Đức Thánh Cha: Học thuyết Giáo hội góp phần thực thi công lý

29/02/2024
14298


Đức Thánh Cha: Học thuyết Giáo hội góp phần thực thi công lý

Ngày 28/02, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến Uỷ ban Thẩm phán Liên Mỹ châu, về quyền xã hội và học thuyết Phanxicô, nhân lễ khánh thành trụ sở mới ở Argentina, nhắc lại rằng “Lời Chúa Giêsu, nền tảng Học thuyết xã hội của Giáo hội, là con đường an toàn và sáng suốt để góp phần thực thi pháp lý”.

 

Vatican News

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng với tình hình phức tạp hiện nay, công lý vô cùng quan trọng. Vì thế điều cũng rất quan trọng là các thẩm phán có thể suy tư và tự đào tạo trước những thách đố mới. Ngài nói: “Sứ mạng của những người làm việc trong lĩnh vực pháp luật - luật sư, thẩm phán, công tố viên - là nền tảng và cốt yếu. Quyền lực pháp lý là biện pháp tối hậu của nhà nước để khắc phục các hành vi vi phạm quyền và duy trì sự quân bình về thể chế xã hội”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng, ngày nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ bất công sâu sắc: một số ít người giàu ngày càng nhiều quyền lực và hàng triệu người bị từ chối và loại bỏ. Theo ngài, sẽ không có tương lai, không có sự phát triển và không có công lý hay dân chủ trong một thế giới mà hàng triệu trẻ em mỗi ngày thức ăn chỉ là những rác thải.

Đề cập đến mục đích của Uỷ ban, Đức Thánh Cha cho rằng quyền xã hội không miễn phí. Vì thế cần có những quyết định chính trị phù hợp và công bằng. Ngày nay, hơn bao giờ hết nhà nước rất quan trọng. Nhà nước được mời gọi thực hiện vai trò trung tâm của việc tái phân phối và công bằng xã hội.

Liên quan đến các thẩm phán, Đức Thánh Cha lưu ý rằng các quy tắc đã có rồi, vấn đề là đem ra thực hành. Đây là vai trò của các thẩm phán.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh: “Lời Chúa Giêsu, nền tảng Học thuyết xã hội của Giáo hội, là con đường an toàn và sáng suốt để góp phần thực thi pháp lý. Những người đang làm việc trong lĩnh vực này phải nhớ rằng tính hợp pháp ban đầu là chưa đủ. Thực hành cũng phải theo luật”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Người ta có thể dùng quyền để bào chữa cho việc tránh các hoạt động xây dựng xã hội công bằng và xứng đáng không? Tôi có thể là một thẩm phán tốt nếu tôi nhìn đi chỗ khác trước những đau khổ của người khác không? Mỗi ngày, trước gương anh chị em hãy tự vấn về những gì mình đang làm cho người khác”.

Cuối cùng,  Đức Thánh Cha mời gọi các thẩm phán “cương quyết khi đối diện với những mô hình vô nhân tính và bạo lực. Hoà bình là một điều cần được xây dựng mỗi ngày. Và quý vị là những người làm việc cho hoà bình”.

 

Nguồn:vaticannews.va