HƯỚNG ĐẾN VIỆC KHÁM PHÁ MỘT LỐI ĐƯỜNG HIỆU QUẢ KHI ĐÀO TẠO NGƯỜI TU SĨ-LINH MỤC Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB

30/10/2024
48

Bài viết này nhằm khám phá một lối đường mà tôi hy vọng là hiệu quả khi đào tạo những tu sĩ-linh mục để sống mãnh liệt và đam mê trong đoàn sủng của tu hội. Tôi tìm hiểu đề tài này bằng cách đặt mình trước những thách đố về điều này. Nhờ đó, tôi cố gắng tìm ra ít là cho chính mình điều gì là cơ bản trong việc đào tạo người tu sĩ-linh mục hầu có thể đề ra một vài điểm thực tiễn nào đó khi khép lại những tìm tòi này.
 

WHĐ (29/10/2024) - Trong đời sống Giáo hội, hoàn vũ cũng như địa phương, luôn có các tu sĩ được ban tác vụ linh mục hiện diện (từ đây, xin nói gọn: người tu sĩ-linh mục). Thế nhưng, nhiều lúc họ phải chịu nhiều áp lực khi phải đáp lại những đòi hỏi của đời thánh hiến cũng như những yêu cầu của Giám mục cho linh mục đoàn trong giáo phận. Nói như Sandra Schneiders, đối kháng như nằm ngay nơi người tu sĩ-linh mục, vì đời tu sĩ không thuộc về phẩm trật của Giáo hội, đang khi đó, đời linh mục gắn liền với phẩm trật.[1] Quả thực ta cần suy tư để làm sáng tỏ căn tính của người tu sĩ-linh mục. Không thể nào có được một đào tạo phong phú và hiệu quả nếu căn tính không rõ ràng.

Bài viết này nhằm khám phá một lối đường mà tôi hy vọng là hiệu quả khi đào tạo những tu sĩ-linh mục để sống mãnh liệt và đam mê trong đoàn sủng của tu hội. Tôi tìm hiểu đề tài này bằng cách đặt mình trước những thách đố về điều này. Nhờ đó, tôi cố gắng tìm ra ít là cho chính mình điều gì là cơ bản trong việc đào tạo người tu sĩ-linh mục hầu có thể đề ra một vài điểm thực tiễn nào đó khi khép lại những tìm tòi này.

1. Những khó khăn liên quan đến đào tạo người tu sĩ-linh mục

2. Tái khám phá những định hướng của Vatican II về đời thánh hiến

3. Mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh về đời thánh hiến của Vatican II

4. Những yếu tố cơ bản để sinh động ơn gọi và đào tạo tu sĩ-linh mục tốt đẹp

5. Kết luận

 

1. Những khó khăn liên quan đến đào tạo người tu sĩ-linh mục

Ta phải nhận rằng đào tạo luôn là một điều khó khăn. Nó liên quan đến con người tự do và ý thức. Nó liên quan đến sự biến đổi tận bên trong, chứ không phải chỉ ở bình diện tri thức, dù rằng tri thức chiếm hầu hết thời gian đào tạo. Lãnh vực này thông thường không hứng thú cho một số người. Nhiều người chủ trương: dạy học ư? Đồng ý, nhưng là nhà đào tạo (formators) ư? Không. Không mấy người thích về các cộng đoàn dành cho việc đào tạo, dẫu biết rằng việc đào tạo là chìa khoá then chốt cho sự hưng thịnh hay suy thoái của một tu hội.[2] Những nhận xét trên xem ra như hàm ý rằng khó khăn, thách đố đầu tiên lại nằm ở nhà đào tạo.

Lúc này, ta tạm quên thách đố trên để ghi nhận một thách đố vốn rất thông thường trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam. Giáo hội tại Việt Nam ngay từ ban đầu luôn để tâm đến những ơn gọi linh mục và tu sĩ. Cho đến hôm nay (và hy vọng cả tương lai nữa) nhiều tín hữu sống tích cực đức tin, cậy, mến, quan tâm cổ võ ơn gọi. Ơn gọi đây, tại Việt Nam, thường được hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là ơn gọi linh mục và tu sĩ. Người ta ít áp dụng ơn gọi cho những giáo lý viên hay những giáo dân tích cực. Đúng thế, nhiều bậc cha mẹ chỉ mong con cái mình trở thành linh mục. Chẳng lạ gì một số bậc cha mẹ cảm thấy “buồn buồn” nào đó khi con mình chọn đời sống sư huynh trong những hội dòng giáo sĩ. Đôi khi họ nghĩ rằng con mình “mắc lỗi” nào đó nên không được thụ phong linh mục. Rồi cũng không hiếm các ứng sinh chỉ nhắm đến chức linh mục. Nếu họ có gia nhập một tu hội thì đích nhắm hàng đầu là trở nên linh mục, còn đời thánh hiến, tu sĩ đến sau. Vì thế, có những người trẻ thấy mình rất khó gia nhập chủng viện vì nhiều lý do (tuổi tác, tri thức…) nên họ tìm đến bất kỳ dòng tu nào; đoàn sủng của dòng đó ư? Không phải là điều hệ trọng, miễn sao được tiếp nhận vào và sau cùng là được trở thành linh mục. Theo ánh sáng này, căn tính đoàn sủng của hội dòng đó cũng như ý nghĩa căn cốt của đời tu sĩ thánh hiến không quan trọng lắm.

Những biến động trong đất nước Việt Nam làm cho hiện trạng trên thêm nghiêm trọng, dĩ nhiên một cách tiệm tiến. Sau biến cố lịch sử 1975, các dòng tu tại Việt Nam phải tìm cách gắn với giáo xứ để sống còn, bởi lẽ các việc phục vụ chuyên biệt như trường học, bệnh viện đã được nhà nước tiếp quản. Các tu sĩ từng làm việc trong các môi trường đó đã phải nghỉ việc. Để vượt qua những thách đố không hề mong đợi, các cộng đoàn tu sĩ phải tìm cách hoà mình vào các giáo xứ với những việc mục vụ thông thường của giáo xứ. Các giám mục địa phương rất quảng đại mời gọi các tu sĩ tham gia vào sinh hoạt giáo phận. Tại đây, các tu sĩ có thể phục vụ dạy giáo lý, các hội đoàn, chăm sóc những bệnh nhân và người già cả cũng như có thể tiếp cận với những người trẻ dưới nhiều hình thức mới mẻ hơn. Cũng từ đó các ơn gọi tu sĩ cũng nở rộ. Thế nhưng, yếu tố đoàn sủng biệt loại của các dòng tu dần dần trở nên nhạt nhoà trong mục vụ giáo xứ, vì phải lo đến mọi thành phần và lãnh vực hơn là một thành phần hay lãnh vực biệt loại.

