ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 10 - NHẬN BIẾT NHỮNG NHU CẦU

11/08/2024
1429


ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 10 - NHẬN BIẾT NHỮNG NHU CẦU

Khi Đức Maria nhận ra rượu đã hết, Mẹ không chờ đợi người khác tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng chính Mẹ đã chủ động nói với con của Mẹ trước tiên: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ không ra lệnh hay thỉnh cầu mà chỉ đơn giản bày tỏ nhu cầu, bởi vì Mẹ tin chắc rằng Con của Mẹ sẽ làm tất cả.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (Ga 2,1-11).

Nền tảng Thánh Kinh

Thánh Gioan là người duy nhất trong số các tác giả Tân Ước trình bày phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu là người đầu tiên được giới thiệu trong đoạn văn này (câu 1), rồi đến Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài (câu 2). Điều này cho thấy vai trò của Mẹ đã được Thánh Sử đặc biệt coi trọng. Trong Tin mừng Gioan, Đức Maria hiện diện trong hai biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu: tại Cana (Ga 2,1-11) và tại đồi Calvariô (19,25-27). Trong biến cố đầu tiên, Đức Maria phát hiện thiếu rượu tại tiệc cưới và đã nài xin Chúa Giêsu, con Mẹ. Biến cố thứ hai là Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá, Mẹ chung phần đau khổ với con Mẹ tại đỉnh đồi Calvariô. Từ quan điểm chú giải và thần học, hai đoạn Kinh Thánh về Đức Maria này (Ga 2,1-12 và 19,25-27) có một số yếu tố chung quan trọng: 1. Đức Maria hiện diện ngay từ đầu cho đến lúc kết thúc sứ mạng trần thế của Chúa Giêsu; 2. Chúa Giêsu gọi Đức Maria là ‘bà’ trong cả hai đoạn văn; 3. Câu trả lời của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài “giờ con chưa đến” có một liên kết chặt chẽ với “giờ” chết của Ngài trên thập giá. Sự hiện diện của Đức Maria trong Tin mừng Gioan hàm chứa một yếu tố quan trọng về thần học. Trong những đoạn tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem chúng ta có thể học được những gì từ Đức Maria cho hành trình hiệp hành.

Đức Maria là người đầu tiên để ý

Tại tiệc cưới, có nhiều người hiện diện: các tông đồ, các đầy tớ, chủ tiệc, đôi tân hôn, Chúa Giêsu và các vị khách mời khác, v.v… Khi tiệc cưới hết rượu, các khách mời rất có thể không nhận ra. Đây là điều bình thường tại tiệc cưới, rượu có thể hết, bởi vì theo phong tục Cựu Ước, tiệc cưới kéo dài liên tục bảy ngày đêm (x. Tb 11,20).

Khi hết rượu, chính Đức Maria đã nhận ra ngay lập tức. Điều đó cho thấy Mẹ đã rất để tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Mẹ có thể làm lơ, nhưng Mẹ lại rất lo lắng cho tình huống xấu hổ này. Cũng như nước cần thiết cho cuộc sống thế nào thì rượu cũng vô cùng cần thiết cho niềm vui của tiệc cưới như vậy. Các ngôn sứ chỉ ra rượu là một yếu tố điển hình của bữa tiệc thiên sai (x. Am 9,13-14; Is 25,6).

Đôi tân hôn sẽ cảm thấy xấu hổ về việc hết rượu. Đức Maria hiểu tình huống xấu hổ của họ và nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Xin lưu ý! Mẹ không nói rằng: “Hết rượu rồi” theo một hình thức khách quan, nhưng Mẹ nói: “Họ hết rượu rồi”. Nghĩa là Mẹ hết sức lo lắng cho đôi tân hôn hơn việc hết rượu. Thay vì chỉ trình bày sự kiện, Mẹ nói với con của Mẹ về tình huống xấu hổ của đôi tân hôn. Ở đây, chúng ta có thể hiểu rằng Đức Maria nhạy cảm với nhu cầu của người khác biết bao! Chúng ta phải nhìn đến sự nhân hậu nơi tâm hồn Mẹ.

Chúng ta cần học với Đức Maria bài học quan trọng để biết lưu tâm đến nhu cầu của người khác. Một trong những tội nghiêm trọng nhất của thời đại ngày nay chính là vô cảm. Khi có bất kỳ điều tồi tệ nào xảy ra cho người khác, chúng ta thường giả điếc làm ngơ. Trong thế giới hôm nay, sự vô cảm đã trở thành tội lỗi hủy diệt nhất. Tại sao chúng ta lại ngủ thiếp đi? Bởi vì chúng ta rơi vào trạng thái mơ ngủ và lơ đễnh. Nhìn vào hành vi gương mẫu của Đức Maria tại Cana, chúng ta phải thức tỉnh và biết lưu tâm đến nhu cầu của người khác trong Giáo hội hiệp hành và trong xã hội.

