TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH TÔMA TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA THẦN HỌC NGÀY NAY

09/06/2024
1029

Cha Thomas Joseph White hiện là Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas (Angelicum) ở Roma, nhận danh hiệu Tôn sư Thần học (Magister in Sacra Theologia) vào năm 2023. Trả lời trong cuộc phỏng vấn do Truyền thông của Dòng thực hiện, cha Thomas J. White nhấn mạnh rằng thánh Tôma và truyền thống Tôma thật sự hữu ích nhằm đương đầu với những thách đố mang tính quyết định của thần học ngày nay.


(Nghi thức nhận danh hiệu "Tôn sư Thần học" ngày 7/12/2023 tại Angelicum và bài trình bày thần học của cha Thomas J. White, chủ đề  "Mariology and the Sense of Mystery: The Virgin Mary and the Practice of Catholic Theology")
1. Sự kiện lãnh nhận danh hiệu Tôn Sư Thần học do cha Tổng Quyền trao có ý nghĩa gì đối với cha?

Theo tôi được biết, danh hiệu Tôn Sư Thần Học được thiết lập vào năm 1303 do Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XI. Danh hiêu này đã có một lịch sử lâu dài và phong phú trong Dòng Giảng Thuyết; và nhiều khuôn mặt tầm mức đã đóng góp vào lịch sử này. Nhận ra sự nối tiếp truyền thống này là điều hữu ích, nó có khả năng gợi lên một cảm  thức về lời hứa và niềm hy vọng cho đời sống chung của Dòng. Theo Hiến pháp hiện nay, Tôn sư Thần học được trao cho các anh em để ghi nhận tầm quan trọng trong nỗ lực dấn thân của Dòng vào các lãnh vực hàn lâm như thần học, triết học và các ngành liên quan, đặc biệt khi công tác này đóng góp cho sứ mạng rộng lớn hơn của Giáo hội Công giáo và cho công ích của việc nghiên cứu học thuật. Trong nhãn quan này, tôi chỉ góp phần khiêm tốn của mình vào các cuộc thảo luận học thuật về Kitô học và thần học Ba Ngôi, chủ yếu trong khối nói tiếng Anh. Khi nghĩ đến nhiều thần học gia và triết gia vĩ đại đã được trao vinh dự này trước tôi, tôi cảm thấy không xứng đáng trong trường hợp của mình. Tôi biết ơn tất cả mọi người, cha Tổng Quyền, Ban Tổng cố vấn và các anh em trong Tỉnh dòng. Tôi xem việc lãnh nhận danh hiệu Tôn sư Thần học như một lời mời gọi bản thân về một tình yêu lớn lao hơn, về một sự nhận biết Thiên Chúa sâu xa hơn nữa và phục vụ mọi người với tình huynh đệ kiên vững và nhiệt thành hơn. Những điều này tôi sẽ thất bại nếu không có sự trợ lực của Thiên Chúa.

2. Là một Tôn sư Thần học và là một nhà Tôma học, Cha có thể cho biết đâu là những đề xuất thần học hiện thời  của Dòng cho Giáo hội và cho thế giới ?

Thật may mắn, Dòng có nhiều đề xuất đang được tiến hành. Các đề xuất này thực sự là sống động trong các lãnh vực nghiên cứu như Kinh Thánh và các Giáo phụ, phân tích các truyền thống Trung đại, thần học hệ thống hiện đại, lịch sử Giáo hội, giáo luật và triết học, cả “cổ kính” và đương đại. Đời sống trí thức của Dòng là một bản hòa tấu chứ không đơn điệu. Dựa trên cơ sở lịch sử và cách tiếp cận hiến pháp của Dòng, cũng như sự nhấn mạnh liên tục của Huấn quyền, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc nghiên cứu thánh Tôma, cũng như thúc đẩy triết học và thần học theo trường phái Tôma giữ vị trí trung tâm trong Dòng Đa Minh (lẽ dĩ nhiên không bao giờ là độc tôn). Điều này không còn phải bàn cãi gì nữa.