Nếu phân tích trên đúng, thì các tu sĩ cũng bắt đầu “xa hơn” với những phục vụ chuyên biệt của mình. Nhiều tu sĩ-linh mục được bổ nhiệm làm cha quản xứ trong nhiều năm vì số linh mục địa phận hạn chế do chính sách của nhà nước đối với các chủng viện. Và khi bề trên mời gọi các tu sĩ-linh mục đó trở về đời sống cộng đoàn, họ gặp những trục trặc và khủng hoảng về căn tính. Họ thấy khó hội nhập vào cộng đoàn vì đã ‘quen’ kiểu sống của một cha xứ rồi. Không chỉ có thế. Việc đào tạo các ứng sinh trẻ trong các hội dòng cũng gặp thách đố. Họ không nhìn thấy được một mẫu tu sĩ-linh mục mà đoàn sủng trình bày. Họ chỉ gặp được các “cha xứ tu sĩ”, nếu ta có thể nói như thế. Và tính cách tu sĩ xem ra không mấy ảnh hưởng đến phong thái sống hay mục vụ của ngài. Ngài không khác mấy với những linh mục địa phận khác, nhiều khi cả trong những điều mà lẽ ra phải là nổi bật của ngài theo đoàn sủng. Điều ấy càng khiến các ứng sinh nghĩ tới việc là linh mục nhiều hơn là việc trở nên người tu sĩ với linh đạo, tinh thần và phong thái mục vụ biệt loại theo đoàn sủng của đấng sáng lập. Họ thiếu những mẫu gương cần thiết.

Như đã nói ở trên, ơn gọi thánh hiến đang ở trong mùa đông theo cách nói của Đức Gioan Phaolô II. Không có mấy ứng sinh trong các tu hội nữa.[3] Tại Việt Nam vẫn còn đấy những ơn gọi vào đời sống thánh hiến và linh mục, dù hiện tượng sút giảm con số đã bắt đầu. Dù sao, con số ơn gọi tại Việt Nam vẫn còn thu hút nhiều dòng tu ngoại quốc. Quả thế, đang có rất nhiều hội dòng tuốn vào Việt Nam để tìm kiếm những ứng sinh mới.[4] Hẳn rằng các tu hội đó chẳng hề coi nhẹ việc đào tạo căn tính đoàn sủng cho các ứng sinh. Các tu hội ấy quả thật quan tâm làm thế nào đoàn sủng đấng sáng lập phải được lưu truyền vì vinh quang Thiên Chúa cũng như sinh ích cho Giáo hội. Nhưng rất có thể lối suy nghĩ vẫn đậm tính chất ‘bảo tồn’ hơn là lối suy nghĩ để ‘loan báo Tin mừng’ hay truyền giáo, theo nhận định của Đức Phanxicô.[5] Cùng lúc đó với một thời gian tương đối ngắn, các ngài khó mà hiểu được các ứng sinh cách sâu xa, vốn đã từng thấm nhiễm văn hoá, giáo dục và nghĩ suy xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa rào cản của ngôn ngữ mà qua đó một người biểu lộ chính mình một mức nào đó được sánh ví với bức tường vô hình giữa nhà đào tạo và ứng sinh. Nghĩ suy ‘nhập cảng và xuất cảng’ ơn gọi xem ra không sai trong thực trạng này. Nó không phản ánh nhãn quan của Vatican II khi cho thấy ơn gọi tu sĩ như triều thiên của đời sống Kitô hữu, cộng đoàn, gia đình và cá nhân.

Những thách đố ấy dễ dàng đưa tới một đào tạo không CHẠM đến tâm hồn, song chỉ tìm cách vượt qua những giai đoạn đào tạo một cách yên ổn.[6] Nó không đưa tới biến đổi song chỉ thích ứng một số thái độ sống mà thôi.

 

2. Tái khám phá những định hướng của Vatican II về đời thánh hiến

Dẫu đã qua hơn 50 năm rồi, Vatican II vẫn như một la bàn, một lời ngôn sứ Chúa ban để dẫn toàn Giáo hội qua thời kỳ mà con người tự hào mình có thể làm được mọi sự. Vì thế, đào sâu những định hướng của Vatican II có thể cho chúng ta những tia sáng đi trong đường hầm tăm tối.

Trước Vatican II, theo một mức độ, đời sống tu trì như thể có một mẫu số chung. Rồi sau đó, mỗi hội dòng thêm vào những biệt loại của mình. Ta chỉ cần đưa ra một minh hoạ là đủ. Hiến pháp của dòng tu hầu như không trích dẫn hay quy chiếu đến đấng sáng lập của mình. Những kinh nghiệm thiêng liêng và mục vụ của đấng sáng lập rất ít được đề cập tới. Những thái độ cũng như nghĩ suy của đấng sáng lập trước hiện trạng lịch sử của thời đại ngài sống, khiến cho ngài chọn dấn thân cho nhóm người biệt loại này chứ không cho nhóm người khác, hầu như không được nhắc đến trong Hiến pháp.[7]

Vatican II đòi hỏi cách thức khác mà có thể được tóm lại bằng hạn từ về nguồn và thích nghi.[8] Toàn Giáo hội phải trở về với cội nguồn Tin mừng. Theo đó, mỗi hội dòng phải trở về cội nguồn đoàn sủng của đấng sáng lập, xét như một cách đọc và thấm nhiễm Tin mừng.[9] Mỗi đấng sáng lập của một tu hội đều trải nghiệm một nét đẹp nào đó trên diện mạo của Chúa Giêsu Kitô và rồi tìm cách hoạ lại nó trong dòng lịch sử biến động của con người. Công đồng viết: các tu hội muốn trình bày

“Đức Kitô cách hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân, hoặc là Đức Kitô đang chiêm niệm trên núi, hoặc đang loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, đang chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại với cuộc sống thiện hảo, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, thi ân cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến.” (LG 46)

Đoạn văn như thể xác định trọng trách của mỗi dòng tu: tìm cách diễn đạt một nét nào đó trong con người Đức Giêsu Kitô. Tính đa dạng của đặc sủng tìm được chỗ đứng thích đáng của mình cả trong chiều hướng Kitô học chứ không chỉ Thánh Thần học mà thôi.

