BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM B

05/10/2024
392
Header


BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM B
 

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 27 Thường Niên năm B.

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (03/10/2021) - Yếu đuối không phải là trở ngại nhưng là cơ hội

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (07/10/2018) - Tình yêu trao tặng hỗ tương trong hôn nhân

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (04/10/2015) - Sự cô đơn, tình yêu nam nữ, và gia đình

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (08/10/2006) - Chính Chúa là tác giả của hôn nhân

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (03/10/2021) - Yếu đuối không phải là trở ngại nhưng là cơ hội

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy một phản ứng hơi khác thường của Chúa Giêsu: Chúa lấy làm khó chịu. Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là, Chúa thấy khó chịu không phải do những người Pharisêu thử thách Chúa với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc ly hôn, nhưng do các môn đệ, những người, để bảo vệ Chúa khỏi đám đông, đã rầy la các trẻ em được đưa đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa không khó chịu với những người tranh luận với Chúa, nhưng với những người, để làm Chúa bớt mệt mỏi, đã ngăn cấm các trẻ em đến với Chúa. Tại sao? Một câu hỏi hay: nhưng tại sao Chúa lại khó chịu vì điều này?

Chúng ta nhớ Tin Mừng của hai Chúa nhật trước đây, khi ôm một em nhỏ, Chúa Giêsu đồng hóa mình với các em nhỏ: Chúa đã dạy rằng chính những trẻ nhỏ, là những người phụ thuộc và cần người khác, và không thể hoàn trả lại, các em là những người phải được phục vụ trước (Mc 9,35-37). Ai tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ thấy Người nơi những người nhỏ bé, những người cần được giúp đỡ. Những người cần được giúp đỡ không chỉ là những người thiếu vật chất, nhưng cả những người thiếu sự chăm sóc và an ủi, như những người bệnh tật, những người bị sỉ nhục, những người bị giam giữ, những người nhập cư, những tù nhân. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu lấy làm khó chịu: mọi điều lăng nhục đối với một người nhỏ bé, người nghèo, người không có khả năng tự vệ, nghĩa là đang xúc phạm đến Chúa.

Hôm nay Chúa lấy lại giáo huấn này và hoàn tất nó. Thật vậy, Chúa nói thêm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Đây là điểm mới lạ: môn đệ không chỉ phải phục vụ những người nhỏ bé, nhưng phải nhận ra mình là người bé nhỏ. Mỗi người trong chúng ta có nhận ra mình bé nhỏ trước Chúa không? Hãy suy nghĩ về điều này, Chúa sẽ giúp chúng ta. Biết mình nhỏ bé, biết mình đang cần ơn cứu độ, là điều thiết yếu để đón nhận Chúa. Đó là bước đầu tiên để mở lòng với Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường quên điều đó. Trong giàu có, sung túc, chúng ta có ảo tưởng chúng ta có thể tự lo cho chính mình, không cần đến Chúa. Đó là sự lừa dối, bởi vì mỗi chúng ta là một người bé nhỏ, cần được trợ giúp. Chúng ta phải tìm ra chính sự bé nhỏ của mình và nhận ra nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống, nhận ra mình bé nhỏ là điểm khởi đầu để trở nên lớn lao. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy, chúng ta sẽ lớn lên không dựa vào quá nhiều những thành công và những gì chúng ta có, nhưng trên hết là những lúc chúng ta đấu tranh và yếu đuối. Trong những giây phút đó, chúng ta trưởng thành. Ở đó khi chúng ta thiếu thốn, chúng ta trưởng thành, mở rộng tâm hồn với Chúa, với tha nhân, với ý nghĩa của cuộc sống. Khi chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước một vấn đề, một thập giá, một căn bệnh, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Bề ngoài của sự hời hợt đang dần mất đi và sự yếu đuối tận căn của chúng ta đang tái xuất hiện: đó là nền tảng chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì với Chúa, yếu đuối không phải là một trở ngại, nhưng là cơ hội. Và đây là lời cầu nguyện đẹp: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn đến sự yếu đuối của con”, và liệt kê chúng trước mặt Người. Đây là một thái độ tốt trước mặt Chúa.

