VẺ ĐẸP CỦA PHỤNG VỤ QUA ÂM NHẠC VÀ VIỆC CA HÁT
Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng
Các tác viên thánh nhạc là người phục vụ trong cử hành phụng vụ với một vai trò đặc biệt, vừa hỗ trợ dẫn dắt cộng đoàn ca hát, vừa dâng chính khả năng ca hát của mình để tôn vinh Thiên Chúa và giúp cộng đoàn cầu nguyện. Họ cần ý thức phục vụ qua việc ca hát với tất cả con người của mình, bao gồm cả kỹ năng âm nhạc lẫn tâm tình yêu mến tôn thờ.
NỘI DUNG CHÍNH I- BÀI CA TÔN VINH CỦA DÂN CHÚA II- CHỨC NĂNG THỪA TÁC CỦA CA ĐOÀN 1. Giúp cộng đoàn ca hát tích cực 2. Cùng cộng đoàn tôn vinh Thiên Chúa III- THAM GIA TÍCH CỰC VÀO CỬ HÀNH |
DẪN NHẬP
Với Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho dân Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chia sẻ một số suy tư về Phụng vụ nhằm giúp ích cho việc “chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong cử hành Kitô giáo.”[1]
Âm nhạc có một vị trí ưu việt trong cử hành phụng vụ, không chỉ là phương tiện để cộng đoàn tham gia tích cực, mà còn phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa. Chính vẻ đẹp của Thiên Chúa mới là điều lôi kéo con người đến với sự thánh thiêng, tham dự vào sự viên mãn trọn vẹn của mầu nhiệm được cử hành.[2]
Trong một diễn từ dành cho các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Một nghệ sĩ đích thực có thể nói về Thiên Chúa tốt hơn bất kỳ ai khác, khiến chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp và sự thiện hảo của Thiên Chúa, đồng thời ‘làm rung động trái tim con người và giúp cho sự thật và sự tốt lành của Đức Kitô Phục Sinh trở nên rạng rỡ’.”[3]
Mong sao mỗi tín hữu đều là một “nghệ sĩ” làm lan tỏa vẻ đẹp linh thánh khi tích cực tham gia ca hát trong cử hành phụng vụ.
I- BÀI CA TÔN VINH CỦA DÂN CHÚA
Phụng vụ và âm nhạc có liên quan chặt chẽ với nhau ngay từ lúc khởi đầu. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thời còn là Hồng y đã nhận định: “Khi con người tiếp cận Thiên Chúa, chỉ có lời nói thôi thì không đủ. Mọi lĩnh vực hiện hữu của con người được đánh thức và tự động biến thành bài ca.”[4]
Thật vậy, đứng trước quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, con người không thể không cất lời ca ngợi:
“Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ,
giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca.
Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh,
và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (Tv 57,10-11).
Âm nhạc là một trong nhiều phương tiện và cách thức khác nhau để qua đó chúng ta có thể ca ngợi và đến gần Thiên Chúa với tâm tình cảm tạ và tri ân (x. Tv 149,1-6a; 150,1-6). Vì âm nhạc là một trong những “phẩm chất tự nhiên mà Thiên Chúa, Đấng kết hợp tài tình ở nơi Người sự hài hòa tuyệt hảo và thuần nhất tuyệt vời, đã tô điểm cho nhân loại, khi tạo thành họ ‘giống hình ảnh Người’ (St 1, 26).[5]
“Bài ca chiến thắng” của ông Môisen và con cái Israel (Xh 15,1-19) là ghi nhận đầu tiên việc ca hát trong truyền thống phượng tự Cựu ước. Đây là bài thánh thi tạ ơn được dân Chúa hát vang sau chiến công vượt qua biển Đỏ, vượt qua thân phận nô lệ để khởi đầu cuộc đời tự do, vượt qua bóng đêm tuyệt vọng để hướng tới bình minh hy vọng. Kỳ công cứu độ của Thiên Chúa chính là nền tảng cho lời ca ngợi của dân Israel. Trước tiên, cuộc giải thoát kỳ diệu đã khiến họ tin vào Thiên Chúa: “Toàn dân kính sợ Chúa, tin tưởng vào Chúa và vào Môisen tôi tớ Người” (Xh 14,31). Kế đến, niềm tin từ bên trong thôi thúc khiến môi miệng họ phải cất tiếng ca khen: “Bấy giờ ông Môisen và con cái Israel hát mừng Chúa bài ca này: Nào ta hát mừng Chúa, Đấng rạng ngời vinh quang...” (Xh 14,31-15,1).
Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô chính là trung tâm mọi cử hành phụng vụ của Hội thánh, dân mới của Thiên Chúa.[6] Bài ca của ông Môisen và dân Israel đã trở thành bài ca của Hội thánh hôm nay. Hằng năm, vào đêm Canh thức Phục Sinh, bài ca ấy lại được hát vang theo một cách thức mới mẻ và với một ý nghĩa hoàn toàn mới. Cử hành này gợi nhắc rằng mọi kitô hữu cũng được “đưa ra khỏi nước” qua bí tích Thánh tẩy và nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Từ đây, với niềm hy vọng và hân hoan trong Đức Kitô Phục Sinh, mọi kitô hữu không ngừng hát bài ca mới trong khi mong đợi “trời mới đất mới” (x. 2Pr 3,13; Kh 21,1).
Nếu biến cố cứu độ qua biển Đỏ là đề tài nền tảng cho bài ca của dân Israel, thì cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô chính là nguồn cảm hứng cho bài ca mới của dân Kitô giáo.[7] Bài ca bất tận vẫn tiếp tục vang lên trong mọi cử hành phụng vụ của Hội thánh để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa mọi tín hữu.[8] Đây là bài ca của đoàn dân lữ hành tay “cầm những cây đàn của Thiên Chúa”, miệng xướng “bài ca của Môisen tôi tớ Chúa, và bài ca của Con Chiên” (x. Kh 15,2-3), lòng hướng về tiệc cưới nơi thành thánh Giêrusalem mới.