Như G. Philips, chuyên viên của Công đồng về Lumen Gentium, Christian Raab mạnh mẽ xác quyết mối liên hệ chặt chẽ giữa Lumen Gentium chương 5 và chương 6. Quả thế, chương 5 bàn đến các tín hữu được gọi đến sự thánh thiện, tức là, sự hoàn hảo của đức ái. Công đồng nhìn đức ái sung mãn quyết định cho đời thánh hiến. Đang khi đó chương 6 xác định những tu sĩ sẵn lòng cam kết sống triệt để ý nghĩa của Tin mừng trong lòng Giáo hội. Họ theo đuổi một đức ái trọn hảo và sung mãn trong những việc thường nhật. Theo nghĩa này, Công đồng đặt người tu sĩ vào trong lòng Giáo hội.[10] Thánh nữ Têrêsa đã trực giác điều này khi nói trong Giáo hội tôi sẽ là tình yêu. Người tu sĩ theo đuổi đức ái hoàn hảo, vươn đến tình yêu sung mãn dành cho Đức Kitô và chỉ từ đó họ yêu mến những con người với chính trái tim của Chúa Giêsu.

Như thế, đời sống tu sĩ cũng mang lấy chiều kích cánh chung như nét cốt yếu của mình.[11] Người tu sĩ làm chứng về Vương quốc mai sau; họ được kêu gọi để trình bày một Giáo hội-hiền thê của Đức Kitô, đang được trang điểm lộng lẫy chờ đón đức Lang Quân thần linh. Ta không ngại để nói rằng những vị sáng lập chân chính đều là những con người của Giáo hội, như được De Lubac miêu tả trong cuốn The Splendor of the Church.[12] Họ lắng nghe được tiếng thúc đẩy của Thánh Thần đi vào các mối phúc, mà ba lời khuyên phúc âm đã tóm lược sống động.

Vatican II làm sáng tỏ và nhấn mạnh đến đoàn sủng như yếu tố cốt yếu cho đời thánh hiến. Người tuyên khấn luôn luôn dựa trên một Hiến pháp/Quy luật biệt loại trong đó tinh thần, diện mạo và linh đạo của đấng sáng lập phải được nổi bật. Chính căn tính đoàn sủng này quyết định hướng đào tạo các ứng sinh. Căn tính đoàn sủng không phải là một chiếc áo trùm lên trên để họ được nhận ra là Phansinh hay Salêdiêng. Phải hơn, căn tính đoàn sủng quyết định loại đào tạo biệt loại nào phải được cống hiến cho ứng sinh. Vatican II loại xa lối đường đào tạo sai lầm trong đời thánh hiến khi xác định chỗ đứng của đấng sáng lập và đoàn sủng của ngài trong dòng tu. Chính căn tính đoàn sủng của hội dòng chi phối trọn vẹn đời cầu nguyện, cộng đoàn, sứ mệnh và tiến trình đào tạo không gì khác hơn là giúp cho ứng sinh ngày một cam kết hơn sống đời cầu nguyện, cộng đoàn, học hành theo sứ mệnh đoàn sủng biệt loại. Bằng cách đó, những giai đoạn đào luyện khác nhau không phải là thời gian chờ đợi, nhưng là tiến trình triển nở và trưởng thành của ứng sinh theo một căn tính đoàn sủng biệt loại. Chính nhãn quan này đòi buộc các tu hội phải cống hiến cho các ứng sinh của mình điều mà các học viện liên dòng/liên tu sĩ không thể ban được: căn tính đoàn sủng của mỗi tu hội. Vì vậy, Vatican II đòi hỏi từng hội dòng phải có một Ratio đào tạo riêng hầu dung mạo của Thiên Chúa và của Đức Giêsu được lộ rõ theo căn tính đoàn sủng chiêm niệm hay hoạt động tông đồ của mình.[13] Những đoàn sủng khác nhau đúng là phúc lành của Thiên Chúa cho Giáo hội và nhân loại. Điều này được Raab diễn đạt khá thú vị như sau:

“Đời sống tu sĩ là một tặng phẩm của Thần khi để xây dựng toàn Giáo hội qua sự khởi hứng và công cuộc tông đồ (PC 1, LG 43). Nó tỏ lộ Thần khí của Đức Kitô như một dấu chỉ hay chứng tá mạnh mẽ (LG 44). Nó không bị hạn chế vào phẩm trật nhưng được tự do ban phát ngoài phẩm trật (LG 43). Nó thật là một ân sủng vững bền, được chứng tỏ bởi sự tận hiến toàn vẹn của những người nhận lãnh nó. Và, cuối cùng, nó tiếp tục có hiệu quả đặc biệt giữa dân Thiên Chúa, như được tỏ lộ bởi lịch sử của nó.” [14]

Tuy nhiên, cuộc trở về nguồn đoàn sủng mà Vatican II yêu cầu không phải là sự tô bóng quá khứ. Cũng như Giáo hội phải trở về nguồn Tin mừng để thích ứng và đáp lại những nhu cầu của thế giới hôm nay, thì đời thánh hiến cũng vậy. Các tu hội phải đọc lại cội rễ của mình với cặp mắt hôm nay, tức là với ánh sáng của Đấng Phục sinh mà luôn HẰNG SỐNG, là HIỆN TẠI. Nói cụ thể dưới diện giả định như sau: nếu đấng sáng lập hiện diện ở đây, lúc này, với hiện trạng cụ thể này, ngài sẽ làm gì? Đấy là cách thức mà Vatican II đòi các dòng tu phải canh tân, phải hợp thời. Sự hợp thời đây không hệ tại ở tiếp tục một vài công cuộc của đấng sáng lập. Sự hợp thời ở đây là quyết tâm theo Chúa Kitô, sequela Christi, cách triệt để trong thế giới hôm nay. Sự hợp thời ở đây không chạy và buông theo những tiêu chuẩn thế tục; nó đòi hỏi một sự phân định sáng suốt và khôn ngoan để nhận ra tại sao và thế nào đấng sáng lập đã phản ứng và đáp lại những nhu cầu thời đại. Bằng cách đó, chứng tá “đi ngược dòng đời” vốn là điều tiên quyết để đời tu xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội sơ khai lại được tỏ lộ và hấp dẫn.[15] 

Quả vậy, chính Evangelica Testificatio liên kết đời thánh hiến với đời sống chứng tá, với đời tử đạo của Giáo hội. Chứng tá, tức “đi ngược dòng thế tục” chi phối toàn diện đời thánh hiến: “Những lời khuyên phúc âm thanh khiết, nghèo khó và vâng phục, được khấn hứa với Thiên Chúa, nay trở thành luật sống của anh chị em.”[16] Theo Đức Gioan Phaolô II, người tu sĩ làm chứng:

