước luận lý quyền lực và lấn át; ở Thiên đàng, họ sẽ là người gần với Thiên Chúa nhất, giống Người nhất. Nhưng, thực tế, ngay cả ở đây, những kẻ bắt nạt vẫn trắng tay, trong khi những ai yêu thương mọi người và không làm tổn thương ai lại là người chiến thắng: như Thánh Vịnh nói, “người của hòa bình sẽ có dòng dõi”(x. Tv 37,37).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương của tất cả các thánh, giúp chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình trong cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2021) - Không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng kính Các Thánh và trong Phụng vụ vang lên sứ điệp “hành động” của Chúa Giêsu, đó là Các Mối Phúc (Mt 5,1-12a). Chúng chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, nhân ái, hiền lành, công bằng và hòa bình. Nên thánh là bước đi trên con đường này. Chúng ta tập trung vào hai khía cạnh của lối sống này: Chính là hai khía cạnh của lối sống thánh thiện: niềm vui và ngôn sứ.

Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5, 3). Đây là lời loan báo căn cội, về một niềm hạnh phúc chưa từng có. Hạnh phúc, sự thánh thiện không phải là một chương trình sống chỉ được thực hiện bởi những nỗ lực và từ bỏ, nhưng trên hết là niềm vui khám phá ra rằng, mình là con cái được yêu thương của Thiên Chúa. Điều này làm chúng ta tràn ngập niềm vui. Đây không phải là một cuộc chinh phục của con người, nhưng là món quà chúng ta nhận được: Chúng ta là thánh bởi vì Thiên Chúa, Đấng là Thánh, đến cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta. Chính Người ban sự thánh thiện cho chúng ta. Vì điều này mà chúng ta có phúc! Vậy, niềm vui của người Kitô hữu không phải là cảm xúc nhất thời hay sự lạc quan đơn thuần của con người, mà là sự chắc chắn có thể đối diện với mọi tình huống dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, bằng sự can đảm và sức mạnh đến từ nơi Người. Các Thánh, ngay cả giữa nhiều hoạn nạn, họ đã sống niềm vui này và làm chứng về nó. Nếu không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một bài tập nghiêm khắc và gò bó, và có nguy cơ đổ bệnh vì buồn. Một Cha của sa mạc đã từng nói rằng: nỗi buồn là “con sâu của trái tim”, nó ăn mòn sự sống (Evagrio Pontico - Tám thần gian ác, XI). Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: chúng ta có phải là Kitô hữu vui tươi không? Chúng ta có lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người ủ rũ, buồn bã với khuôn mặt đưa đám? Chúng ta hãy nhớ rằng: không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui!

Các Mối Phúc được hướng đến những người nghèo, những người khốn khổ, những người khao khát công lý. Đây là một thông điệp ngược dòng. Thật vậy, thế giới nói rằng: để có được hạnh phúc, bạn phải giàu có, quyền lực, luôn trẻ và mạnh mẽ, tận hưởng danh tiếng và thành công. Chúa Giêsu đảo ngược những tiêu chuẩn này và đưa ra một lời loan báo ngôn sứ: sự sống tròn đầy thực sự đạt được khi bước theo Giêsu và thực hành Lời của Người. Và điều này có nghĩa là trở nên những người nghèo khó bên trong, dọn trống chính mình để có chỗ cho Thiên Chúa. Ai tin rằng mình giàu có, thành công và an toàn, thì đặt mọi thứ vào bản thân và khép mình trước Thiên Chúa và anh em mình, trong khi những người biết mình nghèo và không đủ, thì vẫn mở ra với Thiên Chúa và người lân cận. Và người đó tìm thấy niềm vui. Vậy, các Mối Phúc là lời ngôn sứ về một nhân loại mới, về một lối sống mới: làm cho mình trở nên nhỏ bé và phó thác mình cho Thiên Chúa thay vì đè lên người khác; hiền lành thay vì tìm cách áp đặt; thực hành lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình; dấn thân cho công lý và hòa bình thay vì đút lót, ngay cả bằng sự đồng lõa, bất công và bất bình đẳng. Sự thánh thiện là chào đón và đem ra thực hành, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, lời ngôn sứ này, vốn tạo nên một cuộc cách mạng thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có làm chứng cho lời ngôn sứ của Chúa Giêsu không? Tôi có diễn tả tinh thần ngôn sứ mà tôi đã lãnh nhận nơi Phép Rửa không? Hay tôi làm quen với cuộc sống tiện nghi và sự lười biếng của mình, nghĩ rằng mọi thứ đều ổn nếu tôi ổn? Tôi mang vào thế giới sự mới mẻ vui tươi của lời ngôn sứ của Chúa Giêsu hay những lời phàn nàn thường hằng về điều chưa ổn? Đó là những câu tự hỏi làm chúng ta tốt hơn.