Trung gian từ mẫu của Đức Maria

Không phải chỉ tại tiệc cưới Cana mà Đức Maria đã chuyển cầu cho những người túng thiếu, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục làm như vậy cho đến hôm nay. Mẹ cũng chuyển cầu cho Giáo hội hiệp hành. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sau khi Con của Mẹ ra đi, tình mẫu tử của Mẹ vẫn ở lại với Giáo hội như một trung gian từ mẫu: Mẹ chuyển cầu cho tất cả con cái của Mẹ. Mẹ cũng đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của Con Mẹ, Đấng cứu chuộc toàn thể thế giới. Trong thực tế, Công đồng dạy rằng: “Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì không hề gián đoạn cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn” (x. Lumen Gentium, số 62). Với cái chết cứu chuộc của Con Mẹ, vai trò trung gian từ mẫu của người nữ tỳ của Chúa mang một chiều kích phổ quát, vì công trình cứu chuộc bao trùm toàn thể nhân loại. Như thế, hiệu lực sự trung gian duy nhất và phổ quát của Đức Kitô “giữa Thiên Chúa và loài người” được biểu lộ một cách đặc biệt. Sự cộng tác của Đức Maria chia sẻ, trong đặc tính phụ thuộc, tính phổ quát của vai trò trung gian của Đấng Cứu Chuộc, Đấng Trung Gian... Với đặc tính của sự “chuyển cầu”, được thực hiện lần đầu tiên tại tiệc cưới Cana ở Galilê, vai trò trung gian của Đức Maria tiếp tục trong lịch sử Giáo hội và trong thế giới. Chúng ta biết rằng “bằng tình mẫu tử, Đức Maria chăm sóc những người anh chị em của Con Mẹ đang còn lữ hành trên trần gian đầy hiểm nguy và gian nan, cho đến khi họ được hưởng hạnh phúc trên quê hương vĩnh cửu”. Bằng cách này, vai trò làm Mẹ của Đức Maria tiếp tục không ngừng trong Giáo hội”[1].

Qua vai trò trung gian từ mẫu, Đức Maria đã đưa chúng ta đến gần Con Mẹ, Chúa Giêsu Kitô. Trong tiến trình hiệp hành, vai trò trung gian của Đức Maria giúp chúng ta đi đúng hướng. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu Kitô mới là Đấng trung gian duy nhất (1 Tm 2,5). Và vai trò trung gian của Đức Kitô cũng bao gồm và không loại trừ sự hợp tác của con người. Vai trò trung gian từ mẫu của Đức Maria không làm lu mờ hoặc giảm bớt bằng bất cứ cách nào vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô[2].

Đức Maria: Trạng sư, Đấng cứu giúp, Đấng phù hộ, Đấng trung gian

Khi Đức Maria nhận ra rượu đã hết, Mẹ không chờ đợi người khác tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng chính Mẹ đã chủ động nói với con của Mẹ trước tiên: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ không ra lệnh hay thỉnh cầu mà chỉ đơn giản bày tỏ nhu cầu, bởi vì Mẹ tin chắc rằng Con của Mẹ sẽ làm tất cả. Việc Mẹ chuyển cầu và nài xin Chúa Giêsu cho đôi tân hôn tại Cana, cho thấy sự quan tâm và tình yêu của Mẹ dành cho những ai đang cần giúp đỡ. Ngày nay, Mẹ vẫn tiếp tục nài xin thay cho chúng ta.

Công đồng Vatican II tuyên bố: “Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì, từ khi ngài tin tưởng nói lời ưng thuận vào ngày truyền tin và vẫn tiếp tục giữ vững lời ưng thuận ấy dưới chân thập giá, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn. Sau khi được đưa về trời, Đức Maria không rời bỏ vai trò của Mẹ trong việc cứu độ, nhưng vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ đời đời. Với tình hiền mẫu, Mẹ chăm sóc những người em của Con Mẹ còn đang lữ hành giữa bao nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo hội, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Đấng cứu giúp, Đấng phù hộ, Đấng trung gian. Tuy nhiên phải hiểu cho đúng điều này để không giảm cũng như không thêm gì vào địa vị và hiệu năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất”[3].

Chúng ta cần học nơi Đức Maria, “Trạng sư, Đấng cứu giúp, Đấng phù hộ, và Đấng trung gian”, cách giúp đỡ người túng thiếu, tăng cường sức mạnh cho người yếu đuối, ban can đảm cho người bị áp bức và nâng đỡ người bị chà đạp trong các nhu cầu của họ.

