Khi để mất một loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta đánh mất một công trình của Đấng tạo dựng

15/09/2017
1667
Khi nói đến những thành phần dễ bị tấn công nhất, phần lớn người Công Giáo thường nghĩ đến người già, người nghèo hoặc thai nhi. Nhưng có một nhóm khác chúng ta đã được ban cho để chăm sóc và nó đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên.


Đạo luật đình chỉ sự vượt quá của Cục bảo vệ môi trường (The Stopping EPA Overreach Act) đã được giới thiệu vào tháng 1 vừa qua bởi đại biểu Gary Palmer, một thành viên của Đảng Cộng Hòa từ Albama, người luôn tự hào về tình trạng “công việc là trên hết” của mình. Mục tiêu của dự luật là để hạn chế các quy định của Cục Bảo Vệ Môi Trường (EPA) trong sự cố gắng tạo ra việc làm. Nhưng các ảnh hưởng của dự luật có thể gây tổn hại đến hành tinh và các loài động vật hoang dã. Dự luật về cơ bản ngăn chặn chính phủ điều chỉnh khí nhà kính và tuyên bố rằng “không có loài nào” trong đạo luật các loài đang nguy cấp, giữa những điều luật khác, “cho phép hoặc yêu cầu các quy định của việc biến đổi khí hậu hay sự nóng lên toàn cầu”.

Ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu trên môi trường sống của động vật là điều không thể phủ nhận. Khi khí hậu biến đổi, môi trường sống của động vật có thể bị gây hại bởi sự bất ổn của nhiệt độ, hoặc mất đi sự sinh động trong đời sống thực vật.

Dan Misleh, giám đốc điều hành Giao Ước Khí Hậu Công Giáo, giải thích: “Sự biến đổi khí hậu trong những niên kỷ qua là một quá trình dài. Nếu việc biến đổi khí hậu kéo dài theo thời gian, sinh vật có thể thích ứng (cách dễ dàng) hơn việc tăng nhiệt độ nhanh như chúng ta đang thấy hiện nay”. Ông Misleh đưa ra ví dụ về những loài chim di cư, những nghiên cứu cho thấy chúng không tìm thấy thực phẩm ở những nơi đáng lẽ chúng có thể thấy, chỉ cách đây 20 năm.

Tại sao người Công giáo nên ưu tư về điều này? Với tất cả những vấn đề bức xúc hiện nay, bao gồm việc nhập cư, phá thai, nghèo đói và chiến tranh, tại sao chúng ta nên lưu tâm đến việc một vài con chim tìm kiếm bữa tối của nó?

Tất cả các loài thụ tạo đều có cùng dòng dõi. Tất cả các loài thụ tạo đều là bạn đồng hành với chúng ta. Khi một loài động vật nào đó mất đi, Thiên Chúa cảm nhận một nỗi đau lớn vì sự mất mát của một phần công trình Ngài đã tạo dựng. Chúng ta có một thế giới được tạo dựng một cách tuyệt đẹp, nơi mà con người được giao nhiệm vụ chăm sóc chúng. Vì vậy khi chúng ta đánh mất một loài nào đó, chúng ta đã mất đi một phần của chính mình” Ông Misleh đã nói như vậy.

Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tuyên bố chung về vấn đề đạo đức môi trường (ban hành ngày 10/6/2012): “Ngay từ lúc khởi đầu lịch sử, người nam và người nữ đã phạm tội bất tuân với Thiên Chúa và chối bỏ sáng kiến trong công trình tạo dựng của Ngài. Một trong những những kết quả của mối tội đầu này là việc hủy hoại sự hài hòa nguyên thủy của công trình tạo dựng. Nếu chúng ta xem xét cách cẩn thận sự biến đổi xã hội và môi trường mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt, chúng ta phải kết luận rằng chúng ta vẫn phản bội sự ủy thác mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: là người quản lý được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc coi sóc công trình sáng tạo trong sự thánh thiện và khôn ngoan”.

Điều quan trọng cần chú ý là động vật và con người không cùng nằm trên một mặt bằng về nhân phẩm. Chúng ta không muốn rơi vào suy nghĩ sai lầm rằng động vật có cùng thần tính, tài trí suy đoán hay khả năng yêu thương như chúng ta. Đó là lý do vì sao Giáo Hội Công Giáo không ngăn cấm việc sử dụng động vật trong thức ăn và trong ngành may mặc. Khi chúng ta nhìn động vật giống như con người, chúng ta đánh mất dấu chỉ làm con người trở nên linh thiêng – là việc con người được dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Trong Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết rằng: “Trong tất cả các sinh vật hữu hình, chỉ có con người "có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng". Con người là "sinh vật duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa đã muốn trao ban chính mình Ngài", và chỉ một mình con người được mời gọi sẻ chia sự sống của Thiên Chúa, nhờ sự hiểu biết và tình yêu. Vì điều này mà con người được dựng nên và đó là lý do nền tảng tạo nên phẩm giá con người.”

Chúng ta nên luôn luôn đặt con người lên trước động vật. Nếu phải chọn lựa giữa sự sống còn của một con người và một chú cún, nhiệm vụ của chúng ta là hướng tới giá trị sự sống của con người. Chúng ta cũng nên thận trọng khi đề nghị nhiều sự nỗ lực để cứu sống một con vật hơn là sự sống của những thai nhi. Vì nạn phá thai đang là một thảm kịch của con người, điều lấy đi sự sống của hàng ngàn thai nhi mỗi ngày.

Nhưng chúng ta không phân cấp những lời dạy của Thiên Chúa, hay nói rằng vì một điều gì đó rất quan trọng mà loại bỏ tất cả những điều khác. Ưu tiên sự sống của con người, không có nghĩa là làm cho việc chăm sóc động vật kém quan trọng hơn. Khi chúng ta để mất các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta đánh mất công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi chúng ta ngừng quý trọng sự sống của những loài dễ bị tấn công, cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù những công việc và suy nghĩ về các giải pháp sáng tạo để tạo ra nhiều công việc hơn của người Mĩ được đánh giá là ưu tú và tài giỏi, nhưng chúng ta không thể thực hiện những quyết định đó bằng cách đánh đổi sự sống của những loài tạo vật của Thiên Chúa.

Cục Bảo Vệ Môi Trường (EPA) được thành lập để bảo vệ trái đất – thành phần dễ bị tấn công của công trình tạo dựng, nơi mà con người đôi khi lạm dụng chúng cho lợi ích riêng của mình. Tước bỏ quyền lực của cơ quan liên bang trong việc đưa vào danh sách các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng khi đưa ra quyết định chính sách về biến đổi khí hậu sẽ là một sai lầm. Nhưng ngay cả khi EPA biến mất vào ngày mai, người Công giáo vẫn có một trách nhiệm quan trọng là phải canh tác trái đất cũng như bảo vệ tất cả những “cư dân” dễ bị tấn công nhất. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô Phanxicô đã nói, "Ở các loài cây cỏ và trong các loài động vật, chúng ta nhận ra dấu ấn của Đấng Tạo Hóa."


Mary Nguyễn chuyển ngữ từ Americamagazine

(Nguồn: giaophanvinh.net)