Ngày 27/12/2023 gia đình du học sinh của Giáo phận Thanh Hoá đã tổ chức ngày gặp mặt thường niên vào mỗi dịp lễ Giáng sinh tại Giáo xứ Việt Nam - Paris.
Đến dự cuộc gặp gỡ năm nay có cha Giuse Trần Anh Dũng - đại diện Giám mục Thanh Hoá tại châu Âu, quý cha sinh viên đang tu học cũng như quý cha đang làm việc mục vụ tại Pháp, quý thầy chủng sinh, quý sơ dòng thánh Phao lô và dòng Mến Thánh Giá.
Đúng 8g30 phút, cuộc gặp mặt diễn ra tại phòng họp của Giáo xứ. Để có được cuộc gặp gỡ này mọi người đã phải hy sinh công việc, dự định cá nhân, thời gian, tiền bạc … nhưng quan trọng và cần hơn cả vẫn là tinh thần những người con xứ Thanh luôn luôn, không chỉ muốn gặp lại nhau sau một năm học tập hay mục vụ nhưng còn muốn hiệp thông cùng Đức Cha và Giáo phận thân yêu. Gặp gỡ không là gì khác ngoài việc để chính mình được kêu gọi ra đi bởi Thiên Chúa. Thật vậy niềm tin vào con Thiên Chúa Giáng sinh làm người là động lực để mỗi tham dự viên ra đi, ra đi để gặp gỡ Hài nhi Giê-su ngự trị trong tâm hồn mỗi tha nhân nhưng đồng thời ra đi cũng chính là trở về với lòng mình, nhận ra chính mình và nhờ đó mà phát triển bản thân; ra đi cũng chính là trở về “ngôi nhà” của mỗi người, là chính là Giáo Hội, là thân thể Đức Ki-tô mà mỗi người thuộc về nhờ bí tích rửa tội. Cũng trong tâm tình ấy, đức Giám mục Giáo phận nhắn gửi trong lá thư gửi cho du học sinh Thanh Hoá : “khi chúng ta đến với nhau, lắng nghe những chia sẻ của nhau, đó là lúc chúng ta có thể đồng hành cùng nhau và tham gia xây dựng Nhiệm thể Giáo Hội”.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, mọi người cùng nhau lắng nghe lời chào thăm và chúc mừng Giáng sinh của Đức Cha Giáo phận, Đức cha cũng nhấn mạnh ý tưởng “hãy có nhiều cuộc ra đi hơn nữa”, nhất là ra khỏi lòng mình để có thể học hỏi, tiếp thu kiến thức mới và nói về Chúa nhiều hơn cho tha nhân. Tiếp đến, mỗi thành viên chia sẻ cho nhau những niềm vui, những khó khăn khi học tập và mục vụ tại vùng đất “lục địa già” này. Trong phần phát biểu, Cha đại diện đã nêu bật tính chất “truyền thống” của cuộc họp mặt. Truyền thống không gì khác là cung cấp, truyền tải, để lại cho thế hệ sau một sự kiện lịch sử. Chính nhờ tinh thần truyền thống này mà du học sinh Thanh Hoá đã làm nên cuộc gặp gỡ lần thứ 15 này. Cha nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ làm nên “truyền thống” cách hình thức bên ngoài nhưng còn sống tinh thần này trong đời sống kinh nguyện của mỗi người. Như thế tất cả đều được nâng đỡ bởi ơn Chúa. Mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần chúng ta ra khỏi “nền văn hoá vô cảm” để đến với một “nền văn hoá sẻ chia”. Gặp gỡ giúp con người suy tư về chính mình, nó cũng giúp con người nhận ra chính mình cách rõ nét hơn. Bởi thế ĐGH Phanxicô đã nói trong một bài giảng “mỗi cuộc gặp gỡ đều sinh hoa kết trái, bởi vì nó đặt mọi sự vào chính vị trí của nó”.
Trong khung cảnh thân tình của cuộc gặp gỡ, gia đình du học sinh đã chúc mừng cha đại diện Giuse Trần Anh Dũng nhân dịp mừng kỉ niệm giáp 40 năm linh mục. Đáp lại lời chúc, cha đại diện chia sẻ tâm tình cuộc đời 40 năm linh mục chính là tâm tình tạ ơn và yêu mến. Tạ ơn Chúa và cám ơn người đã luôn yêu thương và nâng đỡ Cha trong hành trình 40 năm linh mục, vui vì được đồng hành cùng du học sinh Thanh Hoá. Yêu mến là để đáp lại tình Chúa và tình người. Và yêu mến cách cụ thể nhất chính là cố gắng sống tâm tình con thảo với mẹ Giáo hội qua việc phục vụ, chu toàn phận vụ cách âm thầm, khiêm nhường và nhất là say mê nghiên cứu lịch sử Giáo hội Việt nam. Cũng nhân dịp này cha đại diện cũng dành tặng mỗi tham dự viên trong gia đình Thanh Hoá tại châu Âu tập sách nhỏ : “Niềm tin Thập Giá trên quê hương xứ Thanh”, 104 trang, đó là những chia sẻ thoáng nhìn Giáo phận Thanh Hóa dịp họp mặt 27-12-2014. Không chỉ có thế, niềm vui càng nhân đôi khi anh chị em được đón nhận ấn bản tặng : “Biên Niên Sử Truyền Giáo tại Việt Nam : thời thừa sai các dòng tu đến Đại Việt (1533-1659)” tập I, 400 trang, do Đắc Lộ Tùng Thư phát hành tại Paris, 27-12-2023. Trong tâm tình hòa chung niềm vui, món quà thân thương đang được đặt in 300 ấn bản dành tặng anh em ứng sinh và chủng sinh Đại chủng viện Lê Bảo Tịnh, Giáo phận Thanh hoá. Đó là niềm vui lớn lao mà cha đại diện dành tặng cho tất cả chúng ta.