Thêm nữa, tôi muốn nói đến ba thách đố lớn mà thần học trong Giáo hội ngày nay đang phải hứng chịu :

- Thứ nhất, thiếu sự tham chiếu đầy đủ vào các công trình thần học trong lịch sử, bao gồm sự hiểu biết Kinh thánh, sự khai triển các giáo phụ, và sự tiến triển của đạo lý. Lãng quên lịch sử và sự thiếu vắng việc nghiên cứu sâu xa về lịch sử thực sự ảnh hưởng đến người Công giáo thuộc mọi tầng lớp, cho dù “cấp tiến” hay “truyền thống”.

- Thứ hai, không có sự dấn thân đầy đủ cho việc suy tư triết học, bao gồm siêu hình học và nhân luận triết học, cũng như nghiên cứu về tự nhiên (study of nature). Không thể đối thoại với thế giới tục hoá ngày nay, trừ phi chúng ta biết cách nói về các khoa học hiện đại hay về bản chất của ngôi vị con người, trong khung cảnh thần học, khởi đi từ quan điểm triết học phù hợp và sâu sắc. Điều này cũng đúng khi nói về Thiên Chúa. Như thế, triết học thật sự cần thiết.

- Thứ ba, có một sự xem nhẹ đối với nền thần học hệ thống đương đại trong Giáo hội ngày nay. Một mặt, vừa phải nghiên cứu các xu hướng và các khẳng định mang tính lịch sử trong thần học, và mặt khác cũng phải thẩm định thần học một cách có hệ thống dưới ánh sáng của những vấn đề mới, ví dụ như đâu là ý nghĩa của việc sáng tạo liên quan đến khoa học hiện đại, hoặc bản chất của linh hồn con người khi đối mặt với trí khôn nhân tạo, hoặc tại sao niềm tin vào Chúa Ba Ngôi lại quan trọng trong một thế giới đa phức tôn giáo, khi mà các nhà biện hộ của Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa thế tục hậu Kitô giáo cùng đặt câu hỏi về tính hợp lý của niềm tin Tân Ước.

Thánh Tôma Aquinô và truyền thống Tôma thực sự hữu ích cho cả ba khía cạnh nói trên. Thánh Tôma chú ý đến các công trình của truyền thống đi trước, từ Kinh Thánh đến các Giáo phụ, tham khảo các Công đồng, và tìm hiểu nghiêm túc các nguồn truyền thống này. Ngài suy tư một cách có hệ thống các quan điểm triết học, khi vận dụng lý luận tự nhiên theo các hạn từ riêng của nó, thậm chí ngay cả trong thần học, và ngài can đảm dấn thân vào các vấn đề mới của thế giới đương đại của mình. Truyền thống tiếp nối ngài đã giới thiệu cho chúng ta không ít những khuôn mặt kiểu mẫu đầy năng động qua nhiều thế kỷ như thần học gia Thomas De Vio Cajetan hay Francisco de Vitoria.

3. Nghiên cứu truyền thống Tôma được khuyến khích như thế nào trong Giáo hội?

Ngày nay, việc nghiên cứu truyền thống Tôma cơ bản đang diễn ra theo hai hướng. Đầu tiên, có phương pháp nghiên cứu lịch sử ngày càng được đào sâu hơn về thánh Tôma, với các gương mặt tiêu biểu như Etienne Gilson, Marie-Dominique Chenu và Jean-Pierre Torrell. Hướng nghiên cứu này đang mở rộng, bằng việc xem xét kỹ lưỡng hơn các nguồn lịch sử thánh Tôma sử dụng, cả về Giáo phụ và triết học, cũng bao gồm các nguồn Ả Rập, và theo những cách mới, tập trung vào các bài chú giải Kinh Thánh của ngài. Thêm nữa, phong trào trí thức khá thành công về học thuật này cũng đang phục hồi lại cảm thức về lịch sử của các nhà chú giải nổi tiếng của truyền thống Tôma, như những khuôn mặt vừa đề cập ở trên. Phong trào này chỉ cho thấy các nhà chú giải trên đã khai triển như thế nào các tư tưởng của thánh Tôma trong các cuộc thảo luận với các trường phái tư tưởng khác (Dòng Phan Sinh hoặc Dòng Tên) hoặc những thách thức về sau của văn hóa có tính lịch sử (thách đố của thần học Tin lành, sứ vụ truyền giáo ở châu Mỹ, sự nổi lên của phong trào Khai Minh). Ở đây chúng ta có thể ghi nhận rằng trong sinh hoạt học thuật hiện nay có một sự chuyển biến tích cực đối với việc nghiên cứu thánh Tôma. Chúng ta hầu như không thấy điều này diễn ra đối với các khuôn mặt lớn nào thời Trung đại hoặc Cổ đại, ngoại trừ với Aristotle và thánh Augustinô. Đây là tin tốt lành, nhưng không phải là lý do để bỏ qua các khuôn mặt quan trọng khác, cũng cần phải được chú ý hơn như thánh Anbetô và thánh Bonaventura, Scotus và Ockham.