Xin Thánh Trinh Nữ ban cho chúng ta một điều gì đó nơi tâm hồn của Mẹ, tâm hồn diễm phúc đã hân hoan ca tụng Chúa, Đấng đã “hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,52)

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2020) - Sống hiền lành và thương xót

Anh chị em thân mến,

Trong Lễ trọng thể kính các thánh hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về niềm hy vọng lớn lao, niềm hy vọng dựa trên sự Phục sinh của Chúa Kitô: Chúa Kitô đã sống lại và chúng ta cũng sẽ ở với Người. Tất cả các thánh và các chân phước là các chứng nhân có giá trị nhất về niềm hy vọng Kitô giáo, bởi vì các ngài đã sống niềm hy vọng cách viên mãn trong cuộc đời mình, giữa niềm vui và đau khổ, khi sống theo các Mối Phúc mà Chúa Giêsu đã rao giảng và vang vọng trong Phụng vụ hôm nay (x. Mt 5.1-12a). Thật sự là các Mối Phúc Tin Mừng là con đường nên thánh. Tôi dừng lại trên hai Mối Phúc thứ hai và thứ ba.

Mối Phúc thứ hai: “Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi” (c. 4). Những lời này có vẻ như mâu thuẫn nhau, bởi vì than khóc không phải là dấu hiệu của niềm vui và hạnh phúc. Những nguyên nhân đưa đến than khóc và đau khổ chính là sự chết, bệnh tật, nghịch cảnh luân lý, tội lỗi và sai lầm: đơn giản là từ cuộc sống mỗi ngày ghi dấu bởi sự mong manh, yếu đuối, và khó khăn, một cuộc sống thường bị thương tích và đau đớn bởi sự vô tình và hiểu lầm.

Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho những ai than khóc vì những thực tại này, và bất chấp mọi sự, họ tin cậy nơi Chúa và đặt mình dưới bóng che chở của Người. Họ không thờ ơ, và lòng cũng không chai cứng, nhưng kiên nhẫn hy vọng vào sự an ủi của Chúa. Và họ cảm nghiệm sự an ủi này ngay từ trong cuộc sống này.

Trong Mối Phúc thứ ba, Chúa Giêsu khẳng định: “Phúc cho những ai hiền lành, vì sẽ được đất làm sản nghiệp” (c. 5). Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhân đức hiền lành. Hiền lành là đặc tính của Chúa Giê-su, Đấng đã nói về chính mình: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Những người hiền lành là những người biết cách làm chủ bản thân, nhường chỗ cho người khác, lắng nghe và tôn trọng người khác trong cách sống, nhu cầu và yêu cầu của họ. Những người hiền lành không có ý định lấn át hay coi nhẹ người khác, không muốn chi phối và thống trị mọi thứ, cũng không áp đặt ý riêng và lợi ích của mình để làm tổn hại đến người khác. Não trạng thế gian không đánh giá cao những người này, nhưng ngược lại, họ lại quý giá đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho họ đất hứa làm sản nghiệp, tức là sự sống đời đời. Mối Phúc này cũng bắt đầu từ ở dưới thế gian này và sẽ được hoàn tất trong Đức Kitô. Sự hiền lành! Hiện tại trong đời sống cũng như trên thế giới có quá nhiều sự gây hấn, tấn công, cả trong đời sống hàng ngày, điều đầu tiên chúng ta làm là gây hấn. Chúng ta cần sự hiền lành để tiến bước trên con đường nên thánh. Lắng nghe, tôn trọng, không hiếu chiến, nhưng hiền lành.

Anh chị em thân mến,

Hãy chọn sự trong sạch, hiền lành và thương xót; hãy chọn phó thác mình cho Chúa trong tinh thần nghèo khó và khi gặp hoạn nạn; hãy dấn thân vì công lý và hòa bình, nghĩa là đi ngược lại với não trạng của thế giới này, ngược với văn hóa chiếm hữu, với thú vui vô nghĩa, với sự kiêu ngạo đối với những người yếu đuối nhất. Các Thánh và các Chân phước đã đi trên con đường Tin Mừng này. Ngày lễ trọng kính Các Thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của cá nhân và phổ quát, đồng thời đưa ra cho chúng ta những khuôn mẫu chắc chắn cho cuộc hành trình này, được mỗi người bước đi theo cách riêng của mình. Chỉ cần nghĩ đến vô số ân huệ và những câu chuyện cụ thể về các thánh nam nữ: chúng không giống nhau, mỗi người có tính cách riêng và đã phát triển đời sống trong sự thánh thiện theo tính cách của mình và mỗi người chúng ta có thể làm, có thể đi trên con đường đó.