Thực vậy, chính trong yếu đuối, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa chăm sóc chúng ta rất nhiều. Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu rất dịu dàng với những người bé mọn: “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (v. 16). Những nghịch cảnh, những hoàn cảnh bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta là những dịp đặc biệt để trải nghiệm tình yêu Chúa.

Chúa biết rõ ai cầu nguyện với sự kiên trì: trong những giây phút  tăm tối hoặc cô đơn, chúng ta càng cảm thấy sự dịu dàng của Chúa. Khi chúng ta trở nên bé nhỏ, chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng của Chúa nhiều hơn. Sự dịu dàng này mang lại cho chúng ta sự bình an, làm cho chúng ta lớn lên, bởi vì Chúa đến với chúng ta theo cách của Người, đó là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Và khi chúng ta cảm thấy nhỏ bé, vì bất cứ lý do gì, thì Chúa gần gũi chúng ta hơn. Nó mang lại cho chúng ta sự bình yên, Người cho chúng ta bình an và lớn lên. Trong cầu nguyện, Chúa ôm lấy chúng ta vào lòng, như một người cha với người con. Nhờ đó, chúng ta trở nên vĩ đại: không phải trong sự giả tạo hão huyền về khả năng tự phụ của chúng ta, nhưng trong sức mạnh để đặt tất cả hy vọng vào Chúa Cha, như trẻ nhỏ làm.

Hôm nay, chúng ta cầu xin Đức Trinh Nữ Maria một ân sủng lớn lao, đó là trở nên bẻ nhó: trở thành những người con tin cậy nơi Cha, chắc chắn rằng Người luôn chăm sóc chúng ta.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (07/10/2018) - Tình yêu trao tặng hỗ tương trong hôn nhân

Anh chị em thân mến,

Tin mừng Chúa nhật hôm nay (xem Mc 10,2-16) trình bày cho chúng ta những lời Chúa Giêsu nói về hôn nhân. Trình thuật bắt đầu với câu hỏi các Pharisiêu đặt ra cho Chúa Giêsu: chồng có được phép rẫy vợ không, như là luật Mosê đã cho phép (xem cc 2-4). Trước hết, với sự khôn ngoan và  thẩm quyền Thiên Chúa Cha ban, Chúa Giêsu xác định lại chiều kích của luật Môsê, Ngài nói: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê – người lập pháp của luật cũ – đã viết cho các ông luật này” (c. 5). Đây là một sự nhượng bộ để giảm nhẹ những sai lầm do sự ích kỷ của chúng ta, nhưng nó không đúng với ý định ban đầu của Tạo Hóa.

Ở đây, Chúa Giêsu đã lấy lại lời trong sách Sáng thế: “Từ khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ; bởi thế, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình và kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một thịt duy nhất” (cc. 6-7). Và Chúa kết luận: “Do đó con người không được phân ly điều Thiên Chúa đã liên kết” (c. 9). Trong chương trình nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, không có người đàn ông kết hôn với người đàn bà và rồi nếu mọi chuyện không diễn ra tốt đẹp thì ruồng rẫy vợ mình. Không! Ngược lại! Người đàn ông và đàn bà được mời gọi nhận ra nhau, hoàn thiện cho nhau, trợ giúp lẫn nhau trong hôn nhân.

Giáo huấn này của Chúa Giêsu rất rõ ràng và bảo vệ phẩm giá của hôn nhân, như là liên kết của tình yêu mà trong đó có ám chỉ đến sự trung thành. Điều cho phép các đôi vợ chồng vẫn liên kết với nhau trong hôn nhân chính là tình yêu trao ban hỗ tương được ân sủng của Chúa Kitô trợ giúp. Ngược lại, nếu nơi vợ chồng, lợi ích cá nhân, sự thỏa mãn cá nhân, lớn hơn thì sự liên kết của họ sẽ không thể vững bền.