“của cải và những tiện nghi họ vui hưởng không phải là kho tàng để nắm giữ. Kho tàng ở trong cõi lòng họ, mà Đức Kitô làm cho có thể “trao ban” cho những kẻ khác bằng cách trao ban chính mình. Người giàu có không phải là kẻ sở hữu song là người “trao ban”, “người có khả năng trao ban.” [17]

Chỗ khác,

“qua kho tàng này con người có tương lai dứt khoát trong Thiên Chúa. Đức Kitô nói: “anh sẽ có một kho tàng ở trên trời.” Kho tàng này không phải là “phần thưởng” sau khi chết vì những việc lành được thực hiện theo gương của Bậc Thầy thần linh, song đúng hơn là sự hoàn thành cánh chung điều được ẩn giấu đằng sau những việc lành ở dưới trần này, trong “kho tàng” bên trong là cõi lòng.”[18]

Như vậy, việc canh tân và thích nghi vào trong hiện trạng lịch sử hôm nay, ta có thể nói, làm cho tình yêu của người thánh hiến mang tính chất ‘lịch sử nhiệm cục’. Người tu sĩ canh tân để đi vào lịch sử cách mãnh liệt như chính Đấng Cứu thế đã làm vậy. Đúng vậy,

“Sự tuyên khấn tu sĩ đặt trong lòng của từng người anh chị em tình yêu của Chúa Cha: tình yêu ấy vốn ở trong cõi lòng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới. Chính tình yêu ôm ấp thế giới và mọi sự trong đó đến từ Chúa Cha, và đồng thời hướng tới việc vượt thắng trong thế gian mọi sự “không đến từ Cha”. Vì thế, nó hướng tới việc chiến thắng ba sự ham muốn. “ham muốn của xác thịt, ham muốn của con mắt và sự kiêu ngạo của đời sống” được ẩn giấu trong con người như di sản của nguyên tội, như một kết quả mối tương giao với thế giới, được Thiên Chúa tạo dựng và ban cho con người để được ngài cai trị, bị biến dạng trong cõi lòng con người theo những cách khác nhau. Trong nhiệm cục cứu chuộc, các lời khuyên phúc âm thanh khiết, nghèo khó và vâng phục cấu thành những phương thế triệt để nhất để biến đổi trong lòng con người mối tương giao này với “thế giới”: với thế giới bên ngoài và với “cái tôi” hữu vị của ta, mà một cách nào đó là phần cốt yếu của “thế giới” theo nghĩa kinh thánh, nếu điều “không đến từ Chúa Cha” bắt đầu ở trong nó.[19]

Từ đó, người tu sĩ yêu mến và liên đới chặt chẽ với lịch sử nhân loại, trong đó, họ hiến dâng chính mình cho anh chị em mình, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Một tu sĩ tự tách mình ra như một hòn đảo giữa đại dương nhân sinh không thể biểu lộ một Thiên Chúa yêu con người đến cùng.

Ta có thể nhận thấy rằng Vatican II tổng kết đời thánh hiến vào bốn yếu tố sau:

(1) sống ơn gọi thánh hiến trong một động lực tình yêu duy nhất dành cho Thiên Chúa và con người; (2) kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ, khi mặc lấy chính cách sống và hoạt động của Đức Giêsu vâng phục, nghèo khó và thanh khiết và trở thành những người tìm kiếm Thiên Chúa; (3) trong các cộng thể xây dựng tình huynh đệ của đời sống và hoạt động chúng ta; (4) quảng đại tận hiến mình cho sứ mệnh, khi cùng bước đi với [giới trẻ] nhân loại để mang đến niềm hy vọng cho thế giới.[20]

 

3. Mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh về đời thánh hiến của Vatican II

Dẫu nhấn mạnh đến căn tính đoàn sủng trong việc canh tân đời thánh hiến, ta vẫn thấy hình như còn một điều gì đó bị bỏ quên khiến cho bức tranh đời thánh hiến của Vatican II chưa tròn. Tôi muốn nói đến cần phải nghiên cứu hơn nữa về diện mạo của người tu sĩ-linh mục. Căn tính linh mục địa phận được xác định một cách có thẩm quyền.[21] Cũng vậy, không hiếm các văn kiện nói về đời tu sĩ.[22] Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận những văn kiện bàn thấu đáo về căn tính của tu sĩ-linh mục quả rất hiếm, nếu không nói là chưa có. Cả đến Thượng Hội đồng Giám mục bàn về đời thánh hiến không nhắc đến vấn đề này.[23] Hơn nữa, theo Ivo Coelho, “Ratio mới của Giáo hội, Tặng phẩm Ơn gọi Linh mục (2016) không có bất kỳ nhận xét đặc biệt nào về linh mục-tu sĩ - bất chấp sự kiện là trong năm 2016, có tới 134.495 linh mục-tu sĩ, tạo thành 32,3% hay hầu như 1/3 của tổng số linh mục trong Giáo hội Công giáo.”[24] Những hội nghị về đời tu sĩ cũng không đặt nặng trên diện mạo tu sĩ-linh mục.[25] Chẳng hạn hội nghị về đời tu sĩ được Hội đồng Giám mục Hoa kỳ bảo trợ. Tài liệu của hội nghị đề ra:

“Mục tiêu của đào tạo là phân định ơn gọi của ta đến đời tu sĩ và, nếu quyết định trở thành tu sĩ, sự chuẩn bị và tháp nhập vào một tu hội/cộng đoàn đặc thù… Nó là một tiến trình tiệm tiến và liên tục mà trong đó người ứng sinh trở nên thiết thân với “cơ thể” đó, cơ thể sống là tu hội....”[26]

Trong đó hầu như không thấy diện mạo của người tu sĩ-linh mục.

