Nhân chuyến viếng thăm Thái Bình của đoàn Giáo phận Thanh Hóa từ ngày 22-23.10.2015, trùng vào dịp Gia đình Lòng Chúa Thương Xót Gioan Phaolô II Giáo phận Thái Bình mừng lễ Quan thầy, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã ưu ái chia sẻ cùng cộng đoàn. Dưới dây là toàn văn bài giảng của Đức cha Giuse:
Trọng kính Đức cha Phêrô !
Kính thưa quý cha, quý tu sĩ và toàn thể anh chị em!
Về thăm Giáo phận Thái Bình, Đức cha phêrô đã mời chúng tôi giao lưu đá banh với các cha Giáo phận Thái Bình. Cho nên, thánh lễ Lòng Thương Xót ngày hôm nay đối với bản thân tôi và đối với các thành viên khác trong đoàn Thanh Hóa hoàn toàn là một chuyện bất ngờ. Nhưng, bất ngờ rất là thú vị! Bởi vì qua thánh lễ hôm nay, tôi phát hiện được rất nhiều điều đáng vui mừng. Mỗi lần nhớ tới Thái Bình, tôi lại nhớ tới tuồng chèo, và cái tuồng chèo ấn tượng nhất, kỷ niệm đẹp nhất của tôi về Thái Bình đó là vào năm 2012 khi Giáo phận Thanh Hóa cử hành 80 năm Giáo phận, đoàn của Thái Bình đã trình diễn tuồng chèo “Tiệc cưới Cana”, và anh chị em cũng biết, thông điệp của tiệc cưới Cana đó là niềm vui. Hôm nay, cái kỷ niệm đầy ý nghĩa đó lại trở lại trong ký ức của tôi, tôi cảm thấy rất vui vì được chia sẻ niềm vui 80 năm thành lập Giáo phận Thái Bình. Chia sẻ tâm tình tạ ơn, cầu nguyện của đại gia đình Thái Bình nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 80 năm này.
Cũng qua lần viếng thăm này, tôi phát hiện ra sự vĩ đại của Giáo phận Thái Bình. Tôi thầm ước, giá như Tòa Giám mục Thanh Hóa bây giờ mới xây thì may mắn biết là bao, bởi vì có cái mẫu của Tòa Giám mục Thái Bình. Tôi bảo đảm với anh chị em, hiện nay Tòa Giám mục Thái Bình là Tòa Giám mục lớn nhất Đông Nam Á, chứ chưa nói tới Việt Nam. Bởi vì nơi đây là một cái tụ điểm tổng hợp: nào là trung tâm mục vụ, nào là trung tâm hội nghị, nào là Tiểu Chủng viện, nào là Tòa Giám mục, nào là nơi tổ chức sự kiện. Chẳng những vĩ đại về kích cỡ, mà còn vĩ đại về cái công năng sử dụng. Tất tần tật, làm cái gì cũng được.
Ở Việt Nam, chưa có chỗ nào cử hành đại lễ đông như thế này mà mọi người đều có ghế, mọi người đều ngồi trong mát. Cho nên, tôi về đây với một lời chúc mừng chân thành từ đáy lòng tôi và Giáo phận Thái Bình vĩ đại.
Tôi cũng rất là biết ơn Đức cha Phêrô cũng như là Tòa Giám mục nói riêng và cách chung là Giáo phận Thái Bình đã đón tiếp một đoàn cầu thủ đến từ quê hương “rau má” một cách rất là nồng nhiệt. Dưới một khía cạnh nào đó thì “rau má” với “nhà máy cháo” là ngang ngửa với nhau; bởi vì Thái Bình cũng nghèo, Thanh Hóa cũng nghèo: một nơi thì ăn rau má, một nơi thì ăn cháo; nhưng mà, ăn cháo xem ra hoành tráng hơn nhiều.
Tôi nghe nói, năm nay, để mừng Năm Thánh, Đức cha Phêrô nhà mình sẽ quy tụ 7000 trống, kèn và tất tần tật, tất cả những gì có thể trỗi lên được thì mọi người, mọi thành viên con cái Giáo phận sẽ biểu lộ hết niềm vui của mình. Tôi bỗng cảm thấy hơi hổ ngươi, bởi vì có một ngày lễ Bổn mạng Giuse của Thanh Hóa có 1200 người thổi kèn, tôi tưởng như vậy là nhất Việt Nam rồi. Ôi ! Bây giờ tôi phát hiện ra là Thái Bình đáng bậc thầy của Thanh Hóa; 1200 có là gì so với 7000 của Thái Bình.
Cái con số này nó tượng trưng cho một quá khứ hùng hậu của Giáo phận Thái Bình. Cho nên, một lần nữa tôi xin bái phục Giáo phận Thái Bình. Không phải chỉ về quá khứ phương diện tổ chức nhân sự mà thôi, nhưng mà lòng đạo đức của Giáo phận Thái Bình cũng rất là mẫu mực cho Giáo tỉnh miền Bắc nói riêng và cho toàn cõi Việt Nam nói chung.
