ĐTC Phanxicô đề cao vai trò giáo dục của ông bà đối với người trẻ trong gia đình
Sáng thứ Tư ngày 20/11/2024, gặp gỡ các tham dự viên Hội thảo chung lần thứ XII giữa Trung tâm Đối thoại Liên tôn và Liên văn hóa của Iran và Bộ Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh về chủ đề “Việc giáo dục giới trẻ là một thách đố đối với Hồi giáo và Kitô giáo”, Đức Thánh Cha nhắc lại vai trò và chứng tá của ông bà trong việc giáo dục tôn giáo cho các thế hệ con cháu. Đây là một yếu tố chung của các truyền thống tôn giáo.
Hồng Thủy - Vatican News
Hội thảo diễn ra tại Roma từ ngày 19 đến 20/11/2024, bàn về khái niệm giáo dục trong Hồi giáo và Kitô giáo, những cơ hội và thách thức của giáo dục trong thế giới ngày nay từ quan điểm của Hồi giáo và Kitô giáo và việc giáo dục giới trẻ như một bối cảnh đối thoại và sự hợp tác giữa Hồi giáo và Kitô giáo.
Đức Thánh Cha quan tâm đến Giáo hội ở Iran
Ngỏ lời với các tham dự viên, Đức Thánh Cha nhắc đến việc thăng Đức Tổng Giám mục Dominique Joseph Mathieu của Tehran-Isfahan làm Hồng y. Ngài khẳng định rằng sự lựa chọn này thể hiện sự gần gũi và quan tâm đối với Giáo hội ở Iran và toàn thể đất nước. Ngài cũng bày tỏ rằng ngài rất quan tâm đến số phận của Giáo hội Công giáo ở Iran, một “đàn chiên nhỏ”. “Tôi ý thức được hoàn cảnh của Giáo hội và những thách thức mà Giáo hội được kêu gọi phải đối diện để tiếp tục cuộc hành trình của mình, làm chứng cho Chúa Kitô và đóng góp, dù kín đáo nhưng đầy ý nghĩa, cho lợi ích của toàn xã hội, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay chính trị”.
Vai trò của ông bà trong giáo dục
Nói về thách đố giáo dục giới trẻ, đặc biệt là trong gia đình, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng gia đình, cái nôi của sự sống, là nơi giáo dục đầu tiên, nơi chúng ta bước những bước đầu tiên và học cách lắng nghe, công nhận người khác, tôn trọng họ, giúp đỡ họ và sống chung với họ. Ngài nêu lên một yếu tố chung của các truyền thống tôn giáo, đó là sự đóng góp giáo dục của người già dành cho giới trẻ. “Với sự khôn ngoan, ông bà đảm bảo việc giáo dục tôn giáo cho con cháu, đóng vai trò là mối liên kết quyết định trong mối quan hệ gia đình giữa các thế hệ (xem Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus vivit, 262). Lòng đạo đức này, được truyền bá không kiểu cách nhưng bằng chứng từ cuộc sống, phải được coi là có giá trị lớn lao cho sự phát triển của giới trẻ”.
Gia đình khác tôn giáo
Đức Thánh Cha cũng nêu lên thách đố chung về giáo dục, đối với các Kitô hữu và người Hồi giáo, trong các hoàn cảnh hôn nhân phức tạp mới với sự khác biệt về tôn giáo, và nói rằng trong những bối cảnh gia đình này, chúng ta có thể nhận ra một vị trí đặc biệt dành cho đối thoại liên tôn (xem Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris laetitia, 248).
Sự hỗ trợ đối với gia đình
Sự suy yếu về đức tin và thực hành tôn giáo ở một số xã hội, theo Đức Thánh Cha, có ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình. Vì lý do này, gia đình cần sự hỗ trợ của mọi người, kể cả sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường, cộng đồng tôn giáo và các tổ chức khác để thực hiện sứ mạng giáo dục của nó một cách tốt nhất.
Chứng tá của những người có đức tin vào Thiên Chúa
Cuối cùng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng việc giáo dục các thế hệ trẻ được thực hiện thông qua sự hợp tác huynh đệ trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, trong cuộc tìm kiếm này, chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi lên tiếng và hành động vì phẩm giá và quyền lợi của mỗi người và mỗi cộng đồng. Ngài nhấn mạnh rằng sự dấn thân vì hòa bình của những người tin vào “Thiên Chúa tình yêu toàn năng” làm cho chúng ta trở nên “đáng tin cậy trước mắt thế giới và các thế hệ mới”
Nguồn:vaticannews.va