Cũng chính trang Tin mừng đó nhắc nhở chúng ta, một cách rất thực tế, người đàn ông và đàn bà, được gọi sống kinh nghiệm của mối tương quan và của tình yêu, có thể, một cách đáng tiếc, làm những việc khiến cho kinh nghiệm này bị khủng hoảng. Chúa Giêsu không cho phép sự ruồng rẫy và tất cả những gì có thể làm cho mối quan hệ bị tan vỡ. Người làm điều này để khẳng định kế hoạch của Thiên Chúa, trong đó nổi bật sức mạnh và vẻ đẹp của mối liên hệ con người. Giáo hội, là mẹ và là thầy, chia sẻ những niềm vui và vất vả của con người. Một đàng, Giáo hội không mệt mỏi khẳng định vẻ đẹp của gia đình như Thánh kinh và Thánh truyền trình bày cho chúng ta; đồng thời, Giáo hội cũng nỗ lực giúp chúng ta cảm thấy cách cụ thể sự gần gũi hiền mẫu đối với bao người sống kinh nghiệm của mối liên hệ đỗ vỡ hoặc tiếp tục sống nó cách đau khổ và mỏi mệt.

Cách hành động của chính Thiên Chúa với dân bất trung của Người – là chúng ta – dạy chúng ta rằng tình yêu bị tổn thương có thể được Thiên Chúa chữa lành qua lòng thương xót và sự tha thứ. Do đó, trong những tình cảnh này, Giáo hội không được yêu cầu ngay lập tức và chỉ kết án, nhưng trái lại, trước những đổ vỡ hôn nhân đau khổ, Giáo hội cảm thấy được kêu mời sống sự hiện diện bác ái và từ bi của mình, để dẫn đưa các cõi lòng thương tổn và lạc bước trở về với Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh nữ Maria giúp cho các đôi vợ chồng sống và luôn canh tân sự kết hợp của họ, bắt đầu từ món quà nguyên thủy của Thiên Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (04/10/2015) - Sự cô đơn, tình yêu nam nữ, và gia đình

“Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên trọn hảo” (1 Ga 4,12).

Các bài đọc Kinh Thánh của Chúa nhật này dường như được lựa chọn cách đặc biệt cho thời điểm ân sủng mà Giáo hội đang sống, đó là Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ về gia đình, được khai mạc với cử hành Thánh Thể này.

Các bài đọc này tập trung vào ba chủ đề: bi kịch của sự cô đơn, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình.

Sự cô đơn

Ađam, như chúng ta đã nghe đọc trong bài đọc một, sống trong Vườn Địa Đàng; ông đặt tên cho các thụ tạo khác, thực thi quyền thống trị để chứng tỏ mình có quyền trên chúng - một quyền rõ ràng và không thể sánh được; nhưng dù vậy, ông vẫn cảm thấy cô đơn vì “ông chẳng tìm được cho mình một người trợ tá” (St 2,20), vì thế ông đã cảm nghiệm nỗi cô đơn.

Cô đơn, thảm trạng vẫn tồn tại cả trong thời nay, đã gây sầu khổ cho biết bao người nam và nữ. Tôi nghĩ đến những người già, bị chính những người thân và con cái mình bỏ rơi; những người goá bụa; tôi nghĩ đến biết bao người bị chồng hay vợ mình ruồng bỏ; biết bao người cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm và không được lắng nghe; những người di dân và tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh và bách hại; và đến những người trẻ là nạn nhân của nền văn hóa tiêu thụ, văn hoá lãng phí, và nền văn hóa vứt bỏ.

Ngày nay người ta chứng kiến cái nghịch lý của một thế giới toàn cầu hoá, nơi có nhiều ngôi nhà sang trọng và toà nhà chọc trời, nhưng lại ít đi hơi ấm của mái gia đình; nơi có nhiều dự án đầy tham vọng, nhưng lại có ít thời gian để hưởng những thành quả đạt được; nơi có nhiều phương tiện giải trí tinh xảo, nhưng lại càng thêm sự trống rỗng trong tâm hồn; nhiều thú vui, nhưng ít tình yêu; nhiều quyền tự do nhưng lại ít làm chủ được mình... Càng ngày càng có nhiều người cảm thấy cô đơn, cũng như nhiều người giam mình trong thói ích kỷ, trong u sầu, trong bạo lực hủy diệt và nô lệ cho thú vui và tiền bạc.