Trong gia đình rộng lớn không giới hạn của các môn đệ trung thành của Chúa Kitô có người Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta tôn kính Mẹ với tước hiệu Nữ Vương của các Thánh, nhưng trước hết Mẹ là Mẹ, Đấng dạy dỗ mỗi người đón nhận và đi theo Con của Mẹ. Ngài cầu xin Mẹ giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng khao khát nên thánh, bước đi trên con đường của các Mối Phúc.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11/2019) - Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh

Anh chị em thân mến,

Mừng lễ trọng thể các thánh hôm nay nhắc nhớ rằng tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh. Các thánh nam nữ thuộc mọi thời, mà chúng ta mừng chung hôm nay, không chỉ là một biểu tượng hay những người xa cách, không thể với tới được.

Ngược lại, họ là những con người đã sống với đôi chân trên đất; họ đã trải qua những khó nhọc thường ngày của phận người với cả thành công lẫn thất bại, và họ tìm thấy nơi Chúa sức mạnh để luôn lại đứng dậy và tiếp tục hành trình.

Từ đây chúng ta hiểu rằng sự thánh thiện là một đích đến không thể đạt được chỉ bằng sức riêng, nhưng là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa và sự đáp lại ân sủng đó cách tự do. Do do, sự thánh thiện là món quà và là lời mời gọi.

Như là ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là món quà của Ngài, thì đây là điều mà chúng ta không thể mua hoặc trao đổi, nhưng là đón nhận, do đó, tham dự vào chính đời sống thần linh nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta ngay từ ngày chịu Phép rửa. Hạt mầm của sự thánh thiện là chính Phép rửa. Mỗi ngày cần trưởng thành hơn trong việc nhận thức rằng chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, như cành nho hợp nhất với cây nho, và do đó chúng ta có thể và phải sống với Ngài và trong Ngài như là những người con của Thiên Chúa, ngay từ bây giờ, khi đang trong cuộc lữ hành trần thế này.

Bên cạnh một món quà, sự thánh thiện còn là được kêu gọi, một ơn gọi chung của tất cả Kitô hữu chúng ta, các môn đệ Chúa Kitô; là con đường hoàn thiện mà mỗi Kitô hữu được kêu mời bước theo trong đức tin, để hướng đến mục đích cuối cùng: là sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu. Do đó, sự thánh thiện trở thành một sự đáp lại trước món quà của Thiên Chúa, như thế giả định là phải có trách nhiệm. Trong viễn cảnh này, điều quan trọng là dấn thân nghiêm túc và hằng ngày để thánh hoá trong những điều kiện, nhiệm vụ và hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, cố gắng sống mọi sự với tình yêu và với đức ái.

Các thánh chúng ta mừng trong phụng vụ hôm nay là những anh chị em đã đón lấy vào cuộc sống của họ ánh sáng thiêng liêng, buông mình cho ánh sáng ấy bằng sự tin tưởng. Và bây giờ, trước ngai Thiên Chúa (xem Rev 7:15), họ hát lời ca tụng muôn đời. Họ làm nên “Thành thánh”, là nơi chúng ta trông chờ với niềm hy vọng như mục đích cuối cùng của chúng ta, trong khi chúng ta hiện tại là những người hành hương nơi “thành dương thế” này.

Chúng ta bước đi hướng về “thành thánh”, nơi những anh chị em thánh này đang đợi chúng ta. Đúng thật là chúng ta khó nhọc vì sự khắc nghiệt của hành trình, nhưng niềm hy vọng sẽ cho chúng ta sức mạnh để tiến bước. Nhìn vào đời sống của các thánh, chúng ta được khích lệ và củng cố. Trong số họ, có rất nhiều nhân chứng về sự thánh thiện “ở ngay bên, những người sống gần chúng ta và là một sự phản chiếu về sự hiện diện của Thiên Chúa” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 7).

Anh chị em thân mến, nhớ về các thánh làm cho chúng ta ngước nhìn lên Thiên đàng: dù không quên thực tại dưới đất, nhưng đối diện với chúng bằng nhiều can đảm và hy vọng. Xin Đức Maria, Mẹ rất thánh của chúng ta, một dấu chỉ của niềm an ủi và hy vọng chắc chắn, đồng hành với chúng ta nhờ lời cầu bầu của Mẹ.

Nguồn: vaticannews.va/vi