TỪ THIẾU NIỀM TIN ĐẾN ĐỔ VỠ TRONG XÃ HỘI

04/07/2025
94


TỪ THIẾU NIỀM TIN ĐẾN ĐỔ VỠ TRONG XÃ HỘI

Những đứa trẻ vô tội trong vòng xoáy người lớn

Tác giả: Joseph Lee

Trong thế giới hôm nay, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh chia rẽ, chiến tranh, bạo lực và những đổ vỡ trong các mối quan hệ. Những thực trạng ấy phát sinh từ nhiều nguyên nhân: tranh chấp quyền lực, xung đột tôn giáo, bất công xã hội, sự thao túng kinh tế, tham vọng chính trị…

Nhưng có một nguyên nhân rất sâu xa, một căn nguyên mà Kinh Thánh đã từng gợi mở từ ngàn xưa thường bị chúng ta bỏ quên. Đó là sự thiếu niềm tin vào Thiên Chúa và thói quen tự mình tính toán theo sự khôn ngoan giới hạn của con người.

Từ thiếu niềm tin đến toan tính ích kỷ. Từ toan tính ích kỷ đến những rạn nứt trong gia đình. Từ rạn nứt trong gia đình đến những đổ vỡ trong xã hội. Và ở giữa tất cả những vòng xoáy tàn nhẫn ấy, những đứa trẻ vô tội lại là những nạn nhân đau đớn nhất.

1. Thiếu niềm tin - Cội rễ của bi kịch

Thiên Chúa đã hứa với Abraham: “Hãy ngước mắt lên trời, thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không... Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó.” (x. St 15,5-6)

Nhưng năm tháng cứ thế trôi qua. Lời hứa vẫn chưa thành sự thật. Và Sara, người vợ bên cạnh Abraham, dần dần mất kiên nhẫn. Lo sợ len lỏi. Nghi ngờ chiếm ngự. Niềm tin nhạt dần. Và bà vội vàng tìm lối thoát theo cách riêng của mình.

Chỉ cần một chút thiếu kiên nhẫn, một chút thiếu niềm tin, con người đã tự đẩy mình ra khỏi con đường mà Thiên Chúa muốn dẫn lối. Sự thiếu niềm tin ấy tưởng chừng nhỏ bé lại chính là cội rễ âm thầm của mọi bi kịch. Như Kinh Thánh đã nhắc nhở:“Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào sự hiểu biết của con.” (Cn 3,5)

Khi không còn tín thác vào Thiên Chúa, con người tự mình vạch lối, tự mình tính toán, và rồi mở ra những bi kịch mà chính họ không thể kiểm soát.

2. Tính toán theo ý riêng - Con đường sai lầm

Sara quyết định trao Haga, nữ tỳ người Ai Cập của bà cho Abraham để sinh con nối dõi (x. St 16,1-4). Một giải pháp có vẻ hợp lý: “Nếu Chúa chậm trễ, mình phải tự lo.”

Nhưng Thiên Chúa không cần con người “giúp” Ngài thực hiện kế hoạch. Khi chúng ta can thiệp bằng những toan tính khôn ngoan phàm trần, ta thường đánh mất điều tốt đẹp nhất mà Ngài muốn ban.

Lời Chúa đã cảnh báo:

“Nào tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.” (Is 55,8)

Haga, khi có thai, liền khinh thường bà chủ. Sara nổi giận. Gia đình mất hòa khí. Abraham đứng giữa hai người phụ nữ giằng xé, đau đớn, bất lực. Một gia đình từng được Thiên Chúa chúc phúc nay trở thành chiến trường của ghen tị, nghi kỵ và tranh chấp.

3. Rạn nứt trong gia đình - Những đứa trẻ bị cuốn vào vòng xoáy

Đỉnh điểm của bi kịch là khi Sara đòi đuổi mẹ con Haga và Ismael ra khỏi nhà (x. St 21,8-14). Abraham không muốn, nhưng ông buộc phải chấp nhận.