Có lẽ đọc được sự lãng quên này, Sandra Schneiders đã nêu ra một nhận xét ảm đạm nhưng rất đúng. Sự thụ phong có thể “đưa vào” trong đời thánh hiến một sự “phân cấp”, điều mà nghịch lại với chính căn cốt của đời tu sĩ (S. Schneiders). Điều này có thể lộ ra khi ta hỏi câu hỏi này: ‘tính chất tu sĩ’ là tính từ của danh từ ‘linh mục’ hay ‘tính chất linh mục’ là tính từ của danh từ ‘tu sĩ’ cho những tu sĩ là ứng sinh linh mục? Ta có thể tự trả lời cho mình. Và câu trả lời đó quyết định không chỉ nhãn quan mà cả thái độ sống của một người. Egidio Viganò cùng một nhãn quan đó khi viết:

Thực thế nếu có một trơ tráo tác hại thật sự ta phải lấy đi trong một tác vụ được thụ phong, thì đó chính là dạng thái hành động “duy giáo sĩ”... nó làm cho người linh mục hành động như một ông chủ (trùm) giữa Dân Chúa; một thái độ như thế chẳng có gì chung với Đức Giêsu vị Mục tử Nhân lành cả, Đấng là “Tôi tớ của Giavê”. Một linh mục hành xử như thế sẽ rõ ràng cho thấy mình chẳng hiểu gì về tính cách linh mục của Tân ước cả.[27]

Theo Vatican II, mà ta đã nói đến cách nào đó trên kia, linh mục liên quan đến phẩm trật, còn tu sĩ liên quan đến sự thánh thiện của Giáo hội vốn được định nghĩa là sự hoàn hảo của đức ái. Hẳn rằng mọi Kitô hữu đều phải nỗ lực vươn tới sự thánh thiện của Tin mừng, phải trở nên thanh khiết/trong sạch, nghèo khó và vâng phục. Tuy nhiên, cách thức thực thi những điều đó không giống nhau giữa linh mục địa phận và tu sĩ-linh mục. Chẳng hạn, Giám mục sẽ không xen vào đời sống cá nhân của linh mục trong việc sống nghèo khó (việc nghỉ hè, cách thức sử dụng tiền bạc), nhưng bề trên có thể can thiệp thẳng vào lối sống nghèo khó cá nhân của người tu sĩ và đòi hỏi sự vâng phục. Điều thách đố cho tu sĩ-linh mục chính là chiều kích ngôn sứ, dấu chỉ về đời sống cánh chung.[28]

Chính vì thế, Raab tóm tắt vấn đề này như sau:

“Dù Công đồng rõ ràng diễn đạt trong LG 43 rằng một vài tư giáo thuộc về đời sống tu sĩ, thì Công đồng không nói gì về ý nghĩa của đời linh mục trong bối cảnh tu sĩ cả, chẳng hạn làm thế nào đời sống tu sĩ và linh mục có thể điều kiện hoá lẫn nhau trong ơn gọi của một tu sĩ-linh mục. Một cách ý nghĩa, cuộc thảo luận dài nhất về tác vụ phẩm trật trong Lumen Gentium chương VI xảy ra ở khoản 45 vốn miêu tả làm thế nào phẩm trật giữ người tu sĩ chịu trách nhiệm/accountable và giúp họ tăng trưởng. Vì thế, hình ảnh thật sự độc nhất về mối tương quan giữa đời linh mục và đời tu sĩ được bày ra trong chương VI là một mối tương quan ở đó đời linh mục được nhìn như đứng bên ngoài nhìn vào đời tu. Những ơn gọi có thể bổ sung, nhưng điều đó có nghĩa là gì khi cùng một người lại chia sẻ/tham gia vào cả hai?”[29] 

Nếu Raab nhận xét đúng, thì xem ra người tu sĩ-linh mục giống như kẻ ở giữa ngã ba đường, luôn ở trong tình trạng đối nghịch. Và thiệt hại lớn chính là chẳng thể tăng trưởng được. Ai có thể lớn lên được khi luôn ở thế giằng co nội tâm? Vì vậy, chẳng lạ gì khi có những tu sĩ-linh mục xin nhập tịch vào một địa phận sau khi đã được thụ phong linh mục.

Ta rất dễ hiểu thách đố này theo diện thoả hiệp nào đó. Không phải vậy đâu. Với những vị sáng lập vĩ đại của các dòng tu, diện mạo tu sĩ-linh mục không hề là một sự thoả hiệp giữa địa vị giáo dân và tư tế. Với các ngài, đời linh mục không vi phạm tính toàn vẹn của đời tu sĩ.[30] Vì hiểu rõ người linh mục địa phận gắn liền với địa dư (giáo xứ, địa phận) nên các ngài trình bày người tu sĩ-linh mục gắn bó với đoàn sủng, được sai đến với những con người biệt loại (bệnh nhân, người nghèo…). Các ngài hiểu rõ người linh mục địa phận không nhất thiết phải sống đời sống chung, nên các ngài trình bày diện mạo tu sĩ-linh mục gắn chặt với cộng đoàn, dĩ nhiên tầm nhấn mạnh có khác nhau về vấn đề này giữa các dòng tu. Theo Ivo, với các ngài,

“Đời sống huynh đệ, những lời khuyên Phúc âm và sứ mệnh không phải là những yếu tố hiện hữu cạnh bên tác vụ linh mục [Salêdiêng]. Phải hơn, chúng là lòng mẹ nền tảng và cội rễ sinh tử của ơn gọi chúng ta. Theo Ratio Salêdiêng: “người Salêdiêng linh mục [hay Phó tế] nối kết nơi chính mình những tặng phẩm của sự thánh hiến Salêdiêng và những tặng phẩm của tác vụ mục vụ, nhưng theo một cách thức đến nỗi cách thức đặc thù của họ là một linh mục và thực thi tác vụ của họ phát xuất từ sự thánh hiến Salêdiêng của họ.”[31]

Người tu sĩ-linh mục không thể đặt đời tu sĩ và đời linh mục đứng cạnh nhau hay thoả hiệp. Tính tu sĩ phải làm cho tác vụ linh mục họ được ban trở thành một tính duy nhất độc đáo. Vì thế, Đức Gioan Phaolô II nói:

Người tu sĩ-linh mục có hai ý nghĩa là người môn đệ triệt để và tác vụ tông truyền, khách quan, chính thức… ngài sao lại trong đời mình sự tròn đầy của mầu nhiệm Chúa Kitô, nghĩa là, cả phong thái chủ quan của Đức Giêsu và chức vụ khách quan của ngài với ân sủng cứu độ nó mang đến.[32]

Chính sự duy nhất này quyết định việc đào tạo của người tu sĩ-linh mục.