Đức Thánh Cha Piô XII đã viết về thánh nhạc trong Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina (1955): “Nghệ thuật này sẽ làm cho con cái Hội thánh mạnh mẽ hơn trong đức tin, vững chí hơn trong đức cậy, nhiệt tâm hơn trong đức mến, khi họ dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi những lời ca tụng xứng hợp, được thể hiện qua những giai điệu giá trị và bản hòa âm dịu dàng.”[9]
Với nỗ lực canh tân phụng vụ, Công đồng Vatican II đã xem xét cẩn thận và khẳng định thánh nhạc góp phần cần thiết và không thể thiếu trong những cử hành phụng vụ long trọng.[10] Âm nhạc và ca hát mang lại cho các nghi lễ sự trang trọng, phẩm giá và vẻ đẹp. Với âm nhạc, “lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính phẩm trật và cộng đoàn được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ hát chung một cung giọng, tâm trí dễ dàng vươn tới những thực tại thiêng liêng hơn nhờ vẻ đẹp của các nghi lễ thánh.”[11] Âm nhạc cũng mang lại niềm vui và nâng cao tâm hồn tất cả những người đang cử hành: linh mục, thừa tác viên, cộng đoàn.
Để bảo toàn vẻ đẹp của bài ca tôn vinh Thiên Chúa trong phụng vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ những người hoạt động thánh nhạc: “Đôi khi sự tầm thường, hời hợt và nhàm chán nào đó đã ngự trị, làm phương hại đến vẻ đẹp và cường độ của các cử hành phụng vụ. Vì thế, những ai có trách nhiệm trong lĩnh vực này, các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, ca trưởng và ca viên của ca đoàn, cùng các điều phối viên phụng vụ, có thể góp phần quý báu vào việc đổi mới, đặc biệt về chất lượng của thánh nhạc và thánh ca phụng vụ.”[12]
II- CHỨC NĂNG THỪA TÁC CỦA CA ĐOÀN
Toàn thể cộng đoàn hiện diện đều được khuyến khích tham gia cách trọn vẹn, ý thức và tích cực vào cử hành phụng vụ, trong đó có việc ca hát. Tuy nhiên, vẫn cần có sự đóng góp của ca đoàn “trong những buổi cử hành long trọng và với những bài hát khó.”[13] Ca đoàn bao gồm những người vừa có khả năng về mặt âm nhạc vừa biết hy sinh dành thời gian cho việc tập luyện và sẵn sàng hiện diện trong những buổi cử hành. Nhờ vậy, “họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn tới được.”[14] Các thành viên của ca đoàn, từ ca trưởng, ca xướng viên, đến các ca viên hay người đệm đàn, đều đang thực hiện một thừa tác vụ phụng vụ đích thực.[15]
Ca đoàn có chức năng thừa tác trong cử hành phụng vụ có nghĩa là phục vụ Hội thánh và dân Chúa với khả năng âm nhạc. Theo Huấn thị về Thánh nhạc trong Phụng vụ (Musicam sacram, 1967), “ca đoàn có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, và giúp tín hữu tham gia tích cực vào việc ca hát.”[16] Như thế, chức năng phụng vụ của ca đoàn gồm hai mặt: thúc đẩy cộng đoàn ca hát tích cực và cùng cộng đoàn tôn vinh Thiên Chúa qua những bài thánh ca dành riêng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
1. Giúp cộng đoàn ca hát tích cực
Tham dự cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực, vừa là đòi hỏi do bản chất của phụng vụ, vừa là quyền lợi và bổn phận của cộng đoàn dân Chúa, những người đã được rửa tội để trở nên hàng tư tế vương giả và dân tộc thánh thiện Kitô giáo (x. 1 Pr 2,9). Để phát huy việc tham dự tích cực, Giáo hội dạy rằng “phải khuyến khích dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, và thánh ca.”[17] Do đó, ca đoàn không nên độc quyền ca hát. Giáo hội cảnh báo khá mạnh mẽ rằng “không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát phần riêng và phần thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát.”[18] Phần thường lễ là phần chung cho mọi Thánh lễ mà ta quen gọi là bộ lễ, còn phần riêng tức những phần được thay đổi theo từng ngày lễ như ca nhập lễ, đáp ca, alleluia... Các ca trưởng được khuyên “nên liệu cho dân chúng luôn tham gia ca hát, ít là những bài dễ hát dành riêng cho họ.”[19] Thật tuyệt vời khi ca đoàn cùng hát với cộng đoàn những lời đối đáp với chủ tế hoặc những câu tung hô quen thuộc. Với những bài thánh ca chưa quen thì giọng hát của ca đoàn lại là chỗ dựa giúp cộng đoàn ca hát tự tin hơn, cầu nguyện sốt sắng hơn.
Như thế, ý tưởng về một ca đoàn thay thế hoàn toàn cho một cộng đoàn thụ động trong ca hát với việc chỉ trình bày những tác phẩm điêu luyện và công phu là không thể chấp nhận được. Đây là một cám dỗ thường xuyên và cũng là một lạm dụng trong khi thi hành chức năng thừa tác, cướp đi quyền lợi và niềm vui của dân Chúa được tham gia tích cực và đầy đủ vào cử hành phụng vụ qua việc ca hát. Phụng vụ thuộc về toàn bộ Nhiệm thể Chúa Kitô, không chỉ thuộc về các linh mục, thừa tác viên hay ca đoàn.