Theo một nghĩa nào đó, ngày nay chúng ta cũng đang sống kinh nghiệm như của Ađam: vừa có nhiều quyền lực, lại vừa rất cô đơn và dễ bị tổn thương; và đó là hình ảnh của gia đình. Người ta ngày càng ít nghiêm túc hơn khi xây dựng một mối tương quan tình yêu bền vững và sinh hoa trái: khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Tình yêu lâu dài, trung tín, chu đáo, vững vàng, sinh hoa trái ngày càng bị chế giễu và xem như thể một món đồ cổ. Dường như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là những xã hội có tỉ lệ sinh thấp nhất và tỉ lệ phá thai, ly dị, tự tử và ô nhiễm môi trường và xã hội cao nhất.

Tình yêu giữa người nam và người nữ

Trong bài đọc một, chúng ta còn được nghe rằng trái tim Thiên Chúa đau xót khi thấy Ađam cô đơn, và Ngài bảo: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Những lời này cho thấy rằng không có gì làm cho trái tim con người hạnh phúc bằng một trái tim giống như của mình, tương hợp với mình, yêu thương mình và làm cho mình không còn thấy cô đơn trơ trọi nữa. Những lời ấy cũng cho thấy rằng Thiên Chúa đã không tạo ra con người để họ sống trong buồn tẻ hay để họ ở một mình, nhưng để hưởng hạnh phúc, để chia sẻ hành trình của mình với một người khác bổ túc cho mình, để sống kinh nghiệm tình yêu diệu kỳ, là yêu và được yêu, và để nhìn thấy tình yêu của mình sinh hoa trái nơi con cái, như Thánh vịnh đáp ca ngày hôm nay đã nói (x. Tv 128).

Đây là ước mơ của Thiên Chúa về thụ tạo yêu quý của Ngài: thấy nó thành tựu trong sự kết hợp tình yêu giữa người nam và người nữ; được hạnh phúc trên con đường cùng đi với nhau, sinh hoa trái khi trao ban lẫn cho nhau. Đó cũng là kế hoạch mà Chúa Giêsu tóm lại trong những lời này của bài Tin Mừng hôm nay: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,6-8); (x. St 1,27; 2,24).

Chúa Giêsu đang đứng trước câu hỏi hoa mỹ có lẽ được giăng ra như một cái bẫy, để làm cho đám đông dân chúng quay ngoắt lại thù ghét Ngài; đám đông đang đi theo Ngài và vẫn thực hành luật ly dị như bắt nguồn từ thực tế và bất khả xâm phạm. Chúa Giêsu đã bất ngờ đưa ra câu trả lời thẳng thắn: Ngài đặt tất cả mọi thứ trở về thuở ban đầu của sáng tạo, mà dạy chúng ta rằng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu con người, chính Ngài liên kết trái tim của một người nam và một người nữ yêu thương nhau và kết hợp họ trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này có nghĩa là mục đích của cuộc sống hôn nhân không chỉ là sống với nhau mãi mãi, mà là yêu thương nhau trọn đời! Như thế, Chúa Giêsu tái lập trật tự đã có từ ban đầu và là điểm khởi đầu.

Gia đình

“Vì vậy, điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Đây là một lời khích lệ các tín hữu vượt qua mọi hình thức của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy luật pháp, vốn ẩn chứa một thói ích kỷ ti tiện và nỗi lo sợ phải chấp nhận ý nghĩa đích thực của cuộc sống vợ chồng và của tính dục con người theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của sự điên rồ của tình yêu nhưng không của Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta mới hiểu được sự điên rồ của tình yêu vợ chồng, một tình yêu duy nhất và nhưng không đến trọn đời.

Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một điều không tưởng của tuổi trẻ, nhưng là một giấc mơ mà nếu không có giấc mơ ấy thì thụ tạo Ngài dựng nên sẽ buộc phải sống cô đơn! Thật vậy, nỗi sợ hãi phải chấp nhận kế hoạch này làm cho trái tim con người bị tê liệt.