Ý nghĩa hiệp hành: “Chăm sóc lẫn nhau”

Trở thành Giáo hội Hiệp hành nghĩa là làm như Đức Maria đã làm tại Cana: bày tỏ sự liên đới với người túng thiếu và giúp đỡ những người khó khăn. Đôi khi chúng ta rơi vào cám dỗ của sự vô cảm đối với người khác; chúng ta làm ngơ trước nhu cầu và đau khổ của người xung quanh. Ngược lại, chúng ta nên dấn thân hơn nữa trong sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, đặc biệt chúng ta cần đặt những người yếu đuối và bị thiệt thòi nhất ở trung tâm của cộng đoàn Giáo hội. Trong các giáo xứ và giáo phận có thể có những người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội vì yếu tố tôn giáo, sắc tộc và giai cấp. Cũng như đôi tân hôn cần có rượu để không xấu hổ, những người nghèo này cũng cần tình yêu, bảo vệ, chăm sóc và đùm bọc.

Hiệp hành nghĩa là: Hiệp thông, tham gia, và sứ vụ. Chúng ta hãy tự vấn bản thân chúng ta có sống hiệp thông với người nghèo và người túng thiếu không; chúng ta có chia sẻ đau khổ của những người xung quanh không; chúng ta có loan báo Tin mừng với tình yêu và sự khiêm tốn cho những người đang cần đến Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô không?

Đồng trách nhiệm trong việc phục vụ Giáo hội hiệp hành

Là một vị khách tại tiệc cưới Cana, Đức Maria không có bất kỳ trách nhiệm nào. Mẹ có thể im lặng và làm ngơ. Nhưng Mẹ lại là người đầu tiên nói với con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi”. Tiếp đến, Mẹ lại nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Đây là một lời mời gọi cho sự cộng tác và đồng trách nhiệm của họ. Chúng ta học nơi Đức Maria để trở thành người có trách nhiệm. Trong mười chủ đề chính của Tài liệu Chuẩn bị, chủ đề thứ năm là đồng trách nhiệm trong sứ mạng. Ở đây chúng ta trích dẫn nội dung bản văn để giúp chúng ta suy tư: “Sự hiệp hành là để phục vụ sứ mạng của Giáo hội, nơi đó mọi thành viên trong Giáo hội đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, mỗi người đã lãnh phép Rửa được kêu gọi trở thành chủ thể tích cực trong sứ vụ này như thế nào? Làm thế nào để cộng đồng hỗ trợ các thành viên của mình dấn thân phục vụ xã hội (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, thúc đẩy công bằng xã hội, bảo vệ nhân quyền và chăm sóc ngôi nhà chung, v.v…)? Anh chị em giúp họ thế nào trong việc sống những dấn thân này theo đòi hỏi của sứ vụ? Sự biện phân các lựa chọn liên quan đến sứ mạng được thực hiện như thế nào và ai tham gia vào đó? Theo quan điểm của một chứng tá Kitô hữu đích thực, các truyền thống khác nhau mang phong cách hiệp hành, vốn tạo nên di sản của nhiều Giáo hội, đặc biệt là các Giáo hội Đông phương, được hội nhập và thích nghi như thế nào? Sự cộng tác diễn ra như thế nào trong các lãnh thổ có sự hiện diện của các Giáo hội tự trị [sui iuris] khác nhau?”[4].

Cần một “lộ trình chung”

Khi mô tả tình trạng thất bại, cô lập và tuyệt vọng trong bối cảnh toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm, phát sinh từ mối thất vọng sâu xa, mối thất vọng được che giấu bởi sự xảo trá của ảo tưởng... Sự cô lập hoặc khép kín trong những mối bận tâm của chính mình không bao giờ là con đường mang lại hy vọng và dẫn đến đổi mới… Thế giới vẫn đang tiến bước mà không có lộ trình chung. Trong thế giới đó, chúng ta ngày càng cảm thấy một bầu khí ở đó khoảng cách giữa mối bận tâm về phúc lợi cá nhân và sự thịnh vượng của nhân loại dường như ngày càng dang rộng đến nỗi có sự phân cách hoàn toàn giữa cá nhân và cộng đồng nhân loại… Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta tái phát hiện ra những nhu cầu của các anh chị em sống chung quanh chúng ta”[5].

Những lời này của Đức Thánh Cha Phanxicô cần được cân nhắc nghiêm túc để tạo nên một “Lộ Trình Chung” giữa các cộng đoàn Giáo hội và giữa các giáo phận để cùng làm việc chung, thúc đẩy tình huynh đệ và hiệp thông. Bằng việc dấn thân cho những người đang khó khăn và chăm sóc lẫn nhau, chúng ta có thể tạo nên hành trình hiệp hành ý nghĩa hơn.

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (10.08.2024)

 

[1] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Mater - Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 60.

[2] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, số 60.

[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, số 62.

[4] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 30.

[5] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội, 03.10.2020, số 30-31.