Nhiệm vụ chính của ca đoàn là dẫn dắt, hướng dẫn, giúp cộng đoàn tham gia cử hành phụng vụ tích cực qua việc ca khen Chúa. Trong thực tế, nhiều ca đoàn “trình diễn” theo cách thu hút sự chú ý vào chính họ, như thể họ là trung tâm của buổi cử hành. Vẻ đẹp đích thực của phụng vụ khiến ta ngỡ ngàng thán phục phải là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.[20] Các ca viên và cả các nhạc công phải ý thức phận vụ của mình, không được biến buổi cử hành phụng vụ thành nơi trình diễn. Thay vì thu hút sự chú ý về phía mình thì tác viên thánh nhạc hãy luôn hướng cộng đoàn đến cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Khi chu toàn chức năng âm nhạc với sự hiểu biết về phụng vụ, các ca viên vừa góp phần làm gia tăng vẻ đẹp của buổi cử hành, vừa đem lại lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu và cho chính họ.[21]
2. Cùng cộng đoàn tôn vinh Thiên Chúa
Ca hát là một trong những cách thế giúp cộng đoàn tín hữu tham gia cách tích cực vào phụng vụ. Tuy nhiên, Giáo hội khuyến cáo rằng sự tham gia trước hết phải nội tại nghĩa là các tín hữu phải kết hợp lòng trí mình với điều họ đọc hay nghe. Việc kết hợp lòng trí với những gì thừa tác viên hay ca đoàn hát sẽ giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên cùng Chúa.[22] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từng giải thích về việc tham gia tích cực thông qua lắng nghe:
“Sự tham gia tích cực không loại trừ sự thụ động tích cực của thinh lặng, yên tĩnh và lắng nghe, vì thực ra, những yếu tố này rất cần thiết. Ví dụ, những người tham gia việc thờ phượng không thụ động khi lắng nghe các bài đọc hoặc bài giảng, hoặc chú tâm vào những lời nguyện của chủ tế, những bài thánh ca và nhạc phụng vụ. Đây là những trải nghiệm về sự thinh lặng và yên tĩnh, nhưng theo cách riêng và mang tính năng động sâu xa.”[23]
Nói về vẻ đẹp của âm nhạc phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đức Hồng y Ratzinger nhận định: “Sự huyền bí của vẻ đẹp vô hạn vẫn ở đó và cho phép chúng ta trải nghiệm sự hiện diện của Chúa một cách chân thực và sống động hơn nhiều bài giảng.”[24]
Trong diễn văn tại Hội nghị Quốc tế về Thánh nhạc được tổ chức tại Roma ngày 4/3/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định:
“Tôi khuyến khích anh chị em đừng quên mục tiêu quan trọng này: giúp dân Chúa nhận thức và tham gia, bằng tất cả giác quan, thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh nhạc và thánh ca phụng vụ có nhiệm vụ mang lại cho chúng ta cảm thức về vinh quang Thiên Chúa, về vẻ đẹp và sự thánh thiện của Ngài, luôn phủ lấy chúng ta trong ‘đám mây sáng ngời’.”[25]
Như thế, chủ trương ưu tiên ca hát cộng đoàn đến độ loại ca đoàn ra khỏi cử hành phụng vụ là một sai lầm nghiêm trọng. Vào những thời điểm thích hợp của buổi cử hành hoặc trong những dịp long trọng, ca đoàn hoàn toàn có thể trình bày một tác phẩm hợp xướng đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện và tập dượt công phu. Chẳng hạn, trong hoặc sau khi rước lễ, hợp xướng “Ngài là Thiên Chúa” (Te Deum) của Hải Linh được trình bày sẽ giúp người nghe như đang hợp với “các thiên thần, các quyền thần”, “tông đồ đoàn” cùng “các tiên tri” và các “thánh nhân tử đạo” vang lên lời chúc tụng tán dương Thiên Chúa qua công trình cứu độ do Đức Kitô thực hiện. Hay trong mùa Phục sinh, nếu được nghe ca đoàn trình bày tuyệt khúc Hallelujah trích từ trường ca Messiah của George Frideric Handel, hẳn cộng đoàn sẽ dâng đầy cảm xúc rộn ràng hòa lẫn niềm vui khải hoàn của Vua Kitô, Đấng chiến thắng tử thần và phục sinh vinh hiển. Khi nghe những bản hợp xướng chất lượng và được ca đoàn trình bày trau chuốt, cộng đoàn được hưởng nhiều lợi ích, tâm hồn được nâng cao lên Thiên Chúa là vẻ đẹp tuyệt đối, cội nguồn mọi vẻ đẹp.
Thánh Augustinô đã chia sẻ trải nghiệm độc đáo khi được nghe thánh ca: “Bao lần con đã rơi lệ khi nghe các thánh thi, thánh ca của Chúa, những âm thanh dịu dàng vang lên trong thánh đường của Chúa, con đã xúc động biết bao! Các âm thanh đó rót vào tai con, và chân lý được tinh luyện trong trái tim con, từ đó niềm hưng phấn đạo đức sục sôi lên và nước mắt tuôn tràn, những điều đó làm cho con hạnh phúc.”[26] Rất có thể trải nghiệm này đã đóng một vai trò lớn trong việc hoán cải của thánh nhân.
