BÀI GIẢNG THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC GIUSE PHẠM VĂN CỪ
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng,
Hôm nay cộng đoàn chúng ta quy tụ về nhà thờ Giáo xứ Đa Phạn này, để cùng chung một niềm vui, chung một lòng mến, chung một tâm tình, cùng với cha mới Giuse của chúng ta đây dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì hồng ân thánh chức cao cả mà cha mới của chúng ta đã nhận được từ nơi Thiên Chúa và sự giúp đỡ của mọi người. Nhiều người trong cộng đoàn chúng ta chắc cũng thấy hơi ngạc nhiên, vì thấy một cha không quen mấy giảng lễ tạ ơn hôm nay. Con xin thưa là, khi con còn ở Sài gòn để học tiếng, lúc đó Thầy Cứ đang giúp thực tập mục vụ. Con có nói đùa: “ khi nào Thầy chịu chức thì mình giảng lễ tạ ơn cho nhé”. Thầy nhớ giai quá, cuối cùng con lớ ngớ lại vớ được huy chương, và hôm nay có dịp đứng ở đây chia sẻ với cộng đoàn trong Thánh lễ đặc biệt này. Có hai điều con muốn chia sẻ với cộng đoàn ngang qua các bài đọc Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, đó là tinh thần phục vụ và đời sống thánh thiện của Linh mục.
Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô từng nhắc nhở các linh mục là phải lấy Chúa Giê-su làm trung tâm đời sống. Như vậy tập trung vào Chúa Ki-tô có nghĩa là luôn quy về Chúa như là trung tâm của đời mình, lấy Chúa làm mục đích và cứu cánh tối thượng cho đời sống mục vụ của mình. Linh mục vốn là hiện thân của Đức Ki-tô ( In persona Christi ) nên các ngài chẳng những biểu lộ hình ảnh Đức Ki-tô mục tử, mà còn lan tỏa sự sống của Chúa nữa. Chúng ta xác tín rằng, linh mục được tuyển chọn để phục vụ cộng đồng Dân Chúa, phục vụ chương trình cứu rỗi của Chúa Cứu Thế và phục vụ Nước Trời. Các ngài chính là hiện thân của mẫu gương phục vụ như thánh Gioan đã nói trong Tin Mừng : Người phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại” ( Ga 3, 30 ). Đây cũng là câu khẩu hiệu mà cha mới chọn làm châm ngôn sống cho đời Linh mục của mình.
Việc phục vụ luôn nhắc đến nhiệm vụ và đức tính của người đầy tớ. Đi theo ơn gọi làm linh mục là chấp làm đầy tớ của Dân Chúa. Khái niệm làm đầy tớ không hạ thấp tư cách và phẩm chất linh mục, nhưng nó đòi hỏi người phục vụ luôn có thái độ khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, bao dung, nhiệt thành, tế nhị trong khi thi hành sứ vụ mục tử. Muốn làm linh mục thì phải biết làm đầy tớ. Chịu chức phó tế là tập làm đầy tớ, để sau này khi thụ phong linh mục sẽ biết làm đầy tớ của Dân Chúa. Thụ phong linh mục không có nghĩa là từ nay không còn là đầy tớ nữa, trái lại, phải là đầy tớ đi xuống thấp hơn nữa, là đầy tớ suốt đời. Hãy nhớ mình chả là gì đâu. Từ bụi tro Chúa nâng con lên ; Chúa nâng con lên giữa hàng dân thánh nhưng con vẫn chỉ là bụi tro mà thôi.
Quả vậy, phục vụ là cung cách hành động và ứng xử của một đầy tớ chứ không phải của ông chủ. Hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ đã minh họa rõ ràng về điều đó. Và còn hơn thế nữa, đối với Chúa, tột cùng của phục vụ là hy sinh mạng sống và chịu chết vì đàn chiên. Cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh hùng hồn cho điều đó. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8);
Một cha trẻ mặc áo lễ lúc trời nóng nói với con, trời này mà mặc nhiều áo vầy thì nóng lắm. Con thầm nghĩ, ngày nào đời linh mục của chúng mình không còn nóng ( nóng ở đây không phải là nóng tính) mà là nóng lửa nhiệt thành, nóng hồn tông đồ, nếu thiếu đi những ngọn lửa này thì đời Linh mục sẽ trở thành một “thảm họa không tên”.