Cũng thật là nghịch lý, khi con người ngày nay –vốn thường giễu cợt kế hoạch này– lại vẫn bị cuốn hút và say mê bởi mọi tình yêu đích thực, mọi tình yêu bền vững, mọi tình yêu sinh hoa trái, mọi tình yêu trung tín và vĩnh cửu. Chúng ta thấy con người chạy theo những tình yêu tạm bợ, nhưng lại mơ một tình yêu đích thực; chạy theo những thú vui xác thịt, nhưng lại ao ước trao ban trọn vẹn.

Quả vậy, “bây giờ khi đã hưởng nếm no đầy những lời hứa về thứ tự do không giới hạn, chúng ta lại một lần nữa hiểu được kiểu nói ‘sự buồn tẻ của thế giới này’. Các thú vui bị cấm đoán sẽ chẳng còn hấp dẫn nữa khi chúng không còn bị cấm. Ngay cả khi chúng được đẩy đến tận cùng và được làm mới lại mãi, chúng vẫn vô vị, vì chúng chỉ là những thứ hữu hạn, trong khi chúng ta khao khát cái vô hạn” (Joseph Ratzinger, Auf Christus schauen. Einübung in Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg 1989, tr. 73).

Trong bối cảnh rất khó khăn này về mặt xã hội và hôn nhân, Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong sự trung tín, trong chân lý và trong bác ái. Sống sứ mạng của mình trong sự trung tín với Thầy mình như một tiếng kêu giữa sa mạc, để bảo vệ tình yêu trung thành, và khích lệ nhiều gia đình sống đời hôn nhân của mình như một nơi biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa; để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống; để bảo vệ tính duy nhất và bất khả phân ly của mối dây liên kết hôn nhân như dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và khả năng yêu thương nghiêm túc của con người.

Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong chân lý không thay đổi theo những mốt nhất thời và những quan điểm đang thống trị. Chân lý ấy bảo vệ con người và nhân loại khỏi những cám dỗ của tính tự quy và biến tình yêu phong nhiêu thành thói ích kỷ cằn cỗi, sự hoà hợp tín trung thành những liên kết chóng qua. “Nếu không có chân lý, tình yêu sẽ bị hạ thấp thành cảm tính. Tình yêu trở thành cái vỏ trống rỗng, sẽ được lấp đầy một cách tuỳ tiện. Đó là nguy cơ trầm trọng mà tình yêu phải đối mặt trong một nền văn hóa không có chân lý” (Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác ái trong Chân lý, 3).

Và Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong tình bác ái không chỉ tay phán xét, nhưng –trung tín với bản chất là mẹ– cảm thấy mình có nghĩa vụ đi tìm và lấy dầu niềm nở và thương xót mà chăm sóc các đôi vợ chồng đang chịu thương tích; trở thành “bệnh viện dã chiến” mở rộng cửa để đón nhận bất cứ người nào đến gõ cửa xin nâng đỡ trợ giúp; hơn nữa, ra khỏi tường rào của mình để đến với người khác bằng tình yêu chân thực, để cùng đi với nhân loại bị thương, để ôm lấy và dẫn đưa đến nguồn ơn cứu độ.

Một Giáo hội giảng dạy và bảo vệ các giá trị nền tảng, mà không quên rằng “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2, 27); và Chúa Giêsu cũng nói: “Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà là người đau yếu. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mc 2, 17). Một Giáo hội dạy dỗ theo tình yêu đích thực, có khả năng giải thoát khỏi cảnh cô đơn, mà không quên sứ mạng của người Samaria chăm sóc cho nhân loại đang mang thương tích.

Tôi nhớ Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Lỗi lầm và sự dữ lúc nào cũng phải bị lên án và phải chống lại nó; nhưng con người sa ngã hoặc phạm sai lầm phải được thông cảm và yêu thương [...] Chúng ta phải yêu thương thời đại chúng ta và giúp đỡ con người của thời đại chúng ta” (Bài Huấn từ cho Phong trào Công giáo Tiến hành Italia, 30/12/1978: Insegnamenti I [1978] 450). Và Giáo hội phải tìm kiếm, đón nhận và đồng hành, bởi vì một Giáo hội cửa đóng then cài là một Giáo hội phản bội chính mình và sứ mạng của mình, và thay vì là một cây cầu lại trở thành rào cản: “Đấng thánh hoá, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc; vì thế, Đức Giêsu đã không hổ thẹn gọi họ là anh em của Người” (Dt 2,11).