Nếu ca đoàn luôn ý thức cùng cộng đoàn tôn vinh Thiên Chúa qua những bài thánh ca có giá trị, chắc chắn sự phục vụ của họ sẽ giúp cộng đoàn tiếp cận “phẩm giá và vẻ đẹp” của phụng vụ. Nỗ lực đó đáng được ghi nhận như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội đánh giá cao sự phục vụ của các bạn trong các cộng đoàn: các bạn giúp họ cảm nhận được sự hấp dẫn của vẻ đẹp giải thoát người ta khỏi sự tầm thường, nâng họ hướng lên Thiên Chúa và hợp nhất các tâm hồn trong lời ngợi khen và sự dịu dàng của âm nhạc.”[27]
3. Vị trí phù hợp của ca đoàn
Để bổn phận và chức năng thừa tác của ca đoàn được thực thi cách hiệu quả nhất, việc sắp xếp vị trí phù hợp trong nhà thờ cho ca đoàn cần được lưu tâm. Cách sắp xếp tổng quát trong nhà thờ phải biểu lộ cách nào đó hình ảnh của cộng đoàn đang tụ họp, giúp cho diễn tiến các nghi lễ được hài hòa và việc thực thi phận vụ của mỗi người được thuận tiện.[28] Vị trí của ca đoàn trong nhà thờ phải đáp ứng ba tiêu chí sau: 1) thể hiện ca đoàn là thành phần của cộng đoàn nhưng thi hành một vai trò đặc biệt; 2) giúp ca viên có thể chu toàn cách tốt nhất chức năng phụng vụ của mình; 3) để mỗi người có thể dễ dàng tham dự đầy đủ thánh lễ, nhờ việc rước lễ.[29] Như thế, một số nhà thờ có thiết kế dành vị trí cho ca đoàn tại “gác hát’ hay “gác đàn” vừa cách xa cung thánh vừa tách biệt với cộng đoàn không còn phù hợp với bản chất của phụng vụ và chức năng của ca đoàn.
Hiến chế về Phụng vụ khẳng định rằng: “Thánh nhạc sẽ càng mang tính thánh thiêng hơn khi càng liên kết chặt chẽ với hành động phụng vụ.”[30] Với chức năng dẫn dắt việc ca hát trong cử hành phụng vụ, nếu vị trí của ca đoàn quá xa cung thánh và tách biệt với cộng đoàn thì làm sao việc ca hát có thể liên kết chặt chẽ với hành động phụng vụ đang diễn ra và cũng không thể có sự phối hợp nhịp nhàng với các thừa tác viên khác cùng cộng đoàn tham dự.
Mặt khác, vị trí của ca đoàn tách biệt với cộng đoàn chính là nguyên cớ khiến nhiều ca viên không tập trung tham dự cử hành, mà chỉ như các nghệ sĩ trong cánh gà chuẩn bị và chờ đến tiết mục của mình. Người thì bận rộn ôn hát, người thì bàn tán trò chuyện... Thậm chí không gian “trình diễn” còn bị biến thành studio để ghi hình hay quay clip sau đó đăng lên fanpage của ca đoàn. Như thế, các thừa tác viên thánh nhạc đang tự đánh mất chính mình và trở nên xa lạ với cộng đoàn phụng vụ.
III- THAM GIA TÍCH CỰC VÀO CỬ HÀNH
Thông thường, ca đoàn được bố trí ở vị trí phía trước, ngang cung thánh và gần cộng đoàn tham dự, nhờ đó ca trưởng có thể dễ dàng điều khiển cả ca đoàn lẫn cộng đoàn. Điều này có thể tạo ra khác biệt tích cực đối với sự tham gia hiệu quả và sốt sắng của mọi người.
1. Cách thức tham gia của ca đoàn
Tùy hoàn cảnh của cộng đoàn và vào những dịp khác nhau, ca đoàn có thể tham gia ca hát cùng cộng đoàn theo một trong những hình thức dưới đây:
a/ Hát cộng đoàn: ca đoàn cùng hát với cộng đoàn và các ca viên chỉ đơn giản giống như mọi người khác. Lúc này vai trò của ca đoàn không phải là hướng dẫn cộng đoàn hát, nhưng là tham gia cùng cộng đoàn đang hát nương theo tiếng đàn đệm mà không cần người điều khiển.[31] Những câu đối đáp với chủ tế hay những câu tung hô, kinh Lạy Cha... hoặc những bài ca quá quen thuộc phải được ưu tiên cho hình thức hát chung này. Bài ca nhập lễ mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, và hướng về mầu nhiệm ngày lễ nên rất thích hợp để hát cộng đoàn, nếu không hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn.[32]
Một hình thức khác mà ca đoàn có thể tham gia với cộng đoàn ca hát trong Thánh lễ là chia bè hát đối đáp với cộng đoàn. Nhiều phần trong Thánh lễ có tính đối đáp, như kinh Thương xót và kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Những phần khác của Thánh lễ cũng có thể được hát bằng cách đối đáp, nhất là Thánh vịnh đáp ca, kinh Vinh danh, kinh Tin kính... Ca nhập lễ, Ca tiến lễ và Ca hiệp lễ là các bài ca thay thế và đi kèm một hành động phụng vụ nên có thể hát theo hình thức luân phiên: cộng đoàn hát điệp khúc, ca đoàn hát câu riêng.[33]
b/ Hát dẫn dắt cộng đoàn: các thành viên của ca đoàn hát một cách tự tin để dẫn dắt hay làm chỗ dựa cho cộng đoàn. Cũng giống như trường hợp hát cộng đoàn ở trên, nhưng đối với các bài thánh ca chưa quen hoặc hơi khó hát, cộng đoàn chưa thể hát vững và hát hay ngay, vì thế ca đoàn cần tập trước và chuẩn bị hát tự tin, vừa để làm mẫu khi tập hát cho cộng đoàn vừa làm chỗ dựa để cộng đoàn hát nương theo trong lúc cử hành. Như thế, bài hát mới sẽ được đón nhận dễ dàng và nồng nhiệt hơn, làm phong phú thêm thư mục ca hát của cộng đoàn.