Tinh thần cầu tiến của Giáo phận Thái Bình cũng là cái tinh thần đáng cho mọi người noi theo. Chỉ trong một quãng thời gian rất ngắn, Đức cha cố Phanxicô Xaviê đã xây dựng được một ngôi Nhà thờ Chính Tòa tầm cỡ của Việt Nam; và chỉ trong vòng mấy năm trời tại chức, Đức cha Phêrô của chúng ta đã sửa lại mọi sự trong ngoài. Bằng chứng là chúng ta đang có mặt trong công trình do ngài khởi xướng.
Lúc khởi công, tôi nghe thấy dư luận là người nọ người kia xót ruột vì đập những cái công trình cũ đi, nhưng mà từ hôm qua tới giờ tới đây thì tôi chưa hề thấy có ai chê mà toàn là những người khen. Bây giờ cái tổng thể nó đã lộ ra rồi, cái quy hoạch nó đã bắt đầu hình thành và thậm chí sắp kiện toàn, nên mọi người mới cảm thấy hài lòng. Cho nên, cái điều này nó cũng nói lên cái may mắn, ơn Chúa đối với Giáo phận Thái Bình của chúng ta. Chúng ta luôn luôn thăng tiến không ngừng về mọi phương diện. Cho nên thật là phù hợp nếu năm nay là năm chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đối với cách riêng gia đình Giáo phận Thái Bình của chúng ta.
Tôi cũng xin chia vui với Gia đình Lòng Thương Xót Chúa, tôi không biết trước đây ở tại cái quảng trường này thì có thánh lễ nào lớn như thế này hay không, nhưng mà quả tình đây là một trong những thánh lễ đầu tiên tại Tòa Giám mục tân tòng của Giáo phận Thái Bình, thánh lễ đầu tiên được cống hiến cho lòng thương xót của Chúa. Và như ở phần đầu lễ, Đức cha Phêrô của chúng ta cũng đã biểu lộ sự xúc động khi nhắc tới Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, như là là một kỷ niệm thiêng thánh của Đức cha Phêrô. Tôi cũng nghĩ rằng Gia đình Lòng Thương Xót Chúa của Giáo phận Thái Bình rất là thông minh, rất là nhanh nhạy. Bộ lễ phụng vụ về Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị trong sách phụng vụ của Bộ Phụng tự Tòa Thánh chưa có mà đây đã biết chọn Ngài làm Quan thầy. Anh chị em hoàn toàn có lý và suy nghĩ rất là sâu xa. Bởi vì, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị là một vị Thánh Giáo Hoàng được người ta gọi là “Vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót Chúa”.
Năm 1931, Lòng Thương Xót Chúa đã mạc khải cho nữ Thánh Faustina về lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa; và Gioan Phaolô Đệ Nhị đã là người phổ biến Thông điệp đó trên toàn cầu. Ngài chính là vị Giáo Hoàng đã quyết định thành lập lễ Lòng Thương Xót Chúa vào Chủ Nhật thứ II sau Phục Sinh. Ngài cũng là người đã qua đời vọng lễ Lòng Thương Xót Chúa. Ngài được phong Thánh vào ngày 27.4.2014, cũng là ngày Lòng Thương Xót Chúa. Cái Thông điệp thứ II trong triều đại 27 năm Giáo Hoàng của Ngài là cái Thông điệp về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Chúng ta có thể kể ra muôn vàn cái bằng chứng rằng: Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị là vị Thánh của Lòng Thương Xót Chúa.
Bản thân tôi, tôi có một cái xúc động như Đức cha Phêrô, bởi vì chính Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị là người đã bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, ngày 19.6.2004. Và tôi cũng đã được hân hạnh vào năm 2007 khi đi tham dự Thượng hội đồng Giám mục về Lời Chúa, được bắt tay Ngài trong nửa phút đồng hồ, nhưng mà từ đó thì cái kỷ niệm nó cũng giống như Đức cha Phêrô, nó còn mãi cho đến nay.
Hôm nay tôi cũng xin cùng với Đức cha Phêrô cám ơn anh chị em đã tạo cơ hội cho tôi cũng như ngài được nhớ lại những kỉ niệm không bao giờ phai đó. Chúng ta đã chọn Ngài làm Quan thầy, dĩ nhiên chúng ta ngưỡng mộ những việc ngài đã làm để phổ biến Lòng Thương Xót Chúa. Nếu tôi không lầm, vào ngày 13.5.1981, Ngài bị ám sát, nhưng Đức Mẹ Fatima, Ngài tin như thế đã cứu Ngài. Nên bây giờ, nếu có dịp đi hành hương Đức mẹ Fatima, chúng ta thấy viên đạn người ta bắn Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng được gắn trên vương miện của Đức Mẹ. Ngài tin rằng, Đức Mẹ đã cứu Ngài. Vì Ngài thoát chết, cho nên, sau đó, Ngài đã được chữa trị bình phục. Việc đầu tiên sau khi trở về Giáo triều Rô-ma, Ngài đã đến tham kẻ thủ phạm đã bắn Ngài, tên là Ali Agca, và trong nhà tù, Ngài đã tha thứ cho Ali Agca.