Có một hiện tượng khác, đó là sự xuất hiện của một trường phái Tôma đương đại, chịu ảnh hưởng bởi các nguyên tắc của thánh Tôma, nghĩa là theo các quan điểm triết học và thần học của ngài. Tất nhiên, các khuôn mặt như Jacques Maritain và Charles Journet đóng vai trò tiên phong đại diện cho xu hướng hiện đại này. Tuy nhiên, vào hậu bán của thế kỷ 20, học thuyết Tôma đã không được quan tâm ở nhiều khu vực trong Giáo Hội. Ngày nay, tình cảnh này đang có sự thay đổi theo nhiều hình thái khác nhau. Chúng ta thấy sự thay đổi ấy đầu tiên với tên gọi “Trường phái Tôma phân tích ” trong thế giới nói tiếng Anh (Alasdair MacIntyre, John Haldane, Eleonore Stump) và đang lan rộng trong lục địa châu Âu (Roger Pouivet, Giovanni Ventimiglia). Chúng ta cũng thấy xu hướng hiện đại này trong truyền thống Tôma trở về nguồn (ressourcement Thomism), nghĩa là một phong trào thần học nổi lên chủ yếu ở Pháp và Hoa Kỳ. Những nhân vật như Gilles Emery, Serge-Thomas Bonino và Matthew Levering đã có ảnh hưởng lớn trong lãnh vực này. Công trình của các vị này, cùng với nhiều tác giả khác nữa đã tạo động lực cho nhiều tác phẩm đương đại và luận án tiến sĩ trong thần học Công giáo liên quan đến các phương pháp tiếp cận của trường phái Tôma đối với các chủ đề chính yếu trong nền tín lý Công giáo. Kết quả là, chúng ta thấy các tác phẩm mới theo học thuyết Tôma về thần học về Giáo hội, các bí tích, ân sủng và hành vi nhân linh, Chúa Ba Ngôi và Kitô học ra đời.

4. Theo Cha, đóng góp quan trọng nhất của thánh Tôma cho thần học Kitô giáo là gì?

Một số người cho rằng thánh Tôma căn bản để lại cho chúng ta một mẫu gương của đời sống trí thức, trong việc phục vụ đức tin. Ngài chú ý đến các nguồn mạch, đưa ra những quan điểm phản biện một cách nghiêm túc, cống hiến các luận chứng mạch lạc, tìm cách thiết lập các nguyên tắc chắc chắn và giải thích chúng một cách hợp lý và có hệ thống.

Tôi đồng ý với tất cả những điều đó. Tuy nhiên, thánh Tôma được tôn phong là doctor communis - tiến sĩ phổ quát của Giáo hội, vượt ra khỏi phạm vi Dòng Đa Minh, thì điều này mang nhiều ý nghĩa rộng lớn hơn. Đạo lý thực sự của thánh nhân liên quan đến bản tính của thực tại được vận dụng. Ở đây chúng ta đề cập đến các nguyên tắc siêu hình của ngài, bao gồm phân tích hữu thể học về bản tính và sự phân biệt nổi tiếng giữa yếu tính và hiện hữu, sự phân biệt này cho phép hiểu sâu hơn về cấu trúc của bản tính tự nhiên và sáng tạo. Nhân luận thần học của Ngài rất đáng ghi nhận, được trình bày trong Tổng luận Thần học - Summa theologiae II-II. Quan điểm về thuyết mô thể-chất thể của động vật có lý trí và phân tích của ngài về hành vi nhân linh rất sâu sắc.