c/ Hát hoàn toàn độc lập: ca đoàn hát riêng một mình không có sự tham gia ca hát của cộng đoàn. Một tác phẩm trong kho tàng thánh nhạc theo phong cách và hình thức phù hợp được ca đoàn chọn và tập luyện kỹ lưỡng để khi trình bày có thể giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên cầu nguyện trước vẻ đẹp thiện hảo của Thiên Chúa. Những lúc thích hợp cho ca đoàn hát riêng là khi chuẩn bị bàn thờ và lễ vật, bài ca trước Ca nhập lễ, Ca hiệp lễ.[34]
d/ Hát tăng cường: ca đoàn khéo léo xây dựng hợp xướng (hòa âm, đối âm) trong khi cộng đoàn cũng đang hát, nghĩa là ca đoàn hát thêm bè hòa âm để làm phong phú tiếng hát của cộng đoàn.[35] Có thể xem đây là hình thức kết hợp giữa hát cộng đoàn với việc hát độc lập của ca đoàn. Với một số bài thánh ca quen thuộc, ở câu điệp khúc cuối trước khi kết thúc, giọng lĩnh xướng có thể thêm một phần descant (Latin: discantus), thường được hát trên dòng soprano như thêm một giai điệu đối âm nhẹ nhàng và tươi sáng cho tác phẩm. Giai điệu du dương bay bổng của câu descant sẽ còn âm vang trong tâm trí người nghe dù bài thánh ca đã chấm dứt. Có lẽ rất ít ca đoàn ở Việt Nam áp dụng cách hát này, vì nó đòi hỏi kỹ thuật phát âm, ngắt câu chữ, và kiểm soát hơi thở tốt, để phần descant không lấn át giai điệu chính của bản nhạc.
Những cách thức tham gia nêu trên dành cho ca đoàn chỉ là tương đối. Trong thực hành, đôi khi các hình thức này lại đan xen hoặc thậm chí chồng chéo nhau.
2. Hát đúng và hát hay
Vẻ đẹp của phụng vụ đòi hỏi âm nhạc được sử dụng không chỉ hay mà còn phải đúng. Thật vậy, thừa tác viên thánh nhạc được lưu ý trước hết phải hát đúng những phần trong cử hành mà theo bản chất đòi hỏi phải hát. Những phần quan trọng cần ưu tiên hát được Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma chỉ rõ: “những phần do linh mục, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả linh mục và cộng đoàn cùng hát.”[36] Đối đáp trong phụng vụ có tầm quan trọng vì “đó không chỉ là những dấu bề ngoài của một việc cử hành chung, mà còn giúp và tạo nên sự hiệp thông giữa vị tư tế và cộng đoàn.”[37] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trình bày khá chi tiết tại số 103 và đúc kết tại số 104 như sau: “nên tuân theo thứ tự ưu tiên bao nhiêu có thể: các câu đối đáp và tung hô (Tung hô Tin Mừng, Thánh, Tung hô Tưởng niệm, Amen); các kinh mang tính đối đáp (Kyrie, Agnus Dei); Thánh vịnh đáp ca, phần nhạc nên ở mức đơn giản. Ngay cả khi không có người đệm đàn, hãy cố gắng hát những câu đối đáp và tung hô.”
Ngoài ra, các bài thánh ca được chọn để hát lúc nhập lễ, tiến lễ, và hiệp lễ được gọi là những bài hát thay thế, vì chúng thay thế cho ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách “Graduale”. Đây là phần thứ yếu nhưng lại khiến các ca đoàn bận tâm và tốn nhiều công sức tập luyện hơn. Việc lựa chọn thánh ca để hát trong phụng vụ rất quan trọng, người có trách nhiệm phải biết chọn bài hát đúng với từng cử hành và phải tuân thủ các chỉ dẫn của Hội thánh trong lãnh vực thánh nhạc. Vì là thành phần của phụng vụ, bài thánh ca phải hòa nhập vào khung cảnh thờ phượng. Do vậy các yếu tố như lời ca, giai điệu, và cả cách trình bày (bao gồm đệm đàn) đều phải phù hợp với mầu nhiệm được cử hành, với các phần của nghi lễ, và với mùa phụng vụ.[38] Việc chọn lựa thánh ca vừa đúng về nội dung vừa hay về lời ca lẫn giai điệu cho cử hành phụng vụ là trách nhiệm hàng đầu của các ca trưởng. Cần chọn theo nguyên tắc hai phù hợp: 1) khả năng ca hát của những người tham gia; 2) tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần.[39]
Cụ thể, bài ca cần phù hợp với bản chất và ý nghĩa của mỗi nghi thức đi kèm như sau:
- Ca nhập lễ: có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, hướng tâm hồn họ về mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và kèm theo cuộc rước đầu lễ.[40] Bài ca này nên được hát chung cộng đoàn, hoặc hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn.
- Ca dâng lễ: được hát khi đoàn rước lễ vật tiến lên và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ vật trên bàn thờ.[41] Bài ca này không nhất thiết phải thể hiện sự cho đi, dâng hiến... mà có thể là lời ngợi khen, diễn tả niềm vui, đức tin, và sự hợp nhất.
- Ca hiệp lễ: diễn tả sự hợp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ qua sự hợp nhất trong lời ca, đồng thời biểu lộ niềm vui trong lòng, lòng biết ơn và tán tụng, và làm nổi bật tính cộng đồng của đoàn người đang lên rước lễ.[42]
Trong thực tế, việc chọn lựa sẽ dễ dàng hơn với hai tiêu chí bổ sung sau:
- Mùa hoặc ngày phụng vụ: tiêu chí này thường được thể hiện qua bài ca nhập lễ. Bài ca này ấn định “cung giọng” của toàn bộ buổi cử hành và phản ánh đặc tính của mùa phụng vụ.