Thưa anh chị em !
Đó là một cái chứng từ của những người đã sống Lòng Thương Xót Chúa thật tình suốt đời mình như Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị. Như Đức cha Phêrô đã nhắc nhở chúng ta trong phần đầu lễ: Lòng Thương Xót Chúa không phải chỉ là đề tài để suy niệm mà thôi, Lòng Thương Xót Chúa đòi chúng ta phải hành động. Đó là điều Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã thực hiện qua việc ngài tha thứ cho Ali Agca. Ngài cũng dạy chúng ta một bài học rằng: Chúng ta là những người thừa hưởng Lòng Thương Xót của Chúa, thì chúng ta phải có tấm lòng tha thứ đối với mọi người xung quanh chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, mà chúng ta không biết tha thứ cho người thân, cho những người chung sống với chúng ta, cho những người cùng làm việc với chúng ta, cho những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời, thì chúng ta chưa thực sự hành động cho Lòng Chúa Thương Xót Chúa.
Tôi cũng nghe một giai thoại rất cảm động về Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị: Có một vị linh mục của Giáo phận Rôma vì khô khan, cho nên cuối cùng đã đảo ngũ, cởi áo linh mục, rồi nghiện hút, cuối cùng trở thành người ăn xin. Bạn của ngài có một vị mục sư tên là Scott Hahn, ông mục sư này sau khi trở lại đạo Công giáo, thì vô chủng viện và làm linh mục cùng ngày với vị linh mục ăn xin kia. Nhân một dịp may, vị linh mục trước đây đã làm mục sư gặp Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và nói về vị linh mục ăn xin đó; Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị Ngài phản ứng rất nhanh: Vậy tì cha hãy đễn gặp người bạn linh mục ăn xin đó và cho tôi biết là ngày mai, tôi phải gặp ngài vào lúc nào?
Thuyết phục mãi, vị linh mục trước đây là mục sư đã nhận được sự đầu hàng của vị linh mục hành khất. Hai người đã đến với Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị.
Chào hỏi xong, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị xin: Cha ơi, cha có thể giải tội cho tôi không?
Vị linh mục hành khất trả lời: Con đã đảo ngũ lâu rồi, con chẳng có quyền gì mà giải tội nữa, mà làm sao con có thể giải tội cho một vị Giáo Hoàng được?
- Không, cha vẫn là linh mục, bởi vì linh mục của Chúa là đời đời.
Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã khiêm tốn quỳ xuống xưng tội. Vị linh mục giải tội nức nở, nhưng oái om là đi bụi đời lâu rồi, quên cả công thức xá giải. Đức Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô là hối nhân, đã nhắc cho vị linh mục bụi đời hành khất đó cái công thức để giải tội; hối nhân đọc, cha giải tội lặp lại.
Đó là một câu chuyện rất là xúc động, và cuối cùng trong nước mắt đầm đìa, ăn năn hối lỗi, Vị linh mục hành khất đó đã thưa với Đức thánh Cha: Tâu lạy Đức Thánh Cha, con bây giờ đã bất xứng rồi, con muốn xưng tội, nhưng tội con làm sao có thể được tha thứ?
Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bảo rằng: Tôi ngoài tư cách là Giáo Hoàng của Giáo Hội, tôi là Giám mục Rôma, mọi sự tôi có thể giải quyết được. Tôi bổ nhiệm cha về cái xứ mà cha đã ăn xin ở đó, cha làm cha xứ ở đó.
Đó là câu chuyện tuyệt vời, cũng rất là li kì. Nhưng cái ý nghĩa sâu xa nhất của câu chuyện đó là Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã khiêm tốn. Tôi sực nhớ tới lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Sự thánh thiện bắt đầu bằng lòng hoán cải”; nếu chúng ta không nhận ra tội lỗi của mình, thì chúng ta không thể trở về với Chúa; nếu chúng ta không nhìn nhận mình là người tội lỗi, thì chúng ta cũng không đọc được Lòng Thương Xót của Chúa.
Vậy hôm nay đây, thưa anh chị em! Dưới chân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, mà chúng ta nhận Ngài làm quan thầy, chúng ta chỉ xin 2 điều được bắt chước Ngài mà thôi: Thứ nhất là sự tha thứ; thứ hai là được lòng ăn năn tội thật. Tôi tin tưởng rằng cái gì Chúa cũng sẽ làm cho anh chị em.
Hôm qua đi thăm Đức cha cố Phanxicô, ngài đã biếu cho mỗi người trong đoàn Thanh Hóa 1 cuốn sách ngài đã viết trước khi ngài bị tai biến, đó là "Người trộm lành". Tôi cũng vội vàng đọc, bởi vì cũng hiếu kì, không biết tại sao có người trộm lành nào lại trở thành đề tài một cuốn sách? Tôi đọc thoáng qua và ý tưởng nổi cộm nhất đọng lại trong kí ức của tôi, đó là vì người trộm lành là vị thánh đầu tiên được chính Chúa Giêsu nàm trên Thánh giá phong thánh. Cái bí quyết đơn giản là người trộm lành đó đã nhìn nhận vai trò của Chúa Cứu Thế, và đã nhìn nhận cái thân phận tội lỗi của mình, cho nên đã được chính Đức Giêsu Kitô đau khổ sắp chết trên Thánh giá phong thánh.
Thưa anh chị em ! Không phải người trộm lành, mà cả thế giới này, và mỗi người chúng ta cũng sẽ được Đức Giêsu Kitô phong thánh bằng lòng thương xót của Ngài.
Thế giới cần gì ? Nước Việt nam cần gì ? Anh chị em hãy trả lời xem! Bản thân chúng ta cần gì ? Lòng Thương xót ! Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông báo, đài, anh chị em vẫn nghe chiến tranh ở Trung Đông, chiến tranh ở Phi Châu, tranh chấp ở Tân Cương, người Igu với người Trung Quốc lộn xộn, ở Philippin vì lực lượng nổi dậy, rồi thì ẩu đả tranh chấp nhau ở Miến Điện. Có thể nói là, không có khi nào vắng bóng chiến tranh trên mặt đất hành tinh của chúng ta.
Vậy nhân loại cần gì? Thưa rằng: Lòng thương xót, chỉ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mới cứu con người khỏi chiến tranh. Và Lòng Thương Xót Chúa như chúng ta đã chia sẻ với nhau, phải đi đôi với lòng thương xót của chúng ta.
Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người chúng ta mới xứng đáng lãnh được Lòng Thương Xót của Chúa, và chiến tranh mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi.Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể thể hiện được lòng thương xót của chúng ta.
Ở Việt nam, bao nhiêu là cái gian dối đang ngự trị dân tộc chúng ta, ai sẽ giải phóng chúng ta khỏi cái sự lừa lọc gian dối đó? Thưa rằng: Lòng thương xót, những người có trách nhiệm lãnh đạo xã hội và chính bản thân mỗi người công dân của chúng ta phải tôn trọng chân lí, phải tôn trọng nhân phẩm và phải có lòng thương xót lẫn nhau thì xã hội Việt Nam mới được cứu khỏi cái sự lừa lọc, gian dối, và như vậy chúng ta mới có bình an, hạnh phúc.
Bài đọc thứ I cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa trong thời đại Thiên sai hứa hẹn một cái triều đại chỉ có tình có tình yêu thương của Thiên Chúa. Và trong bài đọc thứ II, Thánh Phaolô còn nhắc nhở cho chúng ta rằng: Vì sự nghiệp cứu độ của Chúa GIêsu Kitô, hay vì Lòng Thương Xót của Chúa, cho nên mọi người chúng ta, toàn thể nhân loại sẽ được cứu độ. Và đó cũng chính là điều Chúa Giêsu đã chất vấn Phêrô khi xắp đặt Phêrô làm lãnh đạo nhóm 12, làm Giáo Hoàng đầu tiên: "Con có mến Thầy không?"
Thưa anh chị em ! Tình Yêu là tên gọi thứ hai của Lòng Chúa Thương Xót, cho nên cuộc đời của người Kitô hữu của chúng ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu chúng ta không có Tình Yêu, nếu chúng ta không có Lòng Thương xót.
Tôi cầu chúc cho tất cả những ai đi con đường của Lòng Chúa Thương Xót tìm được sự bình an do chúng ta nhìn nhận khiêm tốn tôi lỗi của mình. Tôi cầu chúc cho tất cả những ai chọn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị - Vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót - cũng sẽ có sự khiêm tốn, luôn nhận ra tội lỗi của mình để có sự bình an. Và tôi cầu chúc cho tất cả mọi người tham dự thánh lễ ngày hôm nay đây - Thánh lễ Lòng Thương Xót Chúa, sẽ tìm thấy hạnh phúc và an vui trong tình thương đời đời của Thiên Chúa. Amen.
BTTGP ghi chép lại từ Video của ông Phêrô Thi
(Nguồn: http://giaophanthaibinh.org)