Và thế là, Ismael, một đứa trẻ vô tội không có quyền lựa chọn bị đẩy ra khỏi mái ấm, ra khỏi vòng tay của cha, bị buộc phải lớn lên trong cô đơn và thiếu thốn.

Những đứa trẻ luôn là nạn nhân đầu tiên trong cuộc chiến của người lớn.

Chúa Giêsu đã nói: “Đừng làm cho một ai trong những kẻ bé nhỏ này phải sa ngã.” (Mt 18,6)

Nhưng trong bao gia đình hôm nay, những đứa trẻ vẫn tiếp tục phải gánh chịu. Có những em bé chứng kiến cha đánh mẹ trong những đêm mưa. Có những em bị bỏ mặc, gạt ra bên lề chỉ vì là con riêng. Có những em lớn lên trong những lời mắng nhiếc, bạo lực và phân biệt… những vết sẹo âm thầm theo các em suốt cuộc đời.

Những đứa trẻ ấy có thể đang ngồi ngay bên cạnh chúng ta.

Kinh Thánh đã tiên báo về Ismael:

“Con người đó đúng là một con lừa hoang, nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó.” (St 16,12)

Khi một đứa trẻ lớn lên trong vết thương chưa được chữa lành, các em có thể trở thành người phẫn uất, bất cần và bạo động. Một vết thương âm thầm trong gia đình có thể bùng nổ thành xung đột của cả cộng đồng.

Cuộc chiến của người lớn thường để lại những vết sẹo không thể lành trong trái tim trẻ thơ.

Thế nhưng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Haga và Ismael. Ngài lắng nghe tiếng khóc của họ trong sa mạc. Ngài ở đó, bên những người bị bỏ rơi. Ngài vẫn là Đấng chữa lành, Đấng luôn đồng hành với những trái tim bé nhỏ.

4. Đổ vỡ xã hội - Từ gia đình đến thế giới

Một gia đình rạn nứt có thể sinh ra những thế hệ mang đầy vết thương chưa được chữa lành. Những đứa trẻ lớn lên với trái tim tan vỡ rất dễ trở thành người phẫn nộ, bất cần và bạo lực.

Mọi cuộc chiến ngoài xã hội chỉ là hệ quả của những cuộc chiến trong lòng người.

Nếu từng gia đình biết sống hòa giải, biết lắng nghe, biết yêu thương và biết sống công bằng, xã hội sẽ bớt đi những tâm hồn khô cứng và những bàn tay bạo động.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Các vết thương của gia đình là nguyên nhân lớn nhất của sự đổ vỡ trong xã hội.” (Amoris Laetitia, số 253)

Thánh Gioan Phaolô II khẳng định:

“Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội… nếu gia đình vững mạnh, xã hội mới có thể lành mạnh.” (Familiaris Consortio, số 42)

Ngài còn nhấn mạnh:

“Trẻ em cần được yêu thương, tôn trọng và được giáo dục trong một môi trường an toàn, nơi các em có thể phát triển cách lành mạnh cả thể lý lẫn tinh thần.” (Amoris Laetitia, số 170)

Chúng ta cần khẩn thiết bảo vệ trẻ em ngay từ chính mái ấm của mình.

5. Bắt đầu từ hôm nay - Bắt đầu từ chính gia đình

Có lẽ, câu chuyện của Abraham và Sara vẫn đang xảy ra trong nhiều gia đình hôm nay khi người lớn không còn kiên nhẫn với kế hoạch của Chúa, khi cha mẹ mải mê tính toán theo ý riêng, khi con chung và con riêng được đối xử khác biệt, khi những cơn ghen và tự ái lấn át tình yêu thương, khi cha mẹ bận rộn mà quên mất trái tim của con.

Và những đứa trẻ vẫn cứ âm thầm chịu đựng, vẫn cứ lớn lên với những vết thương không tên, vẫn cứ bị cuốn vào những vòng xoáy tàn nhẫn mà chúng không hề lựa chọn.