- Chủ đề lời Chúa: các bài đọc của mỗi Thánh lễ đều có một chủ đề rõ ràng. Chủ đề này có thể được tiếp tục suy gẫm qua bài thánh ca phù hợp vào thời điểm hiệp lễ.[43]
Cần nói thêm là ba tiêu chuẩn thẩm định về phụng vụ, mục vụ và âm nhạc được trình bày trong tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc tại các số 116-125 chính là chỉ dẫn nền tảng cho các ca trưởng trong việc chọn lựa thánh ca.
Thường thì các ca trưởng chỉ dừng lại ở nội dung lời ca và giai điệu khi chọn bài hát mà chưa lưu ý các yếu tố khác như tính biểu tượng và chức năng diễn giải của âm nhạc liên quan đến thang âm điệu thức hay hòa âm và sử dụng nhạc cụ. Ví dụ: các bộ lễ bình ca dù có bản văn không thay đổi nhưng âm điệu thay đổi theo mùa hay buổi cử hành rất rõ ràng. Khi hát thánh vịnh, người ta thường thay đổi mode (điệu thức) theo mùa hay ngày lễ: Dorian cho mùa Vọng, Ionian cho mùa Giáng Sinh, Lydian cho Lễ Hiển Linh… Trong tiếng Việt, có lẽ chúng ta chưa quan tâm thay đổi các bộ lễ theo hướng sử dụng này.[44] Tính cộng đoàn của bài thánh ca cũng là yếu tố chưa được chú trọng khi lựa chọn bài hát dù để hát cộng đoàn hay ca đoàn hát riêng, vì toàn bộ cử hành phụng vụ thuộc về cộng đoàn. Nhiều bài thánh ca của chúng ta rất đẹp về giai điệu, phong phú về tâm tình, nhưng chỉ là tâm tình cá nhân, mang tính chủ quan của tác giả thay vì tâm tình của cộng đoàn khi quy tụ để tôn vinh Thiên Chúa.
Ngoài ra, cách trình bày cũng có ý nghĩa và đem đến hiệu quả khác biệt. Ca hát đồng giọng phù hợp hơn để thể hiện sự đồng tâm nhất trí, trong khi đó hình thức ca hát đa âm hòa điệu lại diễn tả sự phong phú đa dạng của nhiều ơn gọi đặc thù nhưng hợp nhất bởi sự hài hòa của các ân huệ khác nhau.[45]
Để chuẩn bị cho cộng đoàn tích cực tham gia ca hát trong cử hành, cần có các buổi tập hát ngắn và thường xuyên trước Thánh lễ. Chỉ cần vài phút để ôn lại một câu điệp khúc, các câu đáp và tung hô hoặc tập một bài hát mới. Nếu việc này được thực hiện nghiêm túc và nhanh gọn, các buổi cử hành phụng vụ của cộng đoàn chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể, bầu khí thêm trang trọng, giúp mọi người tham dự sốt sắng hơn.
Cuối cùng, việc đệm đàn trong phụng vụ để nâng đỡ và tô điểm cho giọng hát cũng rất quan trọng. Cách đệm đàn trong phụng vụ cần nghiêm trang, thánh thiện, phù hợp với bài thánh ca và bầu khí trang nghiêm. Ðệm đàn theo kiểu trình diễn sôi động ngoài đời sẽ không phù hợp trong việc cử hành phụng vụ. Người đệm đàn phải lưu ý “không được để tiếng nhạc lấn át tiếng hát, không đệm đàn khi chủ tế đang đọc hay hát.”[46] Đệm đàn trong mùa Chay cần theo nguyên tắc “chỉ được phép dùng phong cầm và các nhạc cụ khác để giữ giọng hát”[47], nghĩa là không được dạo đàn hay ứng tấu khi không kèm theo ca hát. Các nhạc công có kiến thức về phụng vụ cũng sẽ ý thức hạn chế một số nhạc cụ hay âm sắc có thể lấn át đặc tính của mùa đặc biệt này. Thậm chí cùng một bài hát thì cách đệm đàn trong mùa Chay có thể khác với mùa Phục Sinh.
3. Một số lưu ý mục vụ
Mỗi cộng đoàn với những hoàn cảnh khác nhau sẽ phát sinh một số vấn đề cần cải thiện để việc ca hát trong cử hành phụng vụ được thực hiện tốt hơn. Dưới đây là một số lưu ý được ghi nhận từ thực tế và dựa theo hướng dẫn của Giáo hội:
- Bài thánh ca đi kèm một lễ nghi không nên kéo dài khi hành động đã kết thúc. Cụ thể, bài ca nhập lễ cần kết thúc sớm sau khi chủ tế đã yên vị, bài ca dâng lễ cũng không nên kéo dài khi chủ tế đã đặt bánh rượu và xông hương xong. Trong trường hợp đã hát xong một đoạn hoặc câu nhạc trọn vẹn mà hành động phụng vụ chưa hoàn tất, người đệm đàn có thể tùy nghi ứng tấu một đoạn ngắn phù hợp với không gian và thời gian.[48]
- Người hát Thánh vịnh đáp ca tại giảng đài cần có phong thái nghiêm trang, tránh biểu hiện của người trình diễn không phù hợp với khung cảnh phụng vụ.