Với tâm tình này, chúng ta xin Chúa đồng hành với chúng ta trong Thượng Hội đồng và hướng dẫn Giáo hội của Ngài, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và của Thánh Giuse, bạn trăm năm cực thanh cực tịnh của Mẹ.

WHĐ (05/10/2015)

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm B (08/10/2006) - Chính Chúa là tác giả của hôn nhân

Anh chị em thân mến,

Bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay trình bày cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu nói về hôn nhân. Một người kia hỏi Người rằng chồng có được phép rẫy vợ mình không, theo như một mệnh lệnh của luật Moisen đã dự liệu (xc. Đnl 24,1). Chúa Giêsu đáp lại rằng đó là một sự nhân nhượng của ông Mose vì lý do “lòng chai dạ đá”, còn sự thật về hôn nhân thì bắt nguồn từ “thuở tạo dựng”, khi mà – như đã viết trong sách Sáng thế - “Thiên Chúa đã tạo dựng người nam người nữ; vì thế người nam sẽ rời bỏ cha mẹ của mình và cả hai trở trên một thân xác” (Mc 10,6-7; xc St 1,27; 2,24). Và Chúa Giêsu còn thêm rằng: “Vì thế không còn là hai nữa, và chỉ còn là một thân xác mà thôi. Bởi vậy loài người không được phép tách ly điều mà Thiên Chúa đã kết hợp (Mc 10,8-9). Đó chính là kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa, như công đồng Vaticanô II đã nhắc nhớ trong hiến chế Vui mừng và hy vọng : “Sự hiệp thông thâm sâu về sự sống và tình yêu phu phụ, do Đấng Tạo Hoá thiết lập và ấn định bằng những luật lệ riêng, được trở nên vững bền qua giao ước hôn nhân ... Chính Chúa là tác giả của hôn nhân” (số 48).

Hôm nay tâm trí tôi nghĩ đến các đôi bạn kitô hữu: cùng với họ tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân bí tích hôn nhân, và tôi khuyến khích họ hãy trung thành với ơn gọi của mình trong mọi tình huống cuộc đời “khi vui vẻ và khi đau khổ, lúc khoẻ mạnh và lúc bệnh tật”, như họ đã cam kết trong nghi thức hôn phối. Mong rằng các đôi bạn Kitô hữu ý thức về ân sủng đã lãnh nhận, kiến tạo một gia đình mở rộng đến sự sống, và hợp nhất với như để đương đầu với những thách thố vừa nhiều vùa phức tạp của thời nay. Thời buổi hôm nay đang cần đặc biệt chứng tá của họ. Cần có những gia đình không để bị lôi cuốn theo những trào lưu văn hoá bắt nguồn từ thuyết khoái lạc và tương đối, và trái lại, cần có những gia đình sẵn sàng thực thi cách quảng đại sứ mạng của mình trong Giáo hội và trong xã hội.

Trong tông huấn Familiaris consortio , người tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Bí tích hôn nhân thiết lập các đôi bạn và cha mẹ kitô hữu thành những chứng nhân của Chúa Kitô cho đến tận cùng trái đất, đặt họ thật sự là những nhà thừa sai của tình yêu và sự sống” (xc. số 54). Sứ mạng này hướng bên trong cũng như bên ngoài gia đình: bên trong gia đình, cách riêng qua sự giúp đỡ lẫn nhau và sự giáo dục con cái; bên ngoài, cộng đoàn gia thất mang ơn gọi trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với hết mọi người. Đó là sứ mạng mà gia đình Kitô hữu chỉ có thể hoàn thành được nhờ sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa. Vì thế cần phải cầu nguyện không biết mệt mỏi, và kiên trì trong cố gắng mỗi ngày duy trì những cam kết đã đảm nhận vào ngày kết hôn.

Tôi nài xin lòng che chở hiền mẫu của Đức Maria và của thánh Giuse bạn của Người xuống trên tất cả mọi gia đình, cách riêng là những gia đình đang gặp khó khăn. Ôi Maria, Nữ vương các gia đình, cầu cho chúng con.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

 Nguồn: hdgmvietnam.com