ĐTC Phanxicô: Giáo hội phải là nơi mọi người cảm thấy là nhà và được quý trọng

07/03/2024
373
ĐTC Phanxicô tiếp các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em  (ANSA)


ĐTC Phanxicô: Giáo hội phải là nơi mọi người cảm thấy là nhà và được quý trọng

Sáng thứ Năm ngày 7/3/2024, gặp gỡ các tham dự viên phiên họp khoáng đại của Ủy ban Tòa Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, Đức Thánh Cha khuyến khích họ đừng nản lòng trước những vụ bê bối lạm dụng trẻ vị thành niên, nhưng luôn tiến bước, để “Giáo hội luôn luôn và ở mọi nơi là nơi chốn mà mọi người có thể cảm thấy như ở nhà và mỗi người đều được coi là thánh thiêng”.

 

Hồng Thủy - Vatican News

Có lòng thương xót của Chúa Giêsu

Để có thể thực hiện điều này, Đức Thánh Cha nhắc nhở các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên phải “biến những cảm xúc của Chúa Kitô thành của chúng ta: lòng thương xót của Người, cách Người chạm vào những vết thương của nhân loại, Trái Tim Người bị đâm thủng vì tình yêu dành cho chúng ta”. Chúa Giêsu mang lấy những đau khổ và mang vết thương của chúng ta, như được nói trong bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ Đau Khổ trong Sách Ngôn sứ Isaia (xem 53,4). Do đó Đức Thánh Cha mời gọi họ hãy học điều đó: “chúng ta không thể giúp người khác mang gánh nặng của họ mà không đặt chúng lên vai chúng ta, nếu không thực hành sự gần gũi và lòng trắc ẩn”.

Lắng nghe, can thiệp, phòng ngừa và giúp đỡ

Đức Thánh Cha nói thêm rằng việc gần gũi các nạn nhân bị lạm dụng không phải là một khái niệm trừu tượng: “đó là một thực tế rất cụ thể, bao gồm việc lắng nghe, can thiệp, phòng ngừa và giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi - đặc biệt là các nhà chức trách trong Giáo hội - trực tiếp nhận biết tác động của việc lạm dụng và để mình bị lay động trước nỗi đau khổ của các nạn nhân, lắng nghe trực tiếp tiếng nói của họ và thực hành sự gần gũi đó, qua những lựa chọn cụ thể, nâng họ lên, giúp đỡ họ và chuẩn bị một tương lai khác cho mọi người”.

Không được để các nạn nhân bị lạm dụng không được chào đón và lắng nghe

“Câu trả lời dành cho những người bị lạm dụng xuất phát từ cái nhìn của trái tim, từ sự gần gũi này. Không được xảy ra trường hợp những anh chị em này không được chào đón và lắng nghe, vì điều này có thể làm nặng thêm nỗi đau khổ của họ. Cần phải giải quyết nó bằng sự dấn thân cá nhân, cũng như điều cần thiết là việc này phải được thực hiện với sự giúp đỡ của những cộng tác viên có năng lực”.

Giáo hội dấn thân ngăn chặn nạn lạm dụng

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn sự phục vụ của các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Những quan sát của họ giúp Giáo hội đi đúng hướng và tiếp tục dấn thân với tất cả sức mạnh trong việc ngăn chặn lạm dụng, lên án mạnh mẽ, quan tâm đầy cảm thương đối với các nạn nhân và trong sự dấn thân liên tục trở thành một nơi đón tiếp và an toàn. (CSR_1009_2024)

Nguồn:vaticannews.va