- Alleluia là lời tung hô phải được hát trong niềm hân hoan, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng. Trong mùa Chay, thay vì Alleluia thì hát câu tung hô trước Tin Mừng. Alleluia hay tung hô trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ.[49]
- Trong Thánh lễ, kinh Lạy Cha được tiếp nối bằng công thức embolismus (ghép vào) với lời chúc vinh kết thúc của cộng đoàn: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”, nên khi đã hát kinh Lạy Cha thì cũng phải hát câu tung hô kết thúc này.
- Hợp xướng theo hình thức đa âm hòa điệu (polyphony) thích hợp cho phụng vụ vì lời ca được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, các ca đoàn đồng giọng (toàn giọng nam hoặc toàn giọng nữ như tại các chủng viện hay dòng tu) cần lưu ý không chọn những bài hòa âm dị giọng, để tránh tình trạng chéo bè hoặc đảo bè khi các nốt hòa âm không được giữ đúng thứ tự. Điều này thường xảy ra khi người trong cuộc không phân biệt cao độ của các giọng hát.
- Cần bắt đàn rõ ràng dứt khoát cho những câu xướng của chủ tế: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, “Chính nhờ Người...”, hay kinh Lạy Cha, vì lúc này chủ tế đang tập trung cho việc cử hành chứ không giống như các ca viên luôn sẵn sàng với việc ca hát. Sau đó, không đệm đàn theo khiến giọng hát và vai trò của chủ tế bị lấn át. Liên quan đến lưu ý này, một số nơi có thói quen rung chuông hay đánh chiêng trống khá lớn và kéo dài trong khi chủ tế đọc lời nài xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trên bánh rượu cũng phải chấn chỉnh lại.
- Thinh lặng thánh là một thành phần của phụng vụ, cho phép cộng đoàn suy tư và nội tâm hóa những gì được nghe, qua đó, Chúa Thánh Thần hiện diện làm sinh động toàn bộ việc cử hành và uốn nắn người tham dự. Những bài thánh ca nối tiếp nhau liên tục vào thời điểm hiệp lễ trong những dịp long trọng có thể khiến khung cảnh cử hành trở nên “ồn ào” với âm thanh đàn hát. Người chịu trách nhiệm về thánh nhạc phải liệu sao cho có sự nhịp nhàng giữa ca hát và thời gian thinh lặng phù hợp với bầu khí và diễn tiến của nghi lễ.[50]
- Không nên chủ trương dàn dựng quay clip ghi lại việc ca hát ngay trong buổi cử hành, vì hành động này ngược với bản chất của phụng vụ và gây tổn hại cho không gian thiêng thánh.
KẾT: BẢO TOÀN VÀ LAN TỎA VẺ ĐẸP
Trong dịp gặp Hiệp hội các Ca đoàn thánh Cêcilia của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận: “Ca hát, chơi đàn, sáng tác, chỉ huy, làm nên âm nhạc trong Hội thánh là một trong những thứ tuyệt vời nhất để tôn vinh Thiên Chúa. Đó là một đặc ân, một quà tặng của Thiên Chúa để thể hiện nghệ thuật âm nhạc và hỗ trợ việc tham gia vào các mầu nhiệm thánh. Âm nhạc đẹp và hay là một công cụ ưu việt giúp tiếp cận những điều siêu việt.”[51]
Thật vậy, cử hành phụng vụ nói chung và cử hành Thánh Thể nói riêng sẽ tăng thêm tính long trọng với âm nhạc. Phụng vụ đem đến cho con người bầu khí thinh lặng và niềm vui ca hát sau bao ồn ào bận tâm của cuộc sống. Nét đẹp của âm nhạc giúp con người cảm nhận vẻ đẹp của nghi lễ và nâng tâm hồn họ vươn tới những thực tại thiêng liêng.[52] Vì thế, dù hát chung cộng đoàn hay được hát bởi ca đoàn, các bài thánh ca phải thể hiện được vẻ đẹp và sự trang nghiêm phù hợp với phụng vụ. Đôi khi, một bài ca đơn giản được hát cực kỳ hay còn tốt hơn một tác phẩm phức tạp mà không phát huy được vẻ đẹp.
Với vai trò bảo đảm và dẫn dắt việc ca hát của cộng đoàn, các thành viên ca đoàn phải được đào tạo về kỹ năng ca hát để có thể chuyển tải tốt nhất thông điệp đức tin và tâm tình cầu nguyện cho các tín hữu qua giọng hát của mình. Ngoài ra, các ca viên, đặc biệt là ca trưởng, còn phải không ngừng trau dồi hiểu biết về bản chất của phụng vụ, diễn tiến và ý nghĩa của các nghi lễ, trưởng thành trong thẩm định và lựa chọn, cùng sự nhạy bén và năng động trong mục vụ, để có thể đảm nhận và chu toàn phận vụ của mình theo đúng nghi thức và đúng qui định.
“Thánh nhạc là thánh khi chuyển thông được sự thánh thiện của Thiên Chúa và giúp dân thánh hiệp thông trọn vẹn hơn với Thiên Chúa và với nhau trong Đức Kitô.”[53] Chúa Thánh Thần là tình yêu và là nguyên lý hiệp thông. Ngài thắp lên tình yêu trong chúng ta, thôi thúc chúng ta ca hát, đưa chúng ta vào mầu nhiệm hiệp thông.[54] Vì thế, các thừa tác viên thánh nhạc cũng cần được nâng cao giáo lý và huấn luyện về thiêng liêng để luôn biết thi hành phận vụ với lòng đạo đức chân thành và nghiêm túc, xứng hợp với tác vụ cao quý của mình.