Sau phần chia sẻ là Thánh lễ kính thánh Gioan tông đồ, cũng là ngày trong tuần Bát nhật Giáng sinh. Trong bài giảng, Cha Giuse Tạ Như Quỳnh kêu gọi suy niệm về Mầu nhiệm Giáng sinh. Giáng sinh chính là món quà lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã làm cho con người. Tuy nhiên nhân loại lại thờ ơ trước một Hài nhi bé bỏng nằm trong máng cỏ. Cha Giuse mời gọi chúng ta suy ngẫm về Trẻ thơ yếu ớt nằm bất động trong hang của súc vật. Ngài là ai mà thánh Stéphane đã dùng cái chết để làm chứng và giao giảng ? (Ac 7, 55-60). Ngài là ai mà Gioan “đã thấy và đã tin”?(Jn 2, 8). Ngài ai mà làm cho các trẻ em sinh cùng thời phải chết? (Mt 2, 13-18). Chúng ta cũng được mời gọi, trước là đón nhận Ngài, sau là làm chứng cho Ngài để chính Ngài sẽ ban cho nhân loại bình an và niềm vui. Sau thánh lễ là giờ chầu Mình thánh Chúa linh thiêng và sốt sắng. Đó là giây phút mà mỗi người được « ở lại trong tình yêu của Ngài » (Jn 15, 9) để cảm nhận tình yêu Chúa, để dâng Giáo phận cho sự quan phòng của Thiên Chúa tối cao, và phó thác một năm mới cho cho tình yêu của Ngài.
Cũng trong tinh thần ra đi mà Đức Giám Mục Giáo phận nhắn gửi anh chị em du học sinh, Cha đại diện đã thu xếp cho mọi người đi “gặp gỡ” các thầy dòng Cîteaux (xitô nhặt phép) tại Abbaye Notre Dame de Grâce tại vùng Normandie, nước Pháp. Tại đây mọi người đã có những giây phút tìm về bên Chúa trong bầu khí thánh thiêng của một cộng đoàn tu trì, những khoảnh khắc sống tình huynh đệ, cũng như những sẻ chia chân thành cùng các thầy dòng. Tất cả làm nên một cuộc ra đi đúng nghĩa, nhờ đó mọi người được tiếp thêm sức mạnh cho cuộc sống tu học và mục vụ sau này.
Mầu Nhiệm Giáng sinh được kéo dài trong tuần Bát nhật mời gọi chúng ta, dù đi đâu dù bận rộn cũng nên nán lại giây lát bên hang đá Giáng sinh để chiêm ngắm khoảnh khắc Thiên Chúa quyền năng đến sống giữa con người, trở nên mong manh yếu đuối như con người. Ngài không còn cao sang, uy quyền hay trừu tượng nữa nhưng trở nên nghèo hèn, đơn sơ và cụ thể, đến độ chúng ta có thể đụng chạm hay đối thoại cùng với Ngài. Mừng mầu nhiệm cao trọng này, chúng ta được mời gọi trước hết “giữ thinh lặng” để có thể suy tư sâu xa hơn, để chất vấn niềm tin của chúng ta vào một “Thiên Chúa Giáng sinh” như Zacharie đã phải giữ thinh lặng trong suốt thai kì của Gioan Tiền hô; và sau hết “chúc tụng” Thiên Chúa như chính ông đã làm ngay khi có thể nói được. Như thế thinh lặng như là một thời kỳ thai nghén để “sinh ra” những “reo hò mừng rỡ” mà chúc tụng và tán dương Thiên Chúa như các Thiên thần đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đó chính là tâm tình cần phải có khi chúng ta mừng lễ Giáng sinh.
Xin cho tinh thần “truyền thống” của du học sinh giáo phận Thanh Hoá luôn được nuôi dưỡng bởi Mầu nhiệm Giáng sinh này để mỗi người luôn biết đi ra khỏi lòng mình, khỏi những thói quen hằng ngày để có thể “lĩnh hội những kiến thức mới, những tâm tình mới, một thái độ sống mới, nhiệt tình hơn, hăng say hơn” như Đức Cha giáo Phận mong muốn.
Joseph Đình Huy