 

4. Những yếu tố cơ bản để sinh động ơn gọi và đào tạo tu sĩ-linh mục tốt đẹp

Nay đã đến lúc tôi xin nêu ra một vài yếu tố quan trọng để đào tạo người tu sĩ-linh mục. Vì tôi hoàn toàn giới hạn trước nền đào tạo của các tu hội khác, đồng thời không thể có một đào luyện tu sĩ chung rồi sau đó choàng lên chiếc áo đặc sủng, nên trong phần này tôi dùng đến những chỉ dẫn mục vụ ơn gọi trong Tu hội Salêdiêng Don Bosco mà tôi là một phần tử. Vị Tổng cố vấn lo về đào tạo đề ra những điểm cơ bản sau đây:

Trước tiên ứng sinh tu sĩ-linh mục phải nhận rõ vẻ đẹp của đời sống thánh hiến. Đời sống thánh hiến thu hút bằng vẻ rạng ngời của nó. Chiều kích này phải xuyên suốt trong mọi giai đoạn đào tạo; cần trình bày được một người tu sĩ hân hoan và đam mê với căn tính đoàn sủng của mình. Chính CICLSAL (Thánh bộ các Dòng sống đời thánh hiến và các Tu hội sống đời tông đồ) phát hành một tài liệu trong Năm của Đời Thánh hiến cho thấy cách thức tỏ bày được vẻ đẹp này: hân hoan theo Chúa (Hân hoan!), tỉnh thức trước các dấu chỉ Ngài đến và một lòng chờ đợi Ngài vì đây là cốt tủy của ơn gọi thánh hiến (Tỉnh thức!), trải nghiệm chính Chúa hằng sống (Chiêm niệm), công bố Thiên Chúa bằng chứng tá đời sống (Công bố).[33] Tính cách ngôn sứ của đời thánh hiến nằm ở việc có khả năng thức tỉnh thế giới. (Đức Phanxicô).[34]

Thứ hai là đào sâu hiểu biết về chính tư cách linh mục. E. Viganò cho rằng điều quan trọng hơn không phải là con số linh mục cho bằng là quá ít chất linh mục.[35] Mượn lối nói của G. Marcel, ta thường chăm chú đến việc “LÀM các việc của linh mục” hơn là vào việc LÀ linh mục. LÀ linh mục trong nhiều hội dòng quả là vấn đề lớn.[36] Trái lại, Chúa Kitô Thượng tế thu hút chúng ta vì CÁCH THỨC TUYỆT VỜI ngài sống tư cách linh mục, như thư Hipri miêu tả, chứ không phải vì một vài công việc riêng biệt của người linh mục.

Thứ ba, cần đào tạo người tu sĩ-linh mục bén nhạy trước bối cảnh xã hội-văn hóa liên lỷ thay đổi trong đó dân chúng sống. Nhất thiết phải liên lỷ trở về lại sự khởi hứng đoàn sủng vốn nuôi dưỡng căn tính và sứ mệnh của một dòng tu. Các ứng sinh cần hiểu biết bằng tâm hồn chứ không chỉ bằng trí óc cái nôi đoàn sủng của mình mà HIẾN PHÁP của họ chính là sự nhập thể ơn gọi và sứ mệnh này, và Giáo hội mời gọi người tu sĩ-linh mục trung thành với một gia sản và nhiệm vụ đó giữa trào lưu văn hoá hậu tân đại với những điểm yếu và điểm mạnh của nó.

Thứ tư là yếu tố đoàn sủng phải thấm nhập tất cả những nỗ lực sinh động ơn gọi. Khi đồng hành với các ứng sinh trong ơn gọi của họ, các tu sĩ phải can đảm đề xuất điều gì là độc đáo (tiêu biểu) của đoàn sủng của mình, làm sao cho họ trải nghiệm đời sống sứ mệnh, đời sống cộng đoàn, và những giá trị tinh thần của dòng tu mình.[37] Bằng chứng tá vui tươi, những ứng sinh được giúp để được HOÁN CẢI hầu ôm lấy căn tính đoàn sủng của tu hội hơn là chỉ với ý định TRỞ THÀNH linh mục. Theo Ivo, HOÁN CẢI THEO ĐOÀN SỦNG là điều kiện không thể thiếu, sine qua non, cho những bước hơn nữa trên hành trình đó. Sự hoán cải ở trên không chỉ cho ứng sinh; nó cũng cho toàn hội dòng khi phải chuyển từ việc rõ ràng tuyển mộ sang một văn hóa ơn gọi chân thật,[38] từ mục vụ ơn gọi bảo tồn đến hân hoan tăng trưởng.

Điểm thứ năm liên quan đến kiện cường các tiến trình đồng hành trong tiền tập viện, tập viện và hậu tập viện. Vatican II nhìn ra thể duy nhất của ba giai đoạn này mà chìa khoá sự thành công chính là đồng hành thiêng liêng cá nhân và cộng đoàn.[39] Để nội tâm hoá căn tính ơn gọi và những giá trị của nó không thể không có điều này. Nếu Đức Phanxicô quả quyết rằng chúng ta đang thiếu một đào tạo chạm đến tâm hồn thì đồng hành thiêng liêng phải được lấy lại địa vị quan trọng của nó; bằng không, sợ hãi và nghi ngờ huỷ hoại nhân cách nhân bản và thiêng liêng của các ứng sinh. Chính vì thế, đầu tư vào việc đồng hành thiêng liêng mang lại nhiều kết quả đáng chờ mong.

Điểm thứ sáu liên quan đến chăm sóc ứng sinh trong thời thử luyện và chuẩn bị tuyên khấn trọn đời. Đây là thời gian để các ứng sinh hiểu ra rằng mình sẽ phải sống cuộc sống nào sau khi tuyên khấn trọn đời. Đây cũng là thời kỳ mà các ứng sinh của một hội dòng rất dễ bị thương, những vết thương sâu trong tâm hồn, khi chứng kiến những “phản chứng” nào đó trong các cộng đoàn làm việc. Chọn các cộng đoàn để sai cử các hội viên trong thời kỳ thử luyện rất quan trọng. Không phải cộng đoàn nào cũng thích hợp cho đào tạo; bằng không, các vết thương sẽ đeo bám tâm hồn các ứng sinh mãi mãi. Vì vậy, lượng giá toàn diện về căn tính đoàn sủng nơi một hội viên từ giai đoạn đầu tiên cho đến giai đoạn khấn trọn quả là quan trọng. Nó cho thấy người hội viên đã được biến đổi ra sao với ơn Chúa.[40]