Giáo dân luôn khao khát những linh mục có phẩm chất tốt nhất. Đúng thế, họ khao khát lắm! Ai cũng thích mua hàng chất lượng cao. Hàng kém chất lượng sẽ bị ế và tồn kho, không biết bỏ đi đâu. Cha mới hãy cố gắng đáp lại kỳ vọng thánh thiện của Giáo dân đang khao khát đợi chờ. Là Linh mục, mình hoà nhập chứ không hòa tan, mình lôi cuốn chứ không lôi kéo, mình hiến thân chứ không tiến thân, mình thi hành sứ vụ chứ không phải là dịch vụ, mình phục vụ chứ không phải hưởng thụ, mình an vui chứ không an phận, và mình biến đổi chứ không biến tướng. Có thể nói ngày nay, người ta nhận xét và đánh giá Linh mục không dựa trên những yếu tố như bằng cấp, học vị, tài năng, thông thái, uyên bác…cho bằng dựa trên những phẩm chất đặc thù của người môn đệ của Chúa, đó là sự thánh thiện, là sự mẫu mực trong đời sống đức tin và nhân bản, là sự say mê việc tông đồ truyền giáo và sự nhiệt thành thực thi bác ái mục tử.
Nên thánh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Linh mục. Bởi vì Linh mục không thánh thiện thì làm sao trình bày và nêu gương thánh thiện cho Giáo dân được. “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo!”. Muốn cho Giáo dân đạo đức sốt sắng thì linh mục cần làm gương thánh thiện. Do đó sự thánh thiện luôn là phẩm chất đáng quý nhất nơi vị Linh mục. Khi tiếp xúc với Linh mục nào đó, điều mong ước đầu tiên của người Giáo dân, đó chính là được đón nhận sự thánh thiện tỏa ra từ các ngài. Sự thánh thiện ấy âm thầm và sâu lắng, nó mang sức sống của hiện thân Đức Ki-tô, mang hơi ấm của tình yêu, sự dịu ngọt của Lời Chúa và sự thân ái của tình người.
Thực vậy, ngoài việc sống đời nội tâm thánh thiện, Linh mục sẽ luôn là tấm gương về đời sống đức tin và nhân bản để Giáo dân học hỏi và bắt chước noi theo. Vẫn biết, Linh mục cũng là con người như bao nhiêu người khác, cũng yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi, ngài không phải là một “siêu nhân” hay một vị “thánh sống”. Nhưng căn tính, phẩm giá, sứ vụ và ơn gọi của ngài buộc các ngài phải thường xuyên tu luyện để có một đời sống gương mẫu về đức tin và nhân bản. Trong Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (số 41) ĐTC Phao-lô VI đã viết: “ Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.
Có một cha già ngài cũng nói với con: “thà làm Linh mục ít mà đoàng hoàng, còn hơn là làm Linh mục lâu mà kéo lê cuộc đời”. Ngài nói như thế, theo con nghĩ là có cơ sở trong thánh kinh, bởi vì Chúa Giêsu chỉ làm Linh mục có một ngày nhưng ngài trở thành Linh mục đời đời, Ngài dâng lễ có một lần nhưng thánh lễ Ngài dâng đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Cuộc đời của các Linh mục không phải lúc nào cũng mầu hồng giống như cha mới Giuse của chúng ta ngày hôm nay đâu, mà cũng có những khó khăn nhất định, như ai đó đã từng nói: Linh mục được đưa bàn tay ra để bắt tay tất cả mọi người nhưng không được giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình. Trái tim của Linh mục được yêu tất cả mọi người nhưng không được có bóng hồng, bóng xanh nào riêng trong trái tim.
Anh chị em chúng ta ở nhà khi ốm đau bệnh tật còn có người chăm, còn các cha khi ốm thì nằm cong như cái dấu hỏi ở một góc giường, mắt trợn ngược nhìn lên trần nhà, thấy hai con thạch sùng đang đuổi nhau. Rồi các cha cũng là con người nên không thể sống vừa lòng hết mọi người được, như người ta nói: ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Cao chê ngổng, thấp chê lùn, gầy chê xương sống xương xường phơi ra, khôn ngoan thì bảo là ngoa, vụng dại thì bảo người ta là đần. Rất khó thưa anh chị em. Rồi khi về làm cha xứ hay cha phó thì cũng không biết là làm dâu hay làm mẹ chồng nữa. Chắc có lẽ là cả hai, như người ta hay nói: làm cha sở thật là khổ sở, nếu hòa đồng bị mang tiếng là không nghiêm, còn cương nghị thì cho là khó tính, khi giảng dài thì coi là bị tra tấn, lúc ngắn gọn thì bảo qua loa. Không rượu, không bia khì bảo là giữ kẽ. Chút rượu, chút bia thì kết án rượu chè.
Làm cha nhiều khi cũng khổ vậy đấy, nhưng xin cha mới đừng có run, vì có Chúa và mọi người luôn ở bên cha. Hãy luôn gắn kết với Chúa để có được sức mạnh, vì không có Chúa, anh em Linh mục chúng ta không làm gì được hết. Mọi người sẽ luôn cầu nguyện và nâng đỡ cha trên hành trình phục vụ dân Chúa. Cuối cùng xin cha hãy câu mà mẹ Têrêsa Calcuta đã ghi trong phòng thay áo lễ của linh mục: “Xin cha dâng Thánh Lễ này như Thánh Lễ đầu tiên, như Thánh Lễ cuối cùng, và như Thánh Lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời mà thôi”.
Lm. Giuse Phan Cảnh