Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Kazakhstan về Roma hôm 15/9/2022, Đức Thánh Cha đã nói về sự suy thoái luân lý ở phương Tây, đặc biệt liên quan đến việc đẩy mạnh hợp pháp an tử (euthanasia).
Vấn đề an tử (euthanasia)
Trả lời câu hỏi về việc các giá trị đã mất đi ở phương Tây và đặc biệt là việc thúc đẩy hợp pháp an tử ở Pháp, Ý và Bỉ, Đức Thánh Cha nói rằng "Đúng là phương Tây đang suy thoái". "Phương Tây đã đi những bước sai lầm."
Nhấn mạnh về vấn đề an tử, Đức Thánh Cha nói: "Giết chết không phải là con người. Nếu bạn giết - với động cơ - thì cuối cùng bạn sẽ giết nhiều hơn. Đó không phải là con người. Hãy để động vật giết chóc."
Quyền tự vệ của Ucraina
Trong cuộc họp báo, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến cuộc chiến giữa Nga và Ucraina và quyền tự vệ của Ucraina. Ngài nói rằng việc trang bị vũ khí cho quốc gia này "có thể chấp nhận được về mặt luân lý" và nhắc lại rằng "tự vệ không chỉ là hợp pháp mà còn là biểu hiện của tình yêu đất nước". Ngài khẳng định quyền tự vệ của một quốc gia khi cần thiết.
Đối thoại với Nga
Thảo luận về đối thoại với Nga, Đức Thánh Cha nói rằng “luôn luôn khó để hiểu việc đối thoại với các quốc gia bắt đầu chiến tranh… Rất khó, nhưng chúng ta không nên gạt bỏ nó, hãy trao cơ hội đối thoại cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi người. Bởi vì luôn có khả năng rằng với đối thoại, mọi thứ có thể thay đổi, thậm chí đưa ra một quan điểm khác, một điểm cân nhắc khác".
Đức Thánh Cha nói rằng ngài không loại trừ đối thoại với bất kỳ thế lực nào đang có chiến tranh, ngay cả khi đó là kẻ xâm lược. "Cần luôn tiến lên một bước. Bàn tay luôn đưa ra, bởi vì với sự đối lập, chúng ta đóng cánh cửa hợp lý duy nhất cho hòa bình. Đôi khi họ không chấp nhận đối thoại - thật là xấu hổ - nhưng đối thoại luôn được tiến hành, ít nhất nó cũng được đề xuất. Và điều này tốt cho người đề nghị."
Mối quan hệ với Trung Quốc
Về những lo ngại về tự do tôn giáo ở Trung Quốc, và đặc biệt là Hồng Kông, Đức Thánh Cha nói: “Để hiểu được Trung Quốc phải cần cả thế kỷ. Và chúng ta không sống hàng thế kỷ. Não trạng của người Trung Quốc là não trạng phong phú, khi nó hơi ốm yếu một chút, nó mất đi sự phong phú. Để hiểu rõ, chúng tôi đã chọn con đường đối thoại." Và ngài cho biết "có một ủy ban song phương giữa Vatican và Trung Quốc và đang diễn ra tốt đẹp."
Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại việc "phân loại" Trung Quốc trong một hệ thống nhị phân dân chủ-chống dân chủ. Nhưng ngài cũng nói rằng "đúng là có những điều mà đối với chúng ta dường như là phi dân chủ, điều đó là thật." Và Đức Thánh Cha nói rằng ngài cố gắng ủng hộ cách thức đối thoại.
Tình trạng các tín hữu châu Âu rời bỏ Giáo hội
Trả lời câu hỏi cuối về tình trạng ngày càng nhiều tín hữu châu Âu xa rời Giáo hội, Đức Thánh Cha phân tích sự việc dưới hai khía cạnh. Trước hết là do ảnh hưởng của việc thế tục hoá, của chủ nghĩa tương đối. Và để đối phó với điều này, chúng ta cần kiên định với đức tin của mình. Ngài nói: "Nếu bạn là một giám mục hoặc một linh mục không kiên định, những người trẻ tuổi sẽ cảm thấy - và họ sẽ bỏ đi!
Thứ hai là vấn đề mục vụ. Đức Thánh Cha nói rằng khi Giáo hội nghĩ nhiều hơn về tiền bạc, sự phát triển, các kế hoạch mục vụ chứ không phải chăm sóc mục vụ thì không thu hút được dân chúng. Khi mục tử đánh mất mùi chiên thì đàn chiên cũng mất mùi của các mục tử và các mục tử không thể phát triển Giáo hội. Chúa Giêsu thành lập Giáo hội với các mục tử chứ không phải các lãnh đạo chính trị. Ngài thành lập Giáo hội với những người ít học và Giáo hội vẫn phát triển, bởi vì nơi mục tử có mùi của chiên và nơi đàn chiên có mùi của mục tử.
Đức Thánh Cha nhắc lại lời của thánh Augustinô để đánh giá một mục tử: Nếu vị mục tử không có tấm lòng thì không có hoạt động mục vụ nào hiệu quả. (CSR_3842_2022)
Hồng Thủy - Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-09/dtc-tra-loi-phong-van-tren-chuyen-bay-tu-kazakhstan-ve-roma.html