Điểm thứ bảy liên quan đến đào tạo chuyên biệt chuẩn bị đời tu sĩ-linh mục. Giai đoạn này phải luôn được nhìn và sống cũng như làm nổi bật được căn tính tu sĩ-linh mục, chứ không ngược lại. Nó nhắm đến đồng hình dạng với Đức Giêsu Thượng Tế, nhưng theo phong thái, tinh thần và hành động của đấng sáng lập đã hấp thụ. Trong giai đoạn này, thách đố lớn nhất phải được đối diện: căn tính đoàn sủng là nền tảng cho tính duy nhất và thuộc về tu hội. Nó chính là cốt tuỷ của toàn thể việc đào tạo mà một tu hội cống hiến cho ứng sinh tu sĩ-linh mục tương lai;[41] chỉ một chương trình học thần học thì không đủ. Cần thiết phải là một người có căn tính đoàn sủng sâu sắc và mạnh mẽ để tiếp thu thần học hầu làm giàu cho linh đạo đặc thù của hội dòng. “Như Hồng y J.J. Hamer đã nhấn mạnh trong Thượng Hội đồng Giám mục 1990 về Đào tạo Linh mục, các bề trên đại chủng viện có trách nhiệm đảm bảo một sự hòa hợp hoàn hảo giữa đào luyện tới đời linh mục và đào luyện tới đời tu sĩ theo căn tính và đoàn sủng đặc thù của tu hội họ.[42] Tóm lại, cần thiết hấp thụ tri thức thần học theo ánh sáng đoàn sủng của mỗi hội dòng.

Theo ánh sáng này, phải hài hoà được kinh nghiệm sống cộng đoàn tu sĩ với ý thức thuộc về ngày một mãnh liệt hơn cũng như khả năng sống tinh thần và sứ mệnh đoàn sủng được chia sẻ với người đời (giáo dân). Chúng ta cần loại xa quan điểm rằng hai loại tương giao này sẽ TỰ ĐỘNG lớn lên nơi ứng sinh tu sĩ sau ngày thụ phong. Thật ảo tưởng lớn. Cần phải giúp ứng sinh cùng làm việc với các anh chị em giáo dân và người đời để những tinh hoa của đoàn sủng làm giàu cho cuộc sống Giáo hội và xã hội.

Thứ tám, là thời kỳ ngũ niên, quinquennium. Đây là “thời gian học để LÀM LINH MỤC.” (Don Bosco). Thời gian này tiệm tiến làm chín muồi tổng hợp thần học mục vụ thiêng liêng mà họ đã thu lượm trong giai đoạn trên. Chúng ta phải nhận rằng cám dỗ mạnh mẽ của thời gian này là HỌC và ĐỌC. Ước chi người tu sĩ-linh mục coi HỌC VÀ ĐỌC trong thời kỳ này là bí tích thứ tám. Thật là thảm cảnh nếu người tu sĩ-linh mục không đọc sách, suy tư và học hỏi ngay sau khi thụ phong, cho chính họ và những người họ được sai đến.

Thứ chín, cần phải CHUẨN BỊ các ứng sinh tu sĩ-linh mục làm việc cho các giáo xứ với căn tính đoàn sủng mạnh mẽ. Không có gì trái nghịch giữa chăm sóc một giáo xứ tốt đẹp theo một phong thái, tinh thần và lối thiêng của dòng tu cả. Bằng không, chúng ta sẽ để người tu sĩ-linh mục sống hoài trong sự mâu thuẫn tận bên trong.

 

5. Kết luận

Chúng ta thấy rằng căn tính người tu sĩ-linh mục cần phải được tìm kiếm hơn nữa. Chúng ta cần những tu sĩ-linh mục sống căn tính đoàn sủng của mình một cách mãnh liệt và xác tín. Chính đó là sự góp phần độc đáo của một tu hội cho Giáo hội khi làm nổi bật chiều kích cánh chung của Nước Thiên Chúa đang đến giữa tất cả những đấu tranh của thiện và ác.

Công việc đào sâu này đè nặng hơn trên những nhà đào tạo (formators). Chúng ta biết rất rõ định luật: ta không thể trao ban điều ta không có. Chính vì thế, nếu những nhà đào tạo không mạnh mẽ trong căn tính đoàn sủng sẽ không thể ban cho các thế hệ sau điều mà họ có quyền đòi hỏi. Và căn tính đoàn sủng mạnh mẽ hệ tại ở việc tiếp thu những chân lý thần học, tu đức, thiêng liêng và mục vụ theo đoàn sủng y như các đấng sáng lập đã làm điều ấy cho mình và cho những người kế thừa trực tiếp.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)

_______

[1] X. S. Schneiders, Finding the Treasure Locating Catholic Religious Life a New Ecclesial and Cultural Context, Paulist Press, NY, 2000; SELLING ALL Commitment, Consecrated Celibacy, and Community in Catholic Religious Life, Paulist Press, NY 2001; cũng x. LG chương 6; Gioan Phaolô II, Redemptionis Donum; Vita Consecrata; Chỉ thị Mutuae relationes 8.

[2] X. Pascual Chavez, “Vocation and Formation: Gift and Task”, AGC 416.

[3] X. L’Osservatore Romano, New Church statistics reveal more Catholics, fewer vocations, tôi lấy từ https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2024-04/vatican-central-statistical-office-church-pontifical-yearbook.html; Thống kê cho thấy chưa có dấu hiệu của mùa xuân trở lại.

[4] X. thông tin của Liên hiệp Bề Trên Thượng Cấp 11.2023. Trong đó viết như sau: “Đây là những con số được cập nhật thông tin năm 2023 của 156 dòng có tên trong Sổ tay của Tổng Giáo phận. Trong thực tế chắc chắn là có nhiều hơn, vì một số Dòng không gửi báo cáo thông tin cho chúng con; và nhiều Dòng chưa đủ điều kiện thành lập cộng đoàn nên chưa có tên trong Sổ tay của TGP. Số cộng đoàn theo Sổ tay của Giáo phận là 482.”

[5] X. Đức Phanxicô, EG; Pope Francis, Address to Participants in the Conference Organized by the Congregation for Institutes of Consecrated life and Societies of Apostolic Life (4 May 2018). Pope Francis, Homily for the XXII World Day For Consecrated Life (2 February 2018).

[6] X. Đức Phanxicô

[7] X. The Project of Life, Introduction.

[8] X. PC 2; Đức Phaolô VI, ET.

[9] X. Gioan XXIII, Bài diễn từ khai mạc công đồng Vatican II; Phaolô VI, Ecclesiam Suam; Evangelica Testificatio; so sánh LG và PC

[10] X. LG 44; Gioan Phaolô II, VC nhấn mạnh đến người tu sĩ hiến thân cho GH cách đam mê.

[11] X. LG 44; Gioan Phaolô II, VC nhấn mạnh đến chiều kích ngôn sứ của đời thánh hiến.

[12] De Lubac, The Splendor of the Church, cách riêng chương 7: Ecclesia Mater, Ignatius Press, San Francisco, 1999.

[13] X. LG 46.