Các tác viên thánh nhạc là người phục vụ trong cử hành phụng vụ với một vai trò đặc biệt, vừa hỗ trợ dẫn dắt cộng đoàn ca hát, vừa dâng chính khả năng ca hát của mình để tôn vinh Thiên Chúa và giúp cộng đoàn cầu nguyện. Họ cần ý thức phục vụ qua việc ca hát với tất cả con người của mình, bao gồm cả kỹ năng âm nhạc lẫn tâm tình yêu mến tôn thờ, như thánh Augustinô nhận định: “Con người mới hát bài ca mới. Hát là biểu hiện của niềm vui…, hát còn là một biểu hiện của tình yêu.”[55] Những hy sinh cống hiến của các ca viên góp phần bảo toàn và lan tỏa vẻ đẹp của phụng vụ, đưa con người đi sâu vào mầu nhiệm và vinh quang Thiên Chúa, hầu được biến đổi hoàn toàn nhờ vẻ đẹp thần linh của Người.
Các thành viên ca đoàn phải luôn suy đi gẫm lại lời Thánh vịnh 115:
“Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng,
nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ” (Tv 115,1).
Đây phải là phương châm của mọi ca đoàn nghiêm túc, trung thành với tác vụ và trưởng thành khi phục vụ.
Trích Tập san Chia Sẻ - Phụng vụ và Đời sống Thánh hiến, số 116 (Tháng 12/2024)
_______
[1] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi (29/06/2022), s. 1.
[2] Gm. Phêrô Kiều Công Tùng, “Khát mong của Thiên Chúa”, Chia sẻ 113 (3/2024), tr. 30.
[3] ĐGH Phanxicô, Discours du Pape François aux Animateurs de la "Diaconie De La Beauté" (17/02/2022). https://www.vatican.va/content/francesco/fr/speeches/2022/february/documents/20220217-diaconie-de-la-beaute.html (truy cập ngày 26/10/2024).
[4] Joseph Cardinal Ratzinger, The Spirit of the Liturgy (San Francisco: Ignatius Press, 2000), tr. 136.
[5] ĐGH Piô XII, Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina, số 4.
[6] x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1067.
[7] x. Joseph Cardinal Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, tr. 136-139.
[8] x. Vatican II, Hiến chế Phụng vụ (HCPV), số 112.
[9] ĐGH Piô XII, Thông điệp Kỷ luật về Thánh nhạc (25/12/1955), số 78.
[10] x. Hiến chế Phụng vụ, số 112.
[11] Thánh bộ Lễ nghi, Huấn thị Musicam sacram - Thánh nhạc trong Phụng vụ (HTÂN), số 5.
[12] ĐGH Phanxicô, “Nói chuyện với tham dự viên Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc tại Rôma (4/3/2017). https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/march/documents/papa-francesco_20170304_convegno-musica-sacra.html (truy cập ngày 25/10/2024).
[13] HTÂN, s. 8.
[14] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (HDTN), số 29.
[15] x. HCPV, số 29.
[16] HTÂN, s. 19; x. QCSL, s. 103.
[17] HCPV, số 30.
[18] HTÂN, s. 16c.
[19] HTÂN, s. 20.
[20] Gm. Phêrô Kiều Công Tùng, “Khát mong của Thiên Chúa”, Chia sẻ 113 (3/2024), tr. 21.
[21] x. HTÂN, số 24.
[22] x. HTÂN, s. 15.
[23] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn từ dành cho các Giám mục Hoa Kỳ dịp ad limina ngày 09/10/1998, s. 2. https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/1998/october/documents/hf_jp-ii_spe_19981009_ad-limina-usa-2.html (truy cập ngày 28/10/2024).
[24] Joseph Cardinal Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, tr. 146.
[25] ĐGH Phanxicô, “Nói chuyện với tham dự viên Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc tại Rôma” (4/3/2017). https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/march/documents/papa-francesco_20170304_convegno-musica-sacra.html (truy cập ngày 25/10/2024).
[26] Thánh Augustinô, Confessiones, 9, 6, 14: CCL 27, 141 (PL 32, 769-770).
[27] ĐGH Phanxicô, “Bài nói chuyện với Hiệp hội các ca đoàn thánh Cêxilia của Ý” (28/9/2019). https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2019/september/documents/papa-francesco_20190928_scholae-cantorum.html (truy cập ngày 25/10/2024).
[28] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL), s. 294.
[29] x. HTÂN, s. 23; x. QCSL, s. 312.
[30] HCPV, s. 112.
[31] x. Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 32.
[32] x. QCSL, s. 47-48.
[33] x. HDTN, số 30.
[34] x. Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 31.
[35] x. HDTN, s. 30.
[36] QCSL, 40.
[37] QCSL, 34.
[38] x. Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích Tình yêu - Sacramentum Caritatis (22.02.2007), số 42.
[39] x. HTÂN, s. 9.
[40] x. QCSL, s. 47.
[41] QCSL, s. 74.
[42] QCSL, s. 86.
[43] x. HDTN, s. 180.
[44] x. Gm. Phêrô Kiều Công Tùng, “Nghệ thuật cử hành Phụng vụ - Ars celebrandi”, Hiệp thông 135 (tháng 5 & 6 năm 2023), tr. 25.
[45] x. “Nghệ thuật cử hành Phụng vụ - Ars celebrandi”, tr. 26.
[46] HDTN, s. 44.
[47] x. QCSL, số 313.
[48] x. HDTN, s. 46.
[49] x. QCSL, 63.
[50] x. HDTN, s. 106.
[51] ĐGH Phanxicô, “Bài nói chuyện với Hiệp hội các ca đoàn thánh Cêxilia của Ý” ngày 28/9/2019.
[52] x. HTÂN, s. 5.
[53] HDTN, s. 65.
[54] x. The Spirit of the Liturgy, tr. 149.
[55] Augustino, Sermo 34,1: PL 38, 210.
Nguồn: hdgmvietnam.com