Đừng chờ thế giới chữa lành con bạn. Chính bạn mới là liều thuốc đầu tiên.

Đừng để ngày mai mới bắt đầu. Đừng để khi con đã lạnh lùng mới vội vàng tìm cách yêu thương.

Hãy dừng lại ngay bây giờ.
Hãy lắng nghe con bạn, thật sự lắng nghe.
Hãy xin lỗi con nếu bạn đã từng làm con tổn thương.
Hãy dành cho con một cái ôm trọn vẹn, một lời khẳng định đầy yêu thương: “Ba/mẹ yêu con, dù chuyện gì đã xảy ra.”

Không có gia đình nào hoàn hảo. Nhưng gia đình nào cũng có thể bắt đầu lại, nếu biết tín thác vào Thiên Chúa.

Lời kêu gọi dành cho xã hội và Giáo hội

Bảo vệ trẻ em và chữa lành gia đình không chỉ là trách nhiệm của từng bậc cha mẹ. Đó là một sứ mạng chung của toàn xã hội và của Giáo hội.

Các định chế xã hội cần can đảm tạo ra những chính sách bảo vệ trẻ em mạnh mẽ và thực thi nghiêm túc. Cần xây dựng những ngôi trường an toàn, những chương trình giáo dục không bạo lực, những môi trường chữa lành cho cả cha mẹ và con cái.

Giáo hội, với trái tim của người Mẹ, được mời gọi đồng hành với các gia đình đang rạn nứt, phát triển các chương trình giáo lý hôn nhân, giáo dục con cái và mục vụ gia đình một cách cụ thể, gần gũi, và thực tế. Giáo hội phải trở thành mái nhà của lòng thương xót, nơi mọi gia đình, dù tan vỡ đều có thể tìm thấy hy vọng và sự hồi sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh:

“Giáo hội phải là nơi của lòng thương xót, nơi mà ai cũng cảm thấy được đón nhận, được hiểu và được chữa lành.” (Amoris Laetitia, số 291)

Bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em, xây dựng hòa bình. Đó là sứ mạng chung. Không ai được phép đứng ngoài.

Hãy cùng nhau xây dựng những mái ấm an toàn.
Hãy cùng nhau gieo trồng những thế hệ biết yêu thương và gìn giữ hòa bình.

Cuộc chiến lớn nhất không nằm ở biên giới các quốc gia, mà nằm trong biên giới của trái tim con người. Khi lòng người biết tín thác, biết yêu thương, khi gia đình biết thứ tha, thế giới sẽ có hòa bình thật sự.

Hãy nhớ rằng, những quyết định của người lớn hôm nay có thể định hình cả cuộc đời của những đứa trẻ ngày mai.

Đừng để toan tính của người lớn làm tan vỡ trái tim thơ ngây của con trẻ.
Hãy bảo vệ những đứa trẻ.
Hãy chữa lành gia đình.
Hãy tín thác vào Thiên Chúa.

Đó là con đường duy nhất để chặn đứng những đổ vỡ kéo dài qua các thế hệ.

Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót,

Xin dạy con biết tín thác vào Ngài và kiên nhẫn với chương trình yêu thương của Ngài dành cho gia đình chúng con.

Xin cho các bậc cha mẹ biết lắng nghe, yêu thương và chữa lành những tổn thương trong trái tim con trẻ. Xin giúp chúng con đủ khiêm nhường để xin lỗi con và đủ can đảm để bắt đầu lại.

Xin Chúa bảo vệ những đứa trẻ vô tội đang lớn lên giữa những cuộc chiến của người lớn, và xin cho các gia đình rạn nứt tìm thấy hy vọng nơi lòng thương xót của Ngài.

Xin cho xã hội và Giáo hội luôn đồng hành, bảo vệ và yêu thương các gia đình đang tổn thương.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến mình để hàn gắn mọi vết thương. Amen.