[14] Được Christian Waab trích lại trong Understanding the Religious Priesthood, trang 127.

[15] X. Eric Plumer, “The Development of Ecclesiology: Early Church to the Reformation” trong The Gift of the Church, Edt. Peter Phan, The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 2000, trang 23-44.

[16] Đức Phaolô VI, ET 7.

[17] Gioan Phaolô II, Redemptionis donum (từ đây: RD), 5.

[18] Gioan Phaolô II, RD 5.

[19] Gioan Phaolô II, RD 9.

[20] Ivo Coelho, “Living the Priesthood As Salesians”, AGC 431; tôi thay chữ giới trẻ bằng nhân loại; cũng x. P. Chavez, “Lá thư triệu tập TTN 27 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco”, AGC 413.

[21] Vatican II, PO; Đức Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis; Bênêđictô XVI, Papal Reflection at Vespers to Open Academic Year of Pontifical Universities, “As Priests, the One Legitimate Ascent ... Is Not That of Success But That of the Cross” November 4, 2011; “THE HEART OF GOD THROBS WITH COMPASSION” Homily at Vespers Inaugurating the Year for Priests St. Peter’s Basilica - Solemnity of the Sacred Heart, .June19, 2009.

[22] Vatican II, PC; Đức Phaolô VI, Evangelica Testificatio; Đức Gioan Phaolô II, Redemptionis donum; Vita Consecrata.

[23] E. Viganò, The Priest of the Year 2000- A Theme We Have Very Much At Heart”, AGC 335. Ivo Coelho, “Living the Priesthood As Salesians”, AGC 431.

[24] Ivo Coelho, “Living the Priesthood As Salesians”, AGC 431;

[25] x. US Religious Life, Series 2000-2001.

[26] US Religious Life. Trích dẫn trên đến từ Sandra Schneiders, I.H.M. 2001, 71.

[27] E. Viganò, AGC 335, 21.

[28] Về sự phân biệt giữa linh mục địa phận và tu sĩ, xin xem Ladislas Orsy, S.J., Open to the Spirit, Religious Life after Vatican II, Corpus Books, Washington-Cleverland, 1968, cách riêng chương 1, trang 13-70; cũng x. Christian Raab, Understanding the Religious Priesthood, The Catholic University of America Press, Washington D.C., 2021, cách riêng chương 4 “Vatican II on the Priesthood”, chương 5 “Religious Life and Religious Priest” và chương 9 “Religious Priesthood and Signification”.

[29] C. Raab, Understanding the Religious Priesthood, 128.

[30] C. Raab, Understanding the Religious Priesthood, 142.

[31] FSDB 39.

[32] VC 30.

[33] CICLSAL, Hãy hân hoan! Gởi những người nam nữ được thánh hiến từ những lời dạy của Giáo hoàng Phanxicô (tháng Hai năm 2014); Hãy Tỉnh thức! một lá thư gởi những người nam nữ được thánh hiến hành trình theo chân Chúa (tháng Chín năm 2014); Chiêm ngắm: gởi mọi người nam nữ được thánh hiến theo đuổi Con đường Tuyệt Mỹ (tháng Mười Một năm 2014); Công bố: gởi những người nam nữ được thánh hiến làm chứng cho Tin mừng giữa các dân tộc (tháng Tám năm 2016).

[34] X. A. Spadaro, S.J., “Wake Up the World!” Conversation with Pope Francis About the Religious Life, (Original Text In Italian trong La Civiltà Cattolica 2014 I 3-17).

[35] AGC 335; cũng x. Thánh Gregorio Cả, Pastoral Rules.

[36] AGC 335 8.

[37] Criteria and Norms for Salesian Vocation Discernment, 3rd ed. (Rome 2000) 39.

[38] TTN27 75.1.

[39] M. Bay, Young Salesians and Accompaniment: Results of an international survey (Bangalore: Kristu Jyoti Publications, 2019) 494. Xem Young Salesians and Accompaniment: Orientations and Guidelines (2019) 46. Chúng ta ghi nhớ rằng 54,42% nói về việc đồng hành bởi “một người bạn tâm hồn” trong những năm trước tiền tập.

[40] Tu hội Salêdiêng viết: “Khi kết thúc tập vụ, có một lượng giá tổng quát quả là thích hợp - về phía Giám tỉnh và cộng thể, và về phía người hội viên - về toàn vẹn kinh nghiệm của họ và về bước tiến họ đã làm được trong ơn gọi của họ (FSDB 439). Vào lúc kết thúc tập vụ, phải có một lượng giá toàn diện về toàn bộ kinh nghiệm được thực thi bởi Giám tỉnh, cộng đoàn và chính người hội viên (FSDB 444).

[41] Tu hội Salêdiêng viết: “Luật sống của chúng ta là Đức Giêsu Kitô... Đấng chúng ta thấy hiện diện trong Don Bosco, người hiến đời mình cho giới trẻ.” (HL 196) Lời minh xác này của Hiến luật chúng ta tóm tắt ơn gọi Salêdiêng chúng tachúng ta phải làm cho chính mình đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô và tiêu hao đòi mình cho giới trẻ, như Don Bosco đã tiêu hao. Tất cả đào luyện chúng ta, cả ban đầu lẫn liên tục, hệ tại ở việc thủ đắc và hiện thực hóa căn tính này trong từng người và trong cộng đoàn. Những nỗ lực của mọi ứng sinh và mọi hội viên, hoạt động của những nhà sinh động, và toàn bộ sự nghiệp đào luyện được hướng tới mục đích này.” Hay, “Nó là cốt tủy của toàn thể đào luyện chúng ta, là nguồn gốc của tiến trình đào luyện chúng ta và điểm quy chiếu thường hằng của nó. Nó cũng là tiêu chuẩn quyết định sự phân định ơn gọi” (FSDB 25). Nhất là, “Linh mục Salêdiêng [hay phó tế] nối kết nơi chính mình những tặng phẩm của sự thánh hiến Salêdiêng và những tặng phẩm của tác vụ mục vụ, nhưng theo một cách thức đến nỗi cách thức đặc thù của họ là một linh mục và thực thi tác vụ của họ bắt nguồn từ sự thánh hiến Salêdiêng.” (FSDB 39)

[42] Được trích dẫn trong AGC 335 14. Jean Jerome Hamer, OP, STD (1916-1996) là một Hồng y người Bỉ đã là Chủ tịch của Thánh bộ lo về các Thể chế của đời sống thánh hiến và các hội sống đời tông đồ (1985-1992).

Nguồn: hdgmvietnam.com