Thêm nữa, Thánh Tôma cũng là một môn sinh xuất sắc về mầu nhiệm Ba Ngôi, về nhập thể, đời sống, cuộc khổ nạn và phục sinh; và các bí tích. Sẽ không quá lời để nói rằng, khi nghiên cứu những chủ đề này của thánh Tôma người ta sẽ hiểu rõ hơn tất cả truyền thống Công giáo, kể cả các sắc lệnh của huấn quyền và các Tín khoản. Điều này không có nghĩa là thần học kết thúc với thánh Tôma, nhưng cho thấy rằng thánh nhân đã cung cấp một phân tích  phổ quát, cả về phương diện ngôn ngữ, đạo lý và một cách có hệ thống, về đức tin Công giáo. Sự phân tích của ngài phù hợp với lập trường hiện thực triết học và cảm thức chung, nhờ đó có thể lần lượt xây dựng cầu nối với các ngành lý thuyết và khoa học thực tiễn khác.

5. Các tình cảnh đạo đức đương thời có cần đến sự đóng góp của thần học luân lý của thánh Tôma không?

Về cơ bản tôi không có chuyên môn để nói về lãnh vực này. Tôi thấy các lập luận của Anscombe, MacIntyre và Pinckaers rất thuyết phục. Các nhà thần học này cho rằng đạo đức hiện đại đang rơi vào lối mòn của đạo đức học bổn phận (Kant/Rawls/chủ nghĩa tự do) và học thuyết duy lợi (Hume, Dewey). Không có cách nào thoát khỏi ngõ cụt này nếu không trở lại với một nền đạo đức đích thực - đạo đức học theo chiều hướng nhân đức (virtue ethics), một nền đạo đức được thừa hưởng từ những khuôn mặt như Aristotle, Cicero, thánh Augustinô và thánh Tôma. Hơn nữa, cùng với đạo đức học này, còn có một nền nhân học sâu sắc hơn, hiểu con người như một sinh vật có lý trí, một sự kết hợp mô thể-chất thể (hylomorphic compound) của cơ thể hữu cơ và linh hồn thiêng liêng. Lối giải thích không giản lược và cũng không nhị nguyên này tương thích với các khoa học hiện đại về tiến hoá, nhưng cũng hiểu ngôi vị con người bằng các hạn từ chỉ các động cơ do lý trí hướng dẫn và tình yêu với một ý chí tự do. Phương pháp tiếp cận này hướng tới một đạo đức của hạnh phúc, chứ không phải là một đạo đức của nghĩa vụ hoặc tìm kiếm lợi ích và niềm vui đơn thuần.

Trong lãnh vực thần học luân lý, chúng ta có thể thấy lý do tại sao việc thiếu sự phân tích như được đề cập ở trên đã đưa đến tình trạng không có khả năng, trong tư tưởng Công giáo, thông hiểu và đảm nhận trách nhiệm đối với giáo huấn lâu đời về luân lý và chính trị của huấn quyền Công giáo. Và không thể tránh được là người ta sẽ rơi vào một thứ chủ thuyết thực chứng về luật pháp (hoặc quá cứng nhắc hoặc tự do thái quá). Đây thực tế là một kiểu giải nố học (casuistry) mà không có các nền tảng nhân học, hoặc người ta từ bỏ truyền thống để theo đuổi một nền nhân học mới về tiến trình hiện thực hóa bản thân mà trong đó sự chân thành và tính trung thực của bản thân mới thực sự đáng kể (đạo đức học dựa trên những ‘lựa chọn cơ bản’) hoặc trong đó đạo đức học chủ yếu là một bài tập trị liệu trong tiến trình tự khám phá bản thân, và các chuẩn mực đạo đức có thể liên tục được thoả hiệp bằng cách viện đến tâm lý học cá nhân và xu hướng xã hội học.

Điều thiếu sót trong tất cả các mô hình nghiên cứu nói trên là thiếu sự hiểu biết sâu xa về bản chất con người, về các khuynh hướng con người, và niềm hạnh phúc đạt được thông qua việc theo đuổi hợp lý các hành vi đạo đức, hay thực hành nhân đức. Những cuộc tranh luận hiện thời liên quan đến việc tiếp nhận và giải thích thông điệp Veritatis Splendor – Sự toả rạng của chân lý và Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo năm 1992 hầu như hoàn toàn gắn liền với sự lẫn lộn trong lãnh vực triết học đạo đức và thần học luân lý.

