TGM Jacques Mourad: Người dân Syria bị kết án tử nhưng không thể nói gì
Đức Tổng Giám Mục Jacques Mourad của Homs kêu gọi thế giới không để người dân Syria chết dần chết mòn. Ngài cho rằng việc Chương trình Lương thực Thế giới quyết định không viện trợ cho Syria là một quyết định kinh khủng và bất công. Quyết định đó như thể thế giới nói với người dân Syria rằng họ bị kết án tử, đừng lên tiếng, đừng nói gì cả.
Vatican News
Cách đây sáu tháng, Chương trình Lương thực thế giới (WJP) của Liên Hiệp Quốc đã giảm một nửa số lương thực viện trợ dân Syria, nhưng từ đầu tháng 01/2024, họ đã ngưng hoàn toàn. Hơn năm triệu người Syria phụ thuộc vào số lương thực và nhu yếu phẩm này. Vào tháng Ba tới đây, chiến tranh ở đất nước này bước vào năm thứ 13. Cuộc sống của người dân càng thêm nghèo khổ do trận động đất vào tháng 02/2023
Tổ chức của Liên Hiệp Quốc giải thích lý do việc ngưng viện trợ lương thực cho Syria là vì thiếu tiền, nguyên dân do đại dịch Covid-19, chiến tranh tại Ucraina và bây giờ tại Gaza. Số người ở trong tình trạng mất an ninh lương thực ước tính hơn 12 triệu.
Về tình trạng khốn cùng của người dân, trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, hôm 02/01 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục nói: “Người dân Syria bị kết án tử nhưng không thể nói lên lời nào. Quyết định của Chương trình Lương thực Thế giới là một quyết định kinh khủng và bất công. Tại sao người ta có thể đi tới tình trạng như vậy. Đối với chúng tôi, quyết định đó như thể thế giới nói với người dân Syria rằng họ bị kết án tử, đừng lên tiếng, đừng nói gì cả. Nhưng người dân Syria có tội gì?”.
Những lời của Đức Tổng Giám Mục Mourad rất đau buồn, nghĩ đến đau khổ mà người dân Syria phải chịu trong suốt những năm qua và sẽ còn phải chịu, do cuộc chiến tranh dường như không chấm dứt, và phá vỡ mọi hy vọng. Ngài nói thêm: “Quyết định này được đưa ra nhằm đẩy dân Syria vào trong tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn, dập tắt mọi tia sáng có thể sáng nhờ đức tin và hy vọng của chúng tôi. Nhưng trong tình trạng như vậy, đối với chúng tôi mọi sự thực sự là chấm dứt”.
Đức Tổng Giám Mục cho biết, trong những năm qua, các tổ chức phi chính phủ và Giáo hội Công giáo đã làm được “phép lạ” ở Syria, hỗ trợ dân chúng bằng mọi cách. Ngày nay, đứng trước tình trạng ngưng trợ giúp nhân đạo mà hai phần ba dân Syria đang cần, người ta tự hỏi không biết có còn một hy vọng ngăn cản người dân tại nước này khỏi chết đói hay không.
Ngài giải thích: “Giáo hội cũng như các tổ chức phi chính phủ không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của người dân Syria, khả năng tài chánh của họ giới hạn. Ngoài ra, việc chuyển tiền đến Syria là điều không thể được, vì sự cấm vận do Mỹ và Liên Hiệp Quốc áp đặt. Chúng tôi phải làm gì đây? Người dân Syria có thể sống như thế nào? Nhiều gia đình ở Syria chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Chúng tôi đã quên thế nào là sưởi ấm, nước nóng, và xã hội là gì. Chúng tôi sống trong tối tăm hoàn toàn, các thành phố ở Syria không có đèn điện, chắc chắn những khu nhà giàu chỉ chiếm 5% dân số và không đại diện cho toàn thể dân Syria”.
Nguồn:vaticannews.va