Câu tục ngữ "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn" là một lời dạy đạo lý ngắn gọn nhưng chứa đựng triết lý sâu sắc về ý nghĩa của sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân gia đình. Trong đời sống hôn nhân Công Giáo, câu tục ngữ này càng trở nên ý nghĩa khi được soi sáng bởi giáo huấn của Hội Thánh, nhấn mạnh sự hiệp nhất, yêu thương và đồng hành trong tình yêu của Chúa Kitô.
Hôn Nhân Công Giáo là Một Giao Ước Thiêng Liêng
Hôn nhân trong Công Giáo không chỉ là một khế ước dân sự, nhưng là một bí tích, một giao ước thiêng liêng được Thiên Chúa thiết lập. Khi đôi vợ chồng tuyên thệ trước bàn thờ Chúa, họ cam kết trọn đời yêu thương nhau và hứa sẽ cùng nhau bước đi trong ân sủng của Thiên Chúa, trở thành một hình ảnh sống động của tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Thật vậy, câu tục ngữ "Thuận vợ thuận chồng" phản ánh tinh thần ấy, bởi trong hôn nhân Công Giáo, sự hòa hợp giữa vợ và chồng là nền tảng cho một gia đình bền vững. Sự đồng lòng ấy không chỉ thể hiện qua những quyết định trong cuộc sống hằng ngày, mà còn qua việc cùng nhau thăng tiến trong đức tin, cùng xây dựng gia đình thành một "Hội Thánh tại gia".
Sức Mạnh Của Sự Đồng Lòng thì "Tát Biển Đông Cũng Cạn"
Hình ảnh "tát biển Đông cũng cạn" cho thấy sức mạnh của sự hiệp nhất giữa hai vợ chồng. Trong đời sống hôn nhân Công Giáo, đôi vợ chồng không chỉ phải đối mặt với những thách thức về vấn đề tài chính, kinh tế, công ăn việc làm hay nuôi dạy con cái, mà còn phải vượt qua những thử thách tinh thần như sự bất đồng, cám dỗ, hay những khó khăn trong đời sống đức tin.
Giáo huấn Công Giáo dạy rằng sự đồng lòng và yêu thương trong hôn nhân không phải đến từ nỗ lực của con người mà còn nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Qua đời sống cầu nguyện chung, tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, đôi vợ chồng được củng cố và tăng thêm sức mạnh để vượt qua những "biển Đông" của đời sống. Như Thánh Phaolô đã viết: "Mọi sự đều có thể làm được nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi" (Pl 4,13). Như thế, khi hai vợ chồng hòa thuận với nhau trong ân sủng của Chúa Kitô thì sẽ không có gì là không thể vượt qua, bởi tình yêu của họ được xây dựng trên nền tảng bền vững là chính Chúa Kitô.
Hiệp Nhất Trong Yêu Thương Và Hy Sinh
Hôn nhân Công Giáo mời gọi đôi vợ chồng sống yêu thương theo gương Chúa Kitô là một tình yêu trọn vẹn, hy sinh và không vị kỷ. Như chúng ta biết Đức Giêsu đã yêu thương Hội Thánh bằng cách trao ban chính mình, sẵn sàng chết cho người mình yêu. Vì thế hai vợ chồng cũng được mời gọi phản ánh tình yêu ấy trong đời sống hằng ngày của mình. Sự "thuận" giữa vợ và chồng không phải là sự hòa hợp bề ngoài, mà là sự thấu hiểu, thông cảm và sẵn sàng hy sinh cho nhau. Như Thánh Phaolô dạy rằng:
"Hỡi các người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như chính Ðức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh" (Ep 5,25). Tương tự, người vợ được mời gọi yêu thương, kính trọng chồng và cùng chồng xây dựng gia đình trong sự bình an, yêu thương và tin tưởng.
Vai Trò Của Cầu Nguyện
Cầu nguyện là chìa khóa để đôi vợ chồng đạt được sự hòa hợp và sức mạnh trong đời sống hôn nhân. Điều chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, khi cầu nguyện, đôi vợ chồng cùng hiệp thông với nhau trong từng lời kinh nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa, để xin Ngài chúc phúc, thánh hoá và hướng dẫn trong cuộc sống. Đặc biệt là khi vợ chồng cùng nhau tham dự Thánh lễ và đón nhận bí tích Hòa Giải cũng là những nguồn sức mạnh thiêng liêng. Bởi vì, trong Thánh lễ, hai vợ chồng tái khẳng định giao ước tình yêu của mình, khi họ chứng kiến Giao Ước Tình Yêu của Chúa Kitô được hiện tại hoá trên bàn thờ để trao ban chính Thịt Máu mình cho Hiền Thê là Hội Thánh. Để từ đó vợ chồng luôn biết hy sinh cho nhau như chính Chúa Kitô vậy. Ngoài ra, Bí tích Hòa Giải cũng hết sức quan trọng trong đời sống hôn nhân, vì khi họ lãnh nhận Bí tích Hoà Giải sẽ giúp họ học cách quảng đại tha thứ như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho tội lỗi của họ, hóa giải những bất hòa cuộc sống của họ và biến đổi họ trở nên hoàn thiện hơn trong tình yêu vợ chồng.
Thách Thức Và Cơ Hội Trong Đời Sống Hôn Nhân Hiện Đại
Trong xã hội hiện đại, hôn nhân đang phải đối mặt với nhiều áp lực: từ công việc, kinh tế, đến những khác biệt văn hóa, lối sống chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Tuy nhiên, câu tục ngữ "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn" nhắc nhở rằng sức mạnh của sự đồng lòng có thể giúp đôi vợ chồng vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Và đời sống hôn nhân Công Giáo cung cấp thêm chiều kích thiêng liêng: khi đặt Chúa làm trung tâm trong cuộc sống gia đình và luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa trợ giúp. Thật vậy, một gia đình hòa thuận trong tình yêu và đức tin vững mạnh sẽ trở thành chứng tá sống động và làm lan tỏa ánh sáng Tin Mừng trong cộng đồng nhân loại.
Do đó, câu tục ngữ "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn" không chỉ là một lời khuyên đạo đức trong văn hóa Việt Nam, mà còn chứa đựng bài học sâu sắc cho đời sống hôn nhân Công Giáo. Nó nhắc nhở đôi vợ chồng luôn lấy sự hòa thuận, yêu thương và đồng lòng trong tình yêu vượt qua mọi khó khăn trong hành trình “tát biển Đông” mỗi ngày để sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân mà Thiên Chúa đã trao ban. Nhất là khi sống tình yêu theo gương mẫu Chúa Kitô, đôi vợ chồng không chỉ xây dựng một gia đình hạnh phúc đích thực mà còn làm chứng cho tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa trần gian đang có nhiều biến động này.
Từ Tâm
Ban Truyền Thông Gp. Thanh Hoá