Một điều khác cần lưu ý ở đây là toàn bộ Học thuyết Xã hội hiện đại của Giáo hội bàn về đời sống chính trị, công ích, phẩm giá và quyền con người, những thiện ích khác nhau tạo nên xã hội, ý nghĩa của luân lý và luật pháp, gia đình và tự do tôn giáo, về cơ bản ít nhiều đều bắt nguồn trực tiếp từ giáo huấn của thánh Tôma. Chỉ bằng cách khởi đi từ tư tưởng của ngài, người ta mới có thể tiếp cận để hiểu được truyền thống Tôma hiện đại đã được phát triển từ thời Đức Lêô XIII. Những áp dụng tư tưởng Tôma vào trong lãnh vực đạo đức cho phép một nền thần học luân lý thống nhất và toàn diện có khả năng chân nhận đời sống tâm linh mang tính ngôi vị và hành vi đạo đức cá nhân xét như một điều gì đó thật sự gắn liền với đời sống chính trị và công ích. Một quan điểm đạo đức như thế là tôn trọng thực tại (réalisme), và cho phép tránh được các phân cực giả tạo trong Giáo hội và trong đời sống cộng đồng. Tin Mừng liên quan đến toàn bộ đời sống, cho nên Giáo Hội đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến mọi vấn đề. Thiên Chúa quan  tâm đến sự thiện hảo của đời sống con người: cầu nguyện cá nhân, trung tín với cử hành phụng vụ, sống khiết tịnh, quản lý tốt của cải, công bằng xã hội và hòa bình, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản nghệ thuật. Chúng ta không thể xem nhẹ điều thiện này và ưu tiên cho những điều thiện khác. Thước đo của đời sống luân lý chúng ta là ngôi vị con người và cộng đồng, vốn được hướng dẫn từ bên trong nhờ các nhân đức tin, cậy, mến, và được quy hướng về Thiên Chúa là sự thiện đầu tiên.

6. Đâu là những thách đố mà thần học ngày nay đối diện?

Ở Bắc bán cầu, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với thách đố của sự thờ ơ tôn giáo, thế tục hóa gia tăng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy vật/duy khoa học, những mối đe doạ về đạo đức phát sinh từ chủ nghĩa tiêu thụ vật chất, bội thực truyền thông, và từ một nền đạo đức sinh học mới (new bioethics) cho phép can thiệp vào sự sống con người. Ngoài ra trong chính trị, ngày càng có sự bất bao dung, người ta tìm cách loại bỏ tiếng nói của tôn giáo khỏi văn hóa cộng đồng, kể cả ở các trường đại học. Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra những phân tích và đối thoại trong tinh thần xây dựng (chứ không chỉ lên án) trước những thách đố về văn hóa này?

Đang khi bận tâm đến những thách đố của thế tục hiện nay, các nhà thần học hàn lâm thường bỏ qua các nền văn hóa chiếm đa số đang phát triển. Giáo hội Công giáo chưa thực sự dấn thân nghiêm túc vào việc nghiên cứu truyền thống Hồi giáo, theo cách thức Giáo hội đã làm đối với chủ nghĩa Mác-xít hay chủ thuyết duy lý của Phong trào Khai minh. Một thách đố nữa cho chúng ta là cần phải am tường và giải thích sâu xa hơn các truyền thống tôn giáo Ấn độ, đồng thời tìm hiểu nền văn hóa Trung Hoa đang thống trị hiện nay. Đây là một cơ hội to lớn cho việc truyền giáo, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta một sự phân tích và hiểu biết thấu đáo. Tương tự như vậy, tương lai của Kitô giáo châu Phi là gì? Câu trả lời vốn rất quan trọng đối với tương lai của Giáo hội Công giáo. Và làm thế nào chúng ta có thể hiểu rõ hơn những khám phá và khả năng mới cho thần học Công giáo sẽ đầy sức sống xuất phát từ lục địa châu Phi này?
 
Trong khi nêu lên tất cả các vấn đề thần học có liên quan của thời điểm hiện tại, điều quan trọng là phải trở lại với nền tảng thiết yếu. Không vấn đề nào trên đây có thể được trình bày hoặc được suy tư một cách có hệ thống, nếu trước hết người ta không có sự hiểu biết sâu sắc truyền thống Công giáo, cụ thể là các giáo huấn tín lý của huấn quyền, các nguồn mạch Kinh Thánh và Giáo phụ, những phân tích và nhận định căn bản về các trường phái thần học, các đại diện xuất sắc của thần học tín lý và luân lý Công giáo hiện đại. Nếu không có những nền tảng trước đó, chủ yếu đến từ Địa Trung Hải cổ đại và châu Âu thời Trung đại, thì người ta không thể đạt được tiến bộ trong khoa thần học Công giáo. Một nền thần học Công giáo toàn cầu trong thực tế phải tựa trên cả hai trụ cột ảnh hưởng này.

7. Cha có muốn nói thêm điều gì không?

Nếu độc giả đã theo dõi đến đây rồi, thì tôi xin cảm ơn vì sự kiên nhẫn đó. Tôi rất biết ơn Dòng đã cho tôi được vinh dự phục vụ với tư cách là một linh mục Công giáo, và có cơ hội khám phá để tiếp nhận di sản từ các truyền thống của thánh Đa Minh, thánh Tôma Aquinô và thánh Catherine Siena. Lòng biết ơn là hành vi đúng đắn đối với người đã lãnh nhận ân huệ. Thần học Đa Minh nhấn mạnh đến tính ưu việt của ân sủng trong mọi hành vi nhân linh đúng đắn, được quy hướng về Thiên Chúa. Điều này là đúng đối với tôi, cả về lý thuyết lẫn kinh nghiệm riêng của bản thân, vì được cậy dựa vào Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Vương Thuật
Chuyển ngữ từ: op.org
Nguồn: daminhvn.net


* Cha Thomas Joseph White là Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas (Angelicum) ở Roma. Sinh ra ở Đông nam Georgia ở Hoa Kỳ, cha Thomas White theo học tại Đại học Brown, và tại đây Cha chuyển sang Công giáo. Cha hoàn thành tiến sĩ thần học tại Đại học Oxford. Cha đã được trao tặng danh hiệu Tôn Sư Thần Học của Dòng Giảng Thuyết vào năm 2023 và Tiến sĩ danh dự ngành văn chương nhân văn của Đại học Công giáo Hoa Kỳ vào năm 2022. Cha là tác giả của nhiều sách và bài báo khác nhau bao gồm:

  1. Wisdom in the Face of Modernity: A Study in Thomistic Natural Theology (Sapientia Press, 2011),

  2. The Incarnate Lord, A Thomistic Study in Christology (The Catholic University of America Press, 2015) Exodus (Brazos Press, 2016),

  3. The Light of Christ: An Introduction to Catholicism (Catholic University Press, 2017),

  4. The Trinity: On the Nature and Mystery of the One God (Catholic University Press, 2022),

  5. Principles of Catholic Theology. Book 1: On the Nature of Theology (The Catholic University of America Press, 2023).


Cha là đồng biên tập viên của Tạp chí Nova et Vetera, học giả xuất sắc của Hội McDonald Agape Foundation, và là thành viên của the Pontifical Academy of St. Thomas Aquinas (ND: Hàn lâm viện Giáo hoàng thánh Tôma Aquinô do Đức Lêô XIII thiết lập năm 1879).

** Tôn Sư Thần học hay Tôn sư Thánh khoa một bằng danh dự do vị Tổng Quyền ban cấp, theo đề nghị của Ban Tổng Cố vấn, với các yêu cầu nhất định. Học hàm này có từ năm 1303, do Đức Giáo hoàng Benedictô XI, là một tu sĩ Đa Minh, thiết lập để Dòng Giảng Thuyết có thể trao cho anh em năng quyền giảng dạy thần học. Ngày nay trong Dòng, danh hiệu học thuật có tính cách danh dự và đặc biệt này là sự ghi nhận cao nhất dành cho những anh em xuất sắc trong lãnh vực thánh khoa.


[Vương Thuật Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh:  The relevance of St. Thomas for Today’s Theological Challenges. Hiệu đính tham khảo bản tiếng Pháp: Importance de saint Thomas pour les défis théologiques contemporains]