Chương trình học hỏi về Thượng hội đồng Giám mục lần thứ 16 (bài 9)

10/03/2022
1667


BÀI 9: CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH TẠI CÁC GIÁO PHẬN (PHẦN 2)

1/ Vai trò của Giám Mục trong tiến trình hiệp hành

Vai trò chính yếu của Giám Mục Giáo Phận trong tiến trình Thượng Hội đồng cấp Giáo Phận là tạo điều kiện để toàn thể dân Chúa có được kinh nghiệm hiệp hành trên hành trình hướng tới một Hội Thánh mang tính hiệp hành hơn. Giám Mục Giáo Phận giữ vai trò chính trong việc lắng nghe dân Chúa trong Giáo Phận của ngài.

Trong quá trình tổ chức, Giám Mục có thể đề nghị sự phản hồi và tham gia của dân Chúa ở bất cứ nơi nào ngài thấy có cơ hội. Giám Mục được mời gọi liên lạc với các đoàn thể, các tổ chức và các cơ cấu riêng của Giáo Phận, để khuyến khích họ tham gia vào tiến trình hiệp hành và yêu cầu sự giúp đỡ thích đáng của họ. Đồng thời, Giám Mục có thể bảo đảm dành riêng các nguồn lực thích hợp, bao gồm cả tài chính, tổ chức, kỹ thuật và nhân sự.

Trong tiến trình thỉnh ý hiệp hành, vai trò cốt yếu của Giám Mục là lắng nghe. Ngài được khuyến khích tham dự và chú ý lắng nghe tiếng nói của các tín hữu.

Cuối cùng, Giám Mục sẽ triệu tập hội nghị Tiền - Thượng Hội Đồng Giáo Phận để đi đến đỉnh cao kết thúc giai đoạn cấp Giáo Phận và rồi ngài sẽ làm việc cùng (các) linh hoạt viên của Giáo Phận để tổ chức hội nghị này. Sau đó, Giám Mục có thể duyệt lại bản đúc kết của Giáo Phận với sự cộng tác của (các) linh hoạt viên Giáo Phận trước khi đệ trình lên Hội Đồng Giám Mục.

2/ Vai trò của các Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ trong tiến trình hiệp hành

Các Linh Mục và Phó Tế có vai trò then chốt trong việc cùng nhau cất bước hành trình giữa dân Chúa, khi họ hiệp nhất với Giám Mục và phục vụ các tín hữu. Các ngài chính là cầu nối trung gian giữa Giám Mục và các tín hữu. Các ngài có thể nhân danh Giám Mục thông truyền ý của Giám Mục cho các tín hữu và ngược lại họ cũng có thể thông đạt ý của các tín hữu cho Giám Mục
.

Các Linh Mục và Phó Tế cũng được kêu gọi để hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện khai triển giai đoạn cấp Giáo Phận của tiến trình hiệp hành nơi Giáo Hội địa phương. Rất cần có sự tham gia của các tổ chức “mang tính hiệp hành” thuộc các Giáo Hội địa phương, đặc biệt là của Hội Đồng Linh Mục và Hội Đồng Mục Vụ (PD, 31).

Đồng thời, các Linh Mục và Phó Tế có thể tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để nuôi dưỡng kinh nghiệm hiệp hành đích thực giữa các tín hữu, liên kết với các sáng kiến ​​của Giám Mục Giáo Phận và (các) linh hoạt viên trong Giáo Phận được chỉ định cho tiến trình Thượng Hội Đồng này.

Cần lưu ý rằng việc thỉnh ý hiệp hành trong giai đoạn cấp Giáo Phận không thể bỏ qua sự đóng góp quý giá mà những người nam và nữ thánh hiến có thể cống hiến (EC, 7).

3/ Vai trò của giáo dân

Đối tượng chính của kinh nghiệm hiệp hành là mọi người đã chịu phép rửa. Giai đoạn Giáo Phận cần phải chú ý đến những cách thức vận động hiệu quả nhất để đạt được sự tham gia rộng rãi nhất có thể. Chính vỉ thế, giáo dân có một vai trò không thể thiếu trong tiến trỉnh hiệp hảnh cấp giáo phận. Họ được mời gọi tích cực tham gia và cổ vũ cho tiến trình hiệp hành này.

CÂU HỎI

1- Vai trò chính yếu của Giám Mục Giáo Phận trong tiến trình hiệp hành cấp Giáo Phận là gì?

2- Các Linh Mục và Phó Tế thực hiện vai trò trung gian giữa Giám Mục và các tín hữu như thế nào?

3- Giáo dân có vai trò gì trong tiến trình hiệp hành cấp giáo phận?

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/chuong-trinh-hoc-hoi-ve-thuong-hoi-dong-giam-